April 19, 2024, 3:59 pm

Canh Tý – năm triển khai nền ngoại giao gắn kết và thích ứng

 

Lịch sử rồi đây sẽ ghi nhận Mùa Xuân Canh Tý mở đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21 là thời điểm nền ngoại giao Đổi mới sau nhiều năm tìm tòi và kiến tạo, thực sự chuyển mình, tiếp tục những bước tiến trưởng thành trên con đường tự tin Hoà nhập – Khu vực và Toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên, giữa bao nhiêu giông bão của môi trường quốc tế từ Kỷ Hợi, Việt Nam đã chọn motto “Gắn kết và Chủ động Thích ứng” (Cohesive and Responsive) làm chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020.

 Năm 2020  Việt Nam sẽ thực hiện “vai trò kép” vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là Ủy viên Không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC)Nguồn Internet

Từ Mùa Xuân này, cả nước sẽ hướng về sự kiện trọng đại nhất, đó là công việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng đấy là môi trường quốc nội. Còn môi trường quốc tế, hiển nhiên quan trọng và sát nách nhất vẫn là cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng từ nay còn mở rộng thêm một không gian đại dương liền kề, đó là khu vực “Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP). Vâng, ASEAN và FOIP, đó là hai không gian vừa quen biết vừa lạ lẫm đối với một nền ngoại giao trải qua bao thập kỷ, vẫn phải vất vả chống đỡ với các “phản ứng phụ” từ bàn cờ của mô thức “hai phe bốn mâu thuẫn”. Từ nay, cũng chưa hẳn trời đã quang mây đã tạnh, bởi vì tình hình vẫn còn diễn tiến khá phức tạp. Hành vi nước lớn ức hiếp nước nhỏ, chủ nghĩa cường quyền lên ngôi trong quan hệ với lân bang… Hẳn nhiên, chúng ta hoạt động ngoại giao trên giá đỡ của sức mạnh tổng hợp lẫn minh triết từ cha ông, nhưng tương quan thực tế giữa một đại cường với một quốc gia tầm cỡ như Việt Nam, vẫn đặt ra nhiều cảnh báo không thể xem thường.

 

Cân bằng – Tự cường – Thực dụng

Mấy năm nay, trong cả giới chuyên gia lẫn các nhà hoạch định chính sách đối ngoại đã/ đang cỗ võ cho ý tưởng, Việt Nam cần phấn đấu để trong một thời gian không xa, có thể trở thành một quốc gia tầm trung trong khu vực. Nhưng để chạm tới tầm mức ấy, rõ ràng không chỉ ngành ngoại giao, mà nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Minh triết của tiền nhân, chúng ta đã nghe nhiều: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng” (Hồ Chí Minh). Nhưng để thấm được bài học đắt giá ấy, thiết tưởng chúng ta nên khiêm cung, nhìn lại lịch sử mới hôm qua đây thôi. Đúng là các hiệp định nổi tiếng ấy, Giơ-ne-vơ (1954) và Pa-ri (1973) xứng đáng là những ngọn hải đăng khi con thuyền Ngoại giao Việt Nam “giương buồm” ra khơi. Nhưng liệu chúng ta đã nếm đủ “vị mặn chát” của thân phận nước nhỏ, bao phen gần như bị “bán đứng” trên bàn cờ các nước lớn lúc họ thí tốt, thí xe? Và điều quan trọng hơn, khi các “con tàu văn minh” của nhân loại lần lượt cập bến các “nhà ga lớn: 1.0, 2.0 và 3.0”, thì dân tộc ta hầu hết đều “nhỡ hẹn” với lịch sử.

Tác giả bài viết này có nhiều dịp “trải lòng” với một số đại sứ trong và ngoài ASEAN về một đề tài vốn rất quen thuộc giữa các nhà ngoại giao. “Nước bạn có vấn đề an ninh không?”. Đa phần các câu trả lời đều giống nhau: “An ninh phi truyền thống thì có, nhưng nếu hiểu an ninh theo nghĩa hẹp (truyền thống) thì đất nước chúng tôi không mấy khi phải đối mặt”. Lại hỏi: “Nước bạn có nguy cơ bị một nước lớn hay một lân bang cụ thể nào đó tấn công?”. Câu trả lời: “Không! Chúng tôi không có nguy cơ bị nước cụ thể nào tấn công hay bắt nạt”. “Bạn chỉ dựa vào thực lực của mình?” - “Không, thực lực chỉ là một phần. Chúng tôi dựa vào các hiệp ước liên minh…”. Một vài thành viên ASEAN có hiệp ước liên minh với Hoa Kỳ (Philippines, Singapore, Thái Lan…) còn nhiệt tâm giải thích cặn kẽ về một vài “góc khuất” trong các thoả thuận ở cấp độ quốc gia. Những thành viên còn lại, phần lớn đều chất vấn ngược, và hỏi thẳng, tại sao Việt Nam cho đến giờ này vẫn chưa thoát được sức ép của “an ninh truyền thống”? (Ở đây cần hiểu là vẫn luôn bị nước khác đe doạ tấn công)…

Vào dịp cuối năm (9/12/2019), trang “thediplomat.com” có đăng bài “Phương cách để ‘cá bé đe cá lớn’ trên Biển Đông”. Bài viết phân tích, dù Trung Quốc trong năm qua đã quân sự hoá Biển Đông với quy mô và tốc độ đáng ngại, nhưng các hòn đảo cưỡng chiếm ấy không hẳn là bất khả xâm phạm. Việc duy trì quyền kiểm soát và giữ ưu thế trong các hoạt động trên không/trên biển là nhiệm vụ khó khăn đối với Bắc Kinh. Tình huống càng trở nên hiểm nghèo nếu các nước duyên hải như Việt Nam hay Philippines triển khai những nguồn lực kiểm tra toàn bộ hệ thống các hòn đảo nhân tạo ấy. Và phương cách tự vệ bằng quân sự này làm chúng ta liên tưởng tới một đối sách nổi tiếng khác, đó là triết lý “con tôm độc”, một xú danh từ đảo quốc Singapore. Nội hàm của “con tôm độc” chính là đường lối cân bằng, tự cường và thực dụng của nước cộng hòa này. Để sống yên bình giữa cả bầy cá lớn nhỏ, quốc đảo này không thể chỉ làm một quốc gia bình thường, nó phải trở thành một đất nước mà bất cứ quốc gia nào cũng phải kiêng nể và trả giá nếu cố tình “xơi tái” nó.

 

Nan đề sẽ phải vượt qua

Phó Giáo sư Oriana Skylar Mastro, Trường Đại học Georgetown và là học giả thường trú tại Viện Kinh doanh Hoa Kỳ, trong bài viết đăng trên tờ The Economist (25/11/2019) bà dự báo rằng nếu năm ngoái, Hoa Kỳ và Trung Quốc cạnh tranh trong cuộc chiến thương mại thì sang năm Mậu Tý, hai nước sẽ đẩy mạnh ganh đua về an ninh. Cuộc thư hùng Trung – Mỹ để nắm quyền lãnh đạo châu Á sẽ gia tăng và Biển Đông sẽ là một trong những khu vực diễn ra sự cạnh tranh căng thẳng đó. Trung Quốc sẽ đi xa hơn trên Biển Đông, bằng cách có thể thiết lập thêm nhiều tiền đồn mới trên Trường Sa, chiếm bãi cạn Scarborough bằng máy bay không người lái. Trung Quốc cũng có thể tăng cường khả năng quân sự nhằm chiếm đóng các thực thể ở Trường Sa, Hoàng Sa, hoặc đưa ra tuyên bố tiếp tục hạn chế quyền tự do hải hành của các quốc gia khác. Trung Quốc đã chiếm giữ các khu vực này bằng những phương thức cưỡng chế, tức là bằng cạnh tranh không mấy lành mạnh. Và do đó, Trung Quốc sẽ không bao giờ thoả hiệp. Căng thẳng vì vậy sẽ gia tăng.

Khi phân tích vai trò Chủ tịch luân phiên 2020, Giáo sư Aleksius Jemadu, khoa Chính trị quốc tế, Đại học Pelita Harapan (Indonesia) nhấn mạnh: “Hà Nội hiện đứng trước nan đề. Một mặt, không thể hy sinh quan hệ kinh tế vốn ngày càng thắt chặt với Trung Quốc. Bởi nếu không, điều này sẽ tạo sự gián đoạn đáng lo ngại cho đà tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nhưng mặt khác, Việt Nam cũng không muốn tỏ ra yếu đuối và do đó, nước này sẽ làm hết sức mình để đưa ra những gì mà quốc gia này xem là yêu cầu chính đáng của họ ở Biển Đông. Đây là lý do tại sao ngay từ đầu, Hà Nội rất chú trọng vào việc tạo sự gắn kết và khả năng phản ứng của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực. Hà Nội sẽ tận dụng vai trò của ASEAN để nâng vị thế thương lượng của mình với Bắc Kinh. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia khác và nhấn mạnh tầm quan trọng về sự hiện diện và tham gia của các nước này, nhất là của Hoa Kỳ, trong các cơ chế của ASEAN, nhằm bảo đảm sự hài hòa và ổn định khu vực”.

Trích dẫn như trên, người viết đồng ý với giới phân tích rằng, Việt Nam vẫn còn đối mặt với khá nhiều thách thức. Đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN đối với Việt Nam hoàn toàn không hẳn là con đường trải toàn hoa hồng. Chúng ta nhận thức rõ rằng, thách thức lớn nhất tới đây là làm thế nào để bảo đảm rằng tất cả các thành viên ASEAN sẽ lên tiếng trong việc thuyết phục Trung Quốc đẩy nhanh việc hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc COC. Xét về tổ chức, ASEAN là một liên kết khu vực, với mỗi nước luân phiên nắm vai trò chủ tịch. Điều này có thể sẽ hạn chế tính linh hoạt của tổ chức này trong việc đối phó với các vấn đề chung. Việt Nam dự kiến sẽ tìm cách tăng cường bộ máy của ASEAN, đặc biệt là vai trò của Tổng thư ký. Với việc là Chủ tịch, Việt Nam sẽ biết cách ưu tiên cho các lợi ích của tổ chức trước các lợi ích của bản thân. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể tiến xa hơn trong việc hàn gắn sự thống nhất ASEAN, bởi điều này rất quan trọng với một cộng đồng đang phát triển mạnh về kinh tế, có sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

 

Không lội ngược dòng lịch sử

Đối với vấn đề hoà nhập, giữa những ngày đất nước còn chiến tranh, tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ. Từ năm 1964, Người khẳng định: “Việt Nam là một bộ phận của thế giới… không thể đi ngược dòng lịch sử được”. Hơn bao giờ hết, giờ đây chúng ta ý thức rằng, độc lập dân tộc từ nay sẽ gắn liền với hoà nhập quốc tế. Hoà nhập càng sâu rộng, độc lập dân tộc cảng được bảo đảm một cách vững chắc! Vì vậy, motto “Gắn kết và Chủ động Thích ứng” trong trường hợp thành công, sẽ là xung lực đối với nền ngoại giao Đổi mới và Kiến tạo. Chúng ta cố gắng đột phá trong nghiên cứu và dự báo chiến lược (Để gắn kết). Chúng ta cũng sẽ tìm cách để không chỉ tổ chức Hiệp hội Đông Nam Á, mà bản thân Việt Nam cũng sẽ hoà nhập tốt hơn với môi trường quốc tế mới, bằng 5 ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình (Để chủ động thích ứng). “Gắn kết và Thích ứng” sẽ thúc đẩy ASEAN, với tư cách là một cộng đồng cũng như từng thành viên sẽ góp phần hiện thực hoá “Tầm nhìn của ASEAN đối với FOIP”, tức là văn kiện AOIP (Asean Outlook on Indo-Pacific).

Hẳn nhiên, chúng ta nhận thức rõ rằng, để trở thành một tổ chức “theo sát” hay một thành viên “theo sát” FOIP, con đường của cả ASEAN lẫn Việt Nam còn nhiều gập ghềnh, lắm nỗi truân chuyên. Thách thức lớn nhất đối với “vai trò kép” ASEAN là  tổ chức này không muốn rơi vào tình thế buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Vẫn còn nhiều thế lực muốn xông vào “cái máng lợn” kinh tế của Bắc Kinh, trong khi vẫn thích neo đậu “vào cái ô an ninh” của Washington. Rõ ràng, Không gian Ấn Thái Dương (FOIP) ra đời là để đối trọng với Chiến lược Vành đai Con đường (BRI). Ở đây, không chỉ có lợi ích kinh tế - thương mại đối chọi nhau, mà quan trong hơn là sự đối dầu giữa các thế giới quan về “Trật tự quốc tế” trong tương lai, là sự cạnh tranh giữa hai mô thực quản trị xã hội và xây dựng các cấu trúc trong khu vực cũng như trên toàn cầu dựa vào luật lệ hay dựa vào cách hành xử mạnh được yếu thua của phường thảo khấu! Sự lựa chọn là rõ ràng nhưng hạn hẹp. Ở đây, mọi trò “du dây” hay “động tác giả” đều không có chỗ đứng. Trật tự tương lai chưa bao giờ nghiêm khắc và nhất quán như ngày nay.

Trong họp báo ngày 18/11/2019 tại Hà Nội, được hỏi về ý nghĩa và thách thức khi Việt Nam sẽ thực hiện “vai trò kép” vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là Ủy viên Không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “Việc Việt Nam đảm nhận hai nhiệm vụ này cùng một lúc là nhiệm vụ nặng nề song đây là cơ hội rất đáng quý. Việt Nam sẽ là cầu nối của Liên Hợp Quốc với ASEAN để thực hiện triển khai các chương trình, các kế hoạch của ASEAN đồng bộ với những mục tiêu của Liên Hợp Quốc”. Thật vậy, với “nhiệm vụ kép” này, vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam sẽ có trọng lượng hơn và sẽ được nhiều quốc gia quan tâm hơn. Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ phải phối hợp với các quốc gia, các thành viên của ASEAN cũng như là với các thành viên của Hội đồng Bảo an và các quốc gia khác tại Liên Hợp Quốc để bảo đảm sự cân bằng cũng như quan tâm chính đáng tới lợi ích của các bên phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

 

Vĩ thanh

Ngày 29/11/2019, tại New Delhi (Ấn Độ) một Hội nghị quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Trường Đại học Toàn cầu (O.P. Jindal) nhằm đề cập tới những thách thức hiện tại trên Biển Đông và dự báo các triển vọng cho tương lai. Hội nghị rất chú ý đến các động lực đang tiến triển trên vùng biển quốc tế có nhiều tranh chấp ấy cũng như tác động của chúng đối với chính trị nước lớn và lòng tin vào trật tự hàng hải quốc tế. Đây là dịp Việt Nam nên lên tiếng cảnh báo cộng đồng Ấn Thái Dương rằng, nếu các thành viên phớt lờ các diễn biến trong mùa hè 2019 tại khu vực Bãi Tư Chính (thuộc chủ quyền của Việt Nam), thì đó là một thiếu sót nguy hiểm. Việt Nam nên đi đầu trong việc tìm ra giải pháp khả thi để bảo vệ lợi ích của các nước nhỏ trong khu vực. Điều thú vị là không chỉ Trung Quốc mà ngay cả Hoà kỳ cũng bị các học giả phê phán. Hội nghị đã đưa ra cảnh báo Mỹ phải cam kết thực hiện các trách nhiệm quốc tế mạnh mẽ hơn nữa thông qua chiến dịch tự do hải hành (FONOP), thay vì yêu cầu tăng thêm chi phí để họ đóng quân tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các học giả cũng tập trung phân tích quan điểm về “Trật tự quốc tế hậu Mỹ”. Đặc biệt là tác động của quan điểm này đối với thế giới quan của Trung Quốc, vốn được coi là mối quan ngại lớn nhất hiện nay của cộng đồng quốc tế. Hội nghị cũng yêu cầu tất cả các Uỷ viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và hối thúc tổ chức một cuộc họp của UNSC để nêu bật sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Cần phải sớm hoàn tất Bộ Quy tắc COC mà không được gây tổn hại đến quyền lợi của các nước nhỏ như Việt Nam. Trong bài phát biểu đặc biệt của mình tại Hội nghị, Giáo sư Brahma Chellaney, một nhà phân tích chiến lược lỗi lạc, đánh giá rằng, phản ứng của Việt Nam trước các hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở khu vực Wanguard Bank (Bãi Tư Chính) mùa hè qua cần được lưu ý và tán thưởng. Vị Giáo sư Ấn Độ này cho rằng, dù sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế còn ở mức tối thiểu và không rõ ràng, nhưng Việt Nam vẫn tìm cách bảo vệ Vùng đặc quyền kinh tế và các lợi ích hàng hải của mình.

Cuối cùng, nền ngoại giao Đổi mới không dừng lại khi bàn giao chiếc búa Chủ tịch ASEAN lần thứ 31 cho Myanmar. Ánh sáng và sức lan toả của chính sách đối ngoại mới ấy cần được chuyển tải tới Đại hội ĐCSVN lần thứ 13. Không chỉ nội dung, phương thức mà cái chính là cách nhìn nhận “Bàn cờ lớn” của thế giới sẽ mang tới Đại hội và tới toàn đất nước để cảm nhận được động lực đột phá. Nói theo các yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, làm sao để có thể đạt kết quả nhiều hơn, tốt hơn, không bỏ lỡ hoặc không tận dụng triệt để cơ hội? Trong quan hệ với các nước đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn, có những “điểm nghẽn” nào cần tháo gỡ hoặc khâu “đột phá” nào cần mở ra? Các khuôn khổ quan hệ đã ký kết có tạo được hiệu quả tương xứng với tên gọi hay còn mang nặng tính hình thức? Mùa Xuân Hà Nội đang vẫy gọi, chưa bao giờ đối ngoại và đối nội cần tích hợp với nhau làm một để xử lý một cách hiệu quả các vấn đề phát sinh, tăng cường xây dựng lòng tin trong quốc nội cũng như với bạn bè quốc tế./.


Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020


Có thể bạn quan tâm