April 20, 2024, 11:31 am

Bước qua lời nguyền

Đây không phải lời nguyền cấm được kết duyên chồng vợ của trai họ Nguyễn với gái họ Trần do thần linh ma mị tại bến sông kia. Mà là câu chuyện tuyển Anh đá bóng các mùa WC, nó có sức đè như một lời nguyền. Tuyển Anh thường tưng bừng náo nhiệt khi mới bước vào các giải đấu lớn với bao câu chuyện ngoài bóng đá như việc sắm đồ hàng hiệu hay chuyện phòng the của chàng và nàng đươc tung lên mạng để câu like. Nhưng cuối cùng họ thường trở về trong tủi hổ. Dù rằng, tuyển Anh đã lên đỉnh WC tại quê nhà năm 1966 nhưng bàn thắng bị cho là “ma” tại trận chung kết, khi trái bóng dội từ xà ngang xuống đất nhưng lại chưa qua.... vạch vôi. Đó cũng chính là lí do làm người Đức phải cầm lòng mà tức tưởi đến tận bây giờ. Rồi mùa hè Italy 1990 đình đám, tuyển Anh cuối cùng lại thua Ý Đại Lợi trong trận tranh giải ba. Nhưng chuyện đáng nói, là trong các loạt sút luân lưu định mệnh tuyển Anh không thua về trình nhưng bị chết về tâm thế của cầu thủ được giao trọng trách cũng như thiếu một thủ môn đạt mức chuẩn chỉ. Ngoại trừ trận thắng sau loạt luân lưu trước Colombia ở vòng 1/8, tất cả đã xảy ra với người Anh, nó được ví như một lời nguyền của số phận. 

Tuyển Anh đã qua Thuỵ Điển trong trận tứ kết nhẹ nhàng tỉ số 2-0. Nước Anh mở hội. Trên cả tuyệt vời! Một cơn mưa giữa mùa hè cháy khát kéo dài đã 28 năm của người Anh. Truyền thông xứ Ăng lê có biệt tài khi phổ biến các giá trị của họ ra thế giới. Kiểu làm ăn chắc mặc bền của người Đức hay mĩ miều anh cả đỏ theo trường phái la tinh phải chăng đã xuống thời ? Nhưng ám ảnh vẫn chưa thực sự tan biến. Và tuyển Anh liệu có thể vượt thoát để bước qua lời nguyền? 

Mình ưa lối đá của tuyển Anh, trước hết ở sự hồn nhiên tận hiến, họ xem bóng đá là cuộc chơi hơn là cuộc chiến. Và, thêm nữa, mình đã 4 lần thăm thân tai xứ sương mù- 2004, 2007, 2015, 2016 cùng vô số trải nghiệm tại các sân Old Traford, Emirates, Anfield, Stamford Bridge, Wembley, King Power - nên tâm trạng hào hứng hơi chút thiên vị là điều mong các bạn lượng thứ. Trước vòng tứ kết chừng một giờ, mình cầu mong và nhắn tới các tuyển thủ Anh “Hãy vào trận như những người đàn ông, và nước mắt chỉ giành cho người chiến thắng”. Và quả thật, các chàng trai đã không phụ lòng người hâm mộ, họ vào cuộc với tâm thế của võ sỹ trên sàn đấu, coi trọng đối thủ và thượng tôn luật lệ của cuộc chơi

Người Anh đang gặt hái nhiều thành công, đồng Bảng đã nhích lên sau sự kiện brexit, dù Brexit “cứng” hay “mềm”, họ cũng sẽ rời khỏi châu Âu trên một số bình diện, để tự mình làm chủ các giá trị được xem là “đặc trưng” ANH. Tháng 7 là tháng có nhiều sự kiện thể thao trên xứ Ăng lê. Giải Tour de France có tay đua Chris Froome người Anh là đương kim vô địch, giải đua xe F1 công thức 1, và dù đã “sạch” các tay vợt Anh trong giải Wimbledon. Nhưng không sao! Trận bán kết với Croatia sắp diễn ra. Hơn 10 năm trước, tuyển Anh, với những Beckham, Steven Gerard, Fran Lampard kiêu hùng đã thi đấu như những chú mèo hen rồi cuối cùng bị bật khỏi Euro 2008 với tỉ số 2-3 cũng bởi chính . . . Croatia. Liệu kí ức đầy ám ảnh này có tái diễn với lớp đàn em bây giờ không? Người ta vốn sống được nhờ vào hy vọng. Lứa tuyển Anh hiện tại không có ánh hào quang như lớp đàn anh hơn 10 năm trước trong giải Ngoại hạng. Chỉ 5-6 cầu thủ đẳng cấp trong môi trường quốc nội như Hary Kane, Raheem Sterling, John Stone, Dele Alli, Rashford, Henderson còn đa phần họ bị coi là thứ “ hàng chợ” trên thị trường chuyển nhượng theo cách nói mỉa của vài tờ báo lắm lời. Nhưng chính tập thể không mấy nổi danh cùng sự hào nhoáng ngôi sao đã làm họ trở nên dễ gắn kết cho cơ hội thế kỷ. Fan hâm mộ đội tuyển Anh có quyền hy vọng lắm chứ! Không cần chờ đợi một Croatia, liểng xiểng sau 240 phút chỉ trong 5 ngày, các trụ cột Ivan Pe risic, Sime Vrsanjiko, thủ môn người hùng Danijel Subasic dính chấn thương trong màn tỉ thí cùng những chú lính chì hay lũ gấu của xứ Bạch dương. Bây giờ hay không bao giờ! Đó là mệnh lệnh của trái tim, là chỉ dẫn của khối óc, để vinh danh chân thiện mỹ trong thế giới túc cầu.

Nhiều fan hâm mộ, cùng các trang mạng, đang mơ một cuộc đối đầu Anh- Pháp? Hai đội bóng của hai quốc gia đã có công khai mở văn minh, đặt tiền đề cho sự ra đời và góp phần to lớn cho sự hoàn thiện của chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Và, cũng chính hai dân tộc, hai nhà nước này luôn xảy ra sự cạnh tranh so kè ai hơn ai trong các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, truyền thông. Mỗi nước đã một lần lên đỉnh bóng đá thế giới, liệu lần này họ có làm nên kỳ tích khi người Anh gặp lại “lời nguyền” Croatia- Euro 1998- còn Pháp đối đầu những con quỷ đỏ của nước Bỉ láng giềng ?

Nhưng tất cả xin đừng mơ mộng! Bởi đơn giản BA MƯƠI chưa phải là TÊT !

 

 

         Trước bán kết WC - 10/7 /2018

 


                                                         L.V.Q


Có thể bạn quan tâm