March 29, 2024, 6:17 pm

Cao ngựa đun bằng củi vải

 

Việc mời được người họ Hà đến nấu mẻ cao con ngựa trắng làm chú tôi vui lắm. Ông bảo: “Anh sang chú uống rượu với thợ cho vui mà nghe lão họ Hà kể chuyện. Lão nhiều chuyện lắm. Nghe cả đêm không chán đâu”. “Vâng”.

Ở vùng Đông Bắc, ai cũng biết nghề thuốc Nam và cao xương ngựa họ Hà. Nghe nói ngày xưa, thời vua quan, ông tổ họ Hà được vào làm ở Thái y viện trong tận kinh thành, sau đó bị thất sủng. Họ Hà bỏ hẳn nghề lui về làm nương rẫy. Vậy nhưng tiếng tăm của dòng họ không mất, vẫn lưu truyền trong dân gian bởi cách thức tạo ra một thứ cao ngựa thần kì. Đây là món thức ăn bổ dưỡng cho người già, con trẻ... Từ khi dời kinh thành, họ Hà nguyền chỉ cắt thuốc cứu người chứ không nấu cao ngựa nữa. Nhưng do dân trong vùng vẫn yêu mến, ngưỡng mộ nên các đời con cháu cũng thi thoảng vẫn có người đi nấu giúp thiên hạ vài mẻ. Giúp chứ tuyệt không lấy tiền công.

Ông thợ họ Hà khá hóm hỉnh. Đây là một người cao lớn và vâm vóc. Nay đã gần tám mươi tuổi nhưng mắt ông còn xâu được kim chỉ. Ăn được dăm sáu bát bát cơm một bữa, cơ bắp chân tay vẫn săn chắc, lực lưỡng tựa trai trẻ.

“Anh thích nghe chuyện gì: Tam Quốc hay Thủy Hử”... lão nhìn tôi và nheo mắt thăm dò. Khi biết tôi muốn ông lão kể về nghề cao ngựa thì ông ta bỗng im bặt. Sau thấy ông thở dài, như đăm chiêu chứ không hẳn là buồn.  “Chuyện này khó nói lắm”.

 Nhưng mấy đêm liền thấy tôi cứ mon men đến. Chừng như ông họ Hà nể quá, nói: “Tôi năm nay cũng gần được tám mươi tuổi trời cho. Mẻ cao này do nể chú anh thông gia với họ Hà. Vả lại ông chú anh cũng là người nho nhã, lại nhắn nhủ đã lâu. Nên tôi cũng coi đây là mẻ cao cuối cùng phá lời nguyền của dòng họ Hà”. Lại bảo: “Thôi thì trước khi về tôi sẽ kể cho anh nghe chuyện ấy... Suy cho cùng giữ cũng chẳng làm gì!... Nếu như vậy tôi với anh hòa nhé”.

                                                         *

Vào thời nước nhà có cả vua lẫn chúa. Vua và chúa ngoài thì cùng cúi đầu thờ người Hán, trong thì bê trễ việc triều chính, quân cơ... Các quan lớn, nhỏ được đà tranh nhau vơ vét của cải để tích trữ và coi dân tình như cỏ rác. Năm ấy, chàng trai Hà Ân người xứ Đông Bắc được gọi vào lính thú, canh giữ một vùng biên ải. Tại các vùng cao này, triều đình giao cho các thủ lĩnh trong vùng cai quản. Không có gì khổ hơn đời lính thú, đói cơm, rách áo, thiếu thốn mọi bề. Lại phải sống cảnh tạm bợ nơi rừng thiêng nước độc nên bệnh tật đầy mình. Lính là người miền đồng bằng lên không quen thung thổ, ngã nước ốm chết như ngả rạ. Chàng Hà Ân sau vài tháng đầu quân bị ốm một trận thập tử nhất sinh. Khi bò về đến cửa thì không ai nhận ra cái xác ấy xưa là một thanh niên trẻ, khỏe mạnh nhất vùng. Lúc định khiêng đi chôn thì có một vị thày thuốc già đi qua đường bảo hãy còn sống. Thày thuốc mở túi lấy một miếng thuốc, mài vào nước, đổ vào miệng. Mấy phút sau, con bệnh toát mồ hôi, tỉnh lại. Vài ngày sau thì khỏi bệnh.

Đó là một miếng cao ngựa.

Hà Ân được cứu sống. Họ Hà mổ lợn ăn mừng và vái lạy người thày thuốc, xin cho Hà Ân được nhận làm con nuôi để đền ơn cứu mạng. Cảm mến sự chân thành, thày thuốc lưu lại nhà họ Hà một thời gian. Trong những ngày ấy, ngài truyền cho Hà Ân những bài thuốc cứu người và nghề nấu cao bồi bổ sức khỏe. Sau khi giao cho Hà Ân các bí truyền và những lời khuyên, vị ấy đi thẳng vào rừng sâu, khuất dạng. Họ Hà mừng rỡ liền nghe theo cách ấy mà sau thành nghề nổi tiếng. Hà Ân không chết, khi sức khỏe đã ổn, chàng liền quay lại biên ải vì chưa hết kì lính thú. Hơn nữa, chàng cũng nhớ đến thời lính vui buồn trên vùng biên viễn xa xôi. Quan mừng rỡ khi thấy chàng mang những thỏi cao ngựa nhà nấu biếu và trình các quan về công dụng của nó. Quan tức thì giao cho Hà Ân thực hiện ngay việc ấy. Thật không ngờ. Những binh lính trong vùng xưa thân xác xanh rờn như tàu lá vì ngã nước, bạo bệnh nay dùng cao ngựa, cơ thể hồi phục rất nhanh. Cao ngựa đã cứu được mạng cả ngàn người lính cùng dân vùng sơn cước. Không lâu sau, tin ấy lan về triều đình. Viên quan binh nọ được phong thưởng rất hậu, còn Hà Ân được triệu về Thăng Long.

Năm tháng qua đi. Hà Ân đã có một tay nghề vững vàng, lại là người vùng cao sống chất phác nên được các quan đồng nghiệp yêu mến và nâng đỡ.

“Nhưng cuộc đời chẳng bao giờ bình lặng mãi!”. Ở đây, Hà Ân làm việc dưới quyền của quan phó ngự y, hàng ngũ phẩm là Dương Đắc. Họ Dương nổi danh với nghề thuốc, nghề nấu cao súc vật gia truyền bao đời. Thấy Hà Ân được ưu ái thì lấy làm căm tức. Họ Hà lại là người vùng cao vừa vụng về lại thân cô, thế cô sao sánh được với họ Dương có nhiều người quyền cao chức trọng nâng đỡ. Một lần nấu một mẻ cao xong thấy họ Hà lấy một ít tro than và móng ngựa đem về, cho người đi chôn. Dương biết, y liền thêu dệt chuyện Hà Ân có thể sử dụng bùa mê, ma thuật... mê hoặc con người. Nghe lời ấy, Hà Ân bị đuổi khỏi thái y viện, cho về quê quán. Hà Ân buồn bã và thất vọng. Chàng khuyên họ hàng bỏ nghề để tránh họa.

Chuyện cũng chưa hết. Hất cẳng được Hà Ân, quan họ Dương đắc ý trong nghề nấu cao cho thái y viện, tha hồ tự tung tự tác. Dẫu vậy, những thỏi cao ngựa dâng lên vẫn không sao sánh được với loại cao dưới bàn tay Hà Ân. Cao ngựa của họ Dương dẫu vàng như mật ong rừng, thơm mát bổ dưỡng, nhưng không sao sánh được thứ cao dưới bàn tay họ Hà. Cao ngựa họ Hà có sắc đỏ như màu lửa, xốp và mềm mại. Lạnh không cứng, nóng không chảy. Khi cắt một lát mỏng đặt trên đầu lưỡi, uống một ngụm nước trong chớp mắt lát cao đã tan ngay. Dường như trong thứ cao ấy ẩn náu một nguồn sinh lực mới, khiến người dùng khoan khoái vô cùng. Họ Dương muốn giấu biệt những điều ấy, nhưng sao bịt miệng được miệng người đời. Tiếng tăm cao ngựa họ Hà vì thế vẫn còn đó, khiến ngự y họ Dương vô cùng căm hận.

Đến một ngày, Dương Đắc nghĩ ra kế tổ chức một cuộc thi nấu cao ngựa với họ Hà tại dinh thự của cựu quan Châu họ Vi vùng Đông Bắc, nơi họ Hà đang sinh sống, với thâm ý dập tắt hẳn những giai thoại về cao ngựa họ Hà. Được sự trợ giúp của các quan, Dương lại nghĩ rằng họ Hà bỏ nghề đã lâu, nên đây là cơ hội khiến họ Hà cúi đầu khuất phục. Luật thi đề ra: Bên nào thắng, sẽ được hưởng trăm lạng bạc. Bên thua phải nộp số tiền đó, cùng kèm theo toàn bộ dụng cụ hành nghề. Dương biết nếu thua cuộc, nhà họ Hà sẽ sạt nghiệp, phải đi ăn mày. Dương còn cho rằng nếu treo bộ đồ nghề nhà họ Hà nơi thái y viện thì danh tiếng họ Hà kể như đã hết.

Từ chối mãi không được. Hà Ân lo lắng vô cùng. Chàng nghĩ việc thua trăm lạng bạc không sợ. Chỉ nghĩ đến việc từ lúc lập nghề qua mấy chục năm khó nhọc, học hỏi công phu, tìm tòi vất vả... Tiếng tăm giờ đã nổi khắp vùng sơn cước, trăm họ ngưỡng mộ kính nể. Vậy mà giờ đây danh dự của cả dòng họ có thể bị bôi nhọ, ố hoen.

Chàng nhận lời thách đấu.

*

Đúng hẹn. Những cỗ xe ngựa từ kinh thành sang trọng của nhà họ Dương kéo đến. Lính và quan khách đi theo cả trăm người. Trên các xe chở đồ đoàn chật ních những dụng cụ đắt tiền sáng loáng. Những chàng trai trẻ, lực lưỡng dáng điệu nhìn đã biết ngay là những thợ nấu lành nghề nét mặt thật tự đắc. Kém hơn một chút. Đoàn xe trâu chở cánh thợ họ Hà cũng có mươi chiếc, lặc lè những vạc, chảo, lại cả những chiếc chum khổng lồ đựng đầy nước. Lạ nhất là cánh họ Hà còn chất trên xe chật ních những bó củi to, nhỏ đã được cắt bằng chằn chặn. Những chàng trai sơn cước khỏe mạnh, da trắng bóc, vận quần áo chàm nói cười vui vẻ. Dân trong vùng nghe chuyện cuộc thi lạ, kéo đến đứng hai bên đường như đi xem hội. 

Khu vườn lớn nhà quan Châu họ Vi đông nghẹt khách. Các bô lão trong vùng, tóc bạc, râu dài cũng được long trọng mời tới. Các quan nha bản địa ngồi trên. Nghe nói còn có quan chính ngự y đại học sĩ của thái y viện cũng đến làm giám khảo cho công bằng.  Các ngài hẳn cũng nhân tiện lên xứ Đông Bắc, để ngắm cảnh non xanh rừng biếc. 

Một vùng vườn cây được bài trí trang trọng giờ náo nhiệt bởi các màn trình diễn múa hát của các đoàn sơn nữ bản địa áo váy thướt tha. Tiếng trống hội, tiếng đàn sáo vang vọng một vùng. Tất cả háo hức đợi chờ chứng kiến cuộc thi độc nhất, vô nhị.

Hai chú ngựa bạch cao lớn, lông trắng như tuyết, bằng nhau chằn chặn được dắt ra. Đây là loài ngựa cực quý được nuôi thả trên vùng tuyết giá lạnh, nơi những ngọn núi cao nhất trong vùng. Truyền rằng do được uống sương khiết tịnh, hít mây trời, lại được ăn thứ cỏ cây kì lạ gọi là đông trùng hạ thảo, nên mắt mũi và móng ngựa đỏ rực như lửa. Ngựa bạch tạng có dáng đẹp mê hồn, sức vóc phi thường, đi ngàn dặm không nghỉ. Tương truyền một thời ngựa bạch tạng đứng gọi bạn tình, sau bỗng mọc cánh về ban đêm. Người ta từng nhìn thấy chúng bay như những tia chớp qua các ngọn núi đến tìm nhau giao hoan, nên cũng còn gọi là thiên lý bạch mã.

Một tràng pháo nổ ran.

Họ Dương ra nghề trước. Ba đồ tể đất kinh thành dùng thang gỗ khóa đầu và chân bạch mã. Bất ngờ, gã đồ tể béo lùn vung rìu giáng một nhát chí tử vào đầu con ngựa. Bạch mã bị đánh trúng huyệt tử, đau đớn nấc phì lên một tiếng rồi quỵ xuống trong lúc hai chân sau còn quẩy đạp làm đất cát bụi mù. Nhanh như cắt, người đồ tể khác cắm phập con dao lưỡi cong vào yết hầu con vật. Bạch mã rùng mình, máu phun ra như suối... Điêu luyện và thuần thục, chỉ chốc lát, da thịt cùng lục phủ ngũ tạng ngựa được cánh thợ xả gọn gàng thành từng loại và giao cho cánh đầu bếp làm tiệc.

Họ Hà ra nghề sau. Hà Ân tiến đến bên con bạch mã thứ hai đang run lên bần bật. Chàng vỗ nhẹ tay vào thân ngựa. Móc một nắm cỏ để sẵn trong túi dết, vò nhẹ đặt vào miệng ngựa. Một vò nước nhỏ được đưa đến rót vào miệng nó. Lùi lại một bước, Hà Ân khụy một chân như vái con vật, sau áp ngực vào đầu nó. Chàng rút chiếc khăn, phủ nhẹ vào hai đôi mắt con vật như thể lau nước mắt cho bạch mã. Ngẩng cao đầu, chú ngựa hí vang một tiếng rồi quỳ hai chân trước xuống sẵn sàng hiến thân.

Tiếng vỗ tay vang dội khen ngợi tài nghệ của hai cánh thợ. Quan trên ra hiệu cho đại tiệc bắt đầu.

Họ Dương dâng hũ rượu bách xà trăm năm. Họ Hà liền dâng những vò rượu gạo nếp nương đỏ ủ bằng men lá pha tiết ngựa. Nhà họ Dương dâng món dồi tiết ngựa được trộn với gia vị lạc và vừng. Họ Hà trình món tiết tươi trộn thịt cổ hũ và đỗ rang được đúc trong các bát nhỏ, trên phủ những nõn lá sau sau. Họ Dương trình món thịt nóng hổi nướng nhanh trên than hồng chấm với nước mắm cốt cá biển thượng hạng, họ Hà lại mang đến món thịt thăn tươi rói được ngâm tái trong nước cốt chanh chấm với muối ớt ngâm măng tre. Khi họ Dương dâng cháo hạt sen nấu với tim gan ngựa, tức thì họ Hà dâng lên những thỏi cơm lam nướng bằng mỡ ngựa thơm nức, vàng óng ánh trong các ống tre mai. Cuối cùng họ Dương sai gia nhân dâng món thịt lục ướp tương Bần xào với cần Quế Trạc lấy sẵn từ kinh thành. Đây cũng là lúc họ Dương sai người khiêng đến vạc thắng cố đang sôi ùng ục, tỏa dậy mùi quế chi cùng thảo quả... Quan Châu họ Vi làm chủ cả vùng biên ngàn dặm đất nên tiền bạc không kể xiết. Ngoài việc lấy lòng bề trên và phủ chúa bằng cao của cặp bạch mã, quan Châu còn đổ tiền của hòng lấy lòng các quan bằng đại tiệc, hát xướng kéo dài suốt bảy ngày bảy đêm liền.

Vào lúc các quan cùng thực khách ăn uống vui vẻ thì hai bộ xương ngựa được đưa lên bàn cân. Cẩn thận đến từng li. Hai cánh thợ mỗi bên năm người, dụng cụ cầm trên tay, theo trống lệnh bước vào cuộc thi quan trọng nhất.

Xương ngựa được sả chặt ra nhanh như chớp. Trong khi cánh thợ kinh thành của nhà họ Dương dùng dao, nạo, búa... cắt các khúc xương đều chằn chặn. Chẻ và mài sạch gân, tủy sau lau bằng vải khô ngay trên bàn thớt gỗ thì cánh họ Hà dồn xương vào các túi vải, dùng búa đá và rìu đập vụn, sau cho vào thùng gỗ dùng các bó tre trúc đâm xuống cho đến khi các mảnh xương trắng, sạch bong. Nước dùng của họ cũng khác nhau. Họ Dương khiêng ra các chum nước nước tinh khiết. Nước này được thu trong sương đêm từ những lá sen trên mặt ao hồ ở chốn kinh thành vào kì thu phân năm ngoái. Họ Hà xách ra những vò nước trong như ngọc. Loại nước khiết tịnh, được hứng từ những giọt nhỏ li ti rỉ ra trên mặt các phiến đá lớn của con suối đầu nguồn lớn nhất trong vùng.

Các bếp lửa của cả hai cánh thợ gần như cùng một lúc bùng cháy. Lẫn tiếng nước sôi ùng ục là tiếng lửa cháy phì phì. Tiếng lanh canh của chảo, vạc. Tiếng người thở hổn hển gấp gáp cùng những bước đi như chạy. Lọc và vắt. Đảo nhanh và đảo chậm. Quạt lửa và châm nước. Chắt cốt và cô đặc... Tiếng ra lệnh, nhắc nhở của thợ cả vang lên dường như không dứt. Bóng người vào ra như con thoi dệt cửi... Những cơ bắp cuồn cuộn của trai miền đồng bằng mang sức vóc từ các lò luyện võ nổi tiếng đất kinh kì ra sức cùng sức vóc của trai sơn cước lầm lì lội suối trèo non. Mồ hôi đầm đìa trên trán, trên lưng. Ướt rồi lại khô... Ngoài kia, yến tiệc chừng đã vãn, nhưng với hai cánh thợ, cuộc tỉ thí, ganh đua chỉ mới bắt đầu. Cuộc ganh đua kì lạ. Một cuộc đua tuy không dùng mạng sống nhưng dường như còn hơn thế. Bởi đây, cuộc thư hùng một mất, một còn. Họ sẽ đối diện với thành công hay thất bại. Vinh quang hay cay đắng. Danh dự cùng tiếng thơm hay tủi hổ suốt cuộc đời... Trong lúc lang y Hà Ân nhấp nhổm, cắm cúi quanh bếp thì quan ngự y họ Dương ngồi lặng đi. Vào đầu cuộc tỉ thí, Dương cho rằng việc sửa cỗ cho màn ẩm thực của họ Hà cũng tạm được. Nhưng khi thấy cách thức vào nghề nấu cao có phần cổ lỗ, chậm chạp của họ Hà thì quan cả cười. Dương tự tin vào nghề gia truyền nhà mình, cùng tốp thợ kì khôi với tay nghề thượng hạng, lừng danh, họ Hà sẽ không theo kịp. Vả chăng, Dương còn trong tay một độc nghệ truyền kì, sẽ được chính tay mình phô diễn vào lúc chót để giành chiến thắng. Nghĩ vậy, họ Dương ngả lưng, tạm yên lòng.

Ngày thứ tám.

Khuôn viên nhà quan Châu lại chật ắp người. Dân đứng vòng trong, vòng ngoài vây quanh tấm thảm đỏ nơi ngự của quan ngự y đại học sĩ chủ khảo cùng mười vị quan giám khảo của phủ chúa ngồi oai vệ.

Tù và rúc lên. Trống thúc dồn dập như trống trận. Dương ngự y  nai nịt gọn gàng, cúi chào các quan và tiến đến cạnh bếp nơi mẻ cao đang được thợ khuấy đảo những vòng cuối cùng khi thành phẩm. “Dừng lửa”... Bất ngờ, quan rút nhanh trong người ra một chiếc muỗng bạc trắng muốt dài chừng đôi thước rồi ra hiệu cho cánh thợ ngừng tay. Chiếc muỗng bạc trong tay Dương thúc một vòng tròn quanh vạc, sau rít lên, xoay vù vù. Cao trong vạc chuyển từ màu vàng nhạt sang màu trắng sữa. “Tấc”. Cao rời nồi, quyện chặt vào chiếc muỗng, loang loáng như một quả bóng vàng màu hổ phách, sau được đổ ập vào bộ khuôn bạc trên bàn trong những trận pháo tay vang động.

“Tám cân bảy lạng”! Lượng cao được xướng lên.

Họ Hà dường như đã cam chịu. Vào lúc ấy, bếp cô cao của họ vẫn ì ạch. Các chàng thợ sơn cước vẫn căng người, dạng chân chèo, ra sức đảo một thứ nước sền sệt sôi bùng bục, đang dềnh lên dềnh xuống. Chính lúc ấy, Hà Ân chợt đứng dậy cởi phăng chiếc áo chàm, quấn quanh bụng. Chàng vươn vai, hít một hơi thở thật dài và nhẹ nhàng đỡ lấy chiếc muống gỗ màu đen của người thợ. Chàng xuống tấn lấy đà, vung tay đảo làm chiếc nồi xoay tít. Quay xuôi và quay ngược... Trong chớp mắt, chiếc nồi và muỗng gỗ sạch bong bay ra khỏi bếp. Đôi bàn tay trần của Hà Ân đỡ lấy, nâng nắm cao ngựa nóng ngàn độ, xoay tít và quật tới tấp vào chiếc cột tre mai nhẵn bóng được dựng cạnh như cách người quật kẹo mạch nha. Cao được kéo dài, cuộn tròn và gập lại, sau được đặt vào khuôn. Gần như ngay lập tức, Hà Ân lấy bên sườn ra một vò nước nhỏ, xoa hai bàn tay và vuốt lướt nhanh trên mặt cao đang còn hôi hổi nóng. Sự thần kì đã xảy ra. Màu sắc cao bỗng từ vàng tơ dần chuyển sang đỏ rực như màu lửa, sau tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng tựa hương của hoa rừng.

“Tám cân chín lạng dư”. Tiếng loa xướng lên dõng dạc.

Quan chủ khảo tuyên bố: Cao ngựa của quan ngự y họ Dương đẹp về màu sắc, thắng về thời, nhưng thua về lượng. Chất cao còn thảng mùi kim khí và khói bếp. Xếp vào loại thượng hạng. Cao nhà họ Hà bị thua về thời nhưng thắng về lượng. Chất cao ngựa họ Hà đạt tinh tuyền, màu sắc và hương thơm thần diệu. Xếp vào loại đại thượng hạng. Họ Hà đã thắng.

       ...

Sau này, trong một số ít ỏi sách truyền dạy nghề nấu cao ngựa còn chép lại cuộc thi kì lạ này. Đặc biệt có đoạn vấn đáp của quan giám khảo và người thắng cuộc là Hà Ân danh y người Nùng xứ Đông bắc, thời chúa Trịnh Tùng, như sau.

“Tại sao thu được lượng cao lớn hơn khi lượng xương như nhau”.

“Thưa, thần đun xương bằng củi vải thiều. Củi vải cho lửa vừa đủ để hầm khiến nhựa trong xương tiết ra nhiều nhất. Lửa từ củi vải nóng mà không rát, cháy mà không khói. Củi ủ thành than có thể dùng đến hai ba canh giờ không tàn. Một xe củi khi cháy hết cũng chỉ còn lại một dúm tro nhỏ”.

“Ngươi xoa thứ nước gì để khiến cao chuyển thành màu đỏ”.

“Đó là nước mắt của bạch mã lúc hiến thân”.

“Tại sao cao ngựa người làm không có mùi kim khí”.

“Thần sử dụng muôi gỗ, búa đá... từ khi đập, giã xương”.

“Mỗi lần nấu xong mẻ cao, ngươi đều lấy mang về một bộ móng, dúm lông đuôi và ít xương tàn. Đó có phải là dùng làm tà thuật như khi xưa thái y viện kết tội không”.

“Thưa quan, không! Đó là lời thày dạy cách đền đáp, tri ân cây và vật. Chỉ cần rắc một dúm tro than, cùng ít bột xương ngựa xuống gốc cây vải thiều còn gọi là lệ chi. Phủ lên đó một lớp mỏng đất màu. Những cây vải thiều ấy sẽ ra hoa chi chít từ gốc đến ngọn, cho quả ngọt, sắc lại đỏ như nhuộm phẩm... Ngựa là loài vật sinh ra để thủy chung với người và đồng loại nó, nên cũng có tinh anh. Khi xương cốt mang hết tinh lực ngựa, hóa thành cao tận hiến thì tinh anh của nó cũng tan ra cùng trời đất... chu du chốn miên trường. Nên khi vùi móng và dúm lông ngựa xuống đất, ấy là cách hồi phục lại thân xác, hình hài con vật... để mong rằng hồn phách nó sẽ có ngày tìm đến, tụ lại... Biết đâu một lần nữa, chúng chẳng được trở lại thế gian làm một kiếp ngựa để lại hai sương một nắng cùng giới cần lao. Để sống chung thủy và được con người gọi bằng một câu thân thương: Khuyển mã chi tình”.

Nguồn Văn nghệ số 11/2019

                                                                                                                        


Có thể bạn quan tâm