April 26, 2024, 5:42 am

Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới

“Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” là chủ đề của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra từ ngày 10/3 đén 14/3/2023 tại thành phố Buôn Ma Thuột được lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk giới thiệu trong buổi họp báo sáng ngày 10/2/2023 tại Hà Nội. Với 18 hoạt động chính thức và một số hoạt động hưởng ứng Lễ hội của các địa phương, sẽ là thông điệp thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới để khẳng định và nâng tầm vị thế của cà phê Buôn Ma Thuột; lan toả, giới thiệu văn hoá cà phê Buôn Ma Thuột đến bạn bè quốc tế.

Tới dự buổi họp báo có gần 200 nhà báo, phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí và các đơn vị truyền thông ở Trung ương và địa phương. Về phía đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, có đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội; đồng chí Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, Đắk Lắk tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của các phê thế giới" từ ngày 10 đến 14/3 tại TP Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh

Đắk Lắk được thiên nhiên ban tặng cho nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cùng những bản trường ca và sử thi đồ sộ và di sản văn hóa phi vật thể thế giới Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột, được coi như thủ phủ của cà phê Việt Nam. Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những loại cà phê nổi tiếng nhất tại Việt Nam, được trồng tại vùng đất cao nguyên Buôn Ma Thuột có độ cao từ 900 đến 1.500 mét so với mực nước biển và được trồng trên đất đai có độ pH đặc biệt, nên cà phê Buôn Ma Thuột có vị ngọt và có mùi hương rất đặc trưng. Cây cà phê ở đây được người Pháp đưa vào Đắk Lắk cách nay đã hơn 100 năm với loại cà phê Robusta, còn gọi là cà phê “Vối”. Nguồn gốc cây cà phê ở Đắk Lắk gắn liền với sự hình thành của thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay. Từ năm 1904 đến nay, cà phê đã phát triển trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh với sản lượng lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc và xuất khẩu hơn 90 quốc gia, đưa Việt Nam trở thành cường quốc thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê.

Hoa hậu H’Hen Niê, Đại sứ truyền thông của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023

Cà phê Buôn Ma Thuột được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng cao và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Nó có thể được sử dụng để pha cà phê hoặc trộn với các loại cà phê khác để tạo ra một hương vị đặc biệt. Việc trồng cà phê đã tạo việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương và là một nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều gia đình. Ngoài ra, cà phê Buôn Thuột còn là một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Từ những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cây cà phê, chính quyền và người dân địa phương quyết tâm sớm đưa Buôn Ma Thuột trở thành thành phố của cà phê thế giới trong tương lai.

Thực hiện Kết luận 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định và chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu“Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên nhiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia…”. “Phát triển Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghiệp chế biến các loại nông sản thế mạnh và đặc hữu của tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên… Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thành trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên, đủ điều kiện để phát triển mạnh thương mại, logistics, thu hút khách du lịch cao cấp và tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê; xây dựng hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới”. “Nâng cao và phát huy chương trình phát triển thương hiệu cà phê đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ…”…

Giới thiệu với các đại biểu và phóng viên về cà phê Buôn Ma Thuột

Ngày 06/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Phấn đấu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế… Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế, gắn với các trung tâm chế biến”. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển”…. 

Về phía Đắk Lắk, Tỉnh cũng đã giao UBND thành phố Buôn Ma Thuột lấy ý kiến các đơn vị liên quan để ban hành Đề án “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thành phố Cà phê của thế giới; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia” nhằm đưa thành phố Buôn Ma Thuột phát triển có định hướng cụ thể.

Có thể thấy, tỉnh Đắk Lắk được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện; do đó, Lễ hội cà phê lần thứ 8 năm 2023 như một sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới.

Toàn cảnh buổi họp báo

Cũng tại buổi họp báo, Ban Tổ chức cũng giới thiệu Hoa hậu H’Hen Niê làm Đại sứ truyền thông của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Việt Thắng

 

 


Có thể bạn quan tâm