March 28, 2024, 11:35 pm

“Cải tiến” kỳ thi THPT từ sự chắp vá, vội vã

 

  • Cải tiến từ “3 chung” (giai đoạn 2002-2014) và thi “2 trong 1” (từ năm 2015 đến nay) kỳ thi THPT quốc gia đã bộc lộ nhiều bất cập được cho là có kết quả từ cách làm chắp vá, vội vã. Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay sẽ dừng vào năm 2020 và được cải tiến vào năm 2021, đến năm 2024 sẽ tiếp tục thay đổi
  • Nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất nên bỏ kỳ thi “2 trong 1” bởi việc đánh giá năng lực như hiện nay chưa thật sự đủ độ tin cậy và khoa học. Đồng thời Bộ đang dồn gánh nặng lên các trường đại học, trong khi phần mềm chấm thi còn yếu, thủ tục nhiêu khê... nên rất khó bền vững.

Thiếu những yếu tố bền vững

Cuối tháng 4/2019, nhóm nghiên cứu của Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới” (do PGS-TS Nguyễn Phương Nga làm chủ nhiệm), qua đó đề xuất 2 phương án đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT cho Việt Nam.

Phương án thứ nhất, các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh đã học xong chương trình và đạt các điều kiện của Bộ Giáo dục & đào tạo. Học sinh đã có giấy chứng nhận sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của sở Giáo dục & đào tạo. Kỳ thi THPT được tổ chức 2-3 lần/năm, do sở Giaos dục & đào tạo tổ chức, thí sinh được chọn thời điểm thi.

Phương án thứ 2, các trường THPT tổ chức thi tại chỗ cho những học sinh đã học xong chương trình THPT, theo các đề thi do trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục & đào tạo thiết kế. 

Một lần nữa câu hỏi về có hay không tổ chức kỳ thi với mục đích xét TNPTTH và tuyển sinh đại học được các chuyên gia giáo dục thẳng thắn đặt ra trước thực tế về một kỳ thi có quá nhiều kỷ lục được xác lập. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường đại học FPT, đề xuất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thi cử cũng sẽ phải thay đổi, làm sao để bảo đảm chúng ta không mất quá nhiều công sức cho việc thi cử. “Có cần thi cho tất cả các thí sinh, khi mà năm nào cũng trên 90% đậu tốt nghiệp. Đơn cử tại một số địa phương, chỉ nên tổ chức thi cho khoảng 30% học sinh có học lực yếu, còn lại 70% học sinh được đặc cách xét tốt nghiệp. Kết quả thi 30% đó cũng đã đủ số liệu để đánh giá chất lượng giáo dục của địa phương. Việc có em thi, có em không phải thi cũng là áp lực để xã hội giám sát việc dạy và học, việc thi. Cùng với đó, vì 70% học sinh không có điểm thi nên bắt buộc các trường đại học phải tự chủ khâu tuyển sinh.

Trên thực tế, kỳ thi TNTHPT quốc gia lấy kết quả phục vụ cho nhiều mục đích là chưa thoả đáng. Bộ đề thi được Bộ chủ quản sủ dụng tuy có độ phân hoá nhất định nhưng chưa đủ tính chính xác, khoa học do chưa được phản biện một cách công khai tại các trung tâm khảo thí độc lập (việc phản biện hiện nay do Cục khảo thí thuộc Bộ giáo dục & đào tạo đảm nhận). Do đó, về lâu về dài cần phân hoá kỳ thi theo mức độ quan trọng khác nhau và cần thiết phải giao việc xét tốt nghiệp cho các địa phương thực hiện cho phù hợp với chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra của mỗi địa phương.

 

Tăng chất lượng

Thông thường, tổ chức một kỳ thi là để đánh giá chất lượng (đối với hàng hoá) hay xếp thứ hạng trong một tổ chức, một cộng đồng dân cư. Với giáo dục, thì đó là lời giải cho bài toán về một chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kỹ năng sau 12 năm học phổ thông. Kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ xét tuyển đại học, cao đẳng mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tiễn giáo dục lại khác. Chỉ lấy ví dụ về môn tiếng Anh, một trong những môn học bắt buộc và sớm được xác định là ngôn ngữ thứ hai khi Việt Nam hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới. Thậm chí trong một chừng mực nhất định, Bộ Giáo dục & Đào tạo còn coi tiếng Anh là “cây đũa thần” chỉ việc hô biến để mỗi người Việt Nam có thể vững tin bước ra thế giới trở thành công dân toàn cầu. Nhưng kết quả lại không đúng như kỳ vọng, khiến dư luận đặt câu hỏi về tính khả thi và  cơ sở khoa học khi Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng đề án. Vẫn biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không chỉ để xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh mà quan trọng hơn là giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT quốc gia .

Trước những bất cập từ công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, giáo dục đại học tới đây chỉ gói gọn trong một từ: Chất lượng! Phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, chú trọng kiểm định chất lượng, bao gồm kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định trường. Bộ trưởng tin rằng nếu toàn ngành giáo dục đều tốt thì sẽ có sản phẩm giáo dục tốt. Nhưng tốt ở góc độ quản lý, chưa chắc thực tiễn đã tốt. Đặc biệt, đây đó trong hệ thống giáo dục quốc dân vẫn còn tồn tại những “quy luật bất thành văn kiểu xin - cho” thì chất lượng giáo dục chắc chắn không thể tốt như Bộ trưởng kỳ vọng. Tâm lý chuộng bằng cấp, coi bằng cấp là phao cứu sinh để có được một vị trí nhất định trong hệ thống  hành chính công vẫn còn tồn tại, thì những giải pháp phần ngọn như lâu nay bộ vẫn làm sẽ không dủ mạnh để có thể làm một cuộc chấn hưng toàn diện ngành giáo dục. Nhất là khi những tranh luận về có hay không tiếp tục tổ chức một kỳ thi có quá nhiều kỷ lục được xác lập vẫn chưa đi đến hồi ngã ngũ thì sự lãng phí nguồn lực xã hội sẽ tiếp tục đè nặng lên ngân sách nhà nước vốn đang khó khăn, thậm chí đang mỏng hơn bao giờ hết.


Nguồn Văn nghệ số 31/2019


Có thể bạn quan tâm