March 29, 2024, 10:05 pm

Cái duyên của sân khấu

 

Thiếu kịch bản sân khấu là chuyện không mới nhưng lại rất khó để có thể lấp đầy. Nhà viết kịch gạo cội Lê Duy Hạnh từng cho rằng: Sân khấu hiện nay đang trong giai đoạn giao thời, thế hệ viết trước không bắt kịp cái mới, còn thế hệ viết trẻ lại thiếu đào tạo, thiếu kiến thức văn học, thiếu bản lĩnh thích ứng giữa môi trường xã hội và đời sống sàn diễn. Thế nên, giải pháp trước mắt được cho là “vẹn cả đôi đường” chính là “làm mới kịch bản cũ”. Tuy nhiên, nhiều nhà lý luận phê bình sân khấu cho rằng, nếu cứ duy trì cách làm nói trên, sân khấu sẽ không tránh khỏi sự đơn điệu, máy móc, rập khuôn và mất dần “cái duyên” của sân khấu.

Chỉ tính riêng năm 2019, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã mở được ba trại sáng tác với 45 lượt tác giả tham gia, ngoài ra còn tổ chức cho các nhóm tác giả đi thực tế sáng tác với mong muốn sẽ có thêm nhiều kịch bản sân khấu mang hơi thở đương đại. Cùng với việc chú trọng hoạt động nghiệp vụ thông qua các trại sáng tác, tập huấn công tác viết kịch bản… còn các kỳ liên hoan, hội diễn cấp khu vực, toàn quốc nhằm “hâm nóng” đời sống sân khấu. Điều đáng nói là tại những kỳ liên hoan, hội diễn, Hội đều yêu cầu các đoàn tham dự phải có những tác phẩm được dàn dựng mới. Thành thử, các đoàn nghệ thuật tham dự không nhiều, thậm chí chỉ được tính trên đầu ngón tay… Nhìn vào những kỳ liên hoan, hội diễn có thể thấy rất rõ: Sân khấu hiện nay đang ở tình trạng “đói” kịch bản, nên các đơn vị nghệ thuật mới tìm về dựng lại những kịch bản cũ nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản hiện nay.

PGS.TS. Phạm Duy Khuê chia sẻ: Tác phẩm sân khấu ngày nay không nhất thiết phải có cốt truyện; song nhất thiết phải tái hiện, tái tạo, xây dựng được những tình huống thích hợp giầu kịch tính, được đặt trong những hoàn cảnh phát triển lịch sử cụ thể của nhân vật. Trong những tình huống “éo le” ấy, con người - nhân vật phải tích cực hành động ứng xử để thích nghi, chinh phục, vượt qua tình huống.

 Xét về mặt lý thuyết và thực tiễn đời sống nghệ thuật, thì quan điểm sáng tác kịch bản sân khấu như vậy hoàn toàn có cơ sở, thậm chí đúng với sân khấu thể nghiệm, một xu hướng mới của đời sống sân khấu hiện nay. Không quá chú trọng vào cốt truyện, không theo lối mòn của sân khấu truyền thống mà đan xen hơi thở đương đại. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy hiện đại và phương pháp nghệ thuật truyền thống đã góp phần làm cho nhiều vở kịch chạm tới tính nhân văn và đạo diễn cũng được bung hết khả năng sáng tạo. Bên cạnh khai thác những kịch bản của các tác giả trong nước thì một số nhà hát như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam đã kiên trì với mục đích dàn dựng những tác phẩm hay kinh điển của thế giới, đưa những tác phẩm kinh điển đến với công chúng Việt Nam. Đây cũng được xem là xu hướng an toàn đối với các đơn vị nghệ thuật trong thời điểm hiện tại, khi sân khấu đang thiếu kịch bản hay thì những vở kịch kinh điển của thế giới được dàn dựng trên sân khấu Việt Nam sẽ giúp các nghệ sĩ có cơ hội bộc lộ tài năng, trau dồi nghề nghiệp và khán giả cũng có cơ hội được xem những tác phẩm thật sự có chất lượng… Song, cũng phải thừa nhận một điều: Việt hoá tác phẩm kinh điển dù hay đến đâu cũng khó có thể “sâu gốc bền rễ”, bởi giống như món ăn ngon, nếu cứ ăn mãi sẽ chán. Nên thay vì Việt hoá tác phẩm kinh điển, sân khấu Việt cần có những tác phẩm kinh điển của chính mình.

Ở những chuyên ngành như cải lương, tuồng, chèo… đều thiếu vắng kịch bản hay, thậm chí rơi vào khủng hoảng kịch bản. Một phần do đội ngũ viết kịch bản vừa thiếu vừa yếu, một phần do kinh phí dành cho hoạt động sáng tạo này còn hạn chế nên không thể khuyến khích đội ngũ sáng tác kịch bản sân khấu cho ra đời những tác phẩm hay mang hơi thở thời đại.

Không chỉ khó khăn trong duy trì đội ngũ sáng tác mà chất lượng các kịch bản sân khấu cũng đang là nỗi trăn trở của nhiều nghệ sĩ. Các tác phẩm liên quan đến đời sống xã hội rất hiếm, đặc biệt là thiếu vắng các tác phẩm mang xu hướng hiện đại, đề cập đến các vấn đề mang tính trực diện xã hội…

Mảng đề tài mang hơi thở đời sống hiện đại tuyệt nhiên không thấy hiển hiện trên sân khấu. Đây là một khoảng trống đáng lo ngại, bởi nghệ thuật muốn đến gần công chúng phải bắt đầu từ cuộc sống, nói câu chuyện của cuộc sống hiện tại, những điều đang diễn ra xung quanh ta mỗi ngày. Và để có được những kịch bản sân khấu hay về đề tài hiện đại, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức 3 kỳ liên hoan nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng các tài năng viết kịch bản sân khấu trẻ. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay vẫn chưa thể tổ chức được kỳ liên hoan thứ 4 do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề kinh phí và chiến lược phát triển đội ngũ những nhà viết kịch bản trẻ. Sự chưa thống nhất được nguồn vốn phải đầu tư, nuôi dưỡng tài năng trẻ và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tài năng phát triển dẫn đến những thiếu hụt trong lĩnh vực sáng tác kịch bản sân khấu là điều không tránh khỏi. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nghệ thuật sân khấu có một đời sống nhạt, kém hấp dẫn, hay nói đúng hơn là kém duyên với hầu hết khán giả đương đại.

Và cuối cùng, cái duyên của sân khấu phải do chính những người làm sân khấu quyết định, đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự thiên hương”, muốn có một đời sống sân khấu khoẻ mạnh, vững vàng trước sức ép của các loại hình nghệ thuật khác, hẳn Hội Nghệ sĩ Sân khấu sẽ còn nhiều việc phải làm. Trong đó có việc xây dựng cho được một lực lượng tác giả viết kịch bản sân khấu có chiều sâu, chất lượng để có thể thích ứng với điều kiện phát triển, hội nhập của đất nước. Đây cũng là đòi hỏi quan trọng trong việc phát triển sân khấu trở thành sản phẩm văn hoá không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Nguồn Văn nghệ số 7/2020


Có thể bạn quan tâm