March 29, 2024, 2:39 am

Căn cước văn hóa: Sự sống còn của dân tộc

Bản sắc văn hóa truyền thống phải trở nên rõ ràng nhất, sâu sắc nhất, khoa học nhất, nhân văn nhất và phù hợp với một tinh thần sống mới của đất nước thì mới trở thành năng lượng sống cho một dân tộc.

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là những vấn đề rất hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm xây dựng. Việc xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên, khó hơn nữa là việc triển khai thực thi những giá trị đó trong đời sống thực tiễn.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Văn nghệ xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về hệ giá trị văn hóa đăng trên Vanvn.vn

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24.11.1946 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ của nền văn hóa mới: “Phải lấy sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc làm nội dung phản ánh, sự tự do và hạnh phúc của đồng bào làm mục tiêu hoạt động; phải tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của nền văn hóa xưa và nay để xây dựng một nền văn hóa có ba tính chất là dân tộc, khoa học và đại chúng’’.

Nền tảng hệ trọng nhất cho sự phát triển quốc gia

Thế giới đã bước sang một chương mới vô cùng đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Con người đã sống trong một thế giới phẳng. Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã từng ngày xóa đi nhiều khoảng cách và ranh giới, hòa trộn rất nhiều sự khác biệt của các quốc gia vào một khối thống nhất.

Căn cước văn hóa trong mỗi cá nhân con người và trong mỗi quốc gia là những yếu tố cơ bản hay có thể nói là sự sống còn để xác lập sự tồn tại độc lập của cá nhân và quốc gia đó và làm nên những vẻ đẹp cho nhân loại. Chính vì vậy mà đối với mọi quốc gia ở bất cứ hình thái xã hội nào, thể chế chính trị nào thì văn hóa phải là nền tảng hệ trọng nhất cho sự phát triển hay nói cách khác là cho ý nghĩa sống đích thực của cá nhân đó và quốc gia đó.

Những người nông dân làng tôi từ hàng trăm năm trước đã viết lên tường ngôi đình cổ kính của mình dòng chữ: “Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường”. Phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng sống nhưng nếu không có văn hóa thì chất lượng sống ấy sẽ đẩy con người vào trong một ngôi nhà mang tên “hưởng thụ vật chất”.

Văn học làm nên văn hóa

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên văn hóa là văn học, ngay từ khi là văn học truyền miệng đến văn học chữ viết. Đặc biệt từ năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thì giá trị văn hóa dân tộc đã trở thành một giá trị không thể đánh mất và sứ mệnh của trí thức và văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn Việt Nam càng trở nên rõ ràng, thực sự vẻ vang nhưng đầy thách thức.

Sau năm 1975, người Mỹ đã tuyên bố: “Phát hiện lớn nhất của người Mỹ về Việt Nam qua cuộc chiến tranh là phát hiện về văn hóa”. Chính vì hiểu nền văn hóa của dân tộc Việt Nam mà người Mỹ đã đi tới thiết lập quan hệ ngoại giao và hợp tác với Việt Nam như ngày nay.

Ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên với Việt Nam ở các cấp, các nhân vật quan trọng của chính quyền Mỹ cho tới các tổng thống Mỹ đã đến thăm Việt Nam đều dùng Truyện Kiều như một lời chào để mở những cánh cửa bước vào đất nước chúng ta.

Một trong những ví dụ vô cùng thuyết phục là trường hợp giáo sư, nhà thơ cựu binh Kevin Bowen, người đã tham chiến ở chiến trường Tây Ninh. Ông tham gia phong trào phản chiến và đã bền bỉ nói với người Mỹ về đất nước Việt Nam bằng cách dịch và truyền bá những tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi…

Ngay sau khi từ chiến trường Việt Nam trở về, Kevin Bowen đã viết bài thơ nổi tiếng “Chơi bóng rổ với Việt Cộng’’. Bài thơ này đã dựng nên chân dung những người lính Cụ Hồ, để từ đó dựng nên chân dung văn hóa Việt. Bài thơ có sức mạnh lạ thường đã thay đổi cách nhìn của rất nhiều người Mỹ về con người Việt Nam.

Một trong ba lý do để chính quyền Boston tôn vinh nhà thơ này được ghi rõ trong bản công trạng là: “Ông (Kevin Bowen) đã làm cho người Mỹ hiểu sâu sắc nền văn hóa của một kẻ thù cũ – Việt Nam’’.

Điều đó cũng minh chứng cho tầm quan trọng hay chính xác là sự sống còn của một đất nước là văn hóa của dân tộc đó. Điều đó minh chứng một cách thuyết phục nhất sự đúng đắn của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ngay từ khi Đảng được thành lập và đặc biệt trong hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 cũng như Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong thời đại mới.

Hiện nay, cũng như mọi quốc gia, Việt Nam đang sống trong một thế giới mà nhiều “biên giới” đã và đang bị xóa nhòa. Thế giới phẳng và đời sống dân chủ đã mở ra mọi cánh cửa, và mọi xu hướng chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa của thế giới có thể hiện diện ở mọi hình thức trong đời sống xã hội Việt Nam.

Bởi thế, bản sắc văn hóa truyền thống phải trở nên rõ ràng nhất, sâu sắc nhất, khoa học nhất, nhân văn nhất và phù hợp với một tinh thần sống mới của đất nước mới trở thành năng lượng sống cho một dân tộc và trở thành thành trì bền vững nhất bảo vệ những giá trị Việt trước một xu thế hội nhập không thể cưỡng lại được của thế giới.

Chúng ta đều hiểu rằng: Khi một quốc gia đánh mất bản sắc văn hóa của mình, quốc gia đó sẽ bị các lối sống và tư tưởng khác xâm lược. Nhưng chúng ta phải thấu hiểu rằng: Truyền thống không phải là sự bất động mà luôn chuyển động để cộng vào những vẻ đẹp mới trong đời sống và làm cho nó trở nên phong phú và mở rộng chiều kích trí tuệ và tâm hồn Việt Nam.

Chưa bao giờ, người dân Việt Nam lại được sống trong một đời sống nhiều của cải vật chất như bây giờ. Sự đổi mới và chính sách dân chủ của Đảng đã mang lại cơ hội lớn cho con người Việt Nam trong đó có các nhà văn chân chính và một nền văn học chân chính.

Nhưng dân chủ cũng đặt các nhà văn Việt Nam đứng trước những thách thức vô cùng nặng nề. Chính vì thế mà sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và càng phức tạp. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, của sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này.

Nghị quyết Đại hội Đảng 13 về xây dựng văn hóa và con người mới đã đặt ra cho dân tộc, trong đó có nhà văn, sứ mệnh vô cùng to lớn mang tính sống còn cho tương lai đất nước. Một hiện thực mà chúng ta phải đối mặt là có một bộ phận thanh thiếu niên đang sống một cách ích kỷ, vô cảm, thiếu lý tưởng và hoang mang đi tìm ý nghĩa sống.

Với lý do đó, Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu đã thành lập giải thưởng cho các nhà văn trẻ để từ đó nhận diện những gì đang diễn ra trong tâm hồn và tư tưởng của thế hệ trẻ, để hướng các nhà văn trẻ tới trách nhiệm của ngòi bút đối với con người và dân tộc.

 

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 6 năm 2021 với chủ đề “Vì sao chúng ta viết”.

 

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 6 năm 2021 với chủ đề “Vì sao chúng ta viết”. Đây là một câu hỏi quan trọng đặt ra cho những nhà văn trẻ khi cầm bút. Những người viết trẻ phải thấu hiểu rằng: một nhà văn chân chính phải viết vì những vẻ đẹp đời sống và văn hóa, phải viết vì lợi ích dân tộc, phải viết vì lương tâm của con người trước cái ác. Nếu không trả lời được câu hỏi đó thì nhà văn sẽ không mang lại điều gì cho con người và đất nước trong những trang viết của mình.

Nghị quyết Đại hội Đảng 13 đã xác lập bản chất và đường đi của một nền văn hóa mới. Điều cần thiết lúc này là các tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ phải có khả năng hiện thực hóa Nghị quyết để tất cả ý nghĩa và tư tưởng của Nghị quyết trở thành hơi thở đời sống trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn đất nước.

NGUYỄN QUANG THIỀU


Có thể bạn quan tâm