March 28, 2024, 10:57 pm

Bước chân táo bạo vào địa hạt của lịch sử

 

Nối tiếp thành công của tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương (Nxb Hội nhà văn, 2015, Nxb Văn học tái bản năm 2018), Phùng Văn Khai đã tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương. Tác phẩm một lần nữa khẳng định bút lực dồi dào cùng bản lĩnh táo bạo của nhà văn trong việc tiến bước vào đề tài lịch sử...

Viết tiểu thuyết lịch sử không hề đơn giản. Bởi lẽ, dựa trên một cứ liệu chính sử mang tính biên niên tuyến tính, thậm chí đôi khi nguồn cứ liệu này lại vô cùng ít ỏi, nhà văn phải trải qua quá trình hư cấu để mở rộng biên độ không gian và thời gian của lịch sử. Trong đó xuất hiện hệ thống nhân vật, những nhân vật này, tuy ấn định về mặt niên biểu, nhưng cá tính của mỗi nhân vật, làm rõ mối quan hệ giữa các nhân vật là công việc sáng tạo của nhà văn. Mục đích đầu tiên và tiên quyết của một tiểu thuyết lịch sử, là chuyển tải tinh thần, lối ứng xử và các điều kiện xã hội của một giai đoạn lịch sử quá khứ, với chi tiết thực tế và trung thành với lịch sử. Khác với một sử gia, nhà văn được tự do tưởng tượng hơn. Viết tiểu thuyết lịch sử, có thể nói, là kiến tạo ra một lịch sử thứ hai. Tuy mang tính chất phái sinh, nhưng lịch sử thứ hai này có giá trị tự thân của nó – giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật.

Tiểu thuyết Ngô Vương của Phùng Văn Khai, trước hết, góp phần soi chiếu và luận giải một vùng mờ của lịch sử. Ngô Vương bao trùm hơn 30 năm đầy biến động nhưng không kém phần lẫy lừng trong lịch sử Việt Nam (907-939). Bởi, trên diễn trình lịch sử Việt Nam, Ngô Quyền là dấu mốc quan trọng, chính thức đánh dấu chấm dứt gần một thiên niên kỷ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, đặt viên gạch nền móng mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Thế nhưng, những sử liệu tồn hiện về vị vua này vô cùng ít ỏi và tản mác. Mọi chi tiết về ông chỉ được ghi chép vắn tắt, về những thông tin như trận chiến trứ danh trên sông Bạch Đằng, năm xưng vương và năm mất. Đối với Phùng Văn Khai, các nguồn tài liệu chính sử này như một xương sống và bệ phóng để nhà văn phát huy óc sáng tác của mình, ví như việc canh tác trên một mảnh đất chưa từng ai biết đến….

Song, nếu chỉ dựa trên những cứ liệu khiêm tốn khô khan này, sẽ là không đủ để sáng tạo. Bên cạnh việc nghiêm cẩn khảo cứu các tài liệu chính sử, Phùng Văn Khai đã thực hiện hoạt động điền dã công phu, trong đó có Khu di tích lịch sử Quốc gia Ngô Quyền ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Một không gian thiêng liêng, là nơi phát tích và gắn liền với các truyền thuyết dân gian về Ngô Quyên, mang lại cho tác giả rất nhiều dẫn liệu cảm hứng sáng tác.

Dã sử vốn được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Mọi cá nhân lại không ngừng sáng tạo, làm cho những tình tiết câu chuyện và hình tượng các nhân vật lịch sử trở nên phong phú thêm. Tuy nhiên, để xử lý dã sử một cách hiệu quả, đòi hỏi nhà văn phải có tư duy chọn/ sàng lọc và óc tư biện hư cấu – đây chính là tài năng của tiểu thuyết gia. Phùng Văn Khai, thông qua ngòi bút của mình, đã tô vẽ tính cách và hình tượng nhân vật cho sâu sắc, đậm nét hơn. Qua đó, làm nổi bật và chân thực về lai lịch, xuất thân, phẩm chất, tính cách, khí phách, dung mạo của những nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết, điển hình như Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ, Đoàn Thành, Đỗ Cảnh Thạc, Đinh Công Trứ, Kiều Công Chuẩn… Các nhân vật trong Ngô Vương xuất hiện đầy sinh động với những ứng xử cá nhân

Tính chất lãng mạn, huyền sử không hề vắng bóng trong tiểu thuyết Ngô Vương. Một trong những chi tiết đắt giá, mang màu sắc kỳ ảo, là mối liên hệ lịch sử giữa Phùng Hưng và Ngô Quyền. Trước trận chiến quyết định với Hoằng Tháo tại cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã được Phùng Hưng báo mộng và phù trợ đánh giặc. Hình ảnh Bố Cái Đại Vương xuất được đặc tả về tầm vóc và khí chất quân vương phi thường (cao lớn dị thường, thân mang đầy đủ giáp trụ sáng lòa, đầu đội mũ đâu mâu khảm ngọc, lưng đeo trường kiếm dài, bao kiếm dát vàng óng ánh… - tr.333). Ắt sự trợ giúp này phải xuất phát từ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, từ tấm lòng và ý hướng giải phóng dân tộc giữa hai vị anh hùng dân tộc đến từ miền “đất thiêng người hiền” Đường Lâm.

Ngô Vương phát huy giá trị và nối tiếp dòng chảy các tiểu thuyết lịch sử trước đó, đặc biệt ở cấu trúc chương hồi diễn biến theo thời gian đơn tuyến và mạch nguồn tinh thần dân tộc. Là người đương thời viết về lịch sử, nhà văn Phùng Văn Khai đã nhận diện và đặt mình vào chủ điểm tâm thế của thời cuộc bấy giờ – chính là tinh thần yêu nước và chống giặc ngoại xâm. Tinh thần này đã được minh chứng thông qua lịch sử từ ngàn xưa, chứ không phải xuất hiện như một yếu tố thoáng chốc nhất thời, là một cá tính riêng của dân tộc Việt Nam. Phùng Văn Khai, một nhà văn quân đội, chứa đầy chất thép và hào sảng trong văn phong. Nhà văn đặt niềm tin vào dòng văn học chính thống, đề cao những giá trị cao đẹp của cá nhân và dân tộc. Đó cũng là lý do chủ quan nhà văn lựa chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử và can đảm xông pha dấn thân vào đề tài lịch sử với đối tượng trọng tâm là những vị anh hùng dân tộc. Có lẽ, thẳm sâu trong tâm can, nhà văn muốn dùng văn học để xây dựng một con người lý tưởng, trượng nghĩa, đóng góp cống hiến cho đất nước. Qua chất liệu văn học, lịch sử được thổi một sức sống mới, những sự kiện lịch sử không còn khô khan hay chỉ là con số thống kê đơn thuần, những nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Tác phẩm Ngô Vương, như một cây cầu lịch sử bắc nối với quá khứ, đặc biệt với đối tượng bạn đọc trẻ tuổi – những người cần cung cấp nhận thức về lịch sử và được truyền cảm hứng tự cường dân tộc, được khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương.

Đọc xong tiểu thuyết Ngô Vương, người đọc vẫn có cảm giác chưa thỏa mãn. Nhưng ở đây, nó phản ánh việc người đọc mong muốn tiếp tục được lôi cuốn bởi những áng văn hào hùng bi tráng của Phùng Văn Khai – một khao khát về sự mở rộng. Có lẽ, người đọc sẽ rất trông đợi tiểu thuyết lịch sử kế tiếp của nhà văn, sẽ phát huy kiến văn cũng như hoàn thiện thêm về bút pháp nghệ thuật, để đạt đến tầm vóc mới…

Nguồn Văn nghệ số 19/2019


Có thể bạn quan tâm