April 20, 2024, 9:06 pm

Cánh chim mùa xuân

KUNIKIDA DOPPO (1871-1908) sinh ra ở Choshi tỉnh Chiba. Tên thật là Tetsuo. Trong khi đang học tại trường trung học chuyên nghiệp Tokyo (nay là đại học Waseda) ông đã gửi bài cộng tác với các tạp chí như Tuổi trẻ Shikai, Tạp chí nữ sinh.... Sau đó ông tham gia tạp chí Văn học thanh niên, và tiếp tục gửi bài cộng tác cho báo Kokumin Shimbun với tư cách phóng viên chiến trường trong cuộc chiến Nhật - Trung. Năm 1897 ông công bố tiểu thuyết đầu tay (Tạm dịch) Chú Gen. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là (Tạm dịch): Thị trấn Musashino, Những người không thể quên…

1.

Cách đây 6,7 năm, tôi làm giáo viên dạy Anh Văn và Toán ở một địa phương nọ.

Kunikida Doppo (1871-1908) 

Ở thị trấn ấy, có một ngọn núi tên là Shiroyama, đó là một ngọn núi tối tăm với nhiều cây to lớn rậm rạp. Mặc dù không cao lắm nhưng vì cảnh sắc cực kỳ phong phú nên lúc nào đi dạo tôi cũng leo lên đó. Trên đỉnh núi còn lại dấu tích một tòa lâu đài. Cảnh tượng những dây leo và cây Liên Hương bám chặt trên nền đá cao, nhuộm thành một màu đỏ đậm trông kỳ thú không diễn tả được bằng lời. Nơi tòa lầu chính ngày xưa giờ đã thành bình địa, ở đó, chẳng biết tự bao giờ, những cây thông con và cỏ mùa hè đua chen rậm rạp, gợi nên những nỗi niềm hoài cổ bi ai khi nhìn. Không biết bao lần, tôi nằm dài trên bãi cỏ, nhìn vẻ u trầm của khu rừng đã mấy trăm năm chưa ai động đến, tận hưởng thú thôn quê vùng ngoại ô.

Tôi nhớ đó là một buổi chiều chủ nhật, cuối thu, bầu trời trong xanh như nước, khu rừng Shiroyama xào xạc dữ dội bởi những cơn gió mạnh. Như thường lệ, tôi trèo lên đỉnh núi, trong khi đang ngắm nhìn ngôi làng ngoại ô xa xa nhuộm vàng trong ánh trời chiều đang ngả dần về tây và đọc cuốn sách mang theo thì chợt nghe thấy tiếng trò chuyện, tôi liền bước đến mép nền đá nhìn xuống. Chẳng có gì khả nghi, chỉ là ba cô bé đang nhặt những cành cây khô. Có lẽ do gió lớn, củi kiếm được nhiều nên họ cứ chất lên lưng rất nhiều và tìm kiếm thêm xung quanh. Vừa chuyện trò thân mật, vui vẻ hát hò vừa lượm nhặt. Những cô bé chừng 12, 13 tuổi, có lẽ là con của những gia đình nông dân nào quanh đấy.

Tôi chỉ nhìn xuống một lát và quay lại đọc sách rồi quên bẵng mấy cô bé tự lúc nào. Đột nhiên, nghe thấy tiếng thét, tôi ngạc nhiên nhìn xuống, không biết ba cô bé gặp phải chuyện gì mà hoảng hốt bỏ chạy với bó củi trên lưng, vội vàng trốn vào phía bên kia tường đá. Thấy kỳ lạ, tôi chú ý nhìn xuống thì thấy có gì đó từ trong khu rừng âm u, nơi chẳng có lối đi, đang rẽ cỏ tiến lại. Ban đầu chẳng biết là gì nhưng sau khi ra khỏi rừng và xuất hiện ở dưới tường đá thì ra là một cậu bé chừng 11, 12 tuổi. Cậu ta mặc chiếc áo với ống tay màu xanh sẫm, thắt lưng bằng vải cô-tông trắng trông như con cái nhà nông mà cũng trông như con nhà thành phố.

Cậu cầm một khúc gậy nhìn ngó xung quanh rồi khi bất chợt nhìn lên trên nền đá, hai chúng tôi bất ngờ chạm mặt nhau. Cậu bé lặng nhìn tôi rồi cười toe toét. Nụ cười thật khác thường. Khuôn mặt tròn tái nhợt, đôi mắt mở to ngơ ngác làm tôi nhận ra ngay không phải là một đứa bé bình thường.

- Thầy đang làm gì thế?

Tôi hơi ngạc nhiên khi cậu cất tiếng hỏi. Bởi vì, thị trấn nơi tôi dạy học lúc ấy chỉ là một thành phố rất nhỏ ở ngoại thành, về phía tôi, ngoài những học trò của mình tôi chẳng mấy biết ai, còn những người địa phương, họ chỉ biết đại khái tôi là một thầy giáo trẻ đến từ thủ đô, do đó mà khi đứa trẻ gọi như thế, tôi rất lấy làm lạ. Khi nhận ra điều đó, tôi cũng cất tiếng nhẹ nhàng:

- Đang đọc sách, đến đây đi!

Nghe nói thế, đứa bé nhanh chóng bám vào vách đá trèo lên như một chú khỉ. Bởi vì nền đá cao như một bức tường 5 gian (gian – đơn vị đo chiều dài của Nhật, 1 gian = 1,818m – ND) nên trong khi tôi đang ngạc nhiên định bảo cậu dừng lại thì cậu đã nhanh chóng bám vào một nhánh cây Liên Hương trong tầm với rồi thoăn thoắt leo lên, nhảy ngay đến bên cạnh tôi, mỉm cười toe toét.

- Em tên là gì? Tôi hỏi.

- Roku.

- Roku? Là số sáu à?

Cậu bé gật đầu và nở nụ cười kỳ lạ như trước, nhìn chằm chằm vào mặt tôi đến khó chịu với cái miệng hơi mở ra.

- Em lên mấy rồi, tuổi ấy?

Trông có vẻ như cậu không hiểu nên khi tôi hỏi lại thì cậu bé nhếch chiếc miệng kỳ lạ, cử động môi nhưng rồi đột nhiên xòe đôi tay ra, bẻ từng ngón, đếm 1, 2, 3… rồi nhảy đến 10, 11, và ngẩng mặt lên nghiêm túc.

- Mười một! - Cậu trả lời với cái vẻ không khác gì một đứa bé lên 5 tập đếm.

- Chà giỏi quá!

- Mẹ dạy đấy.

- Em không đi học à?

- Không.

- Sao lại không đi vậy?

Đứa bé cúi đầu nhìn ra chỗ khác, vì nghĩ là nó đang suy nghĩ nên tôi chờ đợi. Đột nhiên cậu ta cất tiếng A A như một người câm rồi lao đi.

- Roku, Roku ơi! – Tôi quá bất ngờ, gọi cậu dừng lại.

Cậu ta vừa chạy vừa thét lên “Quạ, Quạ”,  lao xuống khỏi nền đài mà chẳng ngoái đầu nhìn lại, nhanh chóng trốn đi.

2.

Hồi đó, tôi ở trong một nhà trọ nhưng do hơi bất tiện nên đã hỏi thăm nhiều người, cuối cùng thuê một căn phòng rộng hai gian trên tầng hai của gia đình nhà Taguchi, mọi việc ăn mặc đều nhờ vào họ.

Nhà Taguchi ngày trước là một Karo (Gia lão – Một chức quan và samurai cố vấn cao cấp của lãnh chúa – ND), sở hữu một dinh thự lớn từ xưa, sống đầy đủ dưới chân núi Shiroyama nên cho thuê tầng hai. Họ chăm sóc tôi chỉ vì quá ưu ái. Điều ngạc nhiên là, ngay sáng hôm sau ngày chuyển đến nhà Taguchi, khi thức dậy và định tản bộ, tôi trông thấy đứa bé đã gặp ở núi Shiroyama đang quét vườn.

- Chào em, Roku! – Tôi chào nhưng đứa bé chỉ nhìn tôi, nhoẻn miệng cười, tiếp tục quét những chiếc lá rụng bằng cây chổi cỏ mà chẳng nói gì.

Những ngày sau, rốt cục có lẽ là do tôi đã quá quan tâm nên đã quan sát, nghe ngóng, biết được thân thế đứa bé… Cậu ta được gọi là Rokuzo, là cháu trai của ông chủ Taguchi và bị chứng thiểu năng bẩm sinh. Bà mẹ chừng 45, 46 tuổi, sớm chia tay chồng, đưa hai đứa con về nhà mẹ đẻ nương nhờ anh trai. Chị gái của cậu tên là Oshige, lúc ấy đã 17 tuổi, và dưới cái nhìn của tôi, cũng có thể nói là bị thiểu năng rất đáng thương.

 Ông chủ nhà Taguchi ban đầu cũng cố giấu chuyện những đứa trẻ ngốc nhưng rồi không thể giấu được nên cuối cùng, vào một đêm, ông đến phòng tôi, sau khi chuyện trò về việc dạy dỗ thì ông kể chuyện về đứa cháu gái và cháu trai bị chứng thiểu năng ấy. Và bàn với tôi xem có thể dùng cách nào đó để dạy cho chúng được chăng. Theo lời ông kể thì cha của những đứa bé đáng thương đó là một kẻ nát rượu nên đã tự rút ngắn tính mạng mình cũng như làm khánh kiệt gia sản. Và đứa cháu gái, cháu trai ấy lúc đầu cũng được cho đi học nhưng cả hai chẳng học được gì, cho dù giáo viên có cố gắng thế nào đi nữa cũng vô ích, hoàn toàn không thể dạy chúng cùng với các học sinh khác được vì luôn bị những học sinh tinh quái khác xem như công cụ để đùa bỡn, vì thấy chúng quá đáng thương nên đành cho nghỉ học.

 Sau khi nghe kể chi tiết, cuối cùng tôi cũng biết rõ chuyện của những đứa trẻ ấy. Tuy nhiên, mặc dù ông chủ không nói ra nhưng em gái của ông, tức là mẹ của hai đứa bé, trông cũng không bình thường. Tôi phát hiện ngay ra nguyên nhân dẫn đến chứng thiểu năng của hai đứa bé, có thể do ông bố nghiện rượu nhưng cũng có lẽ là do di truyền từ mẹ. Tôi cũng biết có phương pháp dạy cho những đứa trẻ bị chứng thiểu năng nhưng việc đó cần có kiến thức chuyên biệt nên khi nói chuyện cùng ông chủ Taguchi tôi đã không đề cập đến, chỉ bảo rằng việc đó không phải là chuyện dễ dàng.

 Thế nhưng sau đó, dần dần cứ nhìn thấy Oshige và Rokuzo là tôi lại đâm ra thương xót không chịu nổi. Tôi nghĩ rằng trong các thương tật chẳng có gì đáng thương hơn chứng bệnh đó. Hơn cả những bất hạnh như bị câm, điếc, hay mù. Những người không thể nói, không thể nghe hay không thể nhìn còn có thể suy nghĩ được. Suy nghĩ được thì có thể cảm nhận được. Nhưng một khi bị thiểu năng, thì tâm hồn bị câm, mù và điếc... Dù sao cũng mang hình dáng con người nên không phải là hoàn toàn không cảm nhận được gì nhưng so với người bình thường thì chẳng có được một phần mười. Ngoài ra, cho dù thân thể không hoàn thiện nhưng tâm trí vẫn hoạt động tốt thì còn chấp nhận được nhưng khi tâm trí bị méo mó thì hình dáng cũng trở nên kỳ cục. Thật đáng thương, dưới con mắt người bình thường, họ khóc, cười, vui mừng hay khổ đau đều có bộ dạng khùng điên.

Oshige thì đã đành nhưng Rokuzo vẫn đang là một đứa bé ngây thơ nên tôi cảm thấy thương hơn, nếu bằng sức của con người, có thể làm điều gì đó để giúp trí óc nó hoạt động thêm được một chút thì tôi cũng muốn làm.

Sau cuộc chuyện trò cùng ông chủ nhà chừng 2 tuần, một đêm chừng 10 giờ, lúc tôi chuẩn bị đi ngủ thì mẹ của Rokuzo vừa nói vừa bước vào phòng.

- Thầy đi ngủ à?

 Đó là một người đàn bà thấp bé, ốm o, đầu nhỏ, khuôn mặt trung niên, nhuộm răng như kiểu người thời xưa, có thói quen lúc nào cũng hơi mở miệng với nụ cười ngờ nghệch hiền lành.

- Cũng đang chuẩn bị đi ngủ.

 Chị ta ngồi xuống cạnh lò sưởi lúc tôi trả lời.

- Tôi có chuyện muốn nhờ thầy – Chị mở lời với vẻ khó khăn.

- Chuyện gì thế ạ?

- Là chuyện của Rokuzo. Vì nó ngơ ngẩn như thế nên tôi không thể không bỏ đi vẻ ngốc nghếch của mình mà không lo lắng cho tương lai của nó.

- Đúng rồi. Nhưng tôi cũng không có cách nào – Tôi chợt buông lời an ủi chị ta vì thương cảm.

3.

Đêm đó, tôi đã từ từ lắng nghe người mẹ kể, nhưng điều gây ấn tượng nhất là tình mẫu tử. Như đã nói, người phụ nữ này chỉ nhìn qua là biết không bình thường nhưng khi lo lắng cho căn bệnh của con mình thì chẳng khác gì những người mẹ khác. Và chỉ việc chị ta cũng gần như thiểu năng càng lúc càng làm tôi thương cảm hơn. Vì vậy, sau khi tôi hứa sẽ cố gắng dạy giúp cho Rokuzo, người phụ nữ đáng thương quay về. Đêm đó, tôi đã thức đến khuya để tìm tòi nhiều cách khác nhau. Từ hôm sau đó trở đi, tôi quyết định dẫn theo Rokuzo mỗi khi đi dạo, và quyết định làm cho trí não của cậu bé hoạt động thêm được chút nào đó tùy theo mỗi tình huống.

Điều đầu tiên tôi nhận thấy là Rokuzo bị thiếu mất khái niệm về con số. Cậu không thể nào nhận ra được số lượng từ một đến mười. Mặc dù tôi dạy đi dạy lại nhiều lần, cậu cũng chỉ đọc 2, 3 và đến 10 nhưng khi tôi nhặt những hòn đá ven đường, xếp thành 3 viên rồi hỏi là bao nhiêu thì cậu chỉ im lặng suy nghĩ mà không trả lời. Nếu cứ ép buộc, ban đầu cậu ta lại cười ngờ nghệch như trước rồi sau đó lại gần như phát khóc.

Tôi đã rất cố gắng và kiên nhẫn. Có khi, lúc đi lên các bậc đá đền Thần Đạo, tôi vừa đi vừa đếm 1, 2, 3… đến cấp thứ 7 thì dừng lại, bảo là bậc thứ 7 đấy, và hỏi cậu bây giờ có mấy bậc rồi, cậu ta lớn tiếng đáp 10 rồi hết. Cho dù có dạy đếm các cây thông, hay đếm số kẹo thưởng cho cậu, kết quả cũng đều như nhau. Trong đầu cậu bé không có khái niệm về quan hệ giữa các từ một, hai, ba… và số lượng biểu thị nó. Mặc dù tôi có nghe nói những người bị thiểu năng thì thiếu đi khái niệm về các con số nhưng không nghĩ là đến mức như thế này, có lúc tôi gần như bật khóc, cứ nhìn mãi khuôn mặt cậu bé rồi nước mắt âm thầm chảy ra.

Tuy nhiên Rokuzo rất nghịch ngợm, khi trêu chọc người khác, cậu làm người ta rất ngạc nhiên. Cậu leo núi rất giỏi, chạy lên núi Shiroyama như đi trên đất bằng, cả những nơi không có lối đi, cậu cũng lướt băng băng. Vì vậy, điều này cũng làm cho gia đình Taguchi lo lắng không biết cậu đi đâu. Có khi cậu đi ra khỏi nhà khi đang ăn trưa, đến chiều tối thì như bay về sau vườn từ vách núi Shiroyama vậy. Tôi đã hiểu ra được vì sao khi các cô bé nhặt củi trông thấy cậu lại bỏ trốn, chắc chắn là đã nhiều lần bị cậu bé ngốc này chọc phá rồi.

Tuy vậy, cậu ta cũng biết khóc. Đôi khi mẹ cậu tức giận đứng trước mặt quát mắng, đánh vào tay, những lúc ấy, cậu ôm lấy đầu, co rúm lại và khóc thét. Thế nhưng ngay sau đó, cậu lại mỉm cười, dường như quên hết việc bị đánh. Khi nhìn thấy vậy, tôi lại cảm nhận được nỗi khổ của người bị thiểu năng nhiều hơn.

Như là tất nhiên, chắc hẳn mọi người cho rằng Rokuzo cũng không biết hát nhưng cậu ta biết. Đôi khi cậu cất tiếng hát khe khẽ những bài dân ca như bài hát nhặt củi.

Có một hôm, định dẫn theo Rokuzo nhưng không thấy cậu đâu, tôi leo lên núi Shiroyama một mình. Kyushu là vùng ấm áp cho dù là mùa đông, nếu thời tiết tốt thì rất ấm, không khí trong lành, nên trái lại, mùa đông leo núi lại rất thích hợp. Khi tôi bước trên những chiếc lá rụng, lên đến đỉnh, đến dưới chân móng tòa lâu đài đã nói, tôi nghe thấy giọng hát nhẹ nhàng của ai đó ngân nga trong không gian tĩnh mịch của núi rừng, nhìn xem thì thấy Rokuzo đang giả vờ cưỡi ngựa ở một góc nền đài, hai chân nhún nhảy, mắt nhìn xa xăm và đang hát một bài dân ca. Sắc trời, ánh nắng, dấu tích lâu đài cổ và một thiếu niên… trông như một bức tranh. Cậu thiếu niên là một thiên sứ. Lúc ấy, trong mắt tôi, Rokuzo không còn trông như một đứa trẻ bị thiểu năng nữa. Thật là một tương phản đáng thương giữa một đứa bé ngốc và thiên sứ. Nhưng vào giây phút đó, tôi thật sự cảm thấy cậu bé như là một đứa trẻ bình thường cho dù cậu là một người thiểu năng.

Một thói quen kỳ lạ khác của Rokuzo là cậu bé rất thích chim, cứ nhìn thấy chim là ánh mắt cậu thay đổi và làm náo loạn lên. Thế nhưng cho dù nhìn thấy con chim nào cậu cũng gọi là Quạ, cho dù có dạy bao nhiêu cái tên đi nữa cậu cũng không nhớ. Cho dù có thấy chim Bách thanh hay Họa mi cậu cũng đều gọi là quạ. Chuyện đáng buồn cười là có lần trông thấy một con cò trắng, cậu cũng gọi là “quạ”, cái cách nói đổi trắng thành đen, cò thành quạ này thì chỉ có cậu.

Khi trông thấy con chim Bách thanh đang hót trên ngọn cây, cậu há hốc mồm, nhìn ngắm chăm chú. Và cái kiểu cậu ngẩn ngơ nhìn theo khi con chim bay đi, thì rất đỗi kỳ lạ, có lẽ đối với cậu hình ảnh con chim tự do bay trên bầu trời là không thể hiểu nổi.

4.

Tôi cũng đã rất cố gắng với đứa bé tội nghiệp ấy nhưng rồi cũng chẳng thấy được tác dụng mấy.

Giữa lúc ấy, vào mùa xuân năm sau, một tai nạn bất ngờ xảy ra với Rokuzo. Đó là một ngày cuối tháng ba, từ sáng đã không thấy cậu bé đâu, đến quá trưa cũng không trở về, đến chiều thì gia đình Taguchi rất đỗi lo lắng, đặc biệt là mẹ cậu, trông có vẻ đứng ngồi không yên. Thấy vậy, tôi nghĩ hay là đi tìm thử ở núi Shiroyama trước nên dẫn theo một người hầu nhà Taguchi, chuẩn bị đèn lồng và leo lên con đường nhỏ quen thuộc đến phế tích với cảm giác nghi ngờ và thương xót trong lòng.

Khi lên đến phía dưới nền lâu đài với cảm giác chẳng biết sợ côn trùng là gì, tôi cất tiếng gọi “Roku ơi! Ơi Roku!”… Sau đó cả tôi và người hầu đều giỏng tai nghe ngóng như thể đã ngầm định ước với nhau. Chỉ với việc nơi đây là một phế tích, và người đang tìm kiếm là một đứa bé không bình thường làm tôi cảm thấy có điều gì đó thật khó tin.

Lên đến nền lâu đài, từ trên mép nền đá nhìn xuống, ngay bên dưới một góc cao nhất ở phía Bắc, chúng tôi phát hiện ra xác của Rokuzo rơi ở đó...

Nghe như một câu chuyện kinh dị, nhưng thực tế, khi biết chuyện Rokuzo về quá muộn, tôi đã cảm thấy như cậu đã rơi và chết từ trên đỉnh của bức tường đá cao này. Có lẽ sẽ bị cười cho là quá tưởng tượng, nhưng thú thật, tôi đã nghĩ rằng, Rokuzo muốn bay lượn như chim trên bầu trời, nên đã nhảy xuống từ góc tường đó. Khi trông thấy những chú chim bay đến đậu trên cành, rồi tự do nhảy từ cành này sang cành khác trước mắt cậu, chắc chắn Rokuzo cũng muốn bay lên cành cây như thế.

Ngày hôm sau, khi đã chôn cất cậu bé, tôi một mình lên nền tòa lâu đài. Và cứ nghĩ về cậu là tôi lại không thể ngăn được những suy nghĩ về bí ẩn của cuộc đời. Sự khác biệt của con người so với các động vật khác. Mối liên quan giữa con người và tự nhiên. Những vấn đề như sự sống và cái chết làm dậy lên trong lòng người tuổi trẻ là tôi những nỗi buồn sâu sắc.

Có một câu thơ của nhà thơ nổi tiếng người Anh “Những đứa trẻ sinh ra rồi mất đi”. Đó là những câu thơ diễn tả nỗi niềm về một đứa bé, mỗi đêm đều đứng bên hồ nước vắng lặng, đan hai tay vào nhau bắt chước giọng chim cú, và những con cú trên núi phía bên kia hồ đáp trả. Đứa bé rất mong đợi điều đó. Nhưng rồi, cậu đã chết và được chôn cất trong ngôi mộ yên tĩnh. Linh hồn của cậu biến thành một con cú tự nhiên.

Tôi đã rất thích bài thơ này nên thường đọc nó. Nhưng khi chứng kiến cái chết của Rokuzo, nghĩ về cuộc đời của cậu, nghĩ về chứng thiểu năng của cậu thì tôi cảm thấy cậu còn có ý nghĩa hơn nhiều bài thơ.

Tôi đứng trên bức tường đá nhìn những chú chim mùa xuân bay lượn tự do, không phải một trong số đó là Rokuzo sao. Cho dù đó không phải là Rokuzo thì cậu với chúng khác nhau điều gì.

*

Bà mẹ tội nghiệp vừa khóc vừa nói rằng cái chết của đứa bé cũng là giải thoát cho nó.

Vào một hôm, dự định đi thăm mộ Rokuzo, tôi đến phía bắc ngọn núi Shiroyama thì trông thấy người mẹ đã đến trước, đi loanh quanh quanh ngôi mộ và không ngừng lẩm bẩm một mình điều gì đó. Có vẻ như không nhận ra tôi đang đến.

- Sao con lại bắt chước chim vậy, hả? Sao lại nhảy xuống từ trên tường đá vậy?! Thầy giáo đã nói vậy đấy. Thầy bảo con muốn bay lên bầu trời nên đã nhảy xuống từ trên nền đài. Cho dù có ngớ ngẩn đến đâu, cũng không có ai bắt chước chim đâu” – Chị ta ngừng lại suy nghĩ một chút – “Nhưng mà, dù sao thì con chết đi cũng tốt hơn. Chết đi là sung sướng hơn đấy con ạ…”.

Chị ta nhận ra tôi.

- Phải không, thầy!? Roku chết thì sướng hơn đấy nhỉ - Chị nói và nước mắt tuôn lã chã.

- Không phải thế, nhưng dù sao đó cũng là một tai nạn bất ngờ nên quên đi thì tốt hơn chị ạ…

- Nhưng tại sao nó lại muốn bắt chước chim vậy?

- Đó chỉ là do tôi nghĩ vậy thôi. Chắc chắn là Roku muốn bắt chước chim nên mới chết, nhưng không biết có phải do vậy không?

- Không phải là thầy đã nói vậy sao – Người mẹ ngước mắt lên nhìn chằm chằm vào tôi.

- Chỉ là tôi nghĩ rằng vì Roku rất thích chim nên có lẽ là như thế thôi!

- Vâng. Roku thích chim lắm. Khi nhìn thấy chim thì nó đưa tay ra như thế này, làm như thế này… - Người mẹ dang tay ra bắt chước cánh chim: - Nó làm thế này rồi bay đi như thế đấy. Đúng rồi, như thế và nó cũng rất giỏi bắt chước tiếng quạ…

Nhìn ánh mắt chị ta thay đổi và nói những lời như thế, tôi bất chợt nhắm mắt lại.

Một chú quạ từ trong rừng Shiroyama nhẹ nhàng bay ra, cất tiếng kêu lên hai ba tiếng rồi hướng về phía biển, người mẹ của đứa bé ngốc bỗng chốc thẫn thờ như quên cả tôi, ngước mắt nhìn theo.

Không biết mẹ của Rokuzo nhìn chú chim này như thế nào nhỉ?!

 

Nguyễn Thống Nhất

Dịch từ nguyên tác tiếng Nhật

Nguồn Văn nghệ số 17/2022


Có thể bạn quan tâm