April 20, 2024, 10:17 pm

Biển xanh, xanh mãi, còn xanh

 

Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải là người lính biển có tâm hồn thơ. Trước những bộn bề công việc và lo toan, Bức họa Trường Sa là nỗi niềm, là tình cảm, là những rung động chân thực của anh, người chiến sĩ Hải quân đối với biển, với đảo, với đồng đội và với quê hương, hậu phương thương yêu của người lính. Tập thơ là một dạng thức bộc lộ khát vọng, ý chí, quyết tâm, niềm tin và bổn phận của người lính trong ý thức gìn giữ, xây dựng cho Trường Sa, cho Biển Đông luôn hòa bình hướng tới sự bằng an, tĩnh tâm và văn hóa. Và đó cũng là thơ!

Từng con sóng xô tung bờ cát

Như cuốn phăng chiếc thuyền nhỏ mong manh.

Ấy muôn đời biển ngàn xưa vẫn vậy

Để thử lòng người LÍNH BIỂN kiên trung

 

… Rồi ngày mai tàu tiếp tục hành quân

Dọc quần đảo Trường Sa khúc quân hành không mỏi

Tạm biệt nhé An Bang ơi quanh năm sóng nổi

Lắng đọng tình người, tình đảo mãi trong tôi

(Cảm xúc nơi đảo nhỏ An Bang)

… Nón trắng chao nghiêng lời hò hẹn

Trao nhau chiều bóng mát quê hương

Nỗi nhớ nghiêng về phương xa ấy

Sâu nặng ân tình bao vấn vương

(Bức họa Trường Sa)  

Mỗi một bài trong tập thơ, do cung bậc tình cảm và kiến văn, cách thể hiện khác nhau nhưng điều đáng trân trọng là tất thảy đều có một điểm chung, ấy là sự trăn trở của người viết trước cuộc đời, là trách nhiệm của người lính đối với biển, đảo và sự vẹn toàn lãnh thổ. Đấy là tính nhân văn của thơ.

… Biển xanh xanh mãi còn xanh

Cánh buồm đời anh căng gió

Thì thầm ngàn năm sóng vỗ

Em dạt dào con nước lên

(Ru anh về thuở ban đầu)

Trường Sa dưới cái nhìn của người lính Đặng Minh Hải là:

… Dáng người chiến sĩ bên cột mốc

Yếm áo tung bay trong gió chiều

Tư thế hiên ngang nơi đầu sóng

Súng chắc trong tay thật đáng yêu

(Bức họa Trường Sa)  

Song trong cái mênh mông biển, với bao la đất trời ấy vẫn đượm một nỗi niềm: Chẳng bằng mênh mang nhớ/ Ngày chia xa lứa đôi. Và: Có phải giữa trùng khơi/ Nơi đảo xa sóng gió/ Nỗi nhớ thương hóa lửa/ Đốt anh thành nhà thơ. Một câu thơ rất gợi, rất lãng mạn, lạc quan và rất lính.

Anh sống trong niềm vui tình đồng đội

Riêng một góc hồn đau đáu nhớ thương em

Dung dị vậy thôi, nhưng chính chất người đời thường ấy làm nên sự vĩ đại của người lính Trường Sa.

Ước mơ của người lính đảo cũng rất giản dị, đơn giản mà cũng rất tình.

… Anh ước ở nhà để được bên em

Được đi chợ mua hàng, nấu cơm giặt giũ

Hay đọc sách em nghe những lúc con say ngủ…

(Nơi đảo xa tháng Ba thương nhớ)

Một bài thơ tình của người lính đảo, rất đáng đọc, đầy vơi thương nhớ, đau đáu nhớ nhung, nhưng không ủy mỵ. Anh vẫn vững vàng dù phong ba bão tố. Và kết thúc bài thơ là Cảm ơn đời dành em tặng cho anh!

Thành công của Đặng Minh Hải là anh không đao to búa lớn trong cách đặt vấn đề, không hô khẩu hiệu khô khan trong câu chữ, mà bằng những tiểu tiết rất đời, nhưng lại phác họa tình cảm người lính đảo rất chân thực. Người lính Trường Sa cũng là những con người mà, nhưng là con người có ý thức, lạc quan, yêu đời. Thơ anh không nhẹ, bởi vậy. Nói về người lính khi chia tay người yêu để lên tàu ra với đảo xa, Đặng Minh Hải có câu thơ dung dị mà nhớ mãi:

… Em đi về phố nhỏ

Tàu anh xa dần xa

Chiều nay mênh mông quá

Xao xuyến nỗi nhớ thương… (Mênh mông chiều)

Hình như Đặng Minh Hải không có ý định làm thơ. Anh chỉ muốn bằng cảm xúc ghi lại những gì chiêm nghiệm, trong đa dạng sinh hoạt đời thường, trong cái tình trong trẻo của người lính đảo. Một nồi chè quê kỷ niệm, một chú rùa dễ thương mắt ươn ướt, chuyện kéo co cùng biển cả, và Đêm Trường Sa nghe về sò ốc, đều được anh viết rất xúc động, chân thực, tình nghĩa, rất tếu táo, rất lính, dù gian khổ, vẫn rất lạc quan, yêu đời. Phải bản lĩnh lắm, phải yêu biển, yêu đảo, yêu đồng đội lắm mới viết được những dòng cảm xúc tươi nguyên như vậy. Mộc mạc như biển, như đảo, chân chất tựa hạt cát, cành san hô…

Biển Trường Sa khi hoàng hôn buông xuống

Sóng ì ầm xô ghềnh đá san hô

Bỗng lệnh truyền buông neo tàu nghỉ lại

Bộ đội reo vui lại được kéo co rồi.

… Cước câu nổi, câu chìm giăng hàng nhìn không thấu

Dệt “Động Bàn Tơ” trên biển lớn mênh mông

Tiếng hò reo vang động giữa thinh không

Người cùng Cháp và Thu Ngừ co kéo.

và:

Rồi ngày mai tàu tiếp tục hành quân

Cơm chín tới, cá tươi - khỏe, trẻ - vui phấn khởi

Thêm gắn bó, tin yêu thân thương tình đồng đội

Lại mong mỗi chiều về kéo co trên biển cả quê hương.

(Kéo co cùng biển cả)

Đặng Minh Hải là người chịu khó quan sát, quan sát khá tinh tế. Sự nhận biết đó, không chỉ bó gọn, tươi non trong khuôn khổ sinh hoạt người lính, mà cao hơn, bằng cảm nhận trong veo, đầy trách nhiệm, anh viết về công việc vất vả của các chiến sĩ công binh, sự hy sinh thầm lặng của đồng đội chốt giữ ở DK1, những bạn bè trong Lữ đoàn 162, và viết Nhật ký tuần tra liên hợp Việt Trung lần thứ 3 và vân vân. Đây là loại thơ “thời sự”, khô khan, để thể hiện cần một tâm hồn nhạy cảm, cần một cái tình nồng đượm, rộng lớn, chân thực, trong sự đằm lắng của cảm xúc.

Có chuyến đi nào vất vả thế không anh

Sóng lớn phủ boong tàu đập thẳng vào buồng lái

Ầm ầm, ào ào suốt đêm như giận dỗi

Biển không vui khi gió đông bắc tràn về

 

… Hành trình dài nhiều việc phải lo toan

Nào mắm, muối, gạo, rau, nước, dầu, cá, thịt

Tính toán thành phần ai đi sau về trước…

Tác giả đã thể hiện rất rõ phẩm chất người lính biển trong mấy dòng ngắn ngủi.

Lòng tự nhủ lòng tròn nhiệm vụ cho mau

Tranh thủ thời cơ lựa chiều từng con nước

Suy trước, tính sau mỗi khi vào việc

Chung thủy phương châm “Phải tuyệt đối an toàn”

(Ðến với Trường Sa, DK1)

Người xưa quan niệm, thơ không nhất thiết cầu kỳ. Thơ cần nhất sự dung dị và cái tình. Lưu Đại Khôi đã nói: “Văn chương quý ở sự giản dị. Phàm viết văn (và cả làm thơ nữa - ĐK), những cây bút già dặn thì giản dị, ý chân thực thì giản dị, vị thanh đạm thì giản dị, khi đầy đủ thì giản dị, phẩm chất cao quý thì giản dị, thần cao xa mà hàm chứa khôn cùng thì giản dị. Vì vậy, giản dị là cảnh giới tận cùng của văn chương vậy”. Bởi giản dị, không cầu kỳ, câu chữ lại chẳng rườm rà nên thơ Đặng Minh Hải dễ đi vào lòng người, dễ lan tỏa. Nhất là với những người lính đã từng gắn bó cuộc đời của mình với biển, đảo, con tàu. Thành công của thơ anh là sự dung dị nhưng có chữ tình.

 Trên quân cảng đoàn tàu ta hiên ngang

Cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió

Những gương mặt bừng sắc xuân rạng rỡ

Tự hào thay được là lính binh đoàn

(Lữ đoàn thép 162)

Hoặc:

Hành quân xa đêm lặng thiếu sao trời

Bóng thuyền câu cũng đó đây thưa thớt

Chỉ công việc sao thấy nhiều chẳng bớt

Các ca động viên nhau kíp trực nhớ sẵn sàng.

(Nhật ký tuần tra liên hợp Việt Trung lần thứ 3, tháng 6 năm 2007)

và:

Giữa đại dương, từng hòn đảo nơi các anh qua

Có nước mắt, mồ hôi tan trong lòng biển cả

Cùng máu xương của bao người đã ngã

Xây thành trì phên dậu giữa khơi xa.

(Tự hào Công binh Hải quân)

*

Tập thơ được chia làm hai phần. Phần một với cái tên rất gợi, Biển và đồng đội; phần hai với cái tít mang tính hậu phương: Gia đình người lính biển. Phần một và phần hai làm nên Bức họa Trường Sa.

Hậu phương đó là quê hương, gia đình, là mẹ, là vợ, là con… và lớn hơn chính là Đất mẹ, quê mẹ, là mẹ Việt Nam với cái tình, cái nghĩa bao la đã làm nên điểm tựa, tạo thành động lực, sức mạnh để người lính kiên trung vững vàng giữa trùng khơi. Hậu phương trong thơ Đặng Minh Hải không là khái niệm chung chung, mà rất cụ thể, đó là gia tài mẹ cha để lại, là mẹ tôi rồi những kỷ niệm khi mẹ cất đồ. Đó là nỗi niềm khi vợ ốm, là sự xao xuyến khi gặp nhau trên điện thoại, và còn là nỗi trăn trở nhớ con… Mẹ và những kỷ niệm thân thương, gần gũi đã tiếp sức cho người lính.

Suốt cuộc đời binh nghiệp

Lênh đênh khắp bốn phương trời

Những đêm ngồi trên boong lạnh

Cùng đồng đội ngắm sao trời

 

Tâm sự sẻ chia kỷ niệm

Về những ký ức tuổi thơ

Lòng tôi hướng về quê mẹ

Bao nỗi nhớ thương mong chờ…

Thành công và giá trị đích thực của thơ không nằm ở chỗ câu từ cầu kỳ, đọc lên nghe thật kêu mà là ở sự đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn tinh tuý và thể hiện được những ý tưởng lớn. Nói về vợ, Đặng Minh Hải viết:

Bao điều thiên hạ sợ

Sao dồn cả vào em

Nào sợ nắng không quen

Nào sợ mưa giăng lối

 

Nào sợ khi trời tối

Sợ chuột chạy qua đường

Sợ bất trắc tai ương

Em sợ và em sợ.

Nhưng đã làm vợ lính rồi thì:

Đó là chuyện xưa cũ

Em nay đã khác rồi

Dù mưa gió, nắng nôi

Quán hàng em bươn chải

Và bởi thế:

Trong lòng anh ấm áp

Mỗi khi nhớ về em

Như tiếp sức cho anh

Trên đường đời gian khó.

Hậu phương của người lính là vậy. Bài thơ có tính điển hình, khái quát. Những tình cảm ấy cũng bao la như biển cả và mênh mông như mặt nước. Tình cảm ấy làm nên sức mạnh người lính nơi đảo xa.

Và đây là bài thơ Tặng con gái tuổi lên 10. Cái cảm mộc mạc, chân chất nhưng ắp tràn tình thương:

Khi con sinh ra đời

Ba thời công tác vắng

Mình mẹ con tảo tần

Gắng hai sương một nắng

 

… Rồi mai sau khôn lớn

Chúc con đạt ước mơ

Nối nghiệp cùng ba nhé

Thỏa lòng mẹ mong chờ.

Đọc thơ Đặng Minh Hải hiển hiện lên cái tình. Đó là tình đồng đội, là tình yêu biển đảo, là tình yêu quê hương đất nước của người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Gian khổ hy sinh là thế, nhưng vượt trên tất cả là sự khát khao hòa bình, khát khao cống hiến và trách nhiệm đối với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

*

Thơ trước hết là cảm xúc chân thành trước cuộc sống. Cái tình tạo nên thơ. Thơ là nỗi niềm. Ngoài tâm trạng của người viết, điều nhất quyết không thể vắng thiếu đó là hàm lượng văn hóa, hàm lượng kiến thức, hàm lượng trí tuệ và một cảm quan rạch ròi trước thời cuộc. Thơ Đặng Minh Hải may mắn có điều đó. Cách viết trong Bức họa Trường Sa khá đa dạng, chân chất, mênh mang, nhiều bài có chất nhạc và không ít chỗ kiệm lời, khúc chiết. Nói ít tình nhiều. Đó không gì khác hơn là sự lịch lãm và quan niệm người viết. Đọc tập thơ, chúng ta ghi nhận tình cảm chân thật, mộc mạc của tác giả. Trong bộn bề công việc thường nhật, Đặng Minh Hải vẫn đam mê thi ca, vẫn dành thời gian cho môn nghệ thuật này, chỉ điều ấy không thôi cũng đã đáng được trân trọng.

Nguồn Văn nghệ số 32/2020


Có thể bạn quan tâm