April 20, 2024, 2:08 am

Các nhà thơ Hàn Quốc

Hiệp hội nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc thành lập cách đây 49 năm (1971) hiện có khoảng 3.500 hội viên chính thức, là một trong ba Hội văn học lớn nhất Hàn Quốc. Đầu năm 2019, một đoàn các nhà thơ, do Chủ tịch Hiệp hội, ông Kim Yong-Jae làm trưởng đoàn đã sang giao lưu thơ và ký văn bản hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam, do Chủ tịch Hữu Thỉnh chủ trì. Tháng 10/2019, Hiệp hội nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc đã mời 13 nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam từ ba miền Nam, Trung, Bắc sang Hàn Quốc giao lưu, hội thảo và thực tế sáng tác văn học tại Hàn Quốc.

Năm 2020, để tiếp nối các hoạt động hợp tác giữa hai Hội, Hội nhà văn Việt Nam đã gửi giấy mời và đoàn 13 nhà thơ Hiệp hội nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc sang Việt Nam tham dự “Ngày Thơ Việt Nam - Nguyên tiêu 2020” tại Văn Miếu (Hà Nội). Đoàn bao gồm Chủ tịch, các phó chủ tịch, tổng thư ký và các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, nên Ngày Thơ Việt Nam - Nguyên tiêu 2020 đã phải hoãn, và đoàn các nhà thơ Hàn Quốc cũng không thể sang Việt Nam.

Tuy không sang được Việt Nam, nhưng đoàn đã gửi sang đầy đủ 4 báo cáo tham luận và 39 bài thơ của các nhà thơ trong đoàn. Để đáp lại lòng nhiệt tình của các bạn thơ trong Hiệp hội nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc, được sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã hợp tác với dịch giả Lê Đăng Hoan dịch các phát biểu tham luận và thơ của các thành viên trong đoàn sang tiếng Việt để giới thiệu dần cùng bạn đọc. Trong số này chúng tôi xin đăng thơ của các nhà thơ: Kim Yong-jae, Kim Yong-ok, và Yang Oang-yong.

Nhà thơ Kim Yong-jae

Tiến sĩ văn học. Nguyên Trưởng văn phòng Đại học Dae-Jeon, Trưởng khoa văn. Hiện là Chủ tịch Hiệp hội các nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc.

Chủ tịch UPLI của Hàn Quốc

Phó chủ tịch PEN quốc tế của Hàn Quốc.

 

 

Đến vùng phi quân sự

Ngày lại ngày đại pháo ran tiếng nổ

Tiếng súng vỡ tung từng mảnh tan tành

Gió tung tăng ùa cùng nhảy múa

Cây cỏ lau cùng hùa nhau hợp lại

Làm lay động cả thế gian bằng chính thân mình

Cây phong rực đỏ đến cùng nhau

Thè chiếc lưỡi ngọt ngào 

Phải chăng đang nhớ điều gì đã mất

Hay nhớ điều gì chưa rời bỏ đi xa

Một dòng nhuệ khí thanh trong

Lịch sử đang ghì sâu ôm chặt

 

Ở đây, loài chim di cư còn cất tiếng kêu

Nỗi đau chối từ bước đi của du khách

Thức trắng trong tư duy suy tưởng

Ôm lấy tận cùng tiếng thét của chúng ta

Nắm tay cùng thời gian chịu đựng sâu xa

Mở rộng lồng ngực gieo vào trái tim sự lạnh lùng, tĩnh lặng.

 

Đá

 

Dù thế nào đi nữa

Vừa theo đời vừa sống thôi

Chắc sẽ có một khe hở nào đó

Mà yêu

Bị chà đạp, bị tước đoạt

Ngồi lên đất của khốn cùng

Chắc sẽ có cái miệng nôn ra

Mà nói

Trên cuối cánh đồng

Kiến đất đang rên rỉ

Liếc nhìn vào giấc mơ đông kết

Hôm nay tôi muốn thành đá.

 

Nhạc mùa thu

lạc điệu của tôi

 

Dòng sông Han-than trong hẻm núi Meong-u-ri

Tiếng nước chảy, mùa thu vàng khắp lối

Chảy vào thân thể tôi

Qua lòng tôi mờ ảo

Đụng vào cuối nỗi buồn

Nhuộm màu ửng đỏ

Đi lên phía Bắc rồi dừng lại

Âm thanh như còn thấm mãi thật lâu

Nỗi đau chính là nỗi đau

Tiếng khóc của gió chạm vào cùng tiếng nước.

 

Nhà thơ Kim Yong-ok

 

Đã xuất bản tập thơ “Nồi cơm của ai” và 4 tập thơ khác, 9 quyển tùy bút, trong đó có “Trò đùa cuộc sống”. Là Giám đốc điều hành PEN Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc.

Ủy viên BCH UPLI.

 

 

 

 

 

 

Hoa vừng

 

Nén chịu trăm ngày nắng gắt

Nén chịu trăm ngày gió thổi

Nén chịu trăm ngày trong lòng đất

Chắt chiu, chắt chiu hoa vừng nở

 

Ôm ấp vị thơm ngon tuyệt thế.

 

Điều cần nuôi dưỡng

 

Thời gian vui vẻ

là ngọn nến được khêu lên

trong sự tĩnh lặng lãng quên tất cả những người khác

là từ bỏ chiếc cúc hiếm hoi của chiếc áo khoác đắt tiền

không biết đánh rơi mất ở đâu

Quá khứ vỗ cánh

như chim bồ câu đang ngủ

lại gập vào ngay ngắn gọn gàng.

Tình yêu, căm ghét và dục vọng

Của ngày như hôm nay, trong ngày hôm nay lớn lên

Sự chối bỏ, thương xót và đau buồn của ngày mai, cũng trong ngày mai

Bám rễ, đâm chồi.

Hôm nay không phải là hôm qua

Lại càng, càng không là ngày mai

Việc chúng ta phải cùng nhau nuôi dưỡng

Là làm cho ngày hôm nay vui vẻ thật nhiều.

 

Thế gian của con người đẹp

 

Hãy là người ngày ngày nhìn bầu trời ba bận

Lúc rạng đông lan tỏa bình minh

Khi phía tây hoàng hôn rực lửa

Và đêm về rạng rỡ ánh trăng sao

Hãy là người mỗi ngày nghĩ về cây ba bận

Hoa cỏ rì rào từ đất thấp mọc lên

san sát bên nhau cây làm bạn với con người

và trông chốn xa xôi cây làm rào xanh ngắt

Hãy là người luôn biết mến yêu nhau

Giúp đỡ trẻ già hay ốm đau bệnh tật

Cùng nắm tay nhau sống khiêm nhường vui vẻ

Cầu chúc cho loài người, cả thế giới bên kia

Dù đã gặp nhau hay chưa bao giờ gặp mặt

Hãy cùng vẽ bức tranh của muôn người có  khát vọng như nhau.

 

Nhà thơ Yang Oang-yong

Sinh năm 1943 tại tỉnh Kyung-Nam

Tiến sĩ văn học. Đã xuất bản 8 tập thơ, trong đó có tập thơ “Thành phố của thiên sứ và đất nước của tuyết’.

Nhiều giải thưởng văn học của trong và ngoài nước. Hiện là Giáo sư trường Đại học Sư phạm Bu-San; Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hàn Quốc; Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc.

 

 

 

 

 

Thơ tôi

 

Là tóc của người bạn đã chết của tôi

Nơi biển cả trước thành phố phồn hoa đèn đã tắt

Anh đang thổi tiếng kèn phẫn nộ, hướng đến đất liền

Trên mảnh đất anh cầu mong đến chết,

Khi anh đang bò chậm chạp ra cuối biển

Khi hoa đinh hương chưa kịp nở.

Tóc anh lại mọc trong tâm hồn tuôn chảy

Phía dưới của sự phồn hoa

còn phía dưới sâu hơn, là biển khác

Đang làm rung động sự phồn hoa bằng tiếng búa sắt ầm ầm

Thơ tôi

Trong tiếng ồn ào ấy

Vẫn là mầm của đinh hương chờ đợi nẩy mầm

Sự phồn hoa sụp đổ

Và dù biển cả có đen dần như sự phồn hoa ấy

Thì thơ tôi

Vẫn đứng dậy trong lòng của nó

Là mái tóc vàng óng của bạn tôi.

Là nỗi căm hận của bạn tôi còn sáng hơn mái tóc!

 

Bông lúa bệnh than

 

Ẩn mình trong từng luống

Rồi đến khi trổ bông

Bệnh than bỗng mọc lên

một cách đầy nguy hiểm

Suốt cả ngày cả đêm

Bên này đến phía kia

Nhổ đi rồi lại nhổ

Dù một bông còn xanh

Sáng sớm khi thức dậy

Đã thấy như lính chiến

Từ doanh trại trong đêm

Đến súng gươm lấp lánh.

Bệnh than cứ hoành hành.

Lấy ngón tay giết nhanh

Chúng vẫn không suy giảm

Trong ban trưa nắng rám

Vẫn từng đám nhô lên

Nhổ xong, rồi lại nhổ…

Lê Đăng Hoan

Dịch và giới thiệu

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Có thể bạn quan tâm