April 26, 2024, 6:00 am

Cách mạng là văn hóa!

 

Đất trời đang ríu rít vào Thu…

Một mùa Thu tuần hoàn của vũ trụ vô cùng, bất tận…

Mùa Thu năm thứ 2022 sau Công nguyên của nhân loại…

Và đặc biệt với mỗi người dân Việt Nam, đây là mùa Thu năm thứ 77 của nước Việt Nam mới.

Chợt thổn thức ngân nga câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết từ hơn 60 năm trước:

Tháng Tám mùa Thu xanh thẳm

Mây nhởn nhơ bay, hôm nay trời đẹp lắm

Mây của ta, trời thắm của ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…

Ấy là cảm xúc lớn của nhà thơ trước mùa Thu của thiên nhiên hòa quyện với mùa Thu cách mạng, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là một mùa Thu lịch sử làm thay đổi số phận mỗi con dân nước Việt và cả dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ “một cổ hai tròng” đã vùng lên lật đổ ách cai trị của thực dân phong kiến; xây dựng một nhà nước kiểu mới của dân, do dân và vì dân.

Một trong những bài học thắng lợi quan trong nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là Đảng ta đã huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để chớp lấy thời cơ; trong đó có sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử, kết hợp với sức mạnh của thời đại để phát động khởi nghĩa vũ trang. Bài học ấy bắt nguồn từ bản chất văn hóa của Đảng ta và của Cách mạng; bởi Cách mạng tháng Tám là một sự kiện mang ý nghĩa nhân văn cao cả: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc cho mọi mọi nhà…

Trong quá trình vận động cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cũng như trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng sau khi giành chính quyền, Đảng ta luôn luôn đề cao và phát huy vai trò của văn hóa. Một năm sau ngày thành lập nước Việt Nam mới, trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài căng thẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến dự Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946) và phát biểu khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi!”. Thấm nhuần tư tưởng ấy của Người và từ thực tiễn sinh động của công cuộc Đổi mới hơn một phần tư thế kỷ qua, Nghị quyết TW9 (Khóa XI) xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đây là quan điểm tiếp nối tư duy nhất quán của Đảng về mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân-Thiện-Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mục tiêu trên đây chính là bản chất văn hóa của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được tỏa sáng từ mùa Thu lịch sử năm 1945! Chính vì bản chất văn hóa ấy mà Cách mạng Tháng Tám là cuộc khởi nghĩa vũ trang nhưng hầu như rất hạn chế những đụng độ đổ máu. Nhờ vậy mà tuy lật đổ triều đình nhà Nguyễn, tức lật đổ chế độ phong kiến, nhưng kinh thành Huế vẫn được giữ nguyên vẹn để sau này trở thành Di sản văn hóa của nhân loại. Và đặc biệt hơn nữa là toàn bộ Hoàng gia cũng như gia tộc các quan lại triều đình đều được bảo toàn tính mạng. Nhiều người còn được trọng dụng trong bộ máy chính quyền cách mạng. Trong đó, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn không những không bị hành quyết hoặc giam cầm mà còn được bầu vào Quốc hội, được mời làm cố vấn của Chính phủ mới. Sự bao dung, hòa hợp của dân tộc Việt Nam và cách mạng tháng Tám thật sự khác biệt với các cuộc cách mạng vũ trang của một số dân tộc khác trên thế giới; kể cả Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Có thể nói, sự vĩ đại, sức hấp dẫn, sức cảm hóa của Cách mạng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng kỳ diệu. Và nhờ đó mà Cách mạng đoàn kết rộng rãi toàn dân, thể hiện ý chí nguyện vọng toàn dân, kết tinh được trí tuệ và sức mạnh toàn dân…

“Một quả núi to phải nhìn từ nhiều phía mới thấy hết tầm vóc to cao. Một cuộc cách mạng vĩ đại cũng vậy, phải từ nhiều góc độ phản ánh mới thấy rõ tầm vóc vĩ đại của cuộc cách mạng ấy...”. Ông Phạm Khắc Hòe đã viết như vậy trong cuốn hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc của ông. Sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 1987 và đã được tái bản nhiều lần. Ông Phạm Khắc Hòe là Đổng lý ngự tiền văn phòng của triều đình Huế. Ông là một đại thần được giác ngộ cách mạng, đã tích cực tác động góp phần thúc đẩy sự sụp đổ từ bên trong của chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông tham gia Đoàn đại biểu Chính phủ ta dự Hội nghị đàm phán với chính phủ Pháp tại Đà Lạt và Phông-ten-nơ-blô, nhiều năm ông là cán bộ cấp vụ trưởng của Bộ Nội vụ và Phủ Thủ tướng, nhiều khóa liên tục là Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Trong hồi ký trên đây, ông Phạm Khắc Hòe kể: Tháng 9/1945, sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại, ông được mời ra Hà Nội. Trên đường ra đến Vinh gặp ông Nguyễn Tạo, Trưởng ty Công an Nghệ An, là người cùng làng đã lấy ô-tô cơ quan chở ông Hòe về thăm nhà một đêm, cách Vinh 16 cây số. Sáng hôm sau xe trở ra Vinh thì một cán bộ xã vốn là người họ hàng của cả ông Hòe và ông Tạo đã lệnh cho dân quân giữ xe lại, lập biên bản gửi lên Ủy ban hành chính tỉnh, đề nghị phê bình kiểm thảo hai ông đã dùng xe công làm việc riêng. Tuy bị “rầy rà” nhưng ông Phạm Khắc Hòe rất vui và cảm kích! Một “việc nhỏ” trên đường thiên lý nhưng đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong những ngày đầu tham gia cách mạng của vị đại thần nhà Nguyễn. Bài học “chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng” ấy càng củng cố quyết tâm của ông “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Tầm vóc lớn lao của sự nghiệp cách mạng mà ông lựa chọn tham gia đã được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, sinh động như thế!

Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, đọc lại câu chuyện trên đây càng thấm thía ý nghĩa và gợi mở nhiều điều thiết thực. Bất cứ sự vật nào cũng có khả năng tha hóa, kể cả cách mạng. Nói đến cách mạng, trước hết là nói đến Đảng; bởi vì Đảng là người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Theo đó, mọi sai lầm, hạn chế, yếu kém của Đảng đều an nguy đến sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đến sự tồn vong của chế độ. Thời gian gần đây, Đảng ta xác đinh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải bao gồm phòng chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đó là một cách nói khác về xây dựng văn hóa Đảng và văn hóa chính trị trong điều kiện Đảng cầm quyền và lãnh đạo toàn diện sự nghiệp cách mạng. Bất cứ một thể chế chính trị nào, thì nhà cầm quyền muốn thành công cũng phải vận dụng văn hóa chính trị trong điều hành bộ máy công quyền. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề “phụng sự nhân dân” của chế độ mới. Người khẳng định cán bộ, đảng viên là “công bộc của dân”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước theo tinh thần “chí công, vô tư”. Người kêu gọi “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh…”. Đó là văn hóa chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Văn hóa Đảng và Văn hóa chính trị trước hết là văn hóa lãnh đạo và quản lý. Cổ nhân gọi đó là “đạo trị nước” và đúc kết nguyên lý “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Điều đó cho thấy bất kỳ thể chế nào thì người lãnh đạo và quản lý cũng phải gương mẫu trong hành xử, trong lối sống, trong quan hệ và phải trung thực với chính mình, phải biết đặt lợi ích chung lên trên hết. Đó là những phẩm chất tối thiểu cần thiết người cán bộ lãnh đạo và quản lý. Quan liêu, cửa quyền, tư lợi, chạy chọt, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ… là những thói tật trái ngược với văn hóa lãnh đạo và quản lý.

Quan tâm văn hóa lãnh đạo và quản lý trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chính là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý về đạo đức, năng lực, phong cách lãnh đạo… Đó phải thực sự là những đầy tớ - công bộc “vừa hồng vừa chuyên” của nhân dân; là nhân tố cốt lõi giữ gìn, vun đắp bản chất văn hóa của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.


Có thể bạn quan tâm