April 25, 2024, 7:04 pm

Bước ngoặt cuộc đời

“Ước muốn ngày nào ôm ấp trong tim mai đây làm cô giáo 

Kìa đôi mắt tròn xoe, kìa đàn em thơ ngây,

Hôm nay em đứng đây trong niềm mơ ước lớn 

Nghe tiếng trống thân thương dưới nắng sớm quê hương 

Rung trong bao tâm hồn đẹp khúc hát mùa xuân…” 

(Ước mơ xanh, nhạc và lời: Lê Giang)

Không biết tự bao giờ lời bài hát ấy cứ in đậm trong tâm trí tôi. Khi đang còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi ước mơ sau này cũng trở thành cô giáo và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Ngày tôi rời ghế giảng đường đại học sư phạm, tôi đã ấp ủ trong mình nhiều ước mơ và hoài bão. Tôi háo hức mong đợi đến ngày nhận công tác để thực hiện điều ấy. Thế nhưng từ ước mơ đến thực tế là một khoảng cách khá xa. 3 lần tôi nộp hồ sơ xét tuyển công chức ở tỉnh, tôi đều không đạt vì chỉ tiêu thì ít mà số lượng hồ sơ thì nhiều. Tôi vô cùng thất vọng và chán nản, nghĩ rằng cái số của mình thật đen đủi, lận đận.

 

Tác giả cùng các em học sinh trường THPT thị xã Quảng Trị

 

3 năm không có việc làm tôi rất buồn phiền chỉ biết thui thủi một mình, không muốn đi đâu, gặp gỡ ai. Nhìn bạn bè cùng trang lứa đứa nào cũng có nơi chốn đi dạy chao ôi! tôi thèm muốn. Những lần họp lớp tôi không dám đi vì sợ bạn bè hỏi “bữa nay mày đi dạy đâu rồi?” mà tôi không sao trả lời được. Ở nhà tôi cũng chịu áp lực từ phía gia đình, họ hàng, làng xóm dèm pha “học đại học ra mà ở nhà phí của”. Nghe những lời ấy lòng tôi đau lắm nhưng biết làm sao, tôi tự an ủi mình.

Và rồi một bước rẽ trái trong cuộc đời, tôi quyết định đi làm trái nghề miễn sao có việc làm và có thu nhập. Tôi làm đủ việc nào là phụ bán cafe, làm gia sư,... Tất cả những công việc ấy tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được mọi người yêu mến và cất nhắc. Thế nhưng lòng yêu nghề dạy học trong tôi không bao giờ tắt và hy vọng một ngày nào đó mình sẽ đứng trên bục giảng. Những công việc ấy đem lại cho tôi niềm vui xua tan những tháng ngày ưu phiền, buồn bã trước đó.

Thật tình cờ trong một lần tôi đã gặp một người bạn và nói cho tôi biết ở Tỉnh đoàn Quảng Trị có chương trình thanh niên tình nguyện lên miền núi. Tôi vui mừng và nộp hồ sơ ngay. Thật may mắn tôi là một trong số danh sách được chọn đi. Lúc đầu bố mẹ tôi phản đối dữ lắm vì cứ nghĩ thương cái thân con gái lên miền núi sẽ héo mòn tuổi xuân. Thế nhưng tôi đã quyết tâm đi vì nghĩ rằng đây là cơ hội đã đến với mình. Lên miền núi tôi đăng ký dạy học tình nguyện đúng như ước mơ làm cô giáo của tôi. Một bước ngoặt trong cuộc đời kể từ đó.

 Nơi tôi đến là xã Ba Lòng, huyện Đakrông, một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây cuộc sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều còn nghèo khó, thiếu thốn, điều kiện đi lại khó khăn, chính vì thế việc học tập của con em trong bản cũng trở nên gian nan, vất vả. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ “ Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, chúng tôi những người mang màu áo xanh tình nguyện  không ngại khó đã đến với những bản làng xa xôi, hẻo lánh như Ba Lòng, Hải Phúc của huyện Đakrông.

Cơ sở vật chất trang bị cho việc dạy học ở đây chưa đảm bảo, lớp học thì tranh tre nứa lá. Ngoài con đường đi quá khó khăn, trèo đèo lội suối, mùa mưa có những quãng đi qua suối mà nước có thể ngập đến gần ngang người rồi.  Nhưng quan trọng hơn, việc vận động đi học ở vùng núi còn khó khăn hơn nhiều. Ở các lớp vùng cao, học sinh bỏ học như cơm bữa. Nguyên nhân vẫn là do trình độ nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế. Do vậy, rất cần hoạt động “dân vận” của người thầy. Ngoài giờ lên lớp, chúng tôi phải đi thôn để vận động, tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu việc học tập của con em là rất quan trọng nên bà con đã hiểu ra và cho con em đi học tương đối đầy đủ. 

Có khi để vận động được 1 học sinh đi học trở lại chúng tôi phải mất đến mấy ngày ở bản. Rồi vận động, thuyết phục thế nào để cho đồng bào hiểu cũng là cả một vấn đề... Nếu không yêu nghề, thương học sinh lắm thì chắc không theo nổi. Mỗi lần vận động thành công cho học sinh đến trường thì bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến và xem đó như một động lực giúp giáo viên gắn bó với nghề và mảnh đất này.

Dù công việc dạy học ở miền núi còn gặp nhiều khó khăn đủ bề, xa cuộc sống ồn ào nhộn nhịp nơi đô thị, xa những người thân thương của mình, nhưng tôi cảm thấy vui với sự lựa chọn của mình. Bởi tôi nghĩ mình đang làm một việc có ích cho xã hội “gieo chữ ở vùng cao”, đem đến cái chữ cho học sinh ở vùng cao là một niềm vui và vinh dự lớn. Niềm vui này được tôi ghi lại trong cuốn sổ nhật ký mà bây giờ xem lại tôi cứ nhớ về những năm tháng đó.  

Gắn bó với miền núi Đakrông – Quảng Trị, tôi được nhận quyết định chính thức công tác về một trường ở đồng bằng. Đây là một xã khó khăn của huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Nhưng so với Đakrông cuộc sống ở đây đỡ vất vả hơn, điều kiện học tập của con em cũng khá hơn. Ngày chia tay với các em ở miền núi Đakrông, cả cô và trò đều bịn rịn lưu luyến, rưng rưng nước mắt. Tôi rất nhớ các em, những khuôn mặt ngây thơ hiền dịu; nhớ những buổi học trèo đèo lội suối; những đêm đến tận nhà học sinh để vận động đi học; những buổi học giữa núi rừng trùng điệp vẳng lên tiếng đánh vần, tiếng đọc bài của các em. Có những em 10 tuổi rồi mà vẫn không biết đọc biết viết. Tôi liền đến bên cạnh cầm bút bắt tay viết từng nét chữ. Các em đánh vần được tên mình tỏ ra thích thú... Ôi! Biết bao kỷ niệm đáng nhớ cùng với các em và dân bản này.

Nhìn thấy các em lòng tôi lại dấy lên một tình yêu bao la. Các em thật đáng yêu, những ánh mắt thân thương của các em cho tôi cảm nhận điều đó. Còn các em và mọi người ở đây cũng có tâm trạng như vậy, họ không muốn chia tay với cô giáo. Bởi chúng tôi gắn bó thân thiết với bà con dân bản như người trong nhà ấy. Có khó khăn gì cũng có thể chung vai giúp đỡ. Lúc ra đi họ còn tặng tôi rất nhiều thứ là những sản vật của quê hương. Nhưng tôi chỉ nhận lấy một món quà duy nhất đó là tình cảm của các em và dân làng ở đây giành cho tôi suốt 3 năm qua. Có lẽ tôi không bao giờ quên được. Rời bản làng trong ánh nắng chiều của một ngày mùa đông, bên tai tôi vẫn văng vẳng tiếng gọi học sinh vọng lại “Cô về dưới xuôi nhớ viết thư cho chúng em nhé”. Tôi ngoảnh đầu quay lại và dòng lệ lăn dài trên má.

Những năm tháng lập nghiệp đầu đời của tôi là như thế đó, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng quan trọng hơn đã giúp tôi rút ra nhiều bài học cho mình trên bước đường tương lai, trong khó khăn gian khổ đừng bao giờ nản lòng, hãy làm tốt công việc ở hiện tại. Thành công đưa đến cho bạn không phải là ngẫu nhiên mà có mà bằng chính nghị lực của mình. Điều quan trọng hơn tôi nhận ra tình yêu thương giữa con người với con người là bao la không phân biệt là người Kinh hay người dân tộc thiểu số. Qua những năm tháng dạy tình nguyện tôi càng yêu hơn nghề dạy học, yêu những em học sinh và tôi nguyện cống hiến tốt hơn nữa cho sự nghiệp trồng người mà Đảng và nhà nước giao phó.

Giờ đây tôi đang công tác tại một ngôi trường có truyền thống dạy học 45 năm ở Thành cổ Quảng Trị đó là trường THPT thị xã Quảng Trị. Nhưng tôi tâm niệm mình chưa dừng lại ở đó mà vẫn luôn phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.Tuy tuổi nghề của tôi chưa nhiều nhưng tôi cũng cảm nhận được nghề giáo là nghề hết sức đặc biệt, có vị trí hết sức quan trọng trong xã hội. Những chiêm nghiệm, nghĩ suy qua 17 năm gắn bó cùng nghề dạy học tôi thấy mình đã không chọn sai nghề bởi thấy mình cũng đã góp phần nhỏ bé chắp cánh những ức mơ tương lai cho nhiều thế hệ học sinh.

Nếu có người hỏi “vì sao bạn chọn ngành sư phạm?” thì tôi không ngần ngại trả lời “Tôi ước muốn trở thành một nhà giáo”. Với tôi hai từ “nhà giáo” vô cùng thiêng liêng, cao quý như Cômenxki viết “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao qúy nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Cao quý bởi đó là sự nghiệp trồng người, ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng tương lai của đất nước như lời Bác Hồ nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Bây giờ với tôi “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì ở đó tôi bắt gặp những tà áo trắng trinh nguyên bay trong gió phủ kín cả sân trường giờ tan học; những ánh mắt thơ ngây trong sáng, những nụ cười tươi và những vòng tay lễ phép cúi xuống: “Em chào cô ạ!”. Tôi cảm thấy tự hào, hạnh phúc vô cùng vì thấy mình là người đáng kính trong con mắt học trò. Tuổi đời có thể già đi nhưng tuổi nghề thì trẻ mãi. Bởi nhà hiền triết – Tago đã nói: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được một thế hệ”.

Nguồn Văn nghệ số 37/2020


Có thể bạn quan tâm