April 25, 2024, 5:41 am

Cái mới tận nguồn

 

Phạm Tiến Duật được xem là một trong những cây bút tiêu biểu của thế hệ nhà thơ chống Mỹ. Ông được ví như cánh chim đại bàng trên dãy Trường Sơn. Vào những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, thơ Phạm Tiến Duật đã có ý nghĩa rất lớn cổ vũ tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc, dành độc lập dân tộc. Có nhiều giai thoại kể về sức mạnh mà thơ của Phạm Tiến Duật mang lại cho người lính nơi tuyến lửa, đặc biệt là những người lính đang hành quân trên dãy Trường Sơn để vào chi viện cho miền nam, tuyến đường mà ông cũng từng tham gia với tư cách một người lính vận tải.

Khoảng đầu những năm 70, có một quãng thời gian Nhà thơ Phạm Tiến Duật hay ở cùng nhà với nhà thơ Võ Thanh An, bởi họ là những người bạn thân thiết. Trong quãng thời gian đó họ có cùng sáng tác chung, cùng sửa chữa thơ cho nhau…  Hiện nay gia đình nhà thơ Võ Thanh An còn lưu giữ nhiều những bút tích đó của họ. Mới đây gia đình nhà thơ Võ Thanh An đã chuyển đến cho ban biên tập báo Văn nghệ một số bút tích của nhà thơ Phạm Tiến Duật, bao gồm một số bài thơ và một bài tùy luận đang còn dang dở. Chúng tôi đã tìm trong Tuyển tập Phạm Tiến Duật cũng không hề thấy những văn bản này, có lẽ chưa được công bố ở đâu. Ban biên tập xin được đăng những bài thơ này và trích đăng bài tùy luận của nhà thơ

Phạm Tiến Duật để giới thiệu đến bạn đọc.

Văn nghệ

…Một bài thơ, một tập thơ, một nền thơ của một thời đại chỉ có thể được coi là mới khi nội dung của thơ, hình thức của thơ ngang bằng được với tư tưởng của thời đại ấy, trình độ trí tuệ và trí thức của thời đại ấy, tâm lý con người của thời đại đấy, sau cùng và quan trọng nhất: phương thức sản xuất của thời đại ấy. Chính tư tưởng và tâm lý của một thời đại quyết định hơi thở ấm lạnh của thơ ca. Mối quan hệ giữa người và người, cách thức sản xuất và nhịp độ lao động không những quyết định nội dung của thơ ca mà còn quyết định hình thức của thơ ca nữa. Khi người ta nói “Bình cũ rượu mới”, là nói một phương pháp chuyển tiếp từ cái cũ sang cái mới, chứ một nội dung mới nào cũng đòi hỏi một hình thức mới tương ứng; gió như thế nào thì dây diều thế ấy, hình người thế nào thì hình áo thế ấy. Rượu mới thì bình cũng phải mới. Cũng nói thêm rằng, không thể vin vào tính dân tộc để trì néo cái mới phát triển; tính dân tộc là rất quan trọng, là không thể thiếu được trong thơ ca, nhưng tính dân tộc không phải là cái gì bất biến mà là một cái gì khả biến.

Thời nào cũng vậy, tâm lý về cái mới là sự biểu hiện từ sự chưa thấy, chưa nghe, chưa biết cũng đem đến trong thơ một lượng thông tin. Nhưng trong thời nay, ở vào lúc rất nhiều biến cố, ở vào lúc mà trí tuệ và trí thức của con người phát triển lên đến những đỉnh cao, cái thời ấy đòi hỏi một lượng thông tin lớn hơn trước đó rất nhiều. Chính vì vậy, một trong những xu hướng hiện đại của thơ là thơ ngày càng phá mình ra để đến gần văn xuôi, do những yêu cầu của lượng thông tin trong đời sống. Nếu như trong những thế kỉ trước, thể thơ bảy chữ với những quy tắc sắp xếp âm thanh ngang dọc khắt khe là thể thơ phổ biến ở Việt Nam, thì đến ngày nay không phải như vậy. Tuy rằng những thể thơ có câu chữ ổn định vẫn còn được dùng và sẽ còn được dùng mãi nhưng các mẹo luật về âm thanh, về nhịp điệu, cách tổ chức ý tứ đã được đổi mới. Lối viết tự do về số câu số chữ mà trước kia không có, nay đã chiếm một vị trí quan trọng trong thơ ca ta; đấy là một thể thơ có triển vọng ứng đáp được với các nhịp điệu lao động công nghiệp và các hoạt động tư duy của con người bước vào thời kì sản xuất lớn. Một phương pháp biểu hiện mới phù hợp với trình độ tư duy hiện đại, phù hợp với một nội dung mới đã và đang được hình thành…

Người sáng tác có thể tìm ra được cái mới ấy nhưng người đọc tiếp nhận hay không lại là vấn đề khác. Quy luật đơn giản của sự tiếp nhận bao giờ cũng là từ cái đã biết, đến cái chưa biết, từ cái cũ đến cái mới. Hay nói một cách khác, người ta chỉ có thể hiểu được một vận động khi nào người ta nắm được toàn bộ quá trình của sự vận động ấy. Chính vì thế, cái đã có và cái vừa có chung đụng với nhau là sự tất nhiên, để rồi một mai, cái mới sẽ lại còn mới hơn nữa.

Và đến đây chúng tôi thấy rằng làm sao cho thơ ca ngày càng mới lên là một việc làm vừa dài vừa cấp bách. Nhưng cái mới không chập chờn ẩn hiện nữa mà nó ở ngay trước mắt chúng ta; cái mới không nằm ở trong thơ nước ngoài, thơ nước ngoài chỉ có tác động đủ để khêu gợi. Cái mới không nằm ở trong sự cầu kỳ, sự cầu kỳ chỉ đem đến cái giả tạo. Cái mới nằm ngay trong đời sống bao bọc quanh ta. Chỉ có thể đằm mình vào đời sống mà cải tạo nó mới nắm bắt được quy luật vận động chung nhất và riêng nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy mới có thể nắm bắt được cái mới lớn lao đang nảy sinh trên dòng thác cách mạng của toàn đảng toàn dân và toàn quân ta, dòng thác hùng vĩ chảy từ trên đỉnh cao của mấy nghìn năm văn hiến.

Phạm Tiến Duật

     Q. 10/7/73

 

Tôi xin thay mặt mọi người

 

Lửa với đèn đã đốt sáng lên rồi,

không còn phải che thưng gì nữa.

Tôi bay đến mọi làng, tôi bay đến mọi nhà,

Gọi cửa:

- Tôi đây!

- Trú quân dạo ấy làng này

 

Đường làng, ngõ xóm in đầy dấu xe

Làng đẵn chuối, làng chặt tre

Thức ngủ cùng lính, đi về sớm khuya

Căn hầm, góc phản đã chia

Góp gạo trận, cử người đi chiến trường

Quân đi, nhớ mãi quê hương

Công lao một nắng hai sương chốn này.

 

Áo trắng, ao trắng đi giữa ban ngày

không còn phải ngụy trang gì nữa,

Tôi bay đến mọi làng, tôi bay đến mọi nhà,

Gọi cửa:

- Con đây!

- Mẹ ơi con đã về đây

Thay cho bè bạn hôm nay chưa về.

Góp xanh nghìn dặm xanh kia

Khôn ngăn mái tóc bên hè bạc phơ

Vì non vì nước vì nhà

Mẹ yên lòng, để con xa yên lòng

Đường vào một dải non sông

Bao nhiêu quân, bấy nhiêu lòng mẹ thương

 

Cầu lại xây, nhà lại lắp cửa gương

Không còn phải đi trong hầm trong hố

Tôi bay đến mọi làng, tôi bay đến mọi nhà

Gõ cửa:

- Tôi đây!

- Con đây!

- Chú đây!

- Anh đây!

                          Quảng Bình 1973

                                 Hà Nội 1974

 

Mờ e me nặng mẹ

                                Tặng con, Phạm Hải

 

Con tôi trong lòng tôi,

Nắng mai xanh gác nhỏ,

Cây bàng bên cửa sổ,

Gió lao xao ngoài sân.

 

Chơi trò chơi đánh vần

Tôi dậy con đôi chữ

Bờ a ba huyền bà

Bờ u bu sắc bú…

 

- Mờ e me nặng… gì

- Mờ e me nặng… bố

Tiếng con tôi nói đó

Chữ ghép vần lạ sao!

 

Chữ lạ như chim lạ

Đập cánh bay quanh phòng

Mờ e me nặng… bố

Xao động nắng ngoài song

 

Cây với nắng nghe không

Gió với nhà có biết

Ở chiến trường xa về

Cha với con quấn quýt

 

Mẹ đang giặt ngoài sân

Nghe tiếng cười bỗng hỏi

- Bố con vui chuyện gì?

Bỗng lòng cha lắng lại

 

Thương mẹ ngày xa cha

Riêng chịu phần khó nhọc

Làm việc và nuôi con

Trong tiếng bom, tiếng bom

 

Con đánh vần lại đi,

Cho lòng cha thanh nhẹ

Mẹ đang vào rồi kìa

Mờ e me nặng mẹ.                   

Hà Nội 1974

Trần Vũ Long (Sưu tầm và giới thiệu)


Có thể bạn quan tâm