March 29, 2024, 6:08 pm

Bỏ sổ hộ khẩu sao lắm gian truân?

Năm 1954, miền Bắc vừa thoát khỏi chiến tranh, vì nhiều lý do mà nhiều người dân bỏ nông thôn ra thành phố làm ăn. Cùng đó là bộ phận công nhân viên chức lớn mạnh để đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội của bộ máy chính quyền mới hình thành từ cấp tiểu khu (phường) trở lên, rồi các nhà máy/xí nghiệp từ chiến khu trở về cũng bắt đầu làm việc. Dân số các thành phố tăng, nhất là Hà Nội và Hải Phòng, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế-xã hội.

Ngày 24/10/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Văn bản số 495/TTg Về việc hạn chế người vào thành phố. Thành phố Hà Nội và Hải Phòng đã tổ chức đăng ký nhân khẩu thường trú từ cơ quan, trường học và gia đình để quản lý. Có hai loại hộ khẩu: Hộ khẩu tập thể do thủ trưởng cơ quan làm chủ hộ và Hộ khẩu gia đình do người nhiều tuổi nhất, thường là người cha, hay người chồng làm chủ hộ. Sau đó, không chỉ sổ hộ khẩu ra đời mà còn hàng loạt sổ, tem phiếu nữa cũng xuất hiện tham gia quản trị xã hội vừa hòa bình vừa chiến tranh. Các loại tem phiếu này vô cùng quan trọng để một gia đình, một cá nhân ở thành phị, hoặc ở nông thôn nhưng ăn lương nhà nước… được tồn tại. Quan trọng đến mức ai đó bị mất mát cái gì đó có giá trị rất to lớn mà mặt đờ đẫn, thẫn thờ thì được ví “mặt nghệt ra như mất sổ gạo” hoặc “thất thần như mất sổ hộ khẩu”.

Nay thì tem phiếu các loại và sổ mua gạo đã đi vào dĩ vãng lâu rồi. Chỉ còn cái sổ hộ khẩu nó lì lợm sống dai dẳng, sống ngắc ngoải hơn ba chục năm từ thời Đổi mới đến Hội nhập quốc tế, gần đây mới chính thức bị khai tử. Sổ hộ khẩu có thể góp phần quản trị xã hội, an dân một thời, nhưng khi hết vai trò lịch sử thì nó vây hãm, trì níu động lực xã hội khủng khiếp vô cùng. Suốt một thời gian dài, hộ khẩu thần thánh đến mức có sổ hộ khẩu thì mới được xét phân phối nhà. Cái nghịch lý: Ai có nhà mới được xét nhập hộ khẩu, ai có hộ khẩu mới được chia nhà. Cho nên có người muôn năm cứ như đèn cù trong vòng quay: “nhà - hộ khẩu”, “hộ khẩu - nhà”. Cả đời phấn đấu có một trong hai cái ấy để không phải là công dân hạng hai của Thủ đô. Chuyện thật thật trăm phần trăm, mà cứ như bịa.

Hộ khẩu nó rắc rối, nhiêu khê và ngăn cản cả người muốn trở lại nơi mình đã ra đi. Chuyện kể rằng: Nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ ra khỏi quân đội khi trở về gia đình mà không nhập được hộ khẩu vào nhà 96, phố Huế. Chính cái nơi mà ông từng ở, từng sống và về sau viết bài thơ Nhà chật: “Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi niêu/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình...”. Một thời gian truân, có hộ khẩu mới xin được việc làm nhà nước, có việc làm nhà nước mới có biên chế. Nhà thơ Lưu Quang Vũ không có hộ khẩu nên rất khó khăn để xin vào các cơ quan quốc doanh, ông phải đi chấm công cho đội cầu đường, đi vẽ pa-nô áp-phích và đi làm nhân viên hợp đồng cho một nhà xuất bản. Lưu Quang Vũ khi ấy đã in chung với Bằng Việt tập thơ “Hương cây - Bếp lửa” rất nổi tiếng mà nhập hộ khẩu vào nhà mình còn khó như như lên trời vậy, huống hồ là thường dân?

Cái gì không hợp lý thì không tồn tại. Bắt đầu từ ngày 1/1/2023 bỏ sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú năm 2020. “Khai tử” sổ hộ khẩu thay bằng Căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú, hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một bước tiến khoa học, ưu việt.

Bỏ sổ hộ khẩu! Cả nước rộn ràng mừng vui, tưởng chừng như cái sổ hộ khẩu giấy sẽ vào dĩ vãng buồn thương vĩnh viễn. Thế nhưng vài tháng qua lại thấy nó muốn ngóc đầu sống lại. Sổ hộ khẩu giấy hoàn thành sứ mệnh lịch sử, lui về bảo tàng chứng tích, nhưng lại xuất hiện loại giấy tờ con khác tiếm ngôi làm mưa làm gió hành dân, mà Giấy xác nhận cư trú là một minh chứng. Loại giấy tờ này nó có hạn, chứ không lì lợm ngồi mục ghế như sổ hộ khẩu, nên cứ hết hạn lại phải đi xin cấp lại. Gặp cửa quan thông thoáng thì đi một vài lần, chứ nơi cửa hẹp hoặc lúc đóng lúc khép hờ thì mất thời gian, có khi chầu chực đến vài ngày. Còn đăng ký trên cổng dịch vụ công thì có phải công dân nào cũng có phương tiện, cũng thạo công nghệ thời thượng để thực hiện đâu?

Phần lớn các cơ quan chức năng có thẩm quyền, có thể tra cứu thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng lại không làm, cứ yêu cầu công dân về xã/ phường lấy giấy xác nhận cư trú khi thực hiện các giao dịch dân sự và hành chính, như: chuyển nhượng đất đai, khai tử, khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân… Trước đây, làm các thủ tục này chỉ cần CCCD và sổ hộ khẩu kèm theo bản công chứng đến “cửa hành chính” nộp rồi chờ nửa tiếng, đông người thì một tiếng đồng hồ là xong. Bây giờ, bỏ sổ hộ khẩu, các vị ấy yêu cầu công dân phải đến công an xác nhận nơi cư trú. Xác nhận mà dễ à, mà nhanh à? Nhiều người bức xúc bảo: “Thà đừng bỏ sổ hộ khẩu giấy còn hơn!”.

CCCD thay cho sổ hộ khẩu, nó được tích hợp, định danh nhiều thông tin, thay thế nhiều loại giấy tờ. Bỏ sổ hộ khẩu, lại có CCCD rồi, thì còn phải xin giấy xác nhận cư trú làm gì nữa? Sao không tra cứu thông tin cư trú từ thẻ CCCD? Bắt phải có giấy xác nhận nơi cư trú thì cái CCCD còn ý nghĩa, tiện ích gì? Bỏ sổ hộ khẩu là văn minh, hợp lý, khoa học… Hóa ra khi thực hiện thì vô vàn phức tạp, và hậu bỏ sổ hộ khẩu giấy đang là vấn đề nhức nhối gây phiền hà tốn kém thời gian tiền bạc của dân. Cái này bắt đầu từ nhiều nguyên nhân:

Một là, định danh, định tính, định lượng... tích hợp vào CCCD chưa đầy đủ, người dân chưa thực sự làm quen với việc này, cần có thời gian để làm quen và thích nghi.

Hai là, các cơ quan chức năng liên quan đến việc này chưa lường hết được sự phiền hà, rắc rối và hậu quả của nó để đi trước một bước chuẩn bị về kỹ thuật, về con người... để đáp ứng với công việc.

Ba là, cán bộ nhân viên các cơ quan công quyền có phần quan liêu cửa quyền, có phần chưa đủ bản lĩnh, chưa đủ trình độ chuyên môn theo kịp với chuyển đổi số, với internet, vẫn còn thói quen làm việc “bàn giấy”. Thói quen và tác phong “bàn giấy” thâm niên quá, nên khó thay đổi. Chẳng hạn có 7 cách sử dụng thông tin của công dân thay cho sổ hộ khẩu:

1. Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.

2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chip.

3. Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD.

4. Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

5. Sử dụng ứng dụng VneID.

6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú.

7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Thế mà hầu như các “cửa hành chính” chỉ nhắm vào cách thứ 6 để yêu cầu công dân trở về phường/xã lấy giấy xác nhận này. Nếu cán bộ nhân viên giải quyết sự vụ hành chính công thao tác thành thạo cả 6 cách sử dụng còn lại, thì người dân đâu phải gian truân khi đến các cửa hành chính?

Có người đề xuất quay trở lại tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu giấy một thời gian, chờ đến khi mọi sự tích hợp vào CCCD hoàn chỉnh và trình độ công chức nhà nước theo kịp với yêu cầu công việc thời công nghệ thì mới bỏ hẳn sổ hộ khẩu, để dùng CCCD vĩnh viễn. Theo tôi là không nên. Cái mới ra đời bao giờ cũng khó khăn, bước đầu có thể chuệch choạc, khó khăn, cần phải quyết liệt kiên trì bỏ sổ hộ khẩu để sử dụng CCCD.

Trước mắt, phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp khắc phục ngay. Chẳng hạn tích hợp thật đầy đủ thông tin vào CCCD. Chẳng hạn có thể in sao từ Cơ sở dữ liệu… và kèm theo chữ ký xác nhận của người có chức năng chứng thực mà không cần “hành” dân tự về nơi cư trú xin xác nhận để lưu trữ bằng giấy trong hồ sơ. Đồng thời, các công chức hành chính phải nâng cao trình độ, biết sử dụng thành thạo các phần mềm đọc được thông tin tích hợp trong CCCD, hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Đặc biệt, phải bỏ hẳn thói quan liêu cửa quyền để làm giấy tờ nhanh chóng cho người dân, để người dân đến các cơ quan công quyền làm việc tiện lợi. Dĩ nhiên, người dân cũng phải dần dần làm quen với công nghệ, biết khai báo khi làm các giấy tờ cần thiết trên cổng dịch vụ công, để rút ngắn thời gian và đỡ công sức của mình.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Nguồn Văn nghệ số 11/2023


Có thể bạn quan tâm