April 24, 2024, 9:20 pm

Bữa cơm chiều Ba mươi Tết

Trí yêu vợ. Nghĩ đến lúc nàng sẽ có người khác, một gã đàn ông nào đó ôm tấm thân thon thả của nàng, hôn lên đôi má trắng hồng rạng rỡ của nàng, trái tim Trí đau nhói. Trí nhớ những giây phút hạnh phúc bên vợ. Nhớ tới những bữa cơm nàng dọn lên, cá kho tộ, canh chua nấu bông so đũa với cái đầu cá lóc tổ chảng, vẫn còn nguyên bộ đồ lòng với gan, bao tử, đặc biệt cái mật vừa bùi vừa có vị đắng, Trí lại ứa nước miếng. Thế mà nay Trí phải viết giấy ly hôn, phải rời bỏ nàng… Trí dựa lưng vào tường thở dốc, mắt hoa lên.

 

Minh họa của PHẠM HÀ HẢI

 

Thời cuộc buộc Trí phải hành động, không thể khác. Trí làm ở nhà in của tỉnh, hàng ngày phải ngồi nhặt từng con chữ bé tí xếp vào cái khuôn chữ chì độc hại. Trí đang học Đại học Tổng hợp Hà Nội thì trúng nghĩa vụ quân sự, lên đường chiến đấu. Sau hòa bình, Trí chuyển ngành về Ty Văn hóa tỉnh, không ngờ người ta đưa anh xuống nhà in. Bí thư chi bộ nhà in bảo, Trí ráng phấn đấu, vào Đảng sẽ đề bạt anh làm quản đốc, người ta biết anh có trình độ, tương lai chức phó giám đốc, giám đốc trong tầm tay vì sếp của anh toàn những người có trình độ học vấn thấp. Làm cái anh nhân viên nhiều lúc nhục lắm. Thằng Tam, Tổ trưởng mới học chưa hết lớp 9, nhưng ra vẻ ta đây là sếp, nhiều lần lớn tiếng với anh vì những lỗi mo-rát anh vô tình mắc phải. Anh ta còn bóng gió, Trí không thể vào Đảng vì trong cuộc họp chi bộ người ta đưa Trí vào diện cảm tình Đảng nhưng bị Tam phủ quyết với lý do Trí có lý lịch phức tạp. Bác vợ của Trí là Đại tướng, Tổng thống chế độ Sài Gòn, chú vợ Trí là Đại tá chế độ cũ. Trí đau lắm, thằng Tam cố lờ đi việc cha vợ Trí là Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam. Hồi cưới Lan, Trí cũng tin vào lý lịch tốt đẹp của bố vợ. Trí không có mặt trong cuộc họp chi bộ để phản bác lại Tam. Một bữa Trí gặp Bí thư chi bộ nhà máy thanh minh: “Báo cáo anh, khi cưới vợ tôi cũng tin rằng bố vợ tôi là sỹ quan cao cấp của quân đội ta. Lý lịch gia đình bên vợ tôi tốt, vậy mà có người còn cố tình bóp méo”. Bí thư chi bộ cười: “Tôi đã nghiên cứu kỹ lý lịch của anh, đúng là rất phức tạp… Anh cần phải phấn đấu thêm. Cấp trên rất chú ý việc lý lịch của cán bộ nhân viên nhà in, vì nhà in là công cụ tuyên truyền của Đảng, sai sót thường là từ nhà in mà ra…”. Tức chết đi mất! Trí buồn, về nhà chỉ ngồi lỳ một chỗ, nhiều lúc ứa nước mắt. Cuộc đời Trí thật chẳng ra gì. Năm 1963 Trí hành quân vào Nam chiến đấu. Một lần trên đường hành quân đơn vị Trí bị phục kích. Trí bị thương nặng, anh vào bệnh viện trên R. Sau khi lành vết thương, Trí tìm về đơn vị. Trên đường đi Trí gặp trận đánh liền chạy về phía quân ta, cầm súng chiến đấu luôn. Trí sử dụng súng CKC rất thành thạo, bắn chính xác, tên địch nào vào tầm ngắm của anh là bỏ mạng. Sau trận đánh thắng lợi Trí mới biết đó là Tiểu đoàn 1 của bộ đội địa phương tỉnh Long An. Các đồng chí ở tiểu đoàn quý mến Trí, vì anh là một thiện xạ, gan góc. Tiểu đoàn trưởng nói với Trí, đơn vị của đồng chí đang ở rất xa, một mình đồng chí không thể đến đó được vì giặc phục kích dọc đường, thôi cứ tạm ở đây chiến đấu, khi nào có đường dây liên lạc sẽ đưa Trí theo đường dây về đơn vị. Người ta cần Trí vì anh có học, thông minh và sử dụng súng CKC như thần. Trí thích súng này vì nòng dài, bắn xa và chính xác hơn AK. Từ đó đơn vị bố trí Trí vào những trận cần bắn tỉa, nhiều lần Trí bắn chết sỹ quan chỉ huy địch, làm cho địch như rắn mất đầu. Nhưng Trí vẫn là người ở nhờ, đánh nhờ, cho đến ngày giải phóng người ta vẫn không thể phong cấp bậc, chức vụ cũng như kết nạp Đảng cho Trí. Anh chuyển ngành với cấp bậc binh nhất như ngày mới vào chiến trường… Vợ Trí thấy anh cứ ngồi ngơ ngẩn hàng giờ thường gạn hỏi, Trí không thể nói chuyện lý lịch cho vợ nghe nên thường nổi cáu, dần dần dẫn đến vợ chồng bất hòa. Trí dọa ly dị vợ. Người ta ai cũng có lòng tự trọng, vợ Trí cho rằng chắc chồng mình đã có nhân tình nên về kiếm cớ gây gổ nên đồng ý ly hôn. À, cô đồng ý rồi nhé, thì ly hôn, Trí mạnh dạn viết đơn, thôi cũng phải hy sinh, mất cái này được cái khác, có ai may mắn được tất cả đâu.

*

Bữa cỗ chiều ba mươi Tết bên nhà bác Hai có ba mâm. Một mâm cho người lớn, toàn đàn ông, hai mâm cho lớp trẻ và phụ nữ. Mới vào tiệc, Bác Hai gọi Trí lên mâm trên, toàn người lớn tuổi, có vai vế trong dòng họ.

Mọi năm, Trí chỉ được ngồi mâm dưới. Có lẽ năm nay, Bác Hai cao hứng hoặc gọi nhầm nên Trí dùng dằng, nhưng bác Tư vẫy tay để anh biết phải chấp hành. Cũng có thể hai mâm kia đã chật chỗ. Mâm cỗ đặt ở hàng tư, dưới tàn cây ổi cổ thụ, hương thơm ngọt ngào quấn quýt thật dễ chịu. Bên phải Trí là chú Tư Sơn, cựu Đại tá quân đội Sài Gòn, tóc đã muối tiêu. Ngồi cạnh chú Ba là ba vợ anh, cũng là Đại tá quân đội Cách mạng, biệt danh là Mười Ty. Ngồi bên phải chú Sơn là bác tư Nguyễn Hữu Hạnh, vốn là Chuẩn tướng quân đội Sài Sòn. Cạnh bác Hạnh là bác Hai Dương Văn Minh, nguyên là Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Anh đã nhìn thấy hình bác Hai trên tivi, nhưng không ngờ ông bằng xương bằng thịt trước mặt anh. Bác Hai mặc áo cộc tay màu sậm có nhiều túi, hợp với tuổi của người vừa tròn sáu mươi. Bác có khổ người to lớn, tay chân rắn chắc, nghe đâu thời còn trẻ bác rất thích chơi thể thao, chơi được cả hai vị trí, tiền đạo, thủ môn đều giỏi. Đến tuổi trung niên, bác chơi tennis. Tuy vậy tóc bác đã bạc quá nửa, hẳn vì phải suy nghĩ lo lắng nhiều.

Trí biết bác Hai rất chú trọng ngày Tết đoàn viên gia đình. Năm nào sáng mồng một Tết bác cũng về quê cúng ông bà, ăn Tết với anh em dòng họ. Dù quê bác ở xã Phú Mỹ, huyện Thủ Thừa, Long An, vùng giáp ranh giữa ta và địch, cách Sài Gòn trên 60 cây số, phải qua con lộ đất (sau giải phóng được kéo dài gọi là tỉnh lộ 49 đá đỏ) dọc rừng dừa nước um tùm, khá nguy hiểm. Trí chợt cười thầm khi nhớ đến Tết năm 1964, lúc đó bác Hai vừa lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm lên nắm Quốc trưởng chế độ Việt Nam Cộng hòa. Suýt nữa bác Hai đã ngã gục trước họng súng của anh. Quân Cách mạng nắm quy luật Dương Văn Minh thường về quê ăn Tết vào sáng ngày mồng một. Một trung đội hành quân đến ruộng lúa và dải dừa nước thuộc xã Phú Mỹ, trên cánh đồng Láng Cò phục kích từ hai giờ sáng, tất nhiên người ta không quên điều động Trí tham gia với cây súng bắn tỉa trứ danh. Các anh phải nằm dưới ruộng lúa và rặng dừa nước, ngụy trang thật khéo, phải ngâm mình dưới nước, chịu cho đỉa, muỗi tấn công. Đơn vị sinh hoạt trước, Dương Văn Minh về thường có 2 xe jeep, chiếc đi đầu là lính mở đường, chiếc đi sau là xe bảo vệ, Dương Văn Minh thường ngồi xe đặc chủng đi giữa, có quận trưởng Thủ Thừa ngồi cạnh. Năm nay, rất có thể có thêm tỉnh trưởng Long An. Ông Minh được mô tả là người cao to. Trí có nhiệm vụ dùng súng CKC bắn vào Dương Văn Minh khi ông ta thoát ra khỏi xe. Giết được Dương Văn Minh coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Còn các chiến sỹ khác sẽ tiêu diệt những người đi cùng cũng như quân lính bảo vệ, ước tính có 10 người. Nếu diệt nhanh gọn thì đơn vị rút đi an toàn hơn.

- Nào, mời cả gia đình ta nâng ly, mừng Tết hòa bình sum họp đầu tiên - Bác Hai nâng ly trịnh trọng. Mọi người đứng dậy chạm ly. Đến lượt Trí chạm ly với bác Hai, bác cười nói: “Rể chú Ba đây hả? Là bộ đội Bắc Kỳ hả? Thật không ngờ hôm nay nhà ta có đủ mọi thành phần”.

- Cháu cũng không ngờ hôm nay được vinh dự ngồi cùng bàn với các chú, các bác – Trí đáp như cái máy.

Nhân lúc mọi người bàn đến chuyện người Nam người Bắc đang sôi nổi, bác Hai lên tiếng làm Trí ngạc nhiên:

- Ông cố nội tôi cũng là người Bắc, lúc trong quân đội Pháp đóng quân ở miền Bắc, tôi đã có ý định đi tìm về quê cha đất tổ nhưng rồi chiến tranh lan rộng nên không thực hiện được.

- Có lẽ vì vậy mà anh Hai đã không đồng ý cho Mỹ ném bom miền Bắc, nhất là phản đối ném bom phá hủy đê điều - Bác Nguyễn Hữu Hạnh bình luận.

- Không phải tôi có gốc Bắc rồi suy nghĩ như vậy, đối với miền Nam tôi đã ra lệnh giải tán ấp chiến lược khi mới lên Quốc trưởng, làm người Mỹ rất cú - Bác Hai vừa bình luận vừa cải chính cho mình.

 Bây giờ Trí đã hiểu vì sao bác Hai bị Mỹ bật đèn xanh cho Nguyễn Khánh làm đảo chính lật đổ.

- Nếu ông sơ là người Bắc thì cả dòng họ Dương mình ở miền Nam đều là gốc Bắc rồi - Anh Ba, con chú Sơn bình luận làm cả nhà cười vui. Bữa tiệc trở nên đầm ấm, gần gũi. Nhất là đối với Trí, anh không còn thấy xa cách lạc lõng của người ngụ cư. Thế mà chưa lâu cũng trong cái gia đình này đã ở hai chiến tuyến khác nhau. Và cũng suýt nữa chính tay Trí đã nã đạn vào bác Hai. Nếu thế sẽ không có Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng và chiến thắng sẽ không trọn vẹn như đã xảy ra. Vì có chút rượu nên Trí mạnh bạo hơn:

- Bác còn nhớ mồng một Tết năm 1964, quân Giải phóng phục kích ở bờ ruộng gần nhà bác. Nếu lần đó bác về thì...

Bác Hai bật cười nắm thật chặt tay Trí, xác nhận:

- Cháu nói đúng, năm đó bác với tỉnh trưởng Long An đã lên xe về quê ăn Tết. Không ngờ có tin khẩn cấp trên Sài Gòn, bác phải thay đổi kế hoạch. Đến chiều bác nhận được tin tình báo, có một đơn vị Việt Cộng phục kích. Thật may mắn...

- Lịch sử thật kỳ lạ. Ngày chiến tranh vô cùng gian khổ, ác liệt, lúc đó ai cũng ao ước, chỉ cần có hòa bình, thì dù có ăn cơm với muối quẹt cũng sẵn sàng đánh đổi - Ba vợ của Trí bình luận.

 Trí biết ông theo quân đội cách mạng, chịu nhiều gian khổ trong rừng, trong cứ, ăn uống kham khổ, đạn bom sống chết tính từng giây phút. Trí chưa biết ba anh có nhiệm vụ bám theo bác Hai, tranh thủ động viên bác trở về với cách mạng, nếu không được thế thì ít ra bác Hai không chống phá cách mạng, hướng bác làm những gì có lợi cho dân tộc… Chú Sơn đây đã có lần lái xe đón ba vợ anh vào nhà bác Hai, qua mắt cả mạng lưới công an mật vụ. Ba vợ anh còn bay sang Thái Lan, rồi Paris, Thủ đô nước Pháp để gặp bác Hai. Còn bác Nguyễn Hữu Hạnh là đệ tử ruột của bác Hai, được bác Tám huyện ủy viên móc nối từ năm 1963, đến lúc Sài Gòn sắp sụp đổ bác Hai giao cho bác Hạnh chức Phụ tá Tổng tham mưu trưởng. Nhưng Vĩnh Lộc, Tổng Tham mưu trưởng đã đào tẩu nên quyền chỉ huy toàn bộ Quân lực Việt Nam công hòa rơi vào tay bác Hạnh. Bác đã ra lệnh cho quân Quân đoàn 4, dù chưa sứt mẻ vẫn án binh bất động, không đưa quân về cứu Sài Gòn. Chính bác đã đọc lệnh cho binh sỹ Việt Nam Cộng hòa buông súng sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đối với Trí lúc đó, anh chỉ biết bác Hai có cảm tình với cách mạng nên đã sớm đầu hàng quân Giải phóng, tránh cho Sài Gòn và miền Nam khỏi bị tàn phá, đỡ đổ máu cho cả hai phía.

- Anh Hai này, đã nhiều lần em nói chuyện với anh về việc anh bỏ sang hàng ngũ quân Giải phóng, anh đều từ chối với lý do anh ở lại sẽ có lợi cho đất nước hơn. Anh dùng chữ đất nước hơi rộng, gần đến ngày toàn thắng em mới hiểu chữ có lợi cho đất nước của anh. Anh hành động như người của cách mạng, nhưng rõ ràng anh không phải là người của cách mạng? - Mười Ty chợt đặt câu hỏi.

Bác Hai bật cười:

- Đúng, anh có trả lời anh ở lại Sài Gòn sẽ có lợi cho đất nước, như hồi anh làm tư lệnh chiến trường đánh nhau với quân Bình Xuyên, quân đội của anh hùng mạnh hơn, vũ khí hiện đại hơn, nếu anh chỉ huy quân ào ạt tấn công và sẽ giành thắng lợi trong thời gian ngắn, nhưng anh không làm như vậy. Anh chỉ phô trương thanh thế, dương Đông kích Tây… làm cho quân giáo phái đào ngũ, tan rã dần. Quân ta, quân địch đều là người Việt, có gia đình vợ con… Tránh đổ máu và tang tóc cho hàng ngàn người Việt mà vẫn giành chiến thắng thì nên chọn giải pháp nhân đạo. Cuộc chiến tranh Quốc – Cộng đã kéo dài quá lâu rồi, kết thúc chiến tranh sớm ngày nào có lợi cho dân tộc ta ngày ấy.

- Ngày đó ta không nghĩ đến lợi ích cá nhân. Như anh Mười đây, gian khổ, chết chóc như vậy mà vẫn một lòng trung kiên. Nếu anh chỉ nghĩ về mình, sẽ ở lại Sài Gòn, nhà cao cửa rộng, vợ con đề huề, đâu đến nỗi… Sợ Mười Ty buồn, bác Hạnh dừng lại nửa chừng.

Trí hiểu, vì đi làm cách mạng biền biệt nên má vợ anh đã bỏ đi lấy chồng khác, đó là mất mát mà ba anh phải gánh chịu. Đúng như bác Hạnh bình luận, nếu ba anh ở lại Sài Gòn thì có người anh đang làm Quốc trưởng, người em đang làm Đại tá quân đội Sài Gòn, rồi mẹ vợ anh đang có nhiều cửa hàng cửa hiệu làm ăn phát đạt, dứt khoát là ba vợ anh sẽ có cuộc sống sung túc, chưa kể gia đình không đổ vỡ, nhưng ba anh vẫn trung thành với Cách mạng, chịu hy sinh vì cái gì? Bác Hạnh và bác Hai cũng thế, họ có đầy quyền hành trong tay vẫn không màng đến tiền tài, phú quý, mà lao vào việc cực kỳ nguy hiểm, báo trước cái chết thảm khốc. Họ đã hành động vì cái gì?

- Mọi người nãy giờ nói chuyện quốc gia đại sự nhiều quá rồi, ngày Tết nói chuyện sum họp họ gia thôi. Cạn ly nào!

Trí biết bác Hai không phải là người ưa rượu chè. Với cương vị của bác, rượu Tây, Tàu quý hiếm không thiếu, nhưng bác chỉ uống xã giao một vài ly. Thứ rượu bác thích là rượu đế mà bác gái nấu lấy, ngâm với trái ổi vườn nhà. Vườn nhà bác có cây ổi quý do ba bác trồng, trái chín thơm lừng khắp vườn, ăn chua chua, ngọt ngọt. Người ta ngâm trái chín trong bình rượu đế tự cất. Sau một tháng, rượu trở nên ngon ngọt, đằm dịu. Bác Hai thích về quê ăn Tết cũng để ngồi uống ly rượu này ngay tại vườn nhà có cây ổi lâu năm. Nãy giờ Trí đã uống khá nhiều, mặc dù anh không phải là bợm rượu. Cũng tại rượu ngon quá, ngòn ngọt, cay cay rất dễ uống, tưởng như rượu nhẹ nhưng say lúc nào không biết. Phần nữa câu chuyện của các chú các bác làm anh xúc động, chia tay mọi người đầu óc cứ lâng lâng. Vợ anh thấy chồng có vẻ say đưa tay cho anh, dìu anh về. Lúc đến bờ cộ có vạt dừa nước um tùm, Trí chợt thấy Lan dễ thương quá, đôi má ửng hồng, có lẽ nàng cũng uống một chút rượu ngâm trái ổi chăng? Cao hứng Trí ôm lấy vợ siết chặt. Vợ Trí vẫn chưa quên trận cãi nhau với chồng ban sáng, vội gỡ tay Trí ra nói mát:

- Giấy ly hôn anh viết xong chưa để tôi còn ký.

Trí chợt tỉnh. Giấy ly hôn ư? Trí lôi trong túi ra tờ giấy đã viết sẵn xé tan thành nhiều mảnh, tung lên trời cười sảng khoái:

- Này thì ly hôn, ly hôn…

Một tràng pháo Tết nhà ai chợt nổ vang, mùi thuốc pháo hăng nồng bay khắp xóm. Mùa xuân đến thật rồi.

Lan cố sức kìm để không bật lên tiếng cười. Tuần trước, cô mách với Ba việc chồng đòi ly hôn. Ông nói ngay: “Thằng này định kiến nặng, thêm tự ái vặt, Ba nói nó không nghe đâu”. Sau một lúc ngẫm nghĩ, Ông tiếp: “Việc này, Ba bàn với Bác Hai, Bác Tư để tìm cách thay đổi tư duy cho nó mới giải quyết được tận gốc rễ con à”. Không biết mấy ổng phối hợp cách chi mà ra kết quả nhanh vậy?

______

Trong truyện, nhân vật Trí và Lan đã được đổi tên.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm