April 18, 2024, 8:23 am

“Bố bản” Đặng Quang Tình

Vĩnh biệt nhà văn Đặng Quang Tình

Nhà văn, nhà báo Đặng Quang Tình sinh năm 1934 ở Viên Chăn - Lào. Ông quê ở xã Thu Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định. Năm 1953, ông tham gia quân đội, nhiều năm sống ở vùng núi phía Bắc. Ra quân năm 1960, ông được phân công phụ trách Đài truyền thanh Mộc Châu, và sau đó là Đài phát thanh Tây Bắc. Sau nhiều năm gắn bó với núi rừng, với đồng bào dân tộc thiểu số, nhà báo Đặng Quang Tình chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 1977. Ông là Trưởng ban đầu tiên Ban biên tập các chương trình phát thanh Dân tộc của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV4).

Nhà báo Đặng Quang Tình không viết nhiều nhưng dấu ấn văn chương của ông khá đậm nét trong thể loại truyện ngắn trong văn học hiện đại nước nhà, đặc biệt ở mảng đề tài về dân tộc và miền núi. Có thể kể đến hai tập truyện ngắn thể hiện sâu sắc bút pháp của nhà văn, là Hoa rừng (1986); Trăn trở (2001). Ông từng bốn lần đạt giải cao trong các cuộc thi văn chương, trong đó có 2 lần đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1974-1975 và năm 1978-1979; Giải ba cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1983; Giải nhì Hội Nhà báo Việt Nam năm 1995 (bút ký). Ngoài ra, ông còn xuất bản 4 tập tiểu thuyết gồm Hướng về Đông (NXB Lao động, 2009); Một thời giông bão (NXB Hội Nhà văn, 2010); Những cảnh chim bạt gió (NXB Hội Nhà văn, 2011), Âm thầm (NXB Lao động, 2015).

Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Đặng Quang Tình đã qua đời vào hồi 22h 55’ ngày 3/8/2022 (tức ngày 6/7 năm Nhâm Dần), hưởng thọ 89 tuổi. Tang lễ nhà văn đã được tổ chức vào ngày 6/8/2022 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ xin chia buồn cùng Đài Tiếng nói Việt Nam, bạn bè, gia quyến và độc giả của nhà văn Đặng Quang Tình

VN

 

Dân báo chí ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thế hệ sinh vào những năm tám mươi trở về trước, hễ nhắc đến nhà báo Đặng Quang Tình đều gọi ông bằng một cái tên dân dã trìu mến là Bố bản.

Sở dĩ vậy là bởi, nhà báo Đặng Quang Tình có rất nhiều năm làm công việc Phát thanh Dân tộc và từng là Trưởng ban Phát thanh Dân tộc đầu tiên từ khi ban biên tập này được thành lập. Hơn nữa, còn bởi, dáng vẻ bên ngoài giản tiện, phong cách của người đã có nhiều năm sống và làm việc với người dân tộc thiểu số. Có thể nói Đặng Quang Tình là một trong số ít người ở xứ ta am hiểu và viết xuất sắc về cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam cả lĩnh vực báo chí và văn chương. Bằng chứng, trong quá khứ, khi còn sung sức, Đặng Quang Tình đã từng bốn lần đoạt giải cao trong các cuộc thi văn chương danh giá với ba lần ở thể loại truyện ngắn và một lần ở thể loại bút ký mà nội dung các sáng tác này của ông đều về đề tài miền núi dân tộc thiểu số...

Tư cách một nhà văn và những giải thưởng văn học

Cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ (1974-1975), là cuộc thi viết kéo dài cả trước và sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vậy mà Đặng Quang Tình đã đoạt giải Nhất với truyện ngắn Trên vành chảo Điện Biên. Kế tiếp, cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ (1978-1979), thời gian đó xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân bành trướng Trung Quốc, Đặng Quang Tình lại giành giải Nhất với truyện ngắn Ông Thào. Như vậy, ông liên tục đoạt giải cao nhất của hai cuộc thi văn học danh giá liền nhau, mà hiếm có, đúng ra, chưa có cây bút nào ở nước ta đạt được. Mảng đề tài cùng là miền núi và dân tộc thiểu số... Ở mảng đề tài này, thêm một lần nữa, Đặng Quang Tình khẳng định tài năng và sở trường của mình, ông lại thành công với truyện ngắn Lính cối giành giải Ba cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1983.

Có thể nói, ở thể loại truyện ngắn trong văn học hiện đại nước nhà, đặc biệt ở mảng đề tài về dân tộc và miền núi, Đặng Quang Tình đã khẳng định vị trí hàng đầu của mình và là một tên tuổi không thể không nhắc đến. Sở dĩ, Đặng Quang Tình gặt hái được nhiều thành công ở mảng văn học miền núi dân tộc như vậy, trước hết là có vốn sống, sự hiểu biết sâu rộng về mảng đề tài này nhờ nhiều năm ông lăn lộn ở miền núi phía Bắc dù ở quân ngũ hay làm báo. Ông thạo địa lý, lịch sử vùng đất, hiểu tâm lý và phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số nơi đây. Cái chính, ông phải rất yêu con người và cuộc sống của họ ở vùng đất này thì mới thể hiện một cách chân thực và lãng mạn trong những tác phẩm văn học của mình. Ở đây, phải nhắc đến một thuận lợi riêng có của nhà văn Đặng Quang Tình. Ông quê Vụ Bản, Nam Định, nhưng gia đình ông sống ở Lào, ông được sinh tại Viên Chăn. Khi về nước, ông tham gia quân đội, nhiều năm sống ở vùng miền núi phía Bắc. Chuyển nghề làm báo, ông có nhiều năm là phóng viên của Đài phát thanh Tây Bắc (khi đó thuộc khu tự trị Thái Mèo) đóng tại Sơn La. Khi đài phát thanh này được sáp nhập vào Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thì Đặng Quang Tình tiếp tục theo dõi và quản lý mảng nội dung về miền núi, dân tộc thiểu. Việc am tường về một mảng nội dung, cộng thêm sự sâu sát địa bàn, chất nhanh nhậy của một người làm báo, không những giúp cho ông làm tốt công tác quản lý, biên tập mà thêm lần nữa, làm nên thành công trong sáng tác văn học. Nhà văn Đặng Quang Tình đã đoạt giải Nhì cuộc thi viết ký do Hội Nhà báo và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức năm 1995 với bút ký Ba lần lên Sa Dung, thêm phần khẳng định tài năng và vốn sống của ông.

Thời còn công tác, Đặng Quang Tình viết ít, khá chắt lọc, ông chỉ xuất bản tập truyện ngắn Hoa rừng (1986), và mãi nhiều năm sau, khi đã về nghỉ hưu, ông mới xuất bản tập truyện thứ hai (2001). Rồi từ đó, có thời gian suy ngẫm, ông làm một mạch, lần lượt cho xuất bản 4 tiểu thuyết trong vòng 15 năm (2000-2015)…  Tuy nhiên sở trường của Đặng Quang Tình có lẽ vẫn là ở truyện ngắn. Ở đấy, ông chặt chẽ, dồn nén trong việc tạo không gian truyện, cài đặt chi tiết tài tình và ngôn ngữ hội thoại sắc sảo. Tiếc là, nhưng ưu điểm này ông chưa mang được sang tiểu thuyết,...

Nhà văn, nhà báo - Bố bản

Trong giai đoạn đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới (Khoảng 1987). Tổng Bí thư Đảng là đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn dắt công cuộc đổi mới với hàng loạt chủ trương và công việc cụ thể, trong đó có một việc nóng, ấy là Nói và Làm (N & L), được cập nhật trên báo chí, chủ yếu trên Báo Nhân dân và Đài Tiếng nói Việt Nam. Ban Thính giả Đài TNVN được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu này. Phòng tiếp dân của Đài luôn chật khách, họ là các thính giả từ khắp nước, qua gửi đơn thư, hoặc trực tiếp đến phòng tiếp dân, đưa đơn thư, yêu cầu, khiếu nại này nọ. Khi ấy, tiếp dân là công việc cực nhọc nhất, bởi lượng công dân hàng ngày đến rất đông. Người tiếp dân phải có tính kiên nhẫn, ôn hòa, sự hiểu biết cần thiết và quan trọng phải biết ứng xử nhanh trong các tình huống bức thiết nếu có, để giải thích và hạ hỏa, sao cho thình giả-công dân cảm thấy thỏa mái và được tôn trọng. Chỉ cần sơ suất trong nói năng rất có thể làm họ nổi nóng, to tiếng, thậm chí gây sự ngay tại chỗ. Đã từng xảy ra trường hợp thính giả mang đơn đến khiếu kiện, khi được nhà Đài giải thích sẽ là chuyển nội dung đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền, thị vị thính giả nọ bức xúc, dọa nếu không được giải quyết ngay sẽ tự sát tại phóng tiếp dân. Là người từng có nhiều năm làm công tác đảng, nên Trưởng ban Đặng Quang Tình trong các buổi giao ban luôn nhắc nhở các nhân viên thuộc cấp của mình hết sức lưu tâm, cẩn trọng lời ăn tiếng nói khi tiếp công dân. Ngày đó, tôi cũng phải trực tiếp dân, tháng một tuần nên thấu hiểu điều này... Thực tế, thời lượng phát sóng dành cho chuyên mục Tiếp chuyện bạn nghe đài chỉ hạn định trong khung chương trình hằng ngày, mà số lượng đơn thư lại quá nhiều, nên Trưởng ban Đặng Quang Tình đã tìm ra một giải pháp khả quan và hữu hiệu khác. Ấy là trên cơ sở nội dung đơn thư của thính giả, lựa chọn vấn đề, nội dung cụ thể đưa vào công văn gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời công văn của nhà Đài, để Đài trả lời thính giả. Như thế, hiệu quả công việc khá cao….

Sau một thời gian ở Ban Thính giả, một ban biên tập mới được thành lập, Ban Phát thanh Dân tộc. Đặng Quang Tình được điều làm Trưởng ban này, bởi ở cơ quan thời điểm ấy, không ai có sự hiểu biết và kinh nghiệm về lĩnh vực dân tộc miền núi hơn ông. Đặng Quang Tình làm Trưởng ban Phát thanh Dân tộc, càng củng cố thêm biệt danh Bố Bản, cho đến lúc nghỉ hưu. Từ ấy, mỗi khi nhắc đến Bố Bản, thì người nhà Đài hầu như ai cũng hiểu đó là nhà báo, nhà văn Đặng Quang Tình.

Nguồn Văn nghệ số 33/2022


Có thể bạn quan tâm