April 20, 2024, 3:27 pm

Cần nâng cao hơn nữa vị thế của Quốc hội

Quốc Hội khóa XIV đang họp phiên cuối cùng, tổng kết và thực hiện các thủ tục miễn nhiệm, bầu các chức danh lãnh đạo cho nhiệm kỳ mới, với những mục tiêu phấn đấu rất cao trước những bất ổn của thế giới và dịch bệnh triền miên. Sau 35 năm đổi mới đất nước, hoạt động Quốc Hội đã có nhiều sáng tạo, đáp ứng kịp thời mong muốn của toàn dân. Đặc biệt Quốc Hội khóa XIV với sự điều hành của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân và ban Thường vụ đã góp phần quan trọng hoàn thiện nhiều văn bản luật pháp, tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, giúp Chính phủ cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo, quyết liệt điều hành chiến thắng thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ chủ quyền, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao vị thế đất nước với sức tăng trưởng trong 5 năm của nhiệm kỳ qua bình quân trên 5,9% là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi xuất sắc với quy mô GDP 343 USD, đứng thứ 4 khối ASEAN... Đó thực sự là những kết quả đáng mừng trong hoạt động của Quốc Hội nhiệm kỳ vừa qua xứng đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên bên cạnh những tích cực kể trên, không thể không nói đến một số hạn chế đang làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động cũng như vị thế của Quốc Hội và Đại biểu Quốc Hội. Ví như tình trạng khá nhiều đại biểu suốt cả nhiệm kỳ chưa thực sự gần dân, chưa tổng hợp được nhiều ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và cũng chưa phát biểu được điều gì có sức nặng sáng tạo. Nhiều lãnh đạo ngành, địa phương là đại biểu Quốc Hội, và thường là trưởng đoàn luôn. Những tưởng như vậy sẽ “sát” với nhân dân, “sát” với lĩnh vực mình quản lý thì sẽ có nhiều ý kiến đem lại lợi ích cho dân. Song mặt trái của tình trạng này là nếu đại biểu có sai phạm trong cương vị người phụ trách địa phương/ ngành thì sẽ chẳng ai dám động đến, và phương pháp xử lý thường chỉ là “rút kinh nghiệm” đến… hết nhiệm kỳ…

Quốc Hội là cơ quan lập pháp tối cao, và cũng là cơ quan giám sát hành pháp, tư pháp thực thi pháp luật. Tuy nhiên, các ủy ban của Quốc Hội còn tỏ ra quá dè dặt, thận trọng trước nhiều sai sót trong điều tra, xét xử oan sai - kể cả những vụ án oan lớn phải bồi thường, Ủy ban Tư pháp không xử lý nổi những kẻ phải chịu trách nhiệm. Đã đến lúc Quốc Hội cần luật hóa những kẻ gây ra án oan phải tự bỏ tiền ra bồi thường và chịu mức án cần thiết để răn đe. Nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội như sự gia tăng tình trạng tội phạm, an toàn giao thông, phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi, phí bôi trơn… cũng cần được đưa ra mổ xẻ công khai tại diễn đàn Quốc Hội. Ít ra  Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội cũng có thể yêu cầu các ngành liên quan báo cáo, mổ xẻ, kết luận… để từ đó đề ra những giải pháp giúp Chính Phủ chỉnh đốn, răn đe…

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Quốc Hội khóa XIV trong mọi hoạt động vì lợi ích của toàn dân. Tuy nhiên dường như sau một nhiệm kỳ, Quốc Hội vẫn còn “nợ” nhân dân khá nhiều điều, đặc biệt là chất lượng bộ máy công quyền còn nhũng nhiễu, gây phiền hà, vẫn ngang nhiên tồn tại, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; tình trạng lãng phí, tham nhũng làm nghèo đất nước chưa bị xử lý… Mong rằng lần này, cùng với việc bầu các chức danh lãnh đạo mới và bầu đại biểu Quốc Hội Khóa XV, ngoài các tiêu chuẩn đã đề ra, rất cần đề cao năng lực phản biện, dũng cảm đấu tranh vì quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân… Vị thế quan trọng của Quốc Hội không chỉ là lập pháp, mà còn phải lựa chọn, chuẩn y những hiền tài ra lãnh đạo đất nước. Và hôm nay nhiệm vụ đó đang thực sự trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Nguồn Văn nghệ số 14/2021


Có thể bạn quan tâm