April 17, 2024, 6:02 am

Cảm thụ nghệ thuật và xu hướng thưởng thức của công chúng trẻ

 

Nói đến cảm thụ nghệ thuật của công chúng trước hết là nói đến tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật khi đã được công bố thì không chỉ là của tác giả, mà là sản phẩm tinh thần của xã hội. Ở đây là cuộc đối thoại giữa sự sáng tạo của nghệ sĩ và sự cảm thụ của công chúng. Mỗi bên đều có tác động tích cực đối với bên kia. Ở các thời đại khác nhau, có kiểu nghệ sĩ khác nhau, và công chúng không đồng nhất. Nhưng ai ai cũng phải thừa nhận vai trò tích cực của người thưởng thức thơ văn, nhạc, họa của nghệ sĩ, coi họ là bạn tri âm, tri kỷ của văn chương, nghệ thuật. Trong dòng thác sáng tạo nghệ thuật thời nào cũng vậy, vai trò của người đồng cảm, đồng điệu là hết sức to lớn. Nhưng, công chúng thưởng thức thì có nhiều nhóm xã hội, lứa tuổi, thị hiếu, trình độ học vấn, phông văn hóa khác nhau, cho nên sự đồng cảm khác nhau, sự cảm thụ không giống nhau, thậm chí đối lập nhau. Đối lập, khác nhau trong cảm thụ nghệ thuật là chuyện đương nhiên… Trong lịch sử mỹ học, vấn đề công chúng nghệ thuật được nhiều nhà mỹ học coi là phương pháp thực tiễn hơn là vấn đề thẩm mỹ. Nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội như: đạo đức học, tâm lý học, lý thuyết thông tin đại chúng, tu từ học, v.v… là những lĩnh vực được các nhà nghiên cứu quan tâm đến hiệu quả xã hội, tác động đến lý tưởng, tâm hồn, tình cảm của con người. Phép biện chứng giữa cái thay đổi và cái bền vững, cái bề nổi và cái bề chìm, cái vạn biến và cái bất biến của tác phẩm đã phủ định tính tuyệt đối của tác phẩm nghệ thuật.

Nhà thơ lớn Đức Goethe có lần nói đại ý rằng, chính con người phải phán đoán, phân tích, cảm xúc tác phẩm vốn là “lời văn và con chữ” qua cuộc sống “tâm hồn và con tim” của mình.

*

Vào những năm 20, 30 cho đến đầu những năm 40 của thế kỷ trước, lịch sử văn hóa nước ta chứng kiến nhiều cuộc tranh luận về quốc học, về Truyện Kiều, về duy tâm và duy vật, về thơ cũ và thơ mới. Cả hai chiến tuyến đều có ý kiến khác nhau, nhưng cuối cùng chân lý thường thuộc về công chúng số đông, mà những người đại diện tiêu biểu là nhà nho sĩ phu yêu nước Huỳnh Thúc Kháng và nhà lý luận mác xít Hải Triều. Tranh luận với Lưu Trọng Lư về Truyện Kiều cụ Huỳnh đứng trên lập trường đạo đức học; Đối với Phạm Quỳnh thì thái độ Huỳnh tiên sinh có khác về tông tranh luận, khi bậc thức giả này buồng lời quá đáng, coi Truyện Kiều cao hơn dân tộc và tiếng dân tộc… Còn cuộc tranh luận giữa Hải Triều và Hoài Thanh đã đẩy lên cực điểm của hai phái. Tựu trung có ba vấn đề liên quan đến cảm thụ, thưởng thức đáng giá văn chương, nghệ thuật: 1. Nhà văn có làm công việc xã hội không?; 2. Nghệ thuật vị nghệ thuật khác với văn chương là văn chương; 3. Phân biệt người làm văn (nghệ sĩ) và người cầm bút (thợ thủ công). Thời gian qua đi, sự trưởng thành của lớp nhà văn tiền chiến nhờ đi theo Cách mạng, nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh đã có những kiến giải bắt nguồn từ mỹ học mác xít. Ngay từ những năm 30, 40, Hoài Thanh đã coi văn chương là vì cuộc đời “chuyện không cho nhà văn làm công việc xã hội” là chuyện oan; ông viết: “nhà văn là một người sống giữa xã hội… có lúc phải biết bênh vực kẻ yếu, chống lại sức mạnh của đồng tiền, súng đạn…”. Văn chương trước hết phải là văn chương, khác với nghệ thuật vị nghệ thuật. Cái trước là vì nhân sinh, vì cộng động, thơ hay phải thành thực, thơ phải hay, tránh loại văn chương nước ốc, còn cái sau chỉ vì cái đẹp thuần túy, kể lể, sắp đặt như người thợ thủ công. Tuy nhiên, Hoài Thanh cho đến cuối đời, người thưởng thức văn phê bình của ông coi ông không có chủ thuyết. Chính ông thừa nhận: “Tôi không chủ trương lý thuyết nào hết, hễ thấy bóng sáng lý thuyết là sợ”

Trong văn chương thế giới, cảm thụ nghệ thuật gắn liền với việc đánh giá nghệ thuật với những động cơ về lý tưởng thẩm mỹ rất khác nhau, kể cả khi tác phẩm của một số nghệ sĩ lớn, tài danh đã ổn định. Ví dụ sau đây cho ta biết cảm thụ của L.Tolstoi (1828-1910) đối với nhiều nhân vật của Shakespeare W. (1564-1616) là hết sức cực đoan chẳng khác nào một nhà phê bình gay gắt đáo để… Chính vì vậy mà muốn có được một sự cảm thụ tốt, công chúng trẻ cần được giáo dục kỹ về thị hiếu nghệ thuật

Tôn trọng mô típ chủ quan trong cảm thụ nghệ thuật không có nghĩa là chiều chuộng, mơn trớn, dung túng những thị hiếu tầm thường của công chúng mà cần có nhiều biện pháp giáo dục nghệ thuật, hướng dẫn năng khiếu cảm thụ. Ở lĩnh vực này, trước, sau vẫn là sự thuyết phục bằng tri thức và cảm xúc... Đúng là cảm thụ nghệ thuật là một quá trình logic: Phải hiểu rồi mới yêu, và khi đã yêu  mới thấy hay, thấy khoái cảm. Nhưng quá trình này khác với uống rượu sâm banh, thưởng thức ly cà phê, vì cái ngon của hai hương vị đồ uống kia chỉ hạn chế ở khẩu vị, sự thụ hưởng cá nhân, còn nghệ thuật đưa lại cảm hứng có giá trị xã hội, mang ý nghĩa triết lý. Thực trạng cảm thụ nghệ thuật sân khấu, âm nhạc của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ mới dừng lại ở mức đánh giá cảm tính: Thích - không thích, vở tốt - vở xoàng, chương trình âm nhạc “nghe được” hoặc tầm thường, cuốn sách hay hoặc dở, v.v…, mà lẽ ra phải phân biệt giá trị chân chính và cái giả tạo, cái đạt và cái chưa đạt của tường hiện tượng nghệ thuật. Muốn đạt được sự khoái cảm thẩm mỹ khi thưởng thức vở diễn, ca khúc, bức tranh, v.v… ngoài bản năng thị hiếu bẩm sinh, công chúng cần đến nhà hát, câu lạc bộ nghệ thuật, chương trình nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phải tạo người xem có nhu cầu thực sựnghiêm túc về thưởng thức nghệ thuật. Ở đó, ngoài chức năng giải trí, người ta có thể tìm được những bài học về đạo lý, về cách ứng xử với đồng loại. Những năm gần đây, một số chương trình nghệ thuật VTV Trung ương như: Giai điệu tự hào, Người hát tình ca, Chương trình nghệ thuật ở các ngày lễ lớn trên Cầu truyền hình, Âm nhạc và bước nhảyv.v… đã được dàn dựng công phu, hoành tráng, lấp lánh màu sắc vừa dân tộc vừa hiện đại, v.v… đã góp phần vào việc giáo dục cảm hứng nghệ thuật cho công chúng, cần được khuyến khích và ghi công[2]. Không phải vô cớ mà các nhà văn hóa lớn thường coi “nhà hát là Thánh đường”, “coi sách, các sản phẩm văn hóa hơn của cải và quyền lực”, “không có sách thì không có kiến thức”, v.v…

Trong giáo dục công chúng lớp trẻ cần lưu ý hai điều: Một là, cần phân biệt tính hiện đại trong âm nhạc với loại âm nhạc bắt chước nước ngoài, rồi tự cho là mới, là sáng tạo. Câu trả lời sau đây của nhạc sĩ F. Schubert nói với các nhạc sĩ trẻ: “Tác phẩm của các anh có nhiều cái hay và cái mới. Tuy nhiên cái hay thì không mới còn cái mới thì không hay”. Cái trước là bắt chước, còn cái sau là sự bất lực của tài năng.Tính sôi động có phải là hiện đại? Trong lúc một số ca khúc của các nhạc sĩ trẻ tự cho mình là “hiện đại”, nhưng ca từ thì thông tục, dễ dãi, những ngôn từ vô cảm, sáo rỗng, coi tình yêu là thứ trang sức, v.v… là những hiện tượng cần được phê phán có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng, các nhạc sĩ đó sáng tác theo bản năng, có khi ngộ nhận những điều mà thế giới đã chối bỏ, thì ta lại nhặt lấy như một báu vật. Ví dụ: Thể loại Rap - Hip hop đã được các ghetto (dân giang hồ ở Mỹ) biểu diễn trên đường phố ở Brooklyn, NewYork từ đầu những năm 80 (thế kỷ XX), thì ở Việt Nam, một số công chúng coi là “hiện đại”! Hai là, đề tài được các nhạc sĩ sáng tác, các ca sĩ thể hiện, công chúng trẻ đa số yêu thích, hâm mộ là cái tôi, cái đời thường (có lúc nào đó họ quên đi cái ta cộng đồng), âu cũng là một thực tế cần được uốn nắn. Khẳng định cái tôi ở một mức độ nào đó là cần thiết, nhưng không nên quên lịch sử, quên tính nhân bản, chủ nghĩa nhân văn vì lý tưởng cao đẹp của con người, thời đại mà người nghệ sỹ đang sống và sáng tạo. Trong lĩnh vực thơ trẻ cũng có một vài câu thơ lạ mà không mới. Một số nhà thở trẻ cứ nghĩ: Thơ là cái vô cực, là cái bí mật. Thế hệ này đến thế hệ khác đọc, viết, hiểu, cảm thụ theo cách của mình. Nhưng tránh cực đoan. Bởi địa chỉ cuối cùng của thơ là vì con người, vì cuộc đời. Các bạn ấy đinh ninh rằng, viết thế nào cũng được, người hôm nay không hiểu thì thế hệ sau sẽ cảm, có khi sâu sắc hơn. Nên mới có những câu thơ, đoạn thơ rối loạn ngôn ngữ, tầm thường về trí tuệ, không tìm được sự rung cảm của người đọc…

Các nhà mỹ học nói cái đẹp thường gắn với cái đạo đức. Cái trước là cảm thụ tự nhiên, còn cái sau là cái cần phải trở nên... Suy rộng ra cảm thụ nghệ thuật cần cả hai, muốn vậy bằng mọi hình thức, giải pháp giáo dục đã nêu ở trên cần được công chúng coi trọng, để cho cái cần phải trở nên trở thành hiện thực, công chúng cần tiếp xúc với mọi hình thức giáo dục nghệ thuật để nâng cao thị hiếu vốn rất tinh tế và phức tạp của con người, đặc biệt là lớp trẻ./.

 


Xem thêm cuốn: Hoài Thanh Bình luận văn chương, Nxb. Giáo dục, 1997, các tr. 24, 26, 32, 50 và một số trang khác bàn về phẩm chất của thơ hay, văn chương trước hết phải là văn chương; thơ hay phải thành thực, v.v…

Trong các chương trình Người hát tình ca, Âm nhạc và bước nhảy, Giọng hát từ ô cửa sổ, người thưởng thức thường bắt gặp “cái tôi” của nghệ sĩ như: Buồn tàn thu, Sầu ly biệt, Sương lạnh, Chiều đôngv.v… với những giai điệu dòng nhạc Bolero, nhạc tiền chiến, “nhạc sến” trong cải lương, các điệu lý trong dân ca Nam Bộ, ca từ lành mạnh cũng góp phần bồi đắp cho “cái tôi” chân chính, cần được thưởng thức có chọn lọc.


Có thể bạn quan tâm