April 26, 2024, 4:27 am

Cần thu hẹp tối đa khoảng cách giữa chủ trương, đường lối và việc thực hiện các chính sách văn hóa, xã hội*

“Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 12 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng” dành phần VII cho công tác “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Dự thảo đề cập đầy đủ và toàn diện công tác văn hóa văn nghệ, du lịch, báo chí xuất bản… của đất nước ta trong thời gian tới. Tất nhiên là Dự thảo báo cáo chỉ nêu lên những đầu việc các cơ quan chức năng có nghĩa vụ phải cụ thể hóa thành những chính sách, những biện pháp cụ thể.

Điều đầu tiên cần phải nói ngay là không chỉ trong Dự thảo báo cáo chính trị… lần này, mà đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ từ trước đến nay đều rất nhất quán, nếu thực hiện đầy đủ thì sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chắc chắn sẽ thành công trong một tương lai không xa… Nhưng từ đường lối đến việc thực hiện và chỉ đạo thực hiện là một khoảng cách quá dài và có không ít lệch lạc, yếu kém. Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến những việc chúng ta đã làm đúng, làm tốt, mà chỉ nói tới nhưng việc chưa làm đúng hoặc chưa đến nơi đến chốn những chủ trương, đường lối mà Đảng đã vạch ra.

Sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, tức là văn hóa phải đi trước một bước. Vai trò của văn hóa hết sức quan trọng, mất văn hóa là mất tất cả. Sau một nghìn năm Bắc thuộc và nhiều lần bị các đế quốc xâm lược nhưng dân tộc ta vẫn tồn tại, vì đất nước ta có một nền văn hóa vững mạnh, độc lập, tự chủ. Điều này thì ai cũng biết, cũng nhận thức được, nhưng trong việc thực hiện, không ít nơi vẫn coi nhẹ văn hóa hơn sự phát triển kinh tế. Nhiều năm nay cán bộ văn hóa vẫn nói vui một cách cay đắng với nhau rằng: Nếu đất nước là một cái xe, thì văn hóa là bánh xe thứ năm, tức là bị coi như vướng víu, cản trở, không có tích sự gì.

Xây dựng văn hóa là xây dựng đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh cho nhân dân. Mà muốn thế thì phải có tiền, có nguồn lực. Có lẽ trong lĩnh vực văn hóa xã hội, chỉ có ngành du lịch là nhà nước không phải chi tiền, mà là ngành còn mang lại sự phồn vinh cho đất nước. Còn tất cả những lĩnh vực khác nhà nước đều phải chi tiền, không nhiều thì ít, kể cả những lĩnh vực làm tốt công tác xã hội hóa! Sai lầm của chúng ta là từ chỗ bao cấp tất cả, lại chuyển sang cực đoan: tất cả phải tự chủ về tài chính. Đúng ra là nhà nước khuyến khích các ngành văn hóa phải làm ra tiền đến mức tối đa, để nhà nước đỡ phần chi phí, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực khác.

Có những lĩnh vực nhà nước phải đầu tư 100% như việc bảo tồn các di sản phi vật thể. Chúng ta có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như: tuồng, chèo, cải lương, dân ca và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Những loại hình nghệ thuật này nhà nước phải tài trợ 100% để bảo tồn nguyên dạng cho đời sau, sau này du lịch phát triển có thể cung cấp một phần kinh phí, nhưng nhà nước tài trợ vẫn là nguồn kinh phí chính. Công việc bảo tồn và phát triển cũng có lúc, có nơi còn vênh nhau. Có địa phương, có thời kỳ chúng ta coi trọng phát triển hơn là bảo tồn khiến không ít di tích, công trình bị biến mất một cách đáng tiếc (như di chỉ Vườn Chuối ở Hà Nội chẳng hạn). Việc bảo tồn cũng phải có kiến thức kinh nghiệm chứ không chỉ cần tiền. Việc biến các di tích như thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, một số đình chùa ở Hà Nội… là những di tích đã mấy trăm năm tuổi, thành di tích một ngày tuổi sau khi bảo tồn là những kinh nghiệm cay đắng. Điều cay đắng hơn là sự biến mất này sẽ biến mất vĩnh viễn chứ không thể khôi phục được. Ông cha ta đã có công gìn giữ hàng nghìn năm hàng mấy trăm năm qua thiên tai, giặc giã… Có lý gì thế hệ chúng ta lại vô tình hủy hoại?

Công việc bảo tồn này không chỉ quan trọng với ngành bảo tồn, bảo tàng mà còn hết sức quan trọng với ngành kinh tế du lịch. Bởi lẽ chúng ta là du lịch bằng văn hóa. Khách sẽ đến nước ta ngày càng đông và số khách quay trở lại ngày càng nhiều nếu chúng ta có cái để khoe và biết cách khoe: đất nước ta có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, có nền văn hóa lâu đời phong phú và đa dạng, có nhiều lễ hội văn hóa thể hiện một cư dân, một đất nước có lịch sử lâu đời và kỳ thú. Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta sẽ hấp dẫn du khách bằng những khách sạn hạng sang, nhưng khu du lịch lộng lẫy, bởi chúng ta sẽ mãi mãi đi sau thiên hạ và đây là những món ăn du khách (nhất là du khách phương Tây) đã quá nhàm chán.

Đối với công tác xuất bản từ chỗ hết sức chặt chẽ, khắt khe đến chỗ mở toang như hiện nay. Từ chỗ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu chuyên nghiệp… phải vào nghề từ 15 đến 20 năm mới có thể in được một cuốn sách thì nay ai cũng có thể in được miễn là có tiền, miễn là cuốn sách không xấu độc. Không xấu độc là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ. Chúng tôi đề nghị cầm thẩm định ở một mức độ nào đó, chứ không thể để tình trạng nhà nhà in sách, người người in sách như hiện nay được. Nghịch lý này đã làm cho thị trường sách trở nên bát nháo. Người viết và in sách chân chính bị dồn đến chân tường. Thị trường sách báo đã bị thu hẹp bởi nhiều phương tiện nghe nhìn ra đời, lại bị sách rởm, sách kém chất lượng bủa vây, thì mạnh mẽ làm sao được. Có những chuyện cười ra nước mắt: các bà vợ (hoặc ông chồng) của các nhà văn, nhà nghiên cứu  thường hoảng hồn khi nghe tin chồng mình (hoặc vợ mình) sắp ra sách bởi không những không có nhuận bút, còn phải bỏ ra vài chục triệu đồng cho chồng (hoặc vợ) in sách. Trong không khí ấy, hoàn cảnh ấy thì làm sao có sách hay, có tác phẩm tốt, có các công trình nghiên cứu công phu được.

Báo chí in chết dần chết mòn bởi các phương tiện truyền thông khác, bởi mạng xã hội… nhưng không những không được tài trợ còn bị đánh thuế - từ thuế doanh thu đến thuế lợi tức. Mấy chục năm trước, khi là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, tôi đã đề nghị bỏ các loại thuế này, vì nhà nước coi các cơ quan báo chí như các doanh nghiệp chứ không phải vũ khí tư tưởng. Mà đã là doanh nghiệp thì có thể sản xuất bất cứ mặt hàng nào (miễn là không vi phạm pháp luật). Đằng này báo chí phải là vũ khí tư tưởng, phải hoạt động đúng tiêu chí, mục đích lại phải chịu thuế như doanh nghiệp. Khi đó tôi đã phát biểu: Đáng lẽ nhà nước phải trang bị vũ khí cho chúng tôi nay chúng tôi đã phải tự sắm lấy vũ khí, mà lại đánh thuế vào vũ khí nữa thì báo chí chân chính sống sao nổi. Mấy chục năm trước, cũng chỉ có một vài tờ báo có lãi, đánh thuế lợi tức thì nhà nước được bao nhiêu, mà cơ quan báo chí rất cực khổ.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn đề cập đến trong bài góp ý này là sự tự ti, mất gốc đáng lo ngại trong lớp trẻ hiện nay. Ta không đóng cửa, không kiêu ngạo, thiên hạ có gì hay thì ta học tập. Nhưng đừng có lối suy nghĩ như hiện nay trong một bộ phận cư dân: thiên hạ cái gì cũng hay, còn ta cái gì cũng dở, nhất là trong lớp trẻ. Những lễ hội truyền thống của ta thế hệ trẻ ít biết, nhưng những lễ hội như: Phục sinh, nô en, lễ tạ ơn, ngày của cha, lễ hội tình yêu… thì nhớ vanh vách và nô nức “ăn theo”, thực hiện. Đáng buồn là có những bậc khả kính còn đề nghị bỏ Tết Âm lịch để ăn Tết Dương lịch cho phù hợp với thời hiện đại (!)... Chúng tôi coi những biểu hiện này là nô lệ về văn hóa và từ nô lệ về văn hóa đến nô lệ thật sự khoảng cách không đáng là bao.

Đây chỉ là những suy nghĩ bước đầu của một người mấy chục năm làm công tác báo chí và văn nghệ. Xin nhắc lại một lần nữa là bài viết này chỉ nói tới những tồn tại để mong được khắc phục trong thời gian tới. Còn những mặt tốt đẹp thì cần phát huy để tốt hơn nữa, đẹp hơn nữa. Chủ trương, đường lối của ta rất đúng, nhưng việc thực hiện, chỉ đạo thực hiện còn nhiều yếu kém, có khi còn vô tình đi ngược lại đường lối, chính sách. Đó là những điều đáng tiếc cần phải sửa ngay.

_________

* Góp ý “Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 12 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng”.

Nguồn Văn nghệ số 47/2020


Có thể bạn quan tâm