April 25, 2024, 12:41 am

Cần một tư duy ngược

 

Một cải tiến mang tính chất kỹ thuật đã được làm được ngay trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2018 chính là việc tổ chức lại 2 bài thi tổ hợp đã được xã hội đón nhận với nhiều cung bậc cảm xúc: thất vọng có, lo lắng có, thậm chí căng thẳng  cũng có.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nhưng điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được, bởi lâu nay phụ huynh học sinh và chính bản thân các em đều bị đặt vào tình huống bị động trước những thay đổi chỉ ở phút chót của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Nếu như kỳ thi 2017 là lần đầu tiên áp dụng ghép 3 môn thi vào một "bài thi tổ hợp", nhiều ý kiến đã nêu vấn đề mặc dù gọi là bài thi tổ hợp nhưng thực chất là 3 môn thi với 3 đề hoàn toàn khác nhau, làm trong 3 khoảng thời gian cũng hoàn toàn khác nhau, khiến cho các em rất khó hoàn thành bài thi trong một thời gian thi nhất định. Tại kỳ thi năm nay, quy chế thi cho phép thí sinh được thi cùng lúc 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội nhiều trường cho rằng, đây là cách tính “nghĩ già hóa non” vì nếu quá ôm đồm, việc ôn tập và thi cử của các em sẽ vô cùng áp lực.

Đành rằng việc tổ chức thi cử là khâu cuối cùng đánh dấu kết quả học tập sau 12 năm đền sách của các em học sinh. Tuy nhiên có thể thấy áp lực thi cử, áp lực bằng cấp vẫn đè nặng chính bản thân các em học sinh và gia đình các em, nhất là mấy ngày qua, khi truyền thông đăng tải khá chi tiết về số lượng học sinh tham dự kỳ thi, quy mô tổ chức và nhất là những hướng dẫn về đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng… cho thấy sức nóng của kỳ thi vừa mang tính kết thúc lại vừa mang tính khởi đầu này quan trọng đến mức nào.

Thông thường mọi năm, công tác hướng nghiệp được Bộ chủ quản kết hợp với các Bộ, ngành khác làm rất rốt ráo thì năm nay có vẻ chùng xuống. Sở dĩ nói vậy là bởi, dù tỷ lệ thất nghiệp ở đối tượng đào tạo sau đại học tăng lên thì lượng hồ sơ xét tuyển thi mới lại không hề giảm. Đáng chủ ý là có những thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học với rất nhiều nguyện vọng, như thí sinh ở huyện Nghi Lộc đăng ký đến 29 nguyện vọng ở hầu hết các tổ hợp môn. Điều này chỉ có thể hiểu là các em đang mất phương hướng, là tâm lý sính bằng cấp vẫn còn đè nặng trong nhận thức của chính bản thân các em và gia đình. Đã qua rồi thời kỳ vào đại học bằng mọi giá, do đó nếu không tự lượng sức và không tính toán dựa trên tình hình thực tế, các em rất dễ rơi vào tình trạng lãng phí thời gian và tiền bạc để có thể có được một tấm bằng đại học và một tương lai không thể sử dụng nó.

Nhiều chuyên gia xã hội học đã đúng khi cho rằng cần phải đánh giá lại chất lượng giáo dục đại học, và cao hơn cả là chất lượng giáo dục nói chung hiện nay. Nếu cứ duy trì quan niệm giáo dục đại học giống như phổ cập bậc mầm non, nghĩa là ai có nhu cầu học đại học sẽ được đáp ứng, thì hẳn là tình trạng thất nghiệp, loạn chuẩn đào tạo đại học sẽ ngày một gia tăng. Bức tranh giáo dục sẽ thêm nhiều khoảng tối và áp lực an sinh xã hội cũng vì thế mà không hề được giảm bớt. Đã đến lúc cần có một tư duy ngược về định hướng nghề nghiệp hiện nay. Xã hội cần được phát triển hài hòa dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải chỉ dựa trên bằng cấp và đại học không phải là tấm bùa hộ mệnh, càng không thể làm cho xã hội tốt lên nếu như không được đánh giá đúng về chất lượng  đào tạo khi “mở cửa” hoàn toàn bậc học này thông qua việc không giới hạn nguyện vọng xét tuyển. Mối lo các trường tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo vào tép” để tồn tại hẳn sẽ tiếp diễn. Và cũng như tình trạng nan giải bấy lâu nay, thất nghiệp sẽ vẫn là tương lai gần cho không ít thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh “mới mẻ” năm nay


Có thể bạn quan tâm