April 19, 2024, 5:11 am

Cái dễ, cái khó và cái không thể

Tháng 9 năm 2018, Nhà xuất bản Đại học Vân Nam (Côn Minh-Trung Quốc) đã xuất bản và phát hành tập thơ Thương lượng với thời gian của nhà thơ Hữu Thỉnh. Sách gồm tất cả 136 bài thơ với nhiều đề tài và thể thơ khác nhau mà tác giả viết trong thời gian từ 1962 đến 2016.

 

  Giáo sư, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu tặng bức thư pháp bài “Sang thu” của Hữu Thỉnh cho chính tác giả tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba (2015). Ảnh Trung Dũng.

Đây là kết quả hợp tác giữa hai giáo sư dạy tiếng Việt, Chúc Ngưỡng Tu, Lương Viễn, và nhà thơ Tạ Kiến Hoa của Trung Quốc, với sự giúp đỡ chí tình của nhà văn, nhà giáo Lê Xuân Đức và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai của Việt Nam.

Đây là tập thơ song ngữ Trung-Việt đầu tiến xuất bản tại Trung Quốc, là tài liệu có giá trị để độc giả Trung Quốc đọc để thưởng thức thi ca Việt Nam và đọc để đối chiếu, so sánh bản gốc với bản dịch từ khía cạnh ngôn ngữ và dịch thuật. 

Chúng tôi chọn dịch thơ Hữu Thỉnh chỉ vì một lý lẽ đơn giản là thơ ông viết hay chứ không phải vì ông là một vị “quan lớn” trong giới văn học nghệ thuật Việt Nam. Thơ ông ý đẹp lời hay, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, khiến người đọc cùng vui cùng buồn với tác giả, suy ngẫm nhiều điều. Thơ ông như rượu ngon và chè thơm, uống xong rồi còn để lại dư vị đậm đà. Nếu muốn đánh giá và thẩm bình các bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh thì phải viết hàng loạt mười mấy bài mới được. Thế nhưng, với tư cách dịch giả, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn về những điều cảm nghĩ của mình trong quá trình dịch thuật.

Khi nói đến công việc dịch các bài thơ luật theo thể cổ ra thơ mới, một nhà văn và dịch giả lớn của Trung Quốc, cụ Quách Mạt Nhược, có nói (đại ý): nếu ví bài gốc là rượu Mao Đài (thứ rượu vào loại ngon nhất Trung Quốc), thì bài dịch ít nhất cũng phải là rượu trắng, chứ không nên dịch thành nước lã vô vị! Trong việc dịch thơ Hữu Thỉnh, chúng tôi đã đặt tiêu chuẩn tương tự cho mình, nghĩa là phải cố gắng dịch cho đạt cho hay, phải dịch sao cho ra thơ, chứ không nên dịch thơ ra văn xuôi tách dòng hoặc lời thuyết minh giải thích. Chính vì thế, chúng tôi mới dám cho xuất bản sách song ngữ Trung-Việt đối chiếu.

Qua thực tế, chúng tôi thấy, khi dịch thơ Hữu Thỉnh, thường gặp ba trường hợp là dễ dịch, khó dịch, và không thể dịch.

 

Đầu tiên là trường hợp dễ dịch

Văn hóa, ngôn ngữ và xã hội của hai nước Trung-Việt có nhiều nét giống nhau hoặc gần nhau, điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho công việc dịch văn học của nhau. Với thơ Hữu Thỉnh, chúng tôi đã không gặp khó khăn về văn hóa và ngôn ngữ. Khá nhiều bài thơ của ông, bất cứ tao nhã hay nôm na, đều có thể dịch ra tiếng Trung được. Phần lớn các bài thơ dễ dịch là thơ tự sự. Ví dụ, bằng lời kể ngây thơ của một em bé, bài thơ Ông đã dựng nên hình ảnh một cặp ông cháu hết sức thân tình và quý mến:

 

Ông vác cây tre dài

Lưng của ông vẫn thẳng

Ông đẩy chiếc cối xay

Cối quay như chong chóng

 

Đường dài và sông rộng

Ông vẫn luôn đi về

 

Tay của ông khoẻ ghê

Làm được bao nhiêu việc

Thế mà khi ông vật

Thua cháu liền ba keo

 

Một số bài tuy không phải tự sự nhưng vì tả cảnh thực, vẫn có thể dịch ra không mấy khó khăn, ví dụ bài Sang thu

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Gió chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

 

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

 

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

 

Thứ hai là trường hợp khó dịch

Bởi ngôn ngữ và thể thức văn thơ giữa tiếng Trung và tiếng Việt rất khác nhau, nên trường hợp khó dịch là thường hợp thường hay gặp phải.

Trước hết phải kể đến đại từ nhân xưng. Hệ thống đại từ nhân xưng (danh từ chỉ ngôi thứ) tiếng Việt phức tạp hơn nhiều so với cùng hệ thống trong tiếng Trung. Đại từ nhân xưng tiếng Việt mang sắc thái tình cảm hết sức phong phú, người nước ngoài khó mà nắm lấy được. Không cần nếu nhiều ví dụ, chỉ một từ EM thôi, cũng đủ làm người dịch phải nghĩ nát óc: nó là ngôi thứ mấy? là trai hay gái?... Có thể dịch ra hàng chục chữ khác nhau tùy trường hợp cụ thể, phải phân tích thật kỹ qua ngữ cảnh mới dịch đúng được. Trong bài thơ Em còn nhớ chăng, chúng tôi đã chọn một từ CÔ hơi trung tính vừa có thể chỉ cô gái người yêu, vừa có thể chỉ cô gái bình thường mà vẫn mang sắc thái trang trọng và gần gũi

Thơ lục bát là thể thơ rất đặc sắc của tiếng Việt. Khi gieo vần, người Trung Quốc quen dùng vần chân (vần cước) vì thế rất lạ lẫm với vần lưng. Dù có thông thạo tiếng Việt, một người Trung Quốc khó có thể viết thơ lục bát được. Tuy nhiên, thể thơ không phải là chướng ngại vật không vượt qua nổi. Người dịch vẫn có thể dịch thơ lục bát thoải mái miễn là thật sự hiểu được ý thơ. Ví dụ, chúng tôi đã dịch bài thơ lục bát Một mình ra bài thơ phỏng theo thể thơ thất ngôn tuyệt cú và có thay đổi cả tên bài:

Xa em đói tiếng đói hình

Trời xanh với chỉ một mình trời xanh

Nghe giờ nén nhớ trong anh

Gấp đêm làm gối chẳng thành giấc em.

 

Thơ trữ tình thể hiện tình cảm và tâm trạng riêng tư của tác giả, có khi rất khó dịch. Thơ trữ tình của nhà thơ Hữu Thỉnh có tình cảm dồi dào, có thái độ yêu ghét rõ rệt, hay mang triết lý sâu xa, người dịch khó mà dịch hết cái ý trong thơ. Khi dịch, phải cố gắng dịch hết cái ý của thơ, có lúc phải thêm bớt từ ngữ cho vừa phải.

Thứ ba là trường hợp không thể dịch được, đó là các bài thơ viết về các sự vật rất riêng biệt của Việt Nam

   Dịch thuật là nghệ thuật cân đối giữa hai ngôn ngữ, nghĩa là người dịch phải cố gắng tối đa để tìm ra từ ngữ có ngữ nghĩa đối xứng (đồng nghĩa, ít nhất là gần nghĩa) của ngôn ngữ gốc trong ngôn ngữ dịch, Có trường hợp người dịch tuy đã hiểu, thậm chí hiểu rất rõ cái ý của thơ, nhưng lại rất khó trình bày bằng lời văn. Cái hay, cái thú vị chỉ người biết tiếng mới hiểu được, chứ không thể làm cho người không biết tiếng cùng hiểu, cùng thưởng thức được. Ví dụ Chợ chim là một bài thơ viết rất sống động, rất hài hước, nhưng vì trong tiếng Trung khó tìm ra các danh từ chỉ chim tương ứng, đành bó tay, có thể nói đây là một bài thơ rất hay, hay đến nỗi không thể dịch được

Chợ chim

 

Bồ quân bên suối chín vàng

Biến thành chợ của họ hàng nhà chim

đầu têu tu hú bay lên

Sẻ con giục mẹ bỏ quên cả giày

 

Chào mào chưa nếm đã say

Chim sâu bận mọn nửa ngày mới sang

Anh vũ mua bán đàng hoàng

Ăn xong múa lượn cả làng cùng xem

 

Bồ nông ở cữ ăn khem

Cà siêng có khách vội đem quà về

Con sáo mua bán màu mè

Quạ đen đánh quịt còn khoe đủ điều

 

Chú vẹt ăn bốc nói leo

Chèo bẻo đanh đá nói điều chanh chua

Chùm chim chùm quả đung đưa

Người bán thì một kẻ mua thì mười

 

Bồ quân được nết được người

Bán thì bán đấy chẳng đòi công đâu

Chỉ xin cái hạt về sau

Nhân ra ngàn quả làm giàu cho chim.

 

Ngoài ra cũng có một số bài thơ rất hay, nhưng vì cái ý bề mặt và cái ý hàm chứa ngoài câu thơ quá chênh lệch, nghĩa là nội dung ẩn sau câu chữ quá nhiều, nếu dịch cứng thì độc giả khó hiểu, nếu khám phá ra các ý chứa ngầm, thì phải thêm nhiều câu chữ, phải cho nhiều chú thích, làm như vậy thì đâu còn ra dáng thơ, đâu còn ra ý thơ nữa? Tốt nhất nên không dịch. Trường hợp này không phải cá biệt, để rút ngắn bài viết, tôi xin được miễn nêu dẫn chứng. 

   Khác với dịch văn bản kinh tế, pháp luật và khoa học, dịch văn học là một công việc tái sáng tác. Dù đã hết sức cố gắng, nhưng bản dịch tiếng Trung tập thơ Thương lượng với thời gian của nhà thơ Hữu Thỉnh chắc chắn còn có thiếu sót, chỉ tiếc là tôi không còn dịp sửa chữa và hoàn thiện nữa vì nguyên nhân tuổi tác và sức khỏe. Ngẫm lại quá khứ, kể từ năm 1965 tôi sang Việt Nam học tiếng Việt đến nay, gần như suốt đời tôi gắn bó với tiếng Việt, đã từng làm các công việc giảng dạy, nghiên cứu tiếng Việt, biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt và dịch văn học Việt Nam, đã có đóng góp nhỏ bé vào việc giao lưu văn hóa giữa hai nước. Xin cảm ơn các thầy cô giáo của Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia) Hà Nội đã dạy tôi học tiếng Việt, cảm ơn các bạn nhà văn Việt Nam đã sáng tác ra nhiều tác phẩm hay để tôi có thể lựa chọn và giới thiệu cho độc giả Trung Quốc, cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam đã tạo điều kiện để tôi được tiếp xúc và trao đổi với nhiều nhà văn Việt Nam. Cảm ơn Việt Nam!

Nguồn Văn nghệ số 8/2019

    


Có thể bạn quan tâm