April 24, 2024, 9:35 am

Bớt nặng vai, thêm hồn văn cho trẻ

1.

Hai chục năm cuối thế kỷ XX và những năm “nối dài” vắt sang thế kỷ XXI cũng đã tròn hai chục là thời gian diễn ra cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam. Có lẽ đây là một cuộc cải cách diễn ra lâu nhất trong lịch sử dân tộc và chắc chắn còn chưa thể dừng, vì trước mắt, việc sửa chữa sách giáo khoa lớp Một, việc dạy thêm học thêm, việc trường chuyên lớp chọn, việc bình đẳng giữa trường công và trường tư; việc trăn trở cho một triết lý giáo dục hiện đại,… vẫn đang rộ lên trong cộng đồng, trên các phương tiện truyền thông, trong đó nhiều lĩnh vực đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo cần chấn chỉnh, cần làm gấp theo thứ tự ây, bây, xây (a,b,c)  không dưới một lần.

Đâu đây vẫn bắt gặp hình ảnh học sinh mang trên vai chiếc cặp to như của người lớn tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Nó quá khổ so với cơ thể của trẻ. Ảnh GDVN

2.

Nói một cách sòng phẳng thì cuộc cải cách giáo dục cũng đã có những ghi nhận. Cụ thể: Cơ sở vật chất trường lớp, giáo cụ trực quan cho dạy và học đã có những cải thiện vượt bậc, nhiều nơi có thể nói là hoành tráng; trường chuyên lớp chọn là nơi rèn đúc được nhiều năng khiếu đoạt giải cao ở các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế nhưng các ưu điểm dễ nhận đó chủ yếu tập trung ở đô thị và nông thôn miền xuôi, còn ở miền núi vùng sâu, vùng xa vẫn đang còn rất thiếu thốn, còn trong tình trạng vắng hẻo, xập xệ; Đời sống nhà giáo đã được cải thiện, những thầy cô có thương hiệu dạy thêm trở nên giầu có và “làm không hết việc”; Trẻ em ở đô thị và nông thôn đồng bằng được học ngoại ngữ từ lớp Một; tin học từ lớp 3… Tuy nhiên, nếu cần cù và cầu thị nhặt ra những khiếm khuyết, những bất cập khiến cuộc cải cách giáo dục bị kéo dài như một kỷ lục về thời gian, sản sinh tiêu cực đáng tiếc trong không riêng học đường mà còn tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

 Trong bài phóng sự nhỏ này, chúng tôi chỉ xin lược chọn một vài khâu đã và đang được dư luận trái chiều soi chiếu mà phần đồng thuận ít hơn phần phản ứng, một sự phản ứng bằng lời lẽ khá gay gắt. Các khâu mà chúng tôi đề cập là: chất lượng văn học trong sách giáo khoa lớp Một và phương pháp nên hay không việc gia tăng thời gian, công sức dạy trẻ học thuộc lòng những kiến thức sơ khai ban đầu. Và, có nên coi việc học thuộc lòng là lối học vẹt (một cách nhìn không tích cực đối với cách thức học thuộc lòng) không? 

3.

Trong khi chờ các nhà thiết kế rường cột cho tòa nhà giáo dục và các bậc cao nhân đại  trí xây dựng cho nghiệp học Việt Nam hiện đại một triết lý giáo dục hoàn hảo, chúng tôi mạo muội khẳng định rằng, TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN vẫn mãi mãi là triết lý nền tảng. Sáu từ, hai mệnh đề cân xứng mà chúng tôi vừa dẫn ở trên không những hiện đang có mặt ở hầu hết các địa chỉ giáo dục phổ thông mà đã thấm sâu vào phương cách dạy và học của thầy trò ở các cơ sở giáo dục có uy tín.

Từ sáu chữ vàng TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN đó đã và còn sẽ chi phối đến việc soạn sách giáo khoa và việc dạy kiến thức từ sách giáo khoa đến trẻ như thế nào! Làm sao để các nhà giáo dục, các thầy cô giáo có thể giúp trẻ giảm bớt đầu sách vở trong cái ba lô nặng trĩu trên đường đến lớp và trên đường về nhà nhưng lại gia tăng kiến thức được học, thứ tri thức đầu đời rất “đế móng”, rất “ phông” (fond), nền cho trẻ.

Nhờ sự giúp đỡ của nhà giáo Nguyễn Nghĩa, nguyên Chủ nhiệm khoa Lý, Trường đại học Hồng Đức, một người trưởng thành từ thầy giáo làng, dạy lớp Một, cấp Một rồi học lên đại học, rồi dạy đại học, chúng tôi tiếp cận được một vệt học sinh lớp Một, cấp Một và các phụ huynh của vệt này ở thị tứ M.

Thầy giáo Nghĩa kể, năm 1990 thầy đưa cô con gái út sáu tuổi đi khai giảng, vào  lớp  Một. Sau khi được các anh chị lớp Năm khua trống, vẫy hoa đón chào, các trò lớp Một lặc lè bước vào sân trường, vào lớp học với cái ba lô trĩu vai; đến niên học 2020-2021, khi đã là ông ngoại, thầy Nghĩa đưa cháu bé cũng sáu tuổi đi khai giảng, không khí chào đón vẫn giống như ba mươi năm trước, trống dong và hoa vẫy nhưng trong cái ba lô mà mẹ cháu từng lặc lè bước nặng có thêm các cuốn sách và vở học môn Tiếng Anh, sách và vở học cho học buổi 2. Tất cả chừng dăm, sáu kí lô, chưa kể thước chì, bút mực, bảng cá nhân. Nhiều thế, nặng thế, hỏi các cháu không lặc lè bước chân sao được?

Theo một phụ huynh cho biết, đến lớp Ba, các cháu còn thêm sách và vở cho môn tin học nữa…

Số sách giáo khoa lớp Một nếu mua đủ cơ số là gần 900 ngàn đồng, cộng tiền mua vở, ba lô, và các học liệu khác là hơn một triệu đồng. “Hơn một tấn thóc!”. Đó là lời ta thán của một vị phụ huynh làm nghề nông.

“Gánh nặng” triệu đồng, “gánh nặng” tấn thóc đó trên vai trẻ thơ lớp Một liệu đã nên cơm cháo được bao nhiêu?

Tôi và thầy giáo Nghĩa hỏi cô bé lớp Một, có nhớ được bài học nào từ khi đi học lớp Một không?”. Cô bé cười tươi, vô tư trả lời: “Có sách tập đọc thì cháu mới đọc được bài… nhớ”. Hỏi cô bé chị, giờ đang học lớp Bốn, năm nào cũng đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến về câu đã hỏi bé lớp Một, cô bé lớp Bốn lắc đầu và lắc đầu. Nghĩa là không nhớ gì về bài học lớp Một cả. Thế thì cái gánh nặng triệu đồng, tấn thóc hàng ngày lặc lè mang đi và lặc lè mang về đã chẳng ghi nhận được gì, là trang trắng trong ký ức tri thức, là “không nên cơm cháo” gì của cô bé lớp Bốn.

Cũng trong chuyến khảo sát ngắn này, chúng tôi được gặp một hoàn cảnh. Cô giáo TT dạy ngoại ngữ tiếng Anh lớp 6, phổ thông cơ sở, có chồng làm nghề lái xe dịch vụ và hai con, một trai một gái. Hai vợ chồng rất chí thú đầu tư cho con cái học hành, không những học ở trường, ở nhà mà còn tầm thầy giỏi học thêm vào buổi tối. Các cháu cũng rất nghiêm túc thực hiện giờ giấc học bài ở nhà. Để “bảo hiểm”, hai vợ chồng thay phiên nhau canh và nhắc nhở các cháu việc chuyên chú trong thời gian tự học ở nhà. Hai cháu năm nào cũng là học sinh tiên tiến nhưng đùng cái giáo viên chủ nhiệm của các cháu mời phụ huynh lên truyền đạt, rằng các cháu không nắm được bài, kiến thức bị hổng lớn trong một thời gian dài, rằng các cháu trở nên lầm lì, không thích giao tiếp, vv. Thì ra, các buổi học tự học, các buổi đi học thêm, các cháu ngồi với vẻ “tư duy” nhưng không học gì cả… Gia đình lại phải đi tìm thầy, dạy bù lấp các vùng trắng kiến thức và bản thân cô giáo TT phải dò tìm nguyên nhân là ngồi nhưng không học, không đọc. Tìm ra rồi, cô quyết liệt bắt hai con mình mỗi tối phải có một giờ học thuộc lòng đọc to, đọc rõ từng âm tiết.

Sau đó, tôi và thầy Nghĩa bèn đích thân đi tìm mua một bộ sách lớp Một mà bấy lâu nay đang là đầu đề xôn xao trong dư luận.

 Bỏ qua những ý kiến cực đoan đàm tiếu như cách nói lái bốn cái làn… trong sách Tiếng Việt lớp Một thì vẫn thấy một điều, các nhà làm sách giáo khoa lớp Một thiên về duy lý mà coi nhẹ duy cảm, duy mỹ; coi thường khả năng hấp thu kiến thức Tiếng Việt của học trò lớp Một. Cần nhớ một thực tế là, khi lên 6 tuổi, vào lớp Một, phần đông trẻ con đã có ít nhất ba năm cảm nhận thế giới quanh mình bằng tri giác và cả bằng tư duy rất hồn nhiên đầu đời. Các cháu có thể “phát ngôn” ra những câu ngộ nghĩnh đáng yêu, có thể thuộc lòng nhiều câu hát ru của bà, của mẹ như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “ Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”…; các câu tục ngữ: “Nhà sạch thì mát/ Bát sạch ngon cơm”, “Ăn nhiều tức bụng”, “Ở hiền gặp lành”… Các cháu cũng có khả năng thuộc lòng những bài đồng dao có đến hàng chục câu vui nhộn hoặc các ca khúc hay trong chương trình âm nhạc, phim ảnh được phát trên truyền hình. Vì vậy, việc sắp xếp cách phát âm từ A- Á- Â đến X- Y- Z chỉ là quy hoạch lại sự tiếp nhận của trẻ theo hướng cho trật tự và khoa học hơn. Nếu hiểu được điều đó, người làm sách tập đọc lớp Một sẽ vận dụng những câu ca dao tục ngữ ngắn, gần gủi với môi trường sống thường ngày, vận dụng những bài thơ hay nhiều tính ngụ ngôn, dí dỏm làm cho các âm được ghép chữ cái có hồn hơn. Trẻ được học các bài vỡ lòng đó không những dễ nhớ mà hình thành trong ký ức một tích chuyện nhỏ. Điều này những nhà soạn giáo trình cho người học ABC tiếng Anh, tiếng Nga, Tiếng Pháp… rất giỏi, trong bất cứ bài học (test) nào, dù chỉ có hơn chục âm tiết, dù chỉ là dăm câu văn ngắn cũng có cái lõi là một tích trò, một tình tiết bất ngờ làm nội dung. Ở ta, các sách giáo khoa Tập đọc dành cho lớp Một, cấp Một trong các thập niên 60, 70 của thế kỷ trước đã có những ưu điểm đó. Ví dụ như bài minh họa cho bài vần B, vần C, soạn giả viết: “Bà Còng đi chợ mua rau/ Cái tôm cái tép đi sau lưng bà/ Tiền bà trong túi rơi ra/ Tép tôm nhặt được trả bà mua rau”; bài minh họa cho vần N được viết: “Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Mở cuộc thi thi đua/ Chân ai sạch sẽ/ Gót đỏ hồng hào/ Không bẩn tí nào/ Là người trúng thưởng” hoặc bằng những câu văn xuôi nhưng cũng được gắn với một hành động cụ thể có tình tiết như: “Lê thường xóa bảng bằng tay. Bụi phấn bám vào kẽ tay mà không chịu rửa. Bẩn như thế nên Lê đã mắc ghẻ”… Sang học kỳ 2 của lớp Một,  học sinh đã có thể thuộc lòng một bài thơ trữ tình dài đến hơn chục câu như: “Em yêu con đường làng/ Hai bên cỏ xanh mướt/ Giữa đất đỏ mịn màng/ Đường mềm như dải lụa/ Uốn mình dưới cây xanh/ Men theo đôi bờ lúa/ Vòng gốc đa bên đình/ Từ lâu đường cùng em/ Kết nên đôi bạn hiền/ Em yêu đường xinh đẹp/ Đường vui đón bước quen”, hoặc  bài “Lớp Một ơi! Lớp Một/ Đón em vào năm trước/ Nay giờ phút chia tay/ Gửi lời chào tiến bước/ Chào bảng đen, cửa sổ/ Chào chỗ ngồi thân quen/ Tất cả! Chào ở lại/ Đón các bạn nhỏ lên/ Chào cô giáo kính mến/ Cô sẽ xa chúng em/ Làm theo lời cô dạy/ Cô sẽ luôn ở bên/ Lớp Một ơi! Lớp Một/ Đón em vào năm trước/ Nay giờ phút chia tay/ Gửi lời chào tiến bước!”...

Tiếc rằng, trong sách tập đọc lớp Một hiện nay vắng thiếu nhiều bài văn, vần thơ vừa thiết thực vừa rất gợi cảm cho tâm hồn trẻ. Đã vắng thiếu lại bị giảm thiểu trong phương pháp truyền đạt. Cụ thể không coi việc học thuộc lòng ở lớp và ở nhà là phương pháp hữu hiệu nhất để vừa đắp bồi kiến thức vừa làm giầu có tâm hồn cho trẻ. Và, di hại nhỡn tiền là ví dụ rất “hoàn cảnh” của hai cháu bé con cô giáo dạy văn TT, đạt học sinh tiên tiến hàng năm nhưng phải đào tạo lại kiến thức đã học.

Vì thế trong phương pháp truyền đạt và tiếp nhận bài học cho trẻ ở lớp Một (và cả suốt thời gian tiểu học), chúng tôi rất ủng hộ cách cô giáo dạy văn TT ép các con mình phải học thuộc lòng mỗi ngày, tuyệt nhiên không gọi việc học thuộc lòng, đọc to lên từng âm tiết của bài học là “học vẹt” theo cách nói dè bỉu là lặp đi lặp lại như… vẹt.

 Học thuộc lòng là cách thức mầu nhiệm “lấp” vào ký ức trẻ những kiến thức mới mẻ, giản đơn dần dà tạo thành các hình khối đa dạng rất khó phai lạt, giống như một bức tranh sơn dầu nhiều tầng nấc sắc độ sinh động và trường tồn. Cùng với đó học thuộc lòng cũng là một thủ pháp rèn luyện cách phát âm chuẩn và đẹp cho tiếng Việt.

Vào nửa cuối thế kỷ 19 đại văn hào Nga, Lev Tolstoi mở trường tư dạy chữ cho con em người nghèo ở trang ấp Iasnaia Poliana (Rừng Sáng), cách dạy và học khá thoải mái nhưng tuần nào học trò cũng phải thuộc lòng một bài mới (novy test), khi thì đoạn văn xuôi, khi là câu chuyện ngụ ngôn, khi là một bài thơ, khi là một truyện cổ tích... Phương pháp giáo dục đó của Lev Tolstoi hiện vẫn được UNESCO trân trọng đưa vào quỹ kiến thức giáo dục đào tạo của nhân loại. Nhân đây, chúng tôi xin phép được lan man thêm một chút, nếu ai bắt đầu học tiếng nước ngoài, tức là làm học trò lớp Một về ngoại ngữ thì phương pháp đọc đồng thanh, phương pháp học thuộc lòng là bí quyết thành công số 1 về cách phát âm, về tích lũy quỹ từ vựng, về cả ngữ điệu giao tiếp đạt theo chuẩn của người chính quốc.

Tuổi thơ vốn là trang giấy trắng trong, bằng bịa để nhận ghi chép vào đó những ký hiệu đời sống, những kiến thức sơ khai nhất đầu đời. Và, vấn đề thành hay bại của một con người trong tương lai “Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Hồ Chí Minh). Bởi thế, con đường mang kiến thức đến cho học trò lớp Một và nói rộng ra trong cấp Tiểu học là từ ký hiệu học sách vở, từ truyền đạt của thầy cô mà hình thành nên các chuỗi thông tin, các cung bậc xúc cảm bằng phương pháp học thuộc lòng, bằng khẩu ngữ đọc đồng thanh. Tất cả các công đoạn này đã giúp học trò lớp Một hình thành ký ức. Trong đó không ít chuỗi ký ức sẽ đi cùng các trò cho đến trọn kiếp người.

Trước năm 1965, việc học thuộc lòng rất được khuyến khích không riêng thời gian ở trường mà ở cả giờ giấc tự học của trẻ ở nhà. Tối tối đi vào ngõ xóm đều nghe lao xao tiếng đọc to bài học thuộc lòng. Chỉ nghe thôi mà lòng đã cảm mà trí óc đã thuộc. Làm sao có thể quên được cảnh và tình trong một bài học thuộc lòng như: “Mỗi ngày sau buổi cơm chiều/ Dưới đèn một cảnh thương yêu quây quần/ Mẹ em sàng gạo dưới sân/ Cha nghe em đọc rõ ràng từng câu/ Bé em chạy trước chạy sau/ Quàng vai rồi lại vùi đầu bên cha/ Con mèo ngồi gọn giữa nhà/ Xanh xanh đôi mắt như là thủy tinh”.

Một góc bức tranh rất đỗi giản dị trong không gian, thời gian buổi tối ở làng quê nhưng là ngọn gió thanh mát rợi lùa anh hoa an bình đầy xúc cảm vào tâm hồn trẻ thơ. “Nó” không những tạo ra ký ức ấm áp, thân thiện của một thế hệ học trò mà đã thành ký ức biểu trưng của cả một quốc gia, tạo ra một xã hội đọc sách, một xã hội yêu văn chương nghệ thuật và đặc biệt là yêu thơ. Như vậy ký ức cá thể đã trở thành bản sắc văn hóa của một thời đại, thời đại mà sự cố kết yêu thương, đồng tâm đồng lòng đánh giặc, cứu nước đã thành ý nguyện Diên Hồng; thời đại mà những người lính ra trận, bao lần dừng chân nghỉ tạm độ đường là bấy lần “Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa/Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào” (Nguyễn Khoa Điềm); thời đại cây cối cũng biết “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con” (Nguyễn Duy). Và cũng là thời đại đã sản sinh ra một thế hệ nhà thơ với những thi phẩm làm xao xuyến lòng người, gắn bó tha thiết với dân tộc và nhân dân “Mái tranh ơi hỡi mái tranh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” (Trần Đăng Khoa); “Tôi yêu chuyện cổ nước tôi/ Vừa nhân hậu, vừa tuyệt vời cao sang” (Lâm Thị Mỹ Dạ); “Trong những chiếc ba lô kia ai dám bảo là không có/ Một hai ba giọng hát chú ve kim” (Hoàng Nhuận Cầm); “Con sào cảm động cong cong/ Cũng vít vổng và cũng mong lên bờ” ( Anh Chi),… Trong những vần thơ xanh cùng năm tháng này lẽ nào lại không có một phần ký ức từ những buổi tối “Cha nghe em đọc rõ ràng từng câu”?

4.

Để kết thúc bài viết chúng tôi xin nhắc lại đề nghị các nhà làm sách, sửa sách lớp Một (và cả Tiểu học nữa) cần đánh giá cao hơn trình độ và khả năng hấp thụ tri thức của trẻ; bớt đi, hoặc bỏ hẳn đi sự xơ cứng của lý tính mà các vị luôn cố biện minh là khoa học, là “hội nhập quốc tế”, là tinh thần “cải cách giáo dục theo hướng hiện đại”. Giờ đây, điều cần nhất là hãy không biết mệt mỏi thổi vào tâm hồn trẻ những áng văn chương, những câu chuyện nhân hậu ấm áp, những tấm gương hiếu đễ tình thâm… Sách không cần nhiều mà cần tinh, cần sự xúc cảm và thiết thực; thầy cô và phụ huynh rất cần phải ốp, phải ép trẻ học thuộc lòng những kiến thức tinh, xúc cảm và thiết thực ấy. Qua thời kỳ ốp, ép ban đầu, trẻ dần dần được nhuận thấm sự đam mê việc “đọc rõ ràng từng câu”, chép lại những câu hay, kể lại những những câu chuyện hay như một thói quen thích thú. Cuối cùng, người viết cũng như các bậc phụ huynh chỉ mong muốn sao cho cái ba lô “thước chì sách vở” trên vai trẻ thơ ngày một bớt nặng nhưng đầu óc và con tim của trẻ ngày một thêm kiến thức, ngày một thêm giàu có lòng nhân. Đó là việc trồng người có trách nhiệm cho tương lại vậy.

Nguồn Văn nghệ số 10/2021

 


Có thể bạn quan tâm