April 18, 2024, 2:39 pm

Cái riêng của Thái Hải

Trước đây, Thái Hải đã khá thành công với trường ca Đồng Hới khúc huyền tưởng(1), một trường ca chắc khỏe, cảm hứng sử thi và cảm hứng trữ tình nhuần nhuyễn, lồng quyện níu thắt người đọc trước huyền thoại của vùng đất “thừa nắng thừa gió”, của những con người sống mà “cái khổ mặn hơn muối” rồi. Hôm nay, đọc hai trường ca Tôi tìm tôi(2) và Bông nắng cuối ngàn(3), và nghe nhà thơ Thái Hải tâm sự cũng dựa trên cái nền lịch sử, năm tháng máu lửa để viết, vẫn thấy đậm cái tôi, cái riêng của Thái Hải.

Trường ca với ưu thế dài hơi, ôm chứa trong nó những vấn đề rộng lớn giúp người nghệ sĩ cơi nới về mọi phương diện, xác tín quan điểm tư tưởng của mình mà trong khuôn khổ một bài thơ không thể giải quyết hết. Trường ca đòi hỏi sức bền của ngôn từ, độ chín của cảm xúc, tư tưởng. Vì thế, viết trường ca có nghề không đơn giản chút nào. Ở Quảng Bình, một số tác giả thử thách ngòi bút qua thể loại trường ca, trong đó, những trường ca của cố nhà thơ Xuân Hoàng được bạn đọc và giới nghiên cứu đánh giá khá cao. Và “giữa eo thắt quặn lòng của dải đất miền Trung”, sau Xuân Hoàng, có thể không quá lời khi cho rằng, Thái Hải đang giữ vị trí chủ chốt ở thể loại trường ca.

Cả ba trường ca (Đồng Hới – khúc huyền tưởng; Tôi tìm tôiBông nắng cuối ngàn) đều lấy cảm hứng từ “Dọc dãi đất miền Trung/ Đêm/ Không đèn/ Ngày/ Không khói” (Bông nắng cuối ngàn) và vận động theo mô hình tự sự - trữ tình. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa tự sự - trữ tình hoàn toàn khác nhau. Nếu Đồng Hới - khúc huyền tưởng có sự gia giảm yếu tố tự sự khi soi chiếu “cá thể công dân” trên cái nền phức hợp không-thời gian, trên cái nền huyền tưởng, tự hào, để cuốn hút người đọc vào mạch cảm huyết-quản-phố-hoa-hồng từ “thưở hồng hoang”, “Đất và người Đồng Hới dậy sóng” cho đến ngày “Đồng Hới nhịp sóng ngân rung lồng ngực trẻ”, thì ở Tôi tìm tôi, yếu tố tự sự đã được trữ tình hóa, độc giả ngỡ như là lát cắt tâm trạng của “cá thể trữ tình” trong một ngày trở lại tuyến lửa quân khu IV, nhưng khoảnh khắc ấy lại như một bản giao hưởng da diết về cuộc đấu tranh đầy dữ dội, thảm khốc mà rất đỗi anh hùng của những nữ thanh niên xung phong. Trường ca Bông nắng cuối ngàn xây dựng theo mô hình tuyến tính, tựa vào quá khứ đau thương của những người vợ chờ chồng trở về, của những đồng đội vĩnh viễn hóa thân vào đất đai, rồi vắt sang nỗi niềm sau hòa bình khi “tình người hình như bắt đầu mọc gai”. Từ khoảng lặng nhức nhối của chiến tranh đến khoảng lặng đời thường khi “quá khứ vẹt mòn”, tâm trạng của “cá thể trữ tình” đã hòa vào tâm trạng của những người mẹ, người vợ, đồng đội - những con người “nước mắt lặn vào trong” để làm nên “giàn đồng ca mùa xuân”, không phải tiếp tục xới lên những quặn xót mà muốn báo động trước nguy cơ lãng quên năm tháng bi hùng.

Thái Hải chọn 4 câu thơ trong trường ca Đồng Hới khúc huyền tưởng làm lời đề từ cho trường ca Bông nắng cuối ngàn, nhưng theo tôi, lời đề từ đó “cũng là lời chung” xuyên suốt hai trường ca: “Thằng sống nhớ tuổi hai mươi/ Thằng chết làm sao nhớ được/ Ly rượu cụng vào đêm/ Ta chạm hồn vía bạn”. Có thể nói không quá rằng, lời đề từ đã quán xuyến tư tưởng, quan điểm nghệ thuật của tác giả trong hai trường ca này. Người đọc như được chứng kiến những năm tháng khốc liệt đầy bi tráng của dân tộc ta. Hiện thực cay đắng và bản chất của chiến tranh được nhà thơ phơi trần, lồng ghép ngay trong số phận của con người. Đó là những hậu phương vững chắc, gánh chịu mọi đau thương, khắc khoải chờ đợi, tiễn chồng, tiễn con, tiễn người yêu lên đường ra trận: À ơi/ Người đàn bà tóc trắng/ Trắng giấc mơ/ Trắng đến chiều tà/ Cuộc đời trắng/ Trắng nhà trắng đất/ Ngủ và đi lật đật trắng đêm/ Trắng như gã đàn ông tỉa cây lối vắng/ Bốn mùa cười không biết cười chi.../ Tuổi xuân ngắn/ Con đường dài/ Hun hút” (Tôi tìm tôi); “Tóc chờ chồng/ Bạc sóng Cửu Long/ Mắt đợi người yêu đỏ Hồng Hà mùa nước lũ” (Bông nắng cuối ngàn). Đó là những người lính hi sinh vì lí tưởng, những nữ thanh niên xung phong bản lĩnh, chiến đấu bất chấp mọi gian khổ, cái chết luôn rình rập: “Miền Trung/ Dòng cổ tích khôn nguôi/ Thiếu nữ vá đường/ Thêu cánh chim dưới bánh xe chênh vênh vực/ Thư tình ướp nhòe nước mắt/ Gương soi vỡ rạn tóc thề” (Tôi tìm tôi); Đường ra trận đất ba zan no máu/ Cô gái giao liên cười trên khuyết tật lối mòn”, “Đồng đội…/ Chiến hào kề vai niềm tin nén chặt/ Đất đá nhào nát không gian...// Máu rỏ tim đường” (Bông nắng cuối ngàn). Như vậy, trên cơ sở tính chất đối cực giữa chiến tranh (lửa) và thân phận (máu), trên cơ sở cái nhìn vừa khái quát vừa cụ thể, nhà thơ Thái Hải đã lật mở, khắc họa rõ nét hiện thực của chiến tranh cũng như vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm riêng tư của những người lính. Nếu chỉ có chừng đó thì trường ca của Thái Hải còn lẫn vào hàng trăm trường ca của các tác giả khác khi xoáy vào đề tài chiến tranh và người lính. Với Đồng Hới - khúc huyền tưởng, Thái Hải đã bất tử hồn vía phố qua những câu thơ khá đắt. Cái đắt ở đây được đong đếm trên mối tương quan: chữ và tình. Cho nên, những ai đã đọc trường ca Đồng Hới – khúc huyền tưởng, hẳn không thể quên những câu thơ nảy mầm từ ruột gan mà lớn lên: “Bao thế hệ đi không hết phố/ Để cuộc đời mãi còn mắc nợ”. Xét ở mức độ dài hơi, trường ca Tôi tìm tôiBông nắng cuối ngàn không bằng Đồng Hới - khúc huyền tưởng nhưng vẫn tỏa ra nét riêng, cái chất riêng. Mà cái chất riêng lại cần thiết để làm nên cá tính người nghệ sĩ. Cái cá tính ấy được thể hiện qua quá trình lao động chữ của nhà thơ. Chúng ta còn nhớ câu nói rất hay của Lê Đạt: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Khi chữ và cảm xúc giao thoa đến mức độ nhất định, những câu thơ hay hiển nhiên được phơi mở. Chiến tranh và những hệ luỵ của nó kiểu: “Ngàn năm trước/ Ngàn năm sau/ Vẫn thế/ Cuộc chiến tàn/ Tiếng chim lẻ bạn/ Chốn quê nghèo khói bếp buồn tênh” (Tôi tìm tôi) là bình thường, là hiển nhiên, là thực tế. Nhưng viết kiểu “Nắng ôm nắng mọc lên tiếng nấc/ Nước mắt hóa cây, cây nhuốm đỏ mắt người” (Bông nắng cuối ngàn) thì hay, đầy tính hình tượng. Nỗi đau lan tỏa khắp không gian, lặn sâu vào đất. Trong lòng đất, nhánh đau tiếp tục trổ buồng. Viết về nỗi nhớ, nỗi nhớ của Thái Hải có nét riêng, không bùng lên mà chôn chặt tận cùng: “Nỗi nhớ cắm vào ruột đất”. Từ đối tượng vô hình nỗi nhớ đã trở thành chủ thể tác động, nhờ thế, chiều sâu của nỗi nhớ được đẩy đến tận cùng: dữ dội, mãnh liệt và bất tử. Viết về ký ức, ký ức của Thái Hải chật cứng, chảy tràn: “Ký ức bật/ Mạch ngầm dâng/ Ngần ngận/ Nước/ Con đường loanh quanh nặng trĩu tuổi xuân” (Tôi tìm tôi). Chủ thể trữ tình không thể điều khiển nội cảm theo ý muốn của mình mà bị tác động bởi những từ ngữ mang nét nghĩa chuyển động, như bất chấp mọi chướng ngại để ùa ra, trào ra. Chúng ta thấy nhà thơ Thái Hải sử dụng khá nhiều động từ như: cắm, bật, lặn, mọc, hóa, quẫy, chạm, khắc,... Những động từ này luôn ở trong tâm thế dịch chuyển, vận động. Chúng xây nên kết cấu ngữ ngôn động cho cả hai trường ca. Ký ức động. Cảm xúc động. Ngôn từ động. Tất cả cộng hưởng tác động mạnh đến tâm tư của người đọc. Ví dụ ở một đoạn khác: “Lời ru lăn xuống vực/ Như thể giọt sương/ Lặn vào đất/ Nỉ non/ Bật/ Nỗi đau thành bão” (Tôi tìm tôi). Theo tôi, ý thức sử dụng động từ của Thái Hải đã tạo được điểm nhấn cho cả hai trường ca. Thái Hải không thiên về tạo độ nhòe cho câu chữ nhưng sự dân dã ấy lại phát ra lửa, gợi tinh thần sục sôi khi quánh vào nó âm vang lịch sử, khí chất kiên cường của người miền Trung.

Điểm riêng thứ hai trong trường ca Thái Hải được thể hiện qua cách sử dụng biểu tượng Máu. Máu là biểu tượng trực diện nhất, sắc nhất về sự hủy diệt cũng như sự bất diệt trong chiến tranh mà chúng ta bắt gặp rất nhiều trong các trường ca của Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Thu Bồn,... Thái Hải tuy không tư duy hình tượng kiểu “tiếng nổ vỡ những dòng nham thạch/ vọt lên từng khối lửa khổng lồ” (Bùng nổ của mùa xuân) như Thanh Thảo, nhưng theo tôi, cách viết sau đây, Thái Hải cũng ít nhiều đã xây dựng cho mình một mã thẩm mỹ riêng: “Máu/ Hóa đá hang lèn/ Tan trong thạch nhủ triệu năm…/ Máu ướp/ Búp tím hoa Mua…// Từng giọt/ Quặn thắt dâu rừng/ Tròn xoe cánh bướm…// Máu dìu máu ùa về biển cả/ Hóa ngọc trai lấp lánh san hô…// Máu chan đất nồng mặn” (Tôi tìm tôi). Ở đây, cái màu máu ấy không chỉ đẩy cái bi thương đến tột cùng; biểu trưng ý chí, quyết tâm của quân ta trong cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc; mà còn được nhà thơ nâng lên thành sự sống, gieo khắp đất trời. Màu máu ấy đã hóa kiếp, làm nên máu thịt của vũ trụ, vạn vật. Một nắm tóc/ Một nụ hôn/ Một đường kim/ Một giọt máu (Tôi tìm tôi) trong chiến tranh Biết nơi mô tìm lại nhưng khi “Từng giọt từng giọt/ Tan vào thinh không/ Tan vào thác bạc” đã tự nó “Chi chút tình yêu/ Không lời” rồi. Sự vận động trong tư duy của Thái Hải hoàn toàn hợp lý, lôgic, bởi đây là cách vĩnh cửu sức sống của những người lính và cũng là cách hóa giải mọi nỗi đau, biến đau thương thành động lực, niềm tin và lẽ sống. Hoặc hình ảnh bông nắng trong trường ca Bông nắng cuối ngàn cũng là một nét khác biệt trong liên tưởng, tạo biểu trưng của Thái Hải. Hình ảnh “bông nắng” lặp lại 19 lần (chưa kể nhan đề) và “nắng” lặp lại 9 lần. Thi ảnh nắng không lạ trong thơ ca. Nắng mang nhiều biểu trưng khác nhau tùy vào ngữ cảnh, tùy vào hoạt động của trục lựa chọn và trục kết hợp. Trên cơ sở kết hợp bông + nắng, Thái Hải đã khoác lên hình hài nắng vẻ đẹp rạng rỡ dù ở chốn nào: Những bông nắng ríu ran vào nam ra bắc/ Nương cánh máy bay gối bánh toa tàu/ Cưỡi mây hồng ngắm hình hài đất nước”. Lúc này sinh thể nắng đã dung chứa trong nó sức sống, niềm tin của cả dân tộc. Nhưng khi Thái Hải viết: “Ra trận/ Bông nắng mọc râu/ Bông nắng rụng tóc/ Bông nắng vui/ Bông nắng khóc/ Bông nắng buồn/ Bông nắng cười” thì bông nắng chính là hiện thân của con người. Nắng ở đây không còn là đối tượng trữ tình dõi theo, chia sẻ như đoạn thơ trên nữa mà đã trở thành chủ thể trữ tình. Nắng và con người hòa làm một tạo nên dáng dấp bông-nắng-người. Vậy, cách gọi bông nắng chính là cách Thái Hải tôn vinh vẻ đẹp của những người lính dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, giảm bớt đau thương, tàn khốc từ cuộc chiến phi nghĩa.

Hai trường ca của Thái Hải đa phần sử dụng thể thơ tự do. Câu ngắn (1 từ) câu dài (12 từ) đan xen, nhấn nhá, buông thả theo mạch tâm trạng của “cá thể trữ tình”, theo hiện thực của cuộc chiến. Viết về chiến tranh ở thời hậu chiến nhưng trường ca của Thái Hải vẫn lôi cuốn người đọc bởi sự thay đổi linh hoạt của nhịp thơ, của giọng điệu và nhất là cách ông khoác thêm ý nghĩa biểu trưng cho thi ảnh. Tuy nhiên, sáng tạo vốn dĩ là một quá trình làm mới mình, trong nó luôn bao hàm những ưu và nhược điểm. Một số câu thơ có phần dễ dãi, thiên về tả thực dẫn đến tính biểu cảm, tính hình tượng bị lu mờ. Việc đưa cảm hứng thế sự vào phần 4 trường ca Bông nắng cuối ngàn cũng là điểm mới so với các trường ca khác của ông, nhưng phải chăng khi hiện thực cuộc sống được phản chiếu trần trụi quá thì thi ảnh giảm đi nhiều yếu tố nghệ thuật thẩm mỹ? Nhưng nói gì thì nói, ở đất Quảng Bình, viết trường ca có nghề như Thái Hải, thì sự xuất hiện hai trường ca này đã là một dấu ấn cho văn học miền Trung rồi.

------------

(1). Thái Hải, Đồng Hới khúc huyền tưởng, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008.

(2). Thái Hải, Tôi tìm tôi, vanvn.net

(3). Thái Hải, Bông nắng cuối ngàn, vanvn.net

Nguồn Văn nghệ số 39/2018

 

 


Có thể bạn quan tâm