March 28, 2024, 3:55 pm

Boris Orlov - Nhà thơ, chiến sỹ

Ông sinh năm 1955 quê ở một làng quê ở tỉnh Iaroslav trong gia đình có ông nội từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất, bố chiến đấu liên tục trong chiến tranh 1941-1945 cho đến trận đánh chiếm Beclanh năm 1945. 17 tuổi Boris vào trường Kỹ sư hải quân Leningrad (khoá 1977), năm 1985 ông tốt nghiệp thêm trường Viết văn Macxim Gorki tại Mátxcơva.

Ông tại ngũ trên một tàu ngầm nguyên tử thuộc Hạm đội biển Bắc, và cũng từ đấy trở thành phóng viên quân đội, đăng nhiều bài trên báo chí của quân đội (1983-1990), từng phụ trách một phòng chuyên môn ở Viện bảo tàng Hải quân Trung ương tại Peterburg (1990-1993). Về hưu với hàm Đại tá hải quân.

Từ 1986 Boris Orlov là nhà thơ chuyên nghiệp, hội viên Hội Nhà văn Liên Xô - Liên bang Nga và hội viên Hội nhà báo Sanh-Peterburg, tác giả của 18 tập thơ: Bắc Phương đá hoa cương, Biển cả và ruộng đồng, Hơi thở, Giác ngộ v.v…. Tập thơ gần đây nhất là Nước giá lạnh tầng sâu đại dương.

Ông là ủy viên Ban chấp hành và Thư ký Hội Nhà văn Liên bang Nga (từ năm 1999), rồi Đồng Chủ tịch. Từ 2005 kiêm Chủ tịch Phân hội nhà văn Sanh-Peterburg, Tổng biên tập cơ quan ngôn luận Văn học Sanh-Peterburg, được Giải thưởng lớn của văn học LB Nga, Giải thưởng quốc tế mang tên Mikhalkov, Giải thưởng “Thanh kiếm lệnh bằng vàng”, Giải thưởng Simonov v.v… Ông là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Piot’r (Đại đế”, năm 2011 được tặng thưởng Huy chương Puskin..

Thơ Boris bắt đầu sáng tác từ tuổi ấu thơ. Ông tự liệt mình vào hàng con em của các chiến binh trở về từ mặt trận bảo vệ quê hương trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Bởi vậy mà tâm hồn ông đớn đau cho nước Nga ngày hôm nay, với bao hoạn nạn và vượt khó trong thế giới hiện đại.

Ngôn từ của nhà thơ – thủy thủ kiên cường và trung thực, xứng đáng là lời lẽ của bậc trưởng phu, kẻ chân quý và quyết bảo vệ quê cha đất tổ. Thơ của ông luôn cuốn hút độc giả bởi lập trường công dân, cùng những suy tư sắc nhọn về thời đại bạo tàn hôm nay, về vận mệnh của nước Nga và của toàn thế giới. Thi sĩ Boris Orlov nhận thức rất rõ sứ mệnh của thi ca và của chính mình như kẻ phát ngôn thể hiện lập trường nhân quần đương thời: “Lời thơ tôi rực cháy như ngọn đuốc: ai nghe thấu - nó thiêu đốt tâm can”. Đồng thời ông cũng viết nhiều bài thơ trữ tình về tình yêu, về thiên nhiên, về người mẹ, về làng quê nơi mình sinh ra và trưởng thành, về cả niềm tin vào Thiên chúa. Thơ Boris Orlov, theo nhận xét của nhiều nhà phê bình, “trẻ trung mà thâm thúy” những suy tư triết lý về lẽ sống và cội rễ của cõi nhân sinh trên trái đất này.

Vài năm trước đây một đoàn đại biểu các nhà văn Việt Nam sang viếng thăm Peterburg, và tại đây đã diễn ra cuộc tương ngộ của nhà thơ - thủy thủ Nga với nhà thơ – lính tăng Việt Nam Nguyễn hữu Thỉnh, hai vị đứng đầu hai Hội nhà văn của hai nước, và họ đã được dịp đàm đạo về nhiều vấn đề nóng hổi của văn học, về sứ mệnh của nó trong thế giới ngày nay.

PGS.TS Ida Andreeva Giới thiệu

(S-Peterburg)

Tặng các chiến sĩ quốc tế

Cuba, Cônggô, Việt Nam và Chilê…

Chúng tôi trung thành với nghĩa vụ,

Học giao tranh với mọi quân thù

Tại chiến trường xa quê cha đất tổ.

Từ Tây Ban Nha đến Apganistan

Nếm trải từng ly rượu hòa lẫn gian nan

Đánh giặc nơi quê người đất khách

Cho quê hương thoát ngọn lửa chiến tranh.

Lửa chát, bom rơi, gương mặt tử sĩ…

Ký ức ta còn đáng sợ hơn phiên tòa.

Như sóng thần phá tan con đê,

Chiến tranh các đường biên băm nát.

Khói lửa ngút trời. Hoang tàn phủ đất.

Loạt đạn đưa tiễn xót xa…

Chỏng chơ chiếc giường y xá.

Học làm chiến tranh nơi đất lạ,

Để xông pha ngang dọc quê nhà.

*

Bạn tôi! Người anh em nhà trời…

Anh đâu rồi? Chỉ còn xao xác lá.

Một nấm đất. Một khoảnh vườn nghĩa địa.

Chim muông bay, rộn tiếng dế kêu.

Trời tháng năm xanh cao,

Cành anh đào kiêu hãnh trắng.

Tôi trẻ hơn anh cả một đời người,

Anh già hơn tôi bằng một cái chết.

Cao điểm

Toang hoác boong-ke. Mảnh gang kín đất.

Chiến tranh đang gỉ hoen trong hầm hào.

Đất sụt chôn vùi dưới gốc bạch dương trái bom không nổ.

Họa mi véo von, mặt đất đầy hoa nở,

Những bông cúc trắng trên cỏ xanh

Hàng hàng bạch dương tấn công cao điểm

Như đoàn lính thủy rách bươm áo sọc lót mình.

Tàu ngầm sơn đen.

Đáy nước ngòm đen.

Ca-lô màu đen.

Chỉ ngôi sao chói đỏ.

Gặp gỡ muộn màng

Nhẹ nhàng mỏi mệt và yên bình.

Chân lý trụi trần đâu còn e ngại

Em khác xưa. Và khác xa cả anh.

Cả cuộc sống quanh ta đều khác lạ.

Câu đổi trao thầm thì lời nói thẳng

Hơi thở mong manh trong quãng lặng

Ảo tưởng không còn, thả sức suy tư.

Đời cuốn sau lưng như một đám bụi mù…

Bông hoa nhỏ

Anh từng trẻ đẹp và được em yêu

Nhưng mọi thứ ở đời mong manh, gấp gáp.

Bông hoa nhỏ em gọi bằng tên anh trong chiều lặng,

Nó có còn sống trong phòng em?

Anh từng hạnh phúc… chẳng dài lâu và đã là quá khứ.

Không biết đến thời gian chỉ bông hoa nhỏ,

Nước uống no như chúng mình nhấp rượu.

Cả ánh sáng ban mai, cả tiếng chuông nhà thờ gióng giả -

Tất cả trong ký ức huy hoàng…

Xung quanh tuyết trắng mà riêng nó vẫn xanh

Trong gian phòng em vững chãi trưởng thành.

Mỗi sớm mai qua nhà, xin em vội vã

Mở toang cửa đón gió đông lạnh giá.

Bông hoa nhỏ hồn anh lưu lại cõi đời,

Phả hơi thở nồng nàn mà sưởi nó, em ơi!

Vũ Thế Khôi dịch

---------------

Tác giả Ida Andreeva từng là phó trưởng khoa về công tác sinh viên nước ngoài ở Đại học Tổng hợp Kazan; Bà từng làm chuyên gia tại Khoa Ngữ văn nước ngoài Đại học Tổng hợp Hà Nội, cộng tác với Khoa tiếng Nga Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Nhà xuất bản Văn học Việt Nam. Năm 2019, bà là đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam. Tại đây Ida Andreeva đã có tham luận về hai bản dịch trọn vẹn Truyện Kiều sang tiếng Nga… Trở về, PGS. Andreeva triển khai tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về Hội nghị, Hội Thơ quốc tế về Nhà bảo tàng Văn học Nga. Chính bà đã đề xuất giới thiệu “chéo” hai nhà thơ - chiến sĩ đang tham gia lãnh đạo hai Hội Nhà văn Việt Nam và Liên bang Nga - ông Hữu Thỉnh và ông Boris Orlov. Trên số tháng 3-2019 báo Sanh- Peterburg Văn học đã đăng bài về Hữu Thỉnh với 5 bài thơ được dịch sang tiếng Nga: Năm anh em trên một chiếc xe tăng; Phan Thiết có anh tôi; Thơ viết trên biển; Hỏi; Xa vắng.


Nguồn Văn nghệ số 14/2019


Có thể bạn quan tâm