April 26, 2024, 2:08 am

Cảm nhận mùa Xuân…

Chiều 30 tháng 12 năm 2022.

Nếu ứng vào cái Tết cổ truyền ở Việt Nam ta thì đang là ngày 29 Tết bởi tháng 12 dương lịch năm nay có 31 ngày, và Nhật bản ăn Tết theo dương lịch giống như châu Âu…

Ở nhà quanh quẩn từ sáng, hết ôm cái máy tính rồi lại chơi với các cháu. Đến giờ ăn thì ngồi vào mâm. Ăn xong, uống nước, chợp mắt nghỉ trưa một lát, tỉnh giấc lại ôm cái máy tính cho đến khoảng 5 giờ chiều thì đi thể dục… Cuộc sống cứ diễn ra tuần tự như một cái máy đã lập trình sẵn. Quen thuộc. Nhàm chán…

Bỗng nhớ ra sắp Tết, tôi rủ hai cháu ra phố, đi dạo một vòng.

Đường phố vắng teo, không một bóng người. Chỉ thỉnh thoảng lắm mới thấy chiếc ô tô phóng vèo qua, để lại phía sau là một không gian buồn tơi tả. Có lẽ cái sự cảm nhận ấy chỉ là của riêng tôi thôi, chứ người Nhật họ cũng đang náo nức chuẩn bị đón mừng năm mới ghê lắm. Cứ suy từ những người trong nhà tôi thì cũng đủ biết. Đã mấy hôm nay, các con đánh xe ô tô đi sắm tết, mua hoa, mua đồ trang trí trong nhà, mua thức ăn, thức uống... Cũng mấy lượt xe đi, xe về. Rồi dọn dẹp nhà cửa. Thay cây thông Noel bằng chậu quất. Mua cây đào phai đặt ngoài sân. Hai bên cổng ngõ được trồng thêm mấy khóm cây nhỏ kiểu người dân xứ Nam Âu đang thịnh hành. Dọc lối ra vào từ ngoài cổng ngõ vào cửa nhà là các chậu hoa đa sắc màu, xinh xinh. Cũng tất bật ra phết…

Ba ông cháu rẽ vào một cửa hàng tổng hợp. Như ở ta hay gọi là siêu thị. Các gian hàng phục vụ cho cái Tết gần như rỗng đồ. Chứng tỏ sức mua bán sắm sửa cho ngày Tết của người dân Tokyo cũng rất “khủng”. Theo quy định, ngày mai, các cửa hàng sẽ mở cửa nửa ngày, phục vụ nốt những người quá bận rộn… Chắc đến khi đó, đường phố còn vắng vẻ hơn chiều nay nhiều.

Rời cửa hàng. Hai cháu gái xin phép qua nhà bạn để tặng quà Tết. Chia tay với các cháu, tôi càng thấy lòng buồn hiu hắt. Trời rét. Không khí run rẩy. Cây cối hai bên đường khẳng khiu, trơ trọi, cũng đang run rẩy. Nhiệt độ ngoài trời lúc này xuống rất thấp. Theo Đài Khí tượng thủy văn Tokyo thông báo, nhiệt độ khoảng âm 2 độ C…

Tôi vẫn một mình đếm từng bước trên con đường vắng lặng và vẩn vơ với bao suy nghĩ. Chuyện đời, chuyện người, chuyện ta, rồi chuyện của họ.

Người Nhật xưa kia có nhiều phong tục tập quán về cái tết rất kỳ bí. Trước thời kỳ Minh Trị, Nhật Bản cũng ăn Tết giống như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ năm 1873, Nhật Bản đã chính thức thông qua luật dùng lịch dương theo châu Âu. Và bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm ấy đã trở thành ngày đón mừng năm mới chính thức đầu tiên của đất nước mặt trời mọc này. Tất cả mọi phong tục tập quán về cái Tết cũng như quản trị hành chính của người Nhật Bản từ Tết truyền thống đều được chuyển sang Tết dương lịch. Theo đó, các cơ quan hành chính, công ty, cửa hàng cửa hiệu trong cả nước đều được nghỉ. Ngày mùng 1 Tết là ngày quan trọng nhất trong năm. Người dân Nhật Bản có tục xem mặt trời mọc vào ngày đầu tiên của năm mới. Họ quan niệm việc xem mặt trời mọc vào ngày đầu tiên của năm mới là một việc làm tốt đẹp, mang lại nhiều may mắn thịnh vượng cho cả một năm của họ.

Tết ở Nhật bản cũng có nhiều nét tương đồng với các nước phương Đông. Tuy nhiên, họ có rất nhiều phong tục tập quán riêng với nhiều nghi thức đặc biệt của một đất nước giàu bản sắc truyền thống văn hóa… Chỉ đơn cử việc đi lễ đầu năm của người Nhật Bản cũng có những điểm khác biệt so với các nước phương Đông và Trung Quốc. Thỉnh thoảng, tôi cũng đã có dịp hòa cùng dòng người đi lễ cầu may vào dịp năm mới. Mồng một Tết năm nay (Dương lịch) cũng vậy, gia đình tôi lại đi lễ. Ngay từ 8 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại một ngôi Đền cổ và rất linh thiêng tại Tokyo. Hàng đoàn người xếp hàng trên con đường dẫn vào Đền dài khoảng gần cây số, rộng tới cả chục mét. Người đông đến mức tràn ra cả ngoài phố tới gần cây số nữa. Họ trật tự, nhích từng bước chậm chạp chứ không chen lấn xô đẩy nhau như ở ta. Đến trước cửa ngôi nhà Thánh của Đền, mỗi người tung một đồng xu vào nơi quy định rồi chắp tay vái ba lần, sau đó cầu khấn một điều gì mình đang mong muốn. Việc cầu xin của người Nhật cũng khác hẳn với người Việt Nam và Trung Quốc. Họ chỉ cầu xin điều may mắn tốt đẹp cho những người thân yêu của họ chứ tuyệt đối không cầu xin cho bản thân mình. Họ quan niệm về lẽ sống bằng một triết lý rất nhân văn: “Cho đi là còn mãi”…

Việc cúng lễ xảy ra trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi, chỉ vài giây như vậy nhưng đã phải mất tới hai giờ đồng hồ để xếp hàng. Sau công việc chính, họ quay sang rút thẻ để xem năm ấy vận hạn có được tốt đẹp hay xung khắc. Những người rút được thẻ may mắn, họ sẽ mang về và ấp ủ niềm hy vọng cho cả một năm. Còn những ai không may mắn rút phải những lá thẻ xấu, họ buộc lại ở một nơi được Ban tổ chức Đền quy định, sau đó ra rửa tay bằng nước Thánh rồi mua một một ly rượu nhỏ uống để gột rửa những điều tồi tệ có thể đến với mình.

Ở những phố xung quanh khu vực Đền có rất nhiều cửa hàng phục vụ cho việc ăn uống vẫn hoạt động bình thường. Giá cả không có gì khác biệt so với ngày thường. Ăn uống xong, chúng tôi đi xem phim. Theo chương trình đã sắp xếp của gia đình, hai đứa trẻ trong nhà không tham gia việc cúng lễ thì xem phim trước. Khi chúng tôi xem phim thì các cháu sẽ đi du xuân. Tôi có vẻ mệt nên tỏ ý không muốn đi xem phim mà muốn về nhà nghỉ. Con trai phải đánh xe đưa tôi về rồi mới quay lại trung tâm chiếu phim để tiếp tục thực hiện chương trình đã định sẵn…

Về đến nhà, tôi nằm nghỉ với biết bao suy nghĩ về cái Tết của người Nhật. Tại sao người Nhật đã bỏ được cái Tết cổ truyền để hòa nhập với thế giới từ năm 1873 mà ở ta thì không thể làm được sau biết bao tranh cãi? Trong thời đại mở cửa, chỉ việc ăn Tết lệch thời gian cũng đã gây vô cùng phiền toái đối với các công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, và còn vô số những vấn đề khác cũng phải chịu ảnh hưởng liên đới nữa…

Khi tôi đang nằm nghỉ, chắc cũng mới chỉ được mươi phút thì có tiếng chuông cửa nhà reo lên. Tôi trở dậy mở cửa. Thật bất ngờ khi thấy hai cháu gái trở về. Các cháu đã quyết định không đi du xuân nữa mà ra tàu điện về nhà. Hai cháu gái của tôi, đứa lớn theo cha mẹ sang Nhật từ lúc mới lẫm chẫm biết đi, biết nói, nay sắp vào học cấp 3. Đứa bé thì sinh ra ở Nhật Bản. Chúng mang một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ở xứ người. Tuy hơi chạnh lòng một chút, nhưng lại mừng vì chúng được học hành rất nhiều điều tử tế, mang đầy tính nhân văn của con người…

Tôi xin phép được kể một mẩu chuyện nhỏ liên quan đến vấn đề này. Hồi cháu lớn đang học lớp bốn, trong một lần ba ông cháu rủ nhau đi dạo phố. Vừa ra khỏi nhà được vài chục mét, tôi bỗng thấy cháu ngồi thụp xuống, tay rón rén nhặt một vật gì đó trên đường mà tôi không thể nhìn thấy. Tôi vội hỏi, con làm gì thế? Cháu trả lời, con nhặt con côn trùng này ông nội ạ. Tôi kinh hãi thốt lên, trời ơi, con nhặt làm gì, bẩn đấy! Nhưng con phải cho nó vào trong kia không người ta dẫm nó chết mất! Vừa nói, cháu vừa chỉ tay chỉ sang vệ đường, ở nơi đó có một lùm hoa dại đang trổ bông.

Tôi nghe cháu gái nói, sững người lại, không còn biết phải khuyên cháu như thế nào cho phải nữa…

Tôi nhìn hai cháu, rồi hỏi:

- Sao các con không đi du xuân mà lại về?

Đứa lớn nhanh nhảu đáp lời:

- Chúng con về vì sợ ông nội ở nhà một mình buồn.

Tôi cảm động quá, ôm chầm lấy hai cháu và quên luôn cả mệt. Ba ông cháu tôi cùng dắt nhau vào nhà. Được một lát, tôi lại rủ hai cháu đi dạo trên đường phố. Tôi muốn bù lại việc đi du xuân của các cháu bằng một cuộc dạo phố cho các cháu được vui vẻ…

Vẫn là những con đường vắng lặng nhưng đầy ắp không khí xuân của một đất nước xa vời mà lúc này tôi đang dần cảm nhận được…

Thế Đức

Nguồn Văn nghệ số 9/2023


Có thể bạn quan tâm