April 25, 2024, 12:06 pm

Bụi thị thành

 

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập”, với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) - Nhà tài trợ Kim cương...Tác phẩm dự thi, được chọn đăng trên báo Nông Thôn Ngày Nay, báo điện tử Dân Việt - danviet.vn, báo Văn Nghệ - baovannghe.com.vn, website của Hội Nhà văn Việt Nam - vanvn.net .

 

 

 

Bụi thị thành

(Dân Việt) Đêm đã khuya, một góc Tây Nguyên chìm trong ánh sáng lờ mờ của ánh trăng đầu tháng năm. Những cây mít, cây xoài in bóng đen bất động trong bóng đêm lành lạnh hơi sương, trời lặng ngắt không chút gió. Đường làng như một vệt sáng mờ với hai đường viền đen là bóng hàng chè tàu, dâm bụt mà người ta trồng làm hàng rào. Dân quê ở đây đi kinh tế mới từ một huyện ở tỉnh Quảng Nam nên giống nhau về tập quán văn hóa. Không nhà nào có cổng, có lẽ vì chẳng ai tham của ai nên không cần phải giữ.

Từ khi có chủ trương khoán 10 giao đất cho nông dân, cuộc sống thay da đổi thịt từng ngày. Vùng quê hẻo lánh xuất hiện quán bi –a, quán karaoke. Có đêm xóm nhỏ chìm vào giấc ngủ chập chờn, vì tiếng hát nhừa nhựa của người say, tiếng thôn nữ ngại ngùng khi giọng hát của mình phát qua dàn loa lớn. Ngày làm đồng, đêm về giải trí, họ vô tư coi đó là thú vui có đẳng cấp. Lâu dần ai cũng quen và chấp nhận âm thanh đó như chuyện bình thường.

Nhân vừa cố học xong bài Lịch sử thì nghe thấy tiếng chân vào ngõ, dưới ánh điện hắt ra sân, bóng thằng Đen lầm lũi đi vào.

 truyen du thi: bui thi thanh hinh anh 1

- Mày vẫn học à? – vừa ngồi xuống ghế, Đen hỏi như câu chào, vì việc học của Nhân anh ta đã biết rồi.

-  Phải cố thôi, tao đâu còn cách khác.

– Nhân nói nhỏ - Mày thấy đó, cuộc sống phát triển chóng mặt, chẳng lẽ mình đứng yên?

- Nói thật – Đen hạ giọng – Tao tôn trọng khát vọng của mày, khâm phục sự kiên trì của mày. Mày cố đi, còn tao, tao không theo được. Thi tốt nghiệp xong, người ta khăn gói đi ôn thi. Còn mày về đi gặt lúa thuê, tao đi cào hến. Mày nghĩ coi cả xã mình mỗi năm vài đứa học đại học, tao không bền chí như mày. Bất chợt Đen đổi giọng như đùa – Mà năm 2000 tới sát rồi, mày nghe sự cố Y2K không? Tao nghe nói là Trái đất tiêu tùng luôn đó. Huống chi tao mà thi đậu đại học thì tiền đâu mà học?

Nghe nhắc đến tiền học mặt Nhân tối sầm lại, biết mình lỡ lời, Đen đứng dậy nói:

- Cố lên, tao chúc mày thành công.

- Nói rồi Đen đi vội ra cửa.

Nhân nhìn theo bóng Đen mà nhớ lời người làng hay thắc mắc: Sao hai đứa lại thân nhau được? Khi đi xây dựng kinh tế mới ở đây, hầu như không nhà nào có gì quý giá. Mẹ thằng Đen to béo, nhưng không hiểu sao có giấy mất sức nên được miễn lao động. Mọi người làm cho hợp tác xã cuối năm tính công điểm nhận lúa. Tiếng là làm nông mà thiếu ăn cả làng. Mẹ thằng Đen nhanh nhẹn mở quán bán hàng xén. Vì nghèo nên nhiều người mua thiếu nợ, đồng mắm đồng dầu đều ghi sổ. Đến mùa nhận lúa công điểm, bà quy ra lúa non, giá lúa bằng phân nửa, có khi là phần ba giá mua của hợp tác xã nên nhà bà giàu lên nhanh. Vì nghèo túng, ai cũng phải chịu để bà tính. Nhà Nhân cũng phải chịu vậy, nhớ những lần đi mua mắm muối mà thiếu nợ, Nhân thấy tủi hổ vô cùng. Bà Sáu, mẹ Đen và anh chị nó chọc quê, có khi chửi mắng, để đứng chờ thật lâu mới bán. Hôm nào gặp thằng Đen nó vui vẻ bán ngay, vì cho rằng sau tính lúa non càng có lợi.

Trong xóm nhiều trẻ con mà hắn và Nhân thân nhau nhất. Từ khi có chủ trương chuyển sang kinh tế thị trường, nhiều người buôn bán, nhà Đen sa sút dần. Đến khi phải bán dần ruộng đất, cha mẹ, anh chị Đen quen tỏ ra nhà giàu nên càng nhanh lụn bại, đến giờ thì rơi vào cảnh nghèo đói. Đen sợ không có tiền học đại học cũng đúng. Nó đi cào hến mỗi ngày kiếm ký gạo, anh chị nó có gia đình riêng hết rồi nên nó phải lo cho cha mẹ. Nhân nghèo khổ cũng quen rồi nên không còn sợ nữa, dù chưa biết lấy đâu ra tiền ăn học nếu thi đậu đại học. Dù vậy, Nhân vẫn quyết tâm thi đại học. Có lẽ nghèo khó làm con người ta mạnh mẽ hơn.

***

Nhân thi đậu Đại học Tây Nguyên. Trước hôm lên đường nhập học, nó đãi thằng Đen ly chè tự nấu gọi là ăn mừng thi đậu. Đen nhìn ly chè nói giọng chua xót:

- Nghe nói xã mình năm nay có vài đứa thi đậu, người ta có ăn mừng như hai thằng mình không? Mày đi học là chấp nhận vô vàn khó khăn, nào cơm áo gạo tiền, nào cuộc sống phố xá không như quê mình. Mà mày lại không tới quán cà phê, chẳng hát karaoke hay chơi bi – a nên càng lạc hậu khi xuống phố.

- Tao sẽ sống được mà. Năm tới, mày cũng thi đi, ngành sư phạm được miễn học phí, tụi mình chịu được – Nhân nhìn vào mắt thằng Đen, động viên nó mà như tự động viên mình.

- Tao á? – Ánh mắt nó như đang cười – Không được như mày đâu. Nghe gì không? Quán kia hát, quán nọ tiếng đấm đá huỳnh huỵch, tiếng ứ ớ của những pha làm tình trong phim. Nhất là cơm áo, tao sợ mình khó qua được. Thôi mày đừng lo, tao sẽ sống được. - Nói xong Đen đứng dậy chúc Nhân vài câu rồi ra về.

Ở đời cũng lạ, gian khổ cả đời chưa quen, sung sướng vài ngày đã thấm vào máu. Đi kinh tế mới từ 1977 đến nay đã 20 năm khổ cực triền miên chưa quen. Có cơm no, áo ấm chưa lâu đã học đòi hát hò, bi – a, phim ảnh thì mát mẻ, hoặc đánh đấm... Đời sống kinh tế khá lên thì văn hóa bị xô lệch. Người quan tâm đến đạo đức giới trẻ bắt đầu tặc lưỡi lắc đầu khi đi qua quán cà phê có chiếu phim phục vụ khách.

Từ hôm Nhân trở thành sinh viên khoa Sư phạm Ngữ văn Trường Đại học Tây Nguyên. Nhà nghèo nên phải làm thêm tất cả mọi việc người ta cần, từ gia sư đến đào hố trồng cà phê, miễn là có tiền chính đáng. Nghỉ tết năm học thứ nhất, rồi hè đó cũng không về, mà ở lại làm thêm kiếm tiền học. Nhân không hề biết làng quê đã thay đổi rất nhiều. Kinh tế phát triển, văn hóa, lối sống cũng thay đổi. Lớp thanh niên bắt đầu có xu hướng đi Sài Gòn tìm việc làm, sự học vì thế thêm phai nhạt trong tư tưởng nhiều người.

Hôm nghỉ lễ, tết, thanh niên làm ăn xa về lượn như cá cảnh. Tóc xanh, tóc đỏ, môi son má phấn và những bộ quần áo ngắn cũn, xẻ cao, xẻ dài bất tận. Bức tranh làng quê mộc mạc chân chất như bị loang những vết màu bẩn. Những đêm trăng yên bình ở quê thỉnh thoảng bị xé toạc bởi tiếng nẹt pô, tiếng gầm rú của xe máy. Đạo đức xã hội tỷ lệ nghịch với đời sống vật chất. Nhà nhà xây cổng, tường rào cẩn thận, mới nhìn tưởng như cuộc sống khởi sắc, đủ đầy, nhưng phía sau đó là tiếng thở dài, vì người quê tham lam hơn và không còn tin nhau như trước. Đạo đức là nền tảng của văn hóa. Đạo đức xuống cấp thì văn hóa cũng theo đó mà xuống, nhất là trong bối cảnh mở cửa hội nhập, đời sống đủ đầy, no ấm.

Từ ngày Nhân đi học, Đen không còn người để tâm sự nên tối tối hay ngồi quán cà phê. Dù gì cũng là đứa có ăn có học, Đen nhận thấy sự thay đổi của làng quê nên cố không để mình trôi theo những đổi thay không hay đó.

Làng bên có cô bé Lan học lớp 12 sang nhà Đen hỏi mượn tài liệu ôn thi. Qua đôi lần trò chuyện Đen thấy cô bé hay hay nên thi thoảng ghé nhà chơi. Dần dà thành thân thiết, cô bé có vẻ cũng thích nói chuyện với Đen. Một bữa tối, Đen rủ Lan đi dạo, lấy cớ tránh bớt xe máy lạng lách ngoài đường, hai đứa đi dạo trong xóm. Đêm hôm ấy, Cao Nguyên trăng sáng, ánh trăng chạy lao xao trên lô cà phê xanh mướt. Gió nhè nhẹ vừa đủ đưa mái tóc Lan thi thoảng lạc vào vai Đen. Hương tóc đang xuân bất chợt đánh thức nỗi khao khát tự nhiên trong gã trai mới lớn. Việc gì đến rồi cũng đến, dưới bóng đêm của cây cà phê già, thân thể cường tráng của gã trai đè nghiến đôi ngực non tơ của cô gái. Đan trong gió là tiếng ú ớ không phân biệt rõ là phản kháng hay đó là âm thanh bản năng.

***

Kì nghỉ hè thứ hai của đời sinh viên, Nhân định về chơi vài hôm rồi trở lại trường tìm việc làm thêm. Với tâm lý về chơi nên Nhân đi thật chậm để gần hơn với quê mình. Đường làng nay đã rải nhựa, chỗ bê tông hóa, rộng rãi quang đãng hẳn ra. Mắt nhìn thấy lạ, sao chân đi nghe thân quen như ngày xưa đi về. Không gian làng quê trong lành, yên tĩnh khiến đứa con xa quê mới về nhắm mắt tận hưởng không khí đồng làng, mặc cho bước chân trôi đi giữa thênh thang đường quê. Cảnh quê ngày xưa bất chợt trở về. Hai hàng chè tàu, dâm bụt bên đường được cắt gọn gàng, những lối vào nhà có hàng hoa nhỏ và hầu như không nhà nào có cánh cổng để khóa. Người quê chân chất, thật thà tình quê chân thành mộc mạc thể hiện ở cuộc sống không rào, không khóa. Đó cũng là điều mà những đứa con ra đi từ làng quê luôn nhớ về và tự hào. Tình quê nồng hậu thiết tha ở tiếng cười, câu chào hỏi khi vừa đặt chân đến làng quê. Dường như con người đồng quê được nuôi dưỡng bằng ân tình của mọi người nên ai cũng cởi mở chân tình. Mải nghĩ miên man, Nhân giật mình thon thót vì chiếc xe máy chạy sát vào người. Chợt nhận ra làng quê nay khác xưa rồi, sự phát triển mà hình như mặt trái chưa được kiểm soát.

Gia đình Nhân vừa ăn cơm tối xong thì Đen bước vào nói ngay:

- Nghe nói mày về chơi nên tao đợi. Mày ở nhà tuần sau dự đám cưới tao nghe.

 - Tao nghe nói rồi, chúc mày hạnh phúc – Nhân cười to nói tiếp – Mày dạy kèm hay quá chớ. Mà này, ông bà già bé Lan có chửi hai đứa mày không?

- Không đâu mày – Đen nói nhỏ - Cả làng này, mày là đứa đầu tiên học đại học, nông dân mà có bằng THPT như tao đầy đồng. Chắc ông bà nghĩ hết lớp 12 cũng ở nhà lấy chồng nên không nói gì.

Nhân nhìn thẳng vào mắt Đen cười cười, nó như hiểu ý nói tiếp:

- Có, có, tao động viên cô bé bầu bí cũng cố thi tốt nghiệp cho xong. Mà mày thấy đó, có đứa con gái nào học hành tới nơi tới chốn đâu. Dạo này còn bỏ học sớm đi Sài Gòn làm thuê nữa kìa – Đen chợt cười lớn nói giọng nửa đùa nửa thật:

- Mấy tháng nữa tới năm 2000 rồi, sự cố Y2K, đất trời tối om, ma quỷ, rắn rết xuất hiện tấn công con người. Cưới nhanh còn kịp.

- Ở đây cũng có tin ấy à? Tao khổ với nó quá rồi.

- Sao vậy? Thời kì hội nhập phát triển mà mày, có một số nhà nối mạng internet rồi, họ đọc và nói vậy.

Nhân đáp như lý giải cho Đen hiểu:

- Đó là sự cố máy tính thôi mà. Tao hay ăn mì tôm mà cái tin đó làm giá mì tôm và nến tăng liên tục. Mày tin gì mấy cái xàm xí đó, mạng cũng có cái quý giá, có thứ rác rưởi, tin tùy cái chứ.

Đen như lờ mờ hiểu, nói:

- Nể mấy ông nội buôn bán, lên giá vèo vèo mà bán đắt như tôm tươi chỉ nhờ tin xàm thôi.

- Dạo này mày làm ăn nghe đâu giỏi lắm hả? – Nhân hỏi như để đổi đề tài.

- Mày đi học, tao về vỡ hoang được mớ đất ruộng. Vụ đầu tao thu lúa bán, mua máy về tự tưới tiêu nên chủ động được, cũng no rồi. Ông già vợ tương lai nói cưới xong, ông cho đất nữa. Nói tóm lại cuộc sống của tao vậy rồi, ước mơ ngày nào thôi gác lại đợi con cái thực hiện.

Hai thằng bạn thân nói nhiều về ước mơ thời học trò, về nhân tình thế thái thời mở cửa hội nhập. Đen thở dài nói:

 - Hình như con người đồng quê bây giờ lạnh lùng hơn, vì tiền cả mày ạ. Mới vài năm mà thay đổi kì lạ, có gia đình huynh đệ tương tàn vì mấy thước đất, tình làng nghĩa xóm tan nát vì con gà mất trộm...

- Thay đổi nhanh thiệt – Nhân nói – Lúc tao về có mấy thằng choai choai chạy xe cứ lạng sát người tao.

- Xã mình hầu như ngày nào cũng có tai nạn xe máy, đánh nhau – Đen chợt cười cười – Tao gọi bọn nó là giang hồ xóm, bụi đời vườn và những kiếm sĩ ruộng đồng đấy. Làng quê bây giờ đi ra đường cũng phải cẩn thận.

Trò chuyện một lúc Đen nhắc lại lời mời rồi ra về. Nhân sang nhà hàng xóm thăm hỏi. Nhân thật sự bất ngờ, có cả chút thất vọng vì sự thay đổi quá nhanh của quê nhà. Không chỉ như Đen nói mà mấy quán cà phê ở trung tâm xã còn có em út phục vụ nữa. Chú Hải hàng xóm nói chắc tin này là đúng vì đã từng có vụ đánh nhau vì tranh giành cave rồi. Nghe đâu trước 1975, chú có biệt danh Tony Hải – là tay anh chị khét tiếng ở thành phố Đà Nẵng, con người sành sỏi này nhận định chuyện này có lẽ đúng.

- Đạo đức và văn hóa xã hội không theo kịp sự phát triển của kinh tế thì điều này sẽ xảy ra thôi. Nó như bụi thị thành bay về nông thôn. Tiếc là nó nhiều và nhanh quá. Chính quyền sẽ khống chế được thôi – chú Hải kết luận.

Nhân về và nghĩ nhiều đến cách gọi “bụi thị thành” của tay giang hồ hoàn lương mà thấy chí lý. Khi thực hiện kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập thì các thành phố phát triển trước. Nhu cầu nhân công có trình độ, công nhân kỹ thuật tăng nhanh làm nhiều người khó tìm được việc làm. Từ đó, người ta xoay qua mua đi bán lại, kinh doanh bất kỳ thứ gì để thu lời. Tệ nạn xã hội nảy sinh từ đó. Người ở huyện học người ở phố, người trong xã học người ở huyện rồi mối lái, dây nhợ với nhau nên bụi thị thành bay về ngày càng nhiều.

Sống ở thành phố Buôn Ma Thuột Nhân có nghe nói về dịch vụ “mát mẻ” và nghĩ chỉ có ở phố thôi, đâu ngờ đã lan về tận ruộng vườn. Ngay trong trường đại học cũng vậy. Nhiều người là dân huyện lên phố, muốn tỏ ra sành điệu thì nhanh chóng có người yêu, giục cha mẹ mua xe máy... Rồi tình yêu ri – đô, cuộc tình bếp dầu... rồi tìm đến bác sĩ sản khoa. Những cô cậu sinh viên này là một trong những nhân tố đưa bụi thị thành về làng. Hội nhập là điều kiện thuận lợi để tiếp cận công nghệ tiên tiến, là cơ hội để làm giàu, nhưng mặt trái của nó cũng rất lớn. Con người hội nhập phải được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ sống tích cực nếu không sẽ nhận lấy sai lầm.

Sau đám cưới, Đen càng chí thú làm ăn. Nhiều người trong làng không hiểu anh chàng này nghĩ gì mà cứ lo làm ăn, chẳng thấy mua sắm hay làm nhà. Kinh tế thì phất lên nhanh chóng, nhưng chui ra chui vô căn nhà gỗ nho nhỏ, trong nhà có cái tivi là quý nhất. Từ khi mua được chiếc xe công nông, Đen làm nhiều người ngạc nhiên với quyết định mở rộng diện tích lúa của mình. Những lô đất trước đây chỉ để tỉa bắp, tỉa đậu, nay Đen mua lại, lên bờ làm ruộng lúa. Có máy bơm nước, có xe cày, lại thêm nhiều loại thuốc hỗ trợ nên Đen làm được diện tích lớn. Ban đầu nhiều người nghi ngờ việc làm của Đen nhưng nay thấy hiệu quả kinh tế cao, cũng là lúc đất đai không còn nhiều. Hai năm mở rộng sản xuất như vậy, Đen đã có trong tay diện tích ruộng lúa và đất rẫy thuộc hàng nhất, nhì cả xã. Mỗi vụ thu hơn 30 tấn lúa, nhưng vẫn sống trong căn nhà gỗ nhỏ. Ngày nào cũng đi ruộng, đi rẫy, chỉ khác là công việc ngày càng nhẹ hơn.

Nhân thì miệt mài với việc học và làm thêm. Thời gian vui chơi không có, huống chi tán tỉnh yêu đương. Có lẽ Nhân và Đen thân nhau vì đều có quyết tâm và kiên trì thực hiện mục đích sống của mình. Thi tốt nghiệp xong, Nhân xác định xin dạy học tại trường cấp 2 gần nhà. Nghe tin Nhân về, tối đó Đen đến nhà chơi, vừa bước vào đã gọi lớn:

 - Ông giáo đâu rồi?

 Nhân nhìn thằng bạn đã khác xưa nhiều. Đen bây giờ dáng người đĩnh đạc, phương phi không giống một nông dân. Vừa thấy Nhân hắn nói tiếp:

 - Lên nhà tao chơi tí.

Hai thằng bạn từ thời cởi truồng tắm mưa giờ vẫn quen xưng hô, nói chuyện bỗ bã nhưng chân tình. Nhân thấy làng mình hôm nay vườn nhà nào cũng cà phê xanh mướt xen những hàng trụ tiêu in bóng lên bầu trời có ánh trăng bàng bạc. Có một thắc mắc trong lòng Nhân là làng quê yên tĩnh, không có tiếng hát karaoke như trước nữa.

Đến nhà, Đen mang cái bàn nhựa nhỏ và ba cái ghế ra góc sân. Cái sân xi măng mà ngày xưa hai thằng mơ ước. Nhân cười thầm nghĩ lại cái ước mơ ngày xưa nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Phơi lúa sân đất mỗi lần hốt vào khó khăn nên ước có cái sân xi măng, giờ thì nhà nào cũng có rồi.

Vợ Đen nhanh nhẹn mang ra con gà luộc vài chai rượu. Đen nói:

- Mày ngồi làm ly nói chuyện, gà nhà tao nuôi đó.

- Tao có nhậu được đâu – Nhân cười – Làm ly say về ông bà già tao cạo đầu.

- Đã nửa năm đầu của thế kỉ 21 rồi – Đen nói giọng lý sự - Mày cũng đã hai lăm rồichứ nhỏ nữa đâu.

Nhân kể chuyện học và làm thêm chiếm hết thời gian vui chơinên vẫn chưa biết đến quán xá, rượu chè. Cả dự định xin về dạy ở trường cấp hai tại địa phương vì nghe đâu bây giờ xin việc phải tốn nhiều tiền. Đen vẫn kiểu nói huỵch toẹt:

- Mày học nhiều hơn tao nhưng va đập với đời không bằng tao đâu. Đừng nghĩ lấy năng lực đọ tiền của người khác.

Rồi thằng Đen kể nhiều về tiền và lòng tham của con người trong thời buổi kinh tế này. Nào là anh em kiện nhau ra tòa vì chia mấy thước đất cha mẹ để lại, hàng xóm cãi nhau vì bờ ranh cong qua bên nọ, bên kia đến việc làm sổ đỏ phải mất tiền, xin làm chân văn thư xã cũng phải có tiền... Cuối cùng nó kết luận chắc nịch:

- Xin dạy cấp hai là sáng suốt vì ít tốn tiền, mà nếu mày đi dạy không mất tiền xin việc thì hên nhất quả đất.

Nhắc đến tiền Nhân thấy không thỏa mái nên chuyển đề tài:

- Về đến xã là tao nghe đồn thằng Đen là người có đất ruộng nhiều nhất nhì trong xã, địa chủ rồi hả?

Đen cười hất hàm về phía vợ, nói:

- Địa chủ đó kìa, tao là tá điền thôi.

- Nhà em có hơn  ba hécta ruộng và nửa hécta đất vườn. Một vụ thu hơn ba chục tấn lúa, cà phê và tiêu mới thu bói thôi. – vợ Đen góp chuyện.

- Tao làm chủ yếu ruộng cao nên làm được hai vụ. – Đen tiếp – Thời nghèo túng ai cũng tranh ruộng thấp dễ lấy nước nhưng dễ bị lụt mất mùa.

- Hồi mới cưới xong ảnh đi làm người ta nói ảnh khùng á anh – vợ Đen cười vui kể - cặm cụi lên bờ, san bằng đất tỉa hoa màu làm ruộng. Người ta nói ảnh làm sân bay.

 Nhân cũng bật cười, hỏi:

- Mày làm giỏi thiệt, không đuối à?

- Khỏe mà – Đen nhìn vợ nói – vợ tao ít khi ra đồng. Tao có xe cày đất, mùa gặt thì có xe gặt về đầy đồng, bán lúa tươi luôn.

- À, mà tao hỏi thiệt, sao chưa làm cái nhà?

- Mệt ổng lắm anh ơi – vợ Đen giọng khen mà như đang chê – Tiền mừng đám cưới đem mua đất. Thu được nhiêu đem mua đất, làm như người thèm đất vậy.

Đen nhìn Nhân nói vẻ lý sự:

- Nhà không sinh ra đất nhưng đất chắc chắn đẻ ra nhà, mày nghĩ đúng không? Ngày tao về với ruộng đồng lúa chỉ tám trăm đến một ngàn hai trăm đồng một ký, bây giờ đã là hơn năm ngàn đồng ký lúa. Không mua đất để lúc này mua sao nổi chứ? Muốn làm nhà đợi hai năm nữa làm được.

Cái lý luận của gã nông dân trí thức như Đen nghe có lý, mà cũng nhờ nó lớn lên đúng vào thời kỳ hội nhập, giá nông sản tăng liên tục. Đen lại có chí, nhanh nhạy nên làm ăn khá lên. Nó gác lại ước mơ để về với ruộng đồng mà được vậy kể cũng là sự an ủi xứng đáng.

- Mà sao không nghe hát hò, phim ảnh như mấy năm trước vậy mày? – Nhân hỏi.

- À, bây giờ nhà nhà nối mạng, người người dùng wifi, ai thèm tới quán hát với coi phim– Đen nói như khoe – Điện thoại thông minh mang âm nhạc, phim ảnh ra tới ruộng cho bạn.

- Hiện đại quá, tiếp cận công nghệ là tốt chứ sao đâu. – Nhân gật gù.

- Cũng tùy người mày ạ. Tao nắm thông tin thị trường, liên hệ bán lúa, mua phân bón trên phố được, không qua tay đại lý nên giá cũng mềm. Thông tin khác từ cuộc sống cũng nhanh hơn. Cũng có nhiều người ôm điện thoại lướt bậy bạ, sống ảo rồi như bị hoang tưởng, có làm ăn gì đâu. – Đen quay nhìn Nhân đổi giọng nghiêm nghị - Ở trường cấp hai mày định xin về đó, có tay thầy giáo nợ tín dụng đen không trả nổi bỏ của chạy lấy người rồi. Dư luận thì đồn đoán nhiều mà tao nghĩ do cờ bạc trên mạng mà ra. Cá độ bóng đá online, nóng máu bấm vài con số là xong, rồi cay cú, rồi vay tiền và chết.

Vợ Đen tặc lưỡi:

- Mạng internet tai hại quá anh hè.

- Thuốc nổ được phát minh đâu phải vì mục đích như hôm nay. – Đen nhìn vợ nói – Do người ta cố tình dùng với mục đích không tốt, internet cũng vậy. Nói chung là do ý thức và bản lĩnh cá nhân khi tiếp cận thành tựu mới.

Đen quay qua bảo vợ lấy cho nó cái điện thoại, bấm bấm gì đó rồi đặt máy lên bàn. Nhìn vẻ mặt có vẻ tò mò của Nhân, Đen nói:

- Tao tưới nấm, làm cái trại nho nhỏ treo ít bịch nấm để ông bà với vợ tao làm cho vui, kiếm tiền chợ. Tao lắp hệ thống tưới điều khiển bằng điện thoại trong cả vườn. Từ trại nấm đến cà phê, chỉ cần có điện là tao có thể tưới cà phê trong vườn khi đang làm ruộng ngoài đồng.Làng quê bây giờ khác rồi, vấn đề là mặt trái của hội nhập vẫn còn là bóng đen gây ra điều đáng tiếc. Mày về với cuộc mưu sinh rồi sẽ thấy.

Nhân ra về mà không biết mình vui hay buồn với sự phát triển này. Có lẽ nỗi buồn lớn nhất là một số người lợi dụng hội nhập, sử dụng thành tựu khoa học mới để kiếm tiền bất chấp đạo đức. Xã hội muốn phát triển lành mạnh phải đưa đạo đức xã hội đi trước khoa học công nghệ. Đen nói không sai, cơ hội nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, chủ yếu ở đạo đức mỗi người.

Khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin phát triển tạo điều kiện làm việc tốt nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho con người. Nó buộc mỗi cá nhân phải liên tục vận động để không bị tụt hậu. Nghề dạy học cũng vậy, xưa thầy cô nói gì học sinh biết nấy, không có sách tham khảo. Nay thì khác, thầy cô không chịu học tập có khi thông tin chậm hơn trò. Mạng xã hội, học trực tuyến, audiobook ... vừa giúp ích trong công việc vừa buộc giáo viên học tập không ngừng. Bao nhiêu chủ trương, chính sách mới người dân đều biết, làm sai ít thì đánh mất hình ảnh của thầy cô, làm sai nhiều thì mất việc. Nhiều phụ huynh thắc mắc, đã cấm dạy thêm học thêm mà sao vẫn cứ tràn lan vậy? Lời giải thích đưa ra là huyện cấp giấy phép mở trung tâm rồi. Tiếng là trung tâm nhưng nhà ai nấy dạy, rồi tìm cách đưa học sinh vào thế phải học thêm. Thôi thì để con kiếm thêm chút kiến thức và để “an toàn” cho con ở trường nên cố cho con học thêm. Vì vậy mà ngay khi bước chân ra khỏi cổng trường là hình ảnh thầy cô sụp đổ trong tâm hồn học sinh và phụ huynh.Nhân chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, không dạy thêm mà chăm lo mấy sào ruộng, cải tạo khu vườn của cha mẹ. Cuộc sống không có dư nhưng được cái thanh thản. Cha mẹ Nhân cũng lấy vậy làm vui.

 Nhân dạy học sắp hết năm thứ hai thì Đen làm nhà. Đen lên gặp Nhân nói dự định làm nhà. Nó nói thật thà rằng mỗi năm hai vụ thu gần bảy mươi tấn lúa, giá sáu ngàn đồng một ký, chưa kể thu từ tiêu và cà phê trong vườn. Chuyện làm nhà không lo lắm nhưng nó chỉ làm vừa đủ không gian sinh hoạt thôi chứ không làm nhà rộng. Thằng Đen còn nhắc lại lời ông nào mà nó đọc được trên mạng, đại ý là: có những người dành nửa cuộc đời để kiếm tiền, lấy tiền đó làm nhà cao cửa rộng và dành nửa cuộc đời còn lại để lau dọn nhà. Nó tuyên bố không dại như thế. Nông thôn bây giờ làm nhà vài trăm triệu, có người làm cả tỷ đồng, thằng Đen thu mỗi năm mấy trăm triệu đồng nhưng không định làm nhà to không phải vì tiếc tiền mà vì nghĩ không cần thiết. Học hết cấp ba, làm thanh niên chưa lâu nó đã bay thẳng vào nông dân. Cái tuổi học tập, vui chơi của Đen ngắn đến mức gần như không có, bù lại, nó ham học hỏi nên mạng internet đã giúp nó học được nhiều điều. Từ quyết định tích lũy, tăng vốn đất trước khi làm nhà đến ứng dụng thành tựu khoa học trong nghề nông đủ biết Đen là nông dân hiện đại rồi. Bây giờ làm nhà nó cũng không cần làm to mà cần đủ tiện nghi sinh hoạt, quan điểm này không giống với các cụ ở quê ngày xưa, cứ phải nhà cao cửa rộng mới sang. Mà nông thôn ngày nay cũng nên thay dần tập tục xưa cũ chứ làm nhà to cao để mang nợ thì chết đến đời con đời cháu chứ giỡn đâu.

Một buổi chiều Đen vừa chạy xe vào sân nhà Nhân vừa nói to:

- Thầy giáo đâu rồi? Nóng hổi đây! Nóng hổi đây!

Nhân vừa bước ra thằng Đen đã xộc vào nhà, chào ba mẹ Nhân rồi xuống bếp lấy chén đĩa bày gói vịt quay, chén nước mắm ra bàn. Nhân cười cười:

- Món này nóng mới ngon đây.

- Tao không nói cái này – Đen vẻ mặt quan trọng – Tao đi phố chọn gạch nền theo ý vợ, về ngang thị trấn Buôn Trấp thấy người ta xôn xao chỗ quán kataoke gì đó. Rắn mắt tao chen vào xem. Mày biết không? Đâm người chết ngay tại quán luôn.

- Thiệt không mày? – Nhân nghi ngờ – Mà biết ai không?

- Thằng đâm ở xã bên, đứa chết ở xã gì ngoài thị trấn một đoạn. Cả hai là cán bộ huyện.Tao ngồi hóng hớt nghe được một người làm gì bên quỹ đât, một làm bên quỹ nhà ở gì gì đó. – Đen kể thông tin nghe được bằng giọng ngùi ngùi – Nghe đâu tay bị đâm con nhà có thế, tay đâm thì được bên vợ cũng có thế. Mày thấy không? Đạo đức đang kêu cứu. Ai chắc hai tay này thanh liêm? Mà sao lên được tới đó không biết?

Thằng Đen nói nhiều về đạo đức xã hội xuống cấp, cán bộ tham nhũng, chém nhau, cả thầy cô giáo với học sinh, phụ huynh cũng đánh nhau. Cha mẹ như vậy ai dạy nổi con cái họ chứ. Thầy cô cũng sai, làm mất hình ảnh đẹp của người thầy. Nó nói một thôi một hồi như để trút bầu tâm sự rồi đứng dậy ra về, để lại đĩa mồi dang dở và chai rượu mới uống phâm nửa. Cái lý luận của Đen mang màu sắc gia trưởng ở làng quê nhưng cũng không phải là sai. Cha mẹ giáo dục đạo đức con cái, đạo đức xã hội phải do xã hội giáo dục. Thế hệ cha mẹ tốt sẽ có những gia đình tốt, lúc đó xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Khi máy vi tính, điện thoại thông minh và internet, wifi phủ đầy thì nhà trường hông thể dạy được học sinh nếu thiếu sự hợp tác của gia đình.

 Làm nhà xong, Đen lại làm cái việc khác người là không tổ chức ăn tân gia rình rang. Nó bảo tốn tiền thiên hạ, nhà làm được là công sức của mình có gì mà khoe. Nấu mâm cơm mời hai bên nội ngoại, vài người trong xóm đến vui cùng là được rồi. Bữa cơm gia đình đang vui vẻ, thằng Đen chợt nhớ:

- Chưa tưới nấm – vừa nói nó vừa bấm điện thoại điều khiển máy tưới.

Ông Hải nói:

- Đến từng tuổi này tao mới thấy cá sự hiện đại của nghề nông, bây sướng hơn thế hệ trước nhiều.

Mọi người chuyển qua bàn luận về nghề nông hiện nay, nào là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc đến kỹ thuật canh tác được cập nhật siêu tốc.

- Nông dân bây giờ mà lạc hậu là không thể chấp nhận dược – Đen cười hà hà, kết luận.

Hiền, anh trai Đen chợt rút điện thoại ra lướt lướt ngón tay, quay qua thằng con trai hỏi:

- Trưa nay con đi đâu?

- Dạ, con qua nhà đứa bạn. – đứa con trai Hiền đáp.

- Sao đi không đội mũ bảo hiểm?

- Ủa, sao ba biết? – đứa con ngạc nhiên – Con chạy qua tí là về mà.

- Ngồi lên xe máy là phải có mũ – Hiền nói – Công an xã post hình con lên trang ANTT của xã nè.

Ông Hải vỗ đùi nói:

- Hay, hay quá! Mấy ông choai choai này phải xử lý ngay. Nông thôn hiện đại vậy chứ.

Đen có vẻ đồng tình:

- Đạo đức phải do gia đình giáo dục trước rồi mới đến nhà trường và xã hội. Cha mẹ gần gũi với con nhất mà đợi ai dạy chứ?

Nhân chỉ ngồi nghe mà không nói gì. Làng quê thay đổi nhanh thật, sự thua kém so với thành phố ngày càng thu ngắn lại. Mới có vài năm mà mà bức tranh làng quê đã khác nhiều. Nỗi lo bụi thị thành, như cách nói của ông Hải, bây giờ có lẽ cũng sắp hết rồi. Khi mà nông dân có suy nghĩ như ông Hải, thằng Đen và các anh nó, khi mà xã hội sử dụng thành tựu khoa học đưa cả cái đúng và cái chưa đúng đến với mọi người. Để biết, để học và để sửa sai thì bụi thị thành không đáng lo, bức tranh làng quê sẽ tươi màu hơn trong nay mai.


Có thể bạn quan tâm