March 29, 2024, 12:15 am

Bố cục, đề cương và luận điểm trong bài nghị luận xã hội

 

Nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống. Do thuộc dạng đề mở nên đề tài của bài nghị luận xã hội khá đa dạng, phong phú. Nó gồm tất cả những vấn đề về tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống, quan điểm, thái độ của cá nhân trước các hiện tượng thiên nhiên và xã hội. Không chỉ thế, đề tài của Nghị luận xã hội còn bàn đến những vấn đề cụ thể, gần gũi hơn, như vấn đề về hội nhập, môi trường, mối quan hệ giữa người với người trong vấn đề tình yêu, lẽ sống, tính trách nhiệm, tinh thần đấu tranh chống cái xấu, cái ác, nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp… tức là tất cả những vấn đề liên quan đến cuộc sống con người. Rộng hơn nữa, đề tài của Nghị luận xã hội còn bàn đến tất cả các dạng văn bản viết khác về xã hội, chính trị, tôn giáo, văn chương, luật pháp…

Nhận diện nội dung và yêu cầu câu hỏi đề thi Nghị luận xã hội?

Để nhận diện tốt nhất câu hỏi đề thi Nghị luận xã hội, học sinh cần lưu ý 2 điểm quan trọng dưới đây:

Thứ nhất, nên coi đề thi minh họa về Nghị luận xã hội do Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố trước mỗi kỳ thi chỉ như một vấn đề tham khảo. Các mẫu đề thi minh họa đó không phải là những mẫu hình bất di bất dịch. Trong thực tế, gần như tất các đề minh họa của Bộ những năm gần đây trước mỗi kỳ thi đều sử dụng ngữ liệu văn xuôi (loại văn nghị luận), trong khi theo dõi đề thi Trung học Phổ thông 3 năm qua (từ 2017 đến 2019), chỉ duy nhất 2017, văn bản được chọn là văn xuôi (bàn về “thấu cảm”), còn lại hai năm 2018, 2019, văn bản được chọn lại là thơ (năm 2018 là một đoạn trong trường ca dài Đánh thức tiềm lực (của Nguyễn Duy); năm 2019, là đoạn thơ trong bài Trước biển (của Vũ Quần Phương). Tóm lại, đề minh họa chỉ dùng để tham khảo. Học sinh tránh bị phụ thuộc vào đó.

 Thứ hai, trước đây, các đề thi Nghị luận xã hội thường độc lập hoàn toàn với đề Đọc hiểu, nên ngữ liệu được chọn thường rất ngắn, chỉ bao gồm vài ba câu. Ví dụ: “Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu (đoạn văn khoảng 600 chữ)”; hoặc: “Trình bày suy nghĩ về ý kiến (khoảng 600 chữ): Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp về văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”; hoặc nữa,“Có ý kiến cho rằng “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Anh/chị có đồng ý với ý kiến trên không? Hãy viết một bài văn ngắn khoảng 600 chữ bày tỏ ý kiến của mình”. Những câu hỏi như thế thường rõ ràng, ý tập trung, rất thuận lợi cho người viết. Thêm nữa, đoạn văn viết được cho phép trong khoảng 600 chữ. Xét về dung lượng, bài viết có thể chiếm từ 1 đến 1,5 trang giấy thi. Với dạng câu hỏi mở, một dung lượng như thế là một lợi thế, học sinh có thể đủ “không gian” để mở rộng tầm suy nghĩ của mình. Trong trường hợp “tâm đắc”, học sinh thậm chí có thể viết dài quá 600 chữ. Nhưng nếu không ra ngoài đề, bài viết vẫn có thể được chấp nhận. Những năm gần đây, do thời lượng bài làm môn Văn bị rút ngắn hơn (chỉ còn 120 phút so với 180 phút như trước đây), đề thi chỉ yêu cầu bài viết ngắn gọn trong phạm vi 200 chữ (chỉ bằng 1/3 trước đây), nên chắc chắn, việc cân đối, lựa chọn thời gian viết sao cho ngắn gọn, vừa đủ, thuyết phục được giám khảo, là yêu cầu tối thượng. Để đạt được yêu cầu đó, học sinh phải thực hiện các bước làm bài như thế nào?

 

Các bước cơ bản viết bài Nghị luận xã hội

Do ngữ liệu đề thi Nghị luận xã hội những năm gần đây đã thay đổi cơ bản, không còn là các câu hỏi trực tiếp thuộc dạng bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lý như dựa theo câu, ca từ trong một bản nhạc của Trịnh Công Sơn (Sống trên đời sống cần có một tấm lòng), hay viết bài nghị luận về một hiện tượng đời sống nổi bật có tác động đến nhiều người (về căn bệnh vô cảm, bệnh thành tích, sùng bái thần tượng, sự mất niềm tin, về thói quen sinh hoạt hàng ngày, về thái độ thi cử thiếu trung thực…), nên muốn thực hiện tốt nhất dạng bài viết này, trước tiên, học sinh phải nhận diện chính xác chủ đề, nội dung phần văn bản Đọc hiểu, yêu cầu của câu hỏi nghị luận.

Bước thứ hai, sau khi đã nhận biết, phân tích kỹ lưỡng nội dung phần văn bản Đọc hiểu, yêu cầu của câu hỏi nghị luận, học sinh tiếp tục triển khai bài viết của mình qua phần thân đoạn. Để phần trình bày sáng rõ, ngắn gọn, thuyết phục được người đọc, bài viết nên có một bố cục rõ ràng. Một bài văn dù ngắn, chỉ trong 200 chữ, thì về nguyên tắc, nó vẫn nên được phân chia thành 3 phần (mở đầu, thân bài, kết luận). Phần mở bài đã được nói ở trên, sang phần thân bài (bàn luận), học sinh nên cố gắng bám sát vào nội dung câu hỏi và đoạn văn Đọc hiểu. Nên nhớ, yêu cầu chính của bài làm vẫn là phải tập trung trả lời câu hỏi của đề bài. Phần nội dung Đọc hiểu tuy không thuộc trọng tâm nhưng lại có vai trò quan trọng, giúp người viết đối chiếu, bổ sung phần trao đổi, bàn luận. Để học sinh theo dõi lĩnh hội dễ dàng, xin được dẫn ra một bài thi cụ thể, bài thi Nghị luận xã hội trong kỳ thi THPT năm 2017:

 

Đề thi THPT năm 2017, môn Ngữ văn (phần Đọc hiểu)

[1] “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự thấu hiểu thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là khả năng phát triển ở những người mẫn cảm. Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật ở trong truyện.

[2] Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Một em bé 3 tuổi chìa con gấu bông của mình cho em gái sơ sinh đang khóc để dỗ nó. Một cô gái nhăn mặt khi theo dõi bạn mình trên giường bệnh chật vật uống một viên thuốc đắng. Mùa EURO 2016 kết thúc với một hình ảnh đẹp: một cậu bé Bồ Đào Nha tiến tới an ủi một fan người Pháp cao to gấp rưỡi mình đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trong trận chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở. Cậu đợi cho tới khi anh đi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng” (trích Thiện, Ác và smartphone, Đặng Hoàng Giang, Nxb Hội Nhà Văn, 2017, tr.275).

Câu hỏi: Từ nội dung đoạn trích trong phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.

Với nội dung văn bản và câu hỏi đề thi như trên, rõ ràng, việc trước tiên, trong bài viết, ở phần Mở đầu (I), học sinh phải nêu lại yêu cầu của đề: “trắc ẩn” và “thấu cảm” được coi là hai từ chìa khóa trong văn bản, đồng thời là nội dung chính của câu hỏi. Việc đầu tiên, để cho rõ ràng, học sinh phải giải thích cho rõ hơn khái niệm của hai từ khóa. Trong hai từ này, “trắc ẩn” có lẽ là từ thông dụng hơn, từng được sử dụng nhiều trong nói và viết. Nhiều người,trong đó có học sinh hiểu được dễ dàng khái niệm này: trắc ẩn là tình thương, sự cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia giữa người với người trong cuộc sống, gọi là trắc ẩn vì nó từ bên trong, ẩn kín, không lộ ra bên ngoài, nên không dễ nhận ra. Tuy nhiên, với từ thấu cảm, do lâu nay ít người sử dụng, lại ở thời điểm kỳ thi 2017, không ít học sinh rất khó giải thích. Tuy nhiên, như trên đã nói, trong trường hợp gặp khó khăn về bất cứ điều gì trong câu hỏi đề thi, học sinh nên đọc kỹ lại văn bản phần Đọc hiểu để được giải thích. Quả là, tại phân đoạn [1]) phần Đọc hiểu, chính văn bản đã giúp ta hiểu rõ hơn khái niệm nội dung của từ “thấu cảm”: “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ […], thấu cảm là sự thấu hiểu thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là khả năng phát triển ở những người mẫn cảm…”.

 Sau khi đã giải thích từ khóa cũng như yêu cầu chính câu hỏi đề thi, Phần thân bài (II) mới bắt đầu đi sâu bàn luận nội dung chính yêu cầu của đề bài: ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Đây là phần chính, phần quan trọng nhất mà học sinh phải thực hiện ở phần (II). Phần này có hai yêu cầu. Một là, người viết phải trình bày trực tiếp suy nghĩ cá nhân của mình về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Xin được nhấn mạnh, yêu cầu bắt buộc là ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống, chứ không còn đơn giản chỉ là giải thích khái niệm từ “thấu cảm”. Trong phần bàn luận này, học sinh có thể dựa vào hiểu biết riêng của bản thân và cả sự vận dụng những kiến thức bên ngoài, trong cuộc sống, của người khác, kể cả phần nội dung câu hỏi Đọc hiểu.

Hai là, bài viết phải có sự bàn luận mở rộng, chuyên sâu, để nội dụng được luận bàn thấu đáo, thuyết phục hơn. Ý nghĩa của sự thấu cảm phải được đào đi, xới lại. Thoạt tiên, nghe qua từ này, ai cũng có thể giải thích được, đó là sự hiểu biết, cảm thông sâu sắc nhất giữa người này với người khác, sự thâm nhập vào “bên trong” người khác. Vậy ý nghĩa của nó trong cuộc sống là gì? Trong khi giải thích và bình luận, học sinh hoàn toàn có thể bổ sung thêm những dẫn chứng minh họa được lấy ngay trong cuộc sống hàng ngày, càng “sốt dẻo” càng tốt. Chẳng hạn, trong đại dịch covid vừa qua, trên thế giới và ở Việt Nam, biết bao người đã rơi vào tình cảnh khó khăn, trớ trêu, khiến ai cũng rưng rưng xúc động. Một người mẹ, trước mỗi bữa ăn, nước mắt dàn dụa, vì mâm cơm hàng ngày của các con mình, quá đạm bạc, đơn sơ, do bà và chồng bị mất việc ở công ty; một người lao động ở nước ngoài bị kẹt lại trên sân bay, vì chuyến bay dự định, không được lệnh cất cánh,do dịch covid; một anh/ chị bác sĩ suốt hàng tháng trời, không có được chút thời gian cho riêng mình, không thể trở về nhà ăn bữa cơm chung với gia đình, những người thân. Rồi còn biết bao hành vi “nghĩa hiệp”khác: những người đã sẵn sàng đứng ra chia sẻ tình cảm, tiền bạc, công sức của mình cho cộng đồng chung. Họ đã thể hiện lòng “trắc ẩn”, và sự “thấu hiểu” một cách dung dị nhất. Sự thấu cảm rõ ràng không phải chỉ thuộc riêng thế giới những người khốn khó, thấp bé, mà còn cả ở những người đầy đủ, hạnh phúc. Thấu cảm rốt cục chính là sự sẻ chia cùng nhau.

Cuối cùng phần kết luận (III) chỉ còn nhiệm vụ tổng kết và nêu những nhận thức, bài học cho cá nhân và cho xã hội, về lòng trắc ẩn và sự thấu cảm trong cuộc sống hàng ngày. Một bài văn Nghị luận xã hội, rõ ràng không khó, nếu học sinh nắm được đầy đủ các thao tác làm bài như phần hướng dẫn.

Nguồn Văn nghệ số 24/2020


Có thể bạn quan tâm