March 29, 2024, 4:19 pm

Cánh chim đầu đàn

Tôi thở phào, xoa tay nhìn trang bản thảo vừa sửa xong. Vậy là chỉ còn vài công đoạn nữa thì hoàn tất quyển sách mừng 60 năm thành lập trường Trung học Phổ thông A Hải Hậu, tên gọi ngày thành lập là trường cấp 3 Hải Hậu, có biệt hiệu C3H2. Chỉ hơi tiếc...

GS.TSKH. Lương Xuân Quỳ

 

Tôi bấm điện thoai gọi cho Lê Văn Trường, đương kim Hiệu trưởng của trường:

- Có chuyện gì à chú?

- Tôi đang có phần tiếc vì không có bài viết về một anh cựu học sinh, mà theo tôi, đáng viết nhất, có thể coi anh là gương mặt nổi bật nhất của học sinh trường cấp 3 Hải Hậu mình.

- Thế cơ ạ. Ai vậy chú?

- Anh Quỳ. Lương Xuân Quỳ. Một người rất thành đạt, được phong nhiều danh hiệu cao quý, đáng viết lắm. Tiếc là anh ấy mất rồi, mất lâu rồi. Giờ chẳng biết nhờ ai viết. Mà tôi cũng chẳng có tài liệu gì về anh ấy...

Tôi chưa nói hết câu, chợt nghe Lê Văn Trường nói to:

Chú ơi, có phải chú Lương Xuân Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân không? Đúng ạ? Vậy thì chú ấy vẫn còn, chú ạ. Vâng, cháu mới liên lạc được với chú ấy mà. Chú liên lạc với chú ấy đi. Số điện thoại của chú ấy là...

Tôi lâng lâng cầm cái điện thoại trong tay, vẫn ngỡ mình nghe nhầm, hoặc Lê Văn Trường nói sai. Thật vậy ư, Lương Xuân Quỳ còn sống?...

Rất nhanh, hoàng hôn đã xa lắm, cách hôm nay tròn 20 năm hiện lên trước mắt tôi. Hôm ấy, tôi đứng lặng bên bàn máy điện thoại phòng Biên tập Văn học Nhà xuất bản Lao Động nghe lời anh Lương Xuân Quỳ đứt quãng: “Anh... ơi… Tôi bị ung thư vòm… họng... Mệt lắm…rồi...”. Tiếng anh không chỉ thều thào, mà còn bị méo đi, không ra giọng đàn ông, cũng không hẳn là giọng đàn bà, nghe thương lắm. Vẫn tiếng anh Quỳ: “Tôi đã… lên bàn mổ… ba… lần… rồi… Mệt quá… anh ơi”. Tôi nhớ, hôm ấy, nghe xong câu cuối của anh Quỳ, trước khi đặt tổ hợp điện thoại lên nắp máy, tôi tự hẹn mình: ngày mai tranh thủ xuống thăm anh dù chưa biết nhà anh ở đâu. Nhưng rồi, tôi đã không làm được việc đó. Lý do vì, lúc gọi điện thoại, cảm xúc dâng trào làm tôi quên mất: Sáng sớm hôm sau, tôi phải dẫn một đoàn năm Nhà văn bay vào Vũng Tàu, thực hiện chuyến đi thực tế dài ngày về ngành Dầu khí tại hai địa điểm: Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc kết thúc chuyến đi, quay về Hà Nội, bận bịu với việc tổng kết chuyến đi viết về Dầu khí, rồi biên tập sách, tôi chỉ kịp hỏi chuyện anh Quỳ và có ai đó (giờ tôi không nhớ tên) cho biết anh mất rồi!

Anh Lương Xuân Quỳ còn để lại trong tôi hai ấn tượng khó quên nữa. Việc thứ nhất cũng từ một cuộc điện thoại, nhưng trước cuộc điện thoại nghe anh báo bị trọng bệnh đúng một năm. Vào một buổi tối, tôi gọi cho anh, muốn nhờ anh giúp cho một việc. Có một bạn đồng môn cùng khóa với anh và tôi đang không có việc làm, tìm đến cơ quan đề nghị tôi tìm giúp anh một việc gì đó, kể cả làm bảo vệ. Khổ nỗi Nhà xuất bản chỗ tôi nhân sự tổ bảo vệ đã kín, các bộ phận biên tập và phát hành thì phải có chuyên môn, tính đi tính lại, tôi chợt nhớ anh Quỳ. Với cương vị Hiệu trưởng một trường Đại học lớn, chắc anh thu xếp một việc làm lao động phổ thông không khó khăn gì. Quả nhiên, nghe tôi đề nghị, anh Quỳ vui vẻ nhận lời. Anh xởi lởi:

Được được, nếu chỉ cần một việc làm như vậy, tôi giúp được. Mai, anh bảo người ấy đến chỗ tôi, tôi bố trí vào làm trong tổ trông xe ngay. Ở trường tôi, xe cần gửi nhiều lắm. Mà này, người anh giới thiệu là ai vậy, chắc quen thân với anh hả?

Mừng quá, tôi nói tên người bạn đang cần việc làm, lại vui vẻ nói rõ là bạn đồng môn của cả anh và tôi. Ngỡ anh sẽ rất vui, thì bất ngờ, tôi thấy ống nghe rột rẹt, rồi yên ắng. Sau đó mới nghe tiếng anh Quỳ đầy phân vân:

Anh ơi, nghe tôi nói này, nếu là bạn ấy thì... khó rồi...

Sao vậy anh? - Tôi sửng sốt.

Là vì... Cách đây chưa lâu tôi đã sắp xếp chính bạn ấy làm... tổ trưởng tổ trông giữ xe. Nhưng, bạn ấy làm một thời gian thì bỏ đi, không nói với ai, kể cả tôi, một lời...

Ối giời, có chuyện như vậy ư?

Anh à… - vẫn tiếng anh Quỳ - theo tôi, anh cứ nói rõ công việc chỗ tôi cho bạn ấy. Nếu bạn ấy vẫn muốn làm thì bảo bạn ấy cứ trở lại trường tôi...

Ấn tượng thứ hai do chính cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung xuýt xoa khoe với tôi. Cô kể, một hôm, muốn gặp Giáo sư Đoàn Trọng Truyến, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, chủ Dự án Cải cách Hành chính Quốc gia Trung ương, nên cô đến trường Đại học Kinh tế Quốc dân để gặp con gái Giáo sư. Tìm đến Văn phòng nhà trường, chưa gặp được ai để hỏi, thì bất ngờ có người từ phòng Hiệu trưởng chạy ra đon đả:

Em chào cô!

Cô Dung có phần ngỡ ngàng nhìn người đàn ông chững chạc, lịch sự:

Xin lỗi, anh là…

Dạ, em là học trò cũ của C3H2. Cô là cô giáo Mỹ Dung, đúng không ạ?

Đúng, tôi là Nguyễn Thị Mỹ Dung, giáo viên cũ của trường cấp 3 Hải Hậu. Thế anh học lớp nào mà tôi không nhớ nhỉ?

Năm cô về dạy ở C3H2 thì em học năm cuối cấp nên cô không dạy lớp em, vì thế cô không biết bọn em…

Thốt một tiếng “À!”, cô Dung nhìn nhanh lại cốt cách đĩnh đạc và hành xử rất tình cảm, lễ phép của người đàn ông đứng đầu một trường Đại học lớn đang hiện diện trước mặt cô. Cô Dung kể thêm rằng, cảm xúc ấm lòng và có phần ngạc nhiên ấy, sau này, vào ngày cô về dự Hội trường kỷ niệm 50 năm thành lập Trường cấp 3 Hải Hậu, cô lại có được trước ứng xử của một vị Giáo sư - Tiến sĩ khoa học khác. Đó là Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, người chỉ học một năm lớp 8 C3H2, sau đó chuyển ra Hà Nội học trường chuyên. Vậy mà hôm ấy, dù Thứ trưởng đang lọt giữa sự đón tiếp trọng vọng, nhưng nhìn thấy cô Mỹ Dung đang xách túi du lịch tư trang đi bộ vào sân trường, ông đã vội chạy ra lễ phép chào và xách đỡ túi du lịch cho cô giáo cũ. Kể lại hai kỷ niệm khó quên của tình thầy - trò, cô nói với tôi giọng đầy xúc động: “Nghề dạy học nói chung và với những người từng dạy cấp 3 Hải Hậu chúng tôi nói riêng, sẽ giúp chúng tôi ấm lòng và bền bỉ gắn bó với nghề hơn, trước tình cảm thầy - trò của anh Quỳ anh Nhung…”.

Trở lại câu chuyện về anh Lương Xuân Quỳ. Có thể nói anh Quỳ là người đầu bảng về sự thành đạt. Anh là người được phong nhiều danh hiệu cao quý, được giao nhiều chức trách nhất trong các thế hệ học sinh trường cấp 3 Hải Hậu rời trường bước vào đời. Tôi khẳng định điều này không chỉ do được nghe truyền miệng, mà tôi có trong tay cứ liệu chính thức được công bố bằng giấy trắng mực đen. Sách “Tấm gương người làm khoa học” thuộc tủ sách “Văn hóa Việt” do Trung tâm truyền thông hỗ trợ phát triển Khoa học Công nghệ thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam xuất bản, trong bài “39 năm - chặng đường vì sự nghiệp Giáo dục” giới thiệu về Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Lương Xuân Quỳ đã viết kỹ và khẳng định những điều tôi vừa nói.

Sinh ngày 21 tháng 10 năm 1941 tại xã Xuân Tiên huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, tháng 5 năm 1962, anh Lương Xuân Quỳ tốt nghiệp phổ thông tại trường cấp 3 Hải Hậu và thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế Kế hoạch. Năm 1966, tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại ưu, Lương Xuân Quỳ được giữ lại làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế Kế hoạch - sau đổi tên thành trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời bộc lộ năng lực một cán bộ nghiên cứu, lãnh đạo và tổ chức Đảng nhà trường bồi dưỡng, kết nạp Lương Xuân Quỳ vào Đảng ngày 01 tháng 11 năm 1967, và sáu năm sau cử anh làm nghiên cứu sinh tại nước Bungari. Năm 1977, Cử nhân Lương Xuân Quỳ bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Kinh tế, trở lại trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa giảng dạy vừa làm công tác nghiên cứu. Năm 1983, Phó Tiến sĩ Lương Xuân Quỳ lại được cử sang du học Bungari lần thứ hai. Sau bốn năm học tập, nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp Dimitrop ở thủ đô Sophia, Lương Xuân Quỳ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ khoa học) chuyên ngành Nông nghiệp với đề tài: “Giá mua nông sản với tái sản xuất mở rộng nông nghiệp” năm 1987, bõ công bao năm dùi mài sách vở và nghiên cứu nắm bắt thực tế!

Đạt đến học vị cao về trình độ kiến thức khoa học, Tiến sĩ họ Lương của đất học, đất quan huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định trở lại trường Đại học thân thuộc làm nhiệm vụ vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, và anh bước từng bước vững chắc trên các nấc thang trách nhiệm. Anh lần lượt được giao làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Bộ môn, lên Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Khoa. Năm 1989, anh được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng. Và, từ năm 1994, Tiến sĩ Lương Xuân Quỳ được giao trọng trách Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trước đó ba năm, vào năm 1991, Tiến sĩ được phong thẳng học hàm Giáo sư, không qua Phó Giáo sư. Năm 1996, ông được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, năm 2006 được phong “Nhà giáo nhân dân”.

Với học hàm, học vị như thế, Giáo sư - Tiến sĩ Lương Xuân Quỳ ngày càng được tín nhiệm giao phó các trọng trách. Từ năm 1992 đến năm 2002, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX và khóa X. Từ năm 1991 đến năm 2000 ông là Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Kinh tế và là Chủ tịch chuyên ngành Kinh tế - Luật; Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố Hà Nội từ năm 1996 đến năm 2000; Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học quốc gia từ 1996 đến 2002; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ I và II giai đoạn 1993-1996 và 2000-2004. Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Lương Xuân Quỳ còn là Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển, là chuyên gia tư vấn về chính sách kinh tế, quản trị doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo. Từng ấy chức danh, chức trách được giao gần như đồng thời đủ thấy năng lực và uy tín của Giáo sư - Tiến sĩ Lương Xuân Quỳ đến mức nào.

Sẽ có người phân vân: lắm việc quan trọng như thế, nhà Khoa học họ Lương có cống hiến được gì cho khoa học? Thì đây là câu trả lời:

Từ năm 1996 đến năm 2000, Giáo sư - Tiến sĩ Lương Xuân Quỳ làm Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp Nhà nước, đề tài: “Xây dựng và hoàn thiện sản xuất theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội”, mã số KHXH03; Đề tài “Cơ chế kinh tế thị trường và vai trò quản lý Nhà nước”, mã số KX03.04 năm 1995; Đề tài “Về cơ cấu các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta”, mã số KHXH03.01 năm 2000; Đề tài “Quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, mã số KX01.09, vân vân và vân vân…

Say mê nghiên cứu khoa học, Giáo sư Lương Xuân Quỳ vẫn hoàn thành xuất sắc trọng trách Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ông còn hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ kinh tế, Tiến sĩ kinh tế, và tham gia viết các chương trình, giáo trình và sách chuyên khảo về các chuyên ngành kinh tế và kinh doanh.

Sau 39 năm liên tục học tập, nghiên cứu, phục vụ sự nghiệp Giáo dục và xây dựng kinh tế, Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Lương Xuân Quỳ được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương và danh hiệu cao quý. Ông xứng đáng là Cánh chim đầu đàn của các thế hệ học sinh từ mái trường cấp 3 Hải Hậu thân yêu tự tin bước vào đời!

Nguồn Văn nghệ số 28/2020


Có thể bạn quan tâm