April 19, 2024, 5:46 pm

Cảm thụ “dây chuyền” hay phát huy tính sáng tạo trong văn học

Nếu như hế hệ 6X, 7X  còn xa lạ với Internet và sách số, thì nay thế hệ 10X lại quá quen thuộc và khai thác triệt để intenet như một kênh thông tin không thể thiếu trong quá trình thu nạp kiến thức, bên cạnh việc tiếp nhận theo kiểu truyền thống từ hệ thống giáo dục nhà trường. Điều này được xem là hoàn toàn hợp lý khi mà cuộc sống đang ngày càng tiệm cận với khoa học và công nghệ hiện đại. Nhưng dù là vậy, vẫn có ý kiến quan ngại cho rằng các em đã quá phụ thuộc vào internet mà thiếu đi những kỹ năng sống cần thiết, tạo điều kiện cho sự bị động, rập khuôn trong tiếp nhận thông tin hay nói đúng hơn là theo hướng dây chuyền. Đặc biệt, trong việc học văn, sự nở rộ những địa chỉ giúp truy cập những bài văn mẫu, kèm theo những đáp án có sẵn, vô hình chung đã làm thui chột sự sáng tạo trong học văn, khiến văn học trở nên khô cứng và nhàm chán.

 

 

Thay đổi sự tiếp nhận thụ động

Ghi nhận từ thực tiễn giảng dạy văn học trong nhà trường hiện nay có thể thấy, đa phần trước mỗi giờ học, thầy cô giáo đều yêu cầu học sinh có những thao tác chuẩn bị bài trước khi đến lớn. Cụ thể là đọc hiểu văn bản và trả lời câu hỏi cuối văn bản (soạn văn). Việc làm này giúp học sinh nhận diện được văn bản và hiểu được phần nào nội dung của văn bản thông qua thao tác trả lời câu hỏi. Đây được xem là phương pháp giảm áp lực cho cả thầy và trò trong giờ học chính khoá, tạo điều kiện cho thầy cô giáo tận dụng thời gian để mở rộng kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, không phải thầy cô nào cũng linh hoạt trong những giờ dạy văn. Cụ thể, nhiều thầy cô, vẫn yêu cầu học sinh đọc lại văn bản, trả lời câu hỏi; cũng có thầy cô khai thác triệt để cách học theo hướng sân khấu hoá, hay sáng tạo theo mô hình giáo cụ trực quan, đầu tư quá kỹ lưỡng vào phân đoạn tác phẩm, nhân vật mà quên đi những kiến thức nền (tổng thể) của văn bản. Công bằng mà nói, ở cả hai cách dạy nói trên đều có mặt tích cực và có mặt hạn chế. Trước hết là tích cực, hai cách dạy đều giúp học sinh ghi nhớ văn bản (tác giả, tác phẩm, năm sáng tác…) phần kiến thức không thể thiếu trong mỗi bài kiểm tra, các cuộc thi; nhưng mặt hạn chế là dễ khiến cho học sinh cảm thấy nhàm chán, thậm chí nảy sinh tâm lý cho rằng “giờ văn chỉ dành cho các bạn thích học môn văn”, chưa kể việc đầu tư quá kỹ lưỡng vào văn bản khiến thầy cô thoảng hoặc rất ít mở rộng kiến thức, liên hệ vấn đề văn bản đề cập với cuộc sống đương đại. Chính vì vậy, việc hệ thống lại kiến thức bài học và lập thành sơ đồ tư duy cho mỗi bài trở nên xa lạ đối với nhiều học sinh. Đồng thời, việc tìm tài liệu sưu tầm liên quan đến bài giảng của thầy cô hầu như không có. Thế nhưng, khi kiểm tra kiến thức nền, thầy cô luôn có những phần yêu cầu mở rộng, liên hệ với bản thân…

Thông thường, trước mỗi câu hỏi mở, học sinh có nhiều cách lý giải vấn đề khác nhau, nhưng khung điểm thì luôn bó hẹp do sự khống chế của những đáp án có sẵn khiến cho việc sáng tạo của học sinh đôi khi không được ghi nhận một cách xứng đáng. Do nhiều giáo viên cứ máy móc chấm văn phải theo đáp án, sai đáp án của thầy thì cho điểm thấp khiến cho học sinh trở nên bị động, thậm chí chán nản khi cứ phải học thuộc những điều ghi chép bài giảng trên lớp mà quên mất rằng, mỗi người đều có sự kiến giải vấn đề cho riêng mình chứ không thể yêu cầu hàng trăm học sinh có cùng một suy nghĩ giống như thấy cô của mình. 

Thúc đẩy sự sáng tạo

Văn chương có những đặc thù riêng, bởi văn chương không phải là định lượng mà là định tính. Vì thế, việc học văn hay điểm văn có mặt bằng chung không cao cũng là chuyện không có gì phải bàn cãi. Đặc biệt cách ra đề thi văn chương hiện nay đã và đang hướng theo xu thế thời đại. Văn chương không chỉ bó hẹp trong những giá trị nghệ thuật đơn thuần mà còn hướng tới giá trị của đời sống con người và xã hội. Vì thế, những cách dạy rập khuôn, hay tâm lý tiếp nhận thụ động đều không phù hợp. Song, dù vẫn biết là những cái lỗi thời, xưa cũ không thể tồn tại và cần có những cuộc cách mạng mang tính đột phá trong giáo dục, nhưng việc đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục không đi liền với những chế tài quản lý hành chính tích cực đã dẫn tới không ít hệ luỵ. Đó là những  giáo trình được biên soạn dưới dạng sách tham khảo, bài văn mẫu và những địa chỉ Web dạy văn nói riêng và những môn văn hoá nói chung tràn lan đã khiến cho việc học tập của phần lớn học sinh tiếp tục rơi vào ma trận. Và môn văn cũng không là ngoại lệ. Có quá nhiều sách tham khảo, bài văn mẫu, sách nâng cao được biên soạn theo từng cấp học và phụ huynh không ngần ngại bỏ tiền ra mua chúng, để mong có thể bù đắp những thiếu hụt về mặt kiến thức cho con, em mình. Đây là câu chuyện không mới, nhưng trái với mong mỏi của không ít các bậc làm cha mẹ, những cuốn văn mẫu, hay nâng cao kiến thức học văn chỉ phát huy một phần tác dụng, còn hầu hết chúng trở thành những tài liệu giúp học sinh copy từng đoạn, thậm chí cả bài văn mẫu để trả bài thi

Không riêng gì học sinh, phía người dạy là các thầy cô giáo cũng không phải không có ngoại lệ. Nhiều giáo viên chạy theo xu hướng thời đại, không ngại đem hơi thở cuộc sống vào giờ dạy văn. Những kiến thức về giao thông, về phòng chống bạo lực gia đình, về biến đổi khí hậu… được đưa vào các bài kiểm tra để học sinh trình bày sự hiểu biết và bày tỏ thái độ sống của mình. Thế nhưng, dù là những câu hỏi mở, nhưng những đáp án thống kê rõ những ý cần đạt được cũng ít nhiều tác động đến điểm số của học sinh bởi việc tạo ra một khuôn mẫu có sẵn trong mỗi đề thi. Chưa kể, nhiều thầy cô do tâm lý ngại tìm tòi còn copy luôn những đề thi có sẵn, đáp án có sẵn… có chăng chỉ cắt gọt đi một số chi tiết cho có sự khác biệt, dẫn đến tình trạng nhiều câu hỏi phụ không phù hợp hay ăn nhập gì với văn bản trích dẫn…

Thúc đẩy sự sáng tạo trong dạy và học văn là một giải pháp giúp cho học sinh từ ngại học văn chuyển sáng yêu thích văn. Tuy nhiên muốn là được điều này cần phải có sự thay đổi từ hai phía: người học và người dạy. Đặc biệt thay đổi thói quen “thầy đọc - trò chép” và khi trả bài cần phải theo đúng những điều thầy, cô đã dạy. Thay bằng việc đọc nhiều tài liệu để mở mang kiến thức, thoát ly văn bản để mở rộng ra những vấn đề xã hội đương thời đang quan tâm. Ví dụ khi dạy chị Dậu, thầy cô có thể dùng hình ảnh để chuyển tải đến học sinh bối cảnh sống, sự nghèo đói cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân dưới chế độ phong kiến thực dân, nhưng để các em hiểu được cái nghèo đói, sự khốn khổ thế nào cần phải so sánh với cuộc sống đương thời. Muốn vậy, thầy cô cần phải “đọc” nhiều tài liệu, đọc ở đây không phải chỉ là đọc những kiến thức chuyên môn phục vụ cho việc giảng dạy một chuyên ngành, một cấp, một bài… mà đọc mọi lĩnh vực, thậm chí cả lĩnh vực của khoa học tự nhiên. Có tri thức đa ngành như vậy, khi giảng dạy mới có thể tích hợp một cách tự nhiên vào giờ dạy. Dạy văn thì phải tích hợp và rất cần “tích hợp dọc”, nghĩa là liên hệ các vấn đề văn chương với triết học, lịch sử, nghệ thuật... để hoàn thành một giờ giảng văn giúp cho học sinh có thêm phần hứng thú với văn học. Và như vậy thì có thể  hiểu, suy cho cùng, dạy và học văn quá trình “tiếp nhận” xảy ra ở giữa việc đọc văn bản văn học và hiểu tác phẩm văn học ở Việt Nam hiện chưa tìm ra hướng đi đúng. Và như ai đó đã nói rằng: Giáo dục văn chương cuối cùng chỉ dừng lại ở việc rao giảng để ngăn cản học sinh được nêu lên ý kiến thực sự của mình hay sao? Cũng giống như hội họa, văn học khó có chuẩn mực chung nhất, người ta phải dành cả đời để tiếp nhận nó một cách trung thực... Liệu rằng với sự thay đổi thông qua “tích hợp” có thể tạo nên những khác biệt trong điểm số về văn học so với nhưng môn văn hoá khác hay không vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Và trong một chừng mực nhất định, khi “tích hợp” phát huy tác dụng, nghĩa là học sinh cũng có thể tự do sáng tạo trong học văn thì những đáp án có sẵn được xem là đang “có vấn đề”, cũng cần phải được xem lại và nhìn nhận một cách đúng đắn. Đã đến lúc thay vì dạy văn theo hướng cảm thụ dây chuyền, nên đẩy mạnh sự sáng tạo trong bản thân mỗi học sinh. Đây cũng là yêu cầu đặt ra một cách rốt ráo để thầy cô không quá khe khắt trong việc chấm bài theo đáp án và những điều thầy đọc trò ghi…

Hy vọng rằng sẽ có những thay đổi tích cực hơn  từ việc lấy học sinh làm gốc và tôn trọng sự sáng tạo của chính các em.

Nguồn Văn nghệ số 09/2020


Có thể bạn quan tâm