March 29, 2024, 4:29 am

Biệt Hà Nội một bài thơ đặc biệt

Biệt Hà Nội

                                         

Sắp biệt Ngươi rồi Hà Nội ơi!

Bụi đường chờ mái tóc hai mươi

Ấm êm chẳng luyến lòng mình được

Nhưng vẫn buồn nhiều Hà Nội ơi!

 

Hồ Kiếm, Hồ Tây trăng sáng nhé!

Đừng mong gì nữa kẻ ra đi

Cứ coi là chết, là đi mất

Để ngỡ hồi sinh một buổi về

 

Thôi nhé Long Biên những nhịp cầu

Đừng ghen Thê Húc đứng nông sâu

Ngày mai ngươi sẽ thành Ô Thước

Nâng gót chân từng cặp áo nâu

 

Sắp biệt nguơi rồi Hà Nội ơi

Bốn phương biết có đẹp mây trời

Quán nghèo bát nước chè tươi sánh

ấm được lòng hay chỉ chát môi?

 

Phố ấy im lìm khói thuốc bay

Tách cà phê Hợp nhắp thơm say

Thôi rồi những tối trầm tư tưởng

Đốt lửa hun vàng mấy ngón tay

 

Sắp biệt Ngươi rồi Hà Nội ơi!

Đêm nay gót dạo thiếu ly bôi

Phố phường quen quá thân thương quá

Mà sắp xa rồi! Ôi các Ngươi!...

 

Hàng Đào tha thiết lụa tơ nhung

Hàng Bạc kiêu căng những má hồng

Phố Huế xô bồ thân thiết thế

Tràng Tiền vô cảm ánh nê-ông

 

Sắp biệt Ngươi rồi Hà Nội ơi

Bốn phương sẽ nhớ một khung trời

Nằm sau mấy cửa ô già cỗi

Vọng xót thương bè bạn khắp nơi

 

Thôi nhé nghìn năm Tháp mốc kia

Rùa thiêng chờ Kiếm tỉnh hay mê

Cổ Ngư quằn quại ghê màu phượng

Mấy kẻ ra đi mấy kẻ về.

 

Đây là bài thơ đặc biệt ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: Tháng 10 năm 1954. Phố phường Hà Nội, người Hà Nội đôn đáo xáo trộn giữa sự lựa chọn: Ở lại đón chào những đoàn quân giải phóng, hay di cư vào Sài Gòn theo những lời hứa hẹn, dọa dẫm... Nhà thơ khi ấy cũng trong tâm thế phân vân, hay là đã hóa thân nhập vào cái phân vân của bao người khi ấy mà viết.

Hơn 70 năm qua rồi. Vạn, triệu người đã nằm yên trong lòng đất. Nhưng quá khứ vẫn hiện ra ngổn ngang, đau xót qua từng ý thơ, lời thơ. Và toát lên toàn bài là một tình yêu Hà Nội thiết tha, say đắm, não nùng. Tình yêu Hà Nội trong tiếng kêu đứt ruột, ngay từ câu mở đầu và được nhắc lại nhiều lần trong những khổ tiếp theo: Sắp biệt Ngươi rồi Hà Nội ơi!

Mở đầu là bốn câu phản ánh tâm trạng thích phiêu lưu của chàng trai Hà Nội, của người nghệ sĩ lãng mạn đam mê xê dịch: Sắp biệt ngươi rồi Hà Nội ơi/ Bụi đường chờ mái tóc hai mươi/ Ấm êm chẳng luyến lòng mình được…

Nhưng mấy câu tiếp theo vụt hiện ngay ra thực tại đau đớn ly biệt: Hồ Kiếm, Hồ Tây trăng sáng nhé/ Đừng mong gì nữa kẻ ra đi/ Cứ coi là chết, là đi mãi…

Đi đâu? Cuộc đời bất trắc, tương lai mờ mịt, những câu thơ phản ánh tâm sự ngổn ngang trong lòng người: Sắp biệt Ngươi rồi Hà Nội ơi/ Bốn phương biết có đẹp mây trời/ Quán nghèo bát nước chè tươi sánh/ Ấm được lòng hay chỉ chát môi?

Nhưng trước mắt là ra đi, phải đi, phải rời bỏ nơi chốn yêu thương này. Đã có nhiều bài thơ bất hủ nói về nỗi lòng kẻ ở người đi trên bến đò, nhà ga… tràn đầy thương và nhớ, nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người yêu. Đọc Biệt Hà Nội, ta thấy nhà thơ không chỉ nhớ mà còn lo cho phận người ở lại. Đấy chính là nét khác biệt, riêng có ở lòng người Hà Nội, lúc này. Một bài thơ tình nhưng mang đậm chất thời sự, thời đại.

Những phố Hàng Đào, Hàng Bạc, phố Huế, Tràng Tiền… rất đặc trưng Hà Nội những năm 1950. Quán nghệ sĩ ngày ấy Tách cà phê Hợp nhắp thơm say. Sao mà đáng yêu cái thói ghen tuông giữa hai cây cầu Thê Húc – Long Biên. Nhà thơ chỉ gợi mà không tả, để người đọc rung cảm tận trái tim, đáy lòng… Hà Nội, người đẹp, người tình. Với tác giả, tuy hai mà một. Nhưng một lại là hai, Đã có ai gọi Hà Nội bằng đại từ tiếng Việt chỉ ngôi thứ ba: ngươi! Xa cách, nhạt nhẽo (viết thường) mà gần gũi, ngọc ngà (viết hoa). Sắp biệt Ngươi rồi Hà Nội ơi!

Nhưng trào lên là nỗi lo sợ mất tất cả. Đã ba lần nhà thơ cất tiếng Thôi nhé, Thôi rồi,.. Đã bốn lần thi sĩ kêu lên tha thiết và ngậm ngùi dứt ra mà không rời đi được Sắp biệt Ngươi rồi!...

Buồn. Nhớ. Hoang mang. Và lo sợ. Bởi vì Hà Nội đang đứng trước thay đổi xáo trộn lớn. Lại thêm nhiều tin đồn thổi dữ dội khiến lòng người nghiêng ngả hoang mang. Những câu thơ như xát muối lòng người đọc: Các đường phố đông vui tươi trẻ sẽ im lìm nằm sau mấy cửa ô già cỗi. Một thành phố chết. Hơn thế nữa, một thành phố sắp rơi vào “tắm máu”: Cổ Ngư quằn quại ghê màu phượng. Đến mức tác giả phải tìm về hồn thiêng quá khứ Rùa thiêng chờ kiếm tỉnh hay mê…

*

70 năm qua… Hà Nội đã trải qua những đêm không ngủ ấy để rồi vỡ òa ra đón ngày quân ta đại thắng trở về giải phóng thủ đô “Trùng trùng say trong câu hát…” (Ca khúc Tiến về Hà Nội của Văn Cao) Bài thơ Biệt Hà Nội đã đi vào lịch sử. Thời điểm lịch sử ấy, có nhà văn đã viết truyện thần Rùa trong đêm hiện thành cô gái đẹp gặp thư sinh Hà Nội hỏi “Bây giờ đất nước chia đôi, nửa đen nửa trắng, chàng là đen hay trắng?” Nhà thơ hỏi lại “Sao cứ nhất thiết phải là đen hay trắng?”. Ngặt nghèo thế đấy. Muốn tồn tại thì phải chọn. Có người đã vượt bao khó khăn tìm đến tận nhà, đưa tận tay thư của Nguyễn Tuân, Tô Hoài từ ngoài vùng kháng chiến gửi vào khuyên bạn thân nên ở lại Hà Nội, nhưng người bạn văn nghệ nội thành ấy vẫn dứt áo đi Nam… Còn Vân Long, tác giả bài thơ Biệt Hà Nội, cuối cùng, đã ở lại Hà Nội. Đi làm sao được, Hà Nội ơi! Cũng 70 năm bài thơ được mấy lần đọc lên, bạn bè ngẫm ngợi, rồi cất đi, vì những đoạn bị coi là “nhạy cảm”.

Và rồi đến hôm nay, Biệt Hà Nội, lần đầu tiên xuất hiện, trọn vẹn, toàn bích trong một tâm thế hoàn toàn khác.

Nguồn Văn nghệ số 51/2020


Có thể bạn quan tâm