March 29, 2024, 1:37 pm

Biện giải về bài báo “Cuốn sách tài hoa” của V.I.Lênin

Mở đầu và kết thúc bài báo Cuốn sách tài hoa, Lênin có viết những dòng như sau: “Đó là cuốn sách nhỏ của Ackendi Avecsenkô, một tên bạch vệ hằn học đến điên cuồng: Mười hai lưỡi dao đâm vào sau lưng cách mạng; Paris 1921. Quan sát xem lòng căm thù sôi sục đã tạo ra cả những đoạn đặc biệt hay và đặc biệt dở của cuốn sách đầy tài năng này như thế nào kể cũng thú vị… Theo ý tôi, một vài truyện đáng in lại. Phải khuyên khích tài năng”. (V.I.Lênin bàn về văn học nghệ thuật, Nxb Văn học nghệ thuật quốc gia, M 1960, tr.476,477).

 

 V.I.Lênin (1870-1924)

 

Nội dung bài báo này của Lênin phải được khai thác một cách hết sức thận trọng. Cần lưu ý rằng đây là ý kiến của Lênin về một tác phẩm đã qua, cho nên những kết luận trong đó không thể trực tiếp dùng làm phương châm chỉ đạo toàn vẹn cho việc sáng tác sắp đến của những nhà văn ngày nay. Đặc biệt hơn, đây là những ý kiến về một tác phẩm cá biệt có phần nào khả thủ của một tên bạch vệ, do đó lại càng không thể dùng cái kết luận đó làm phương châm chỉ đạo rộng rãi một cách phổ biến cho thế hệ nhà văn trước mắt. Cũng như có lần Lênin đã từng nói, có những người men-sê-vich, trong những trường hợp cá biệt, có thể có những ý kiến đúng hơn một người bôn-sê-vich, thì tuyệt nhiên không hề có nghĩa chủ nghĩa men-sê-vich là đúng đắn. Giữa phố biến và đặc thù, giữa quy luật và ngoại lệ, giữa tất yếu và ngẫu nhiên khoảng cách có khi trời vực. Đây chẳng qua là câu chuyện “đãi cát tìm

vàng”, “gạn đục khơi trong” mà thôi.

Trước hết, dễ dàng nhận thấy từ những ý kiến của Lênin không thể rút ra một sự đối lập giản đơn đại khái như thế giới quan Avécsenkô phản động nhưng Mười hai lưỡi dao đâm vào sau lưng cách mạng lại tốt được. Sự thực là Lênin cũng vạch rõ, thế giới quan phản động của  Avécsenkô vẫn thể hiện trong sáng tác:

Lòng căm thù sôi sục đã tạo ra cả những đoạn… đặc biệt dở… Chẳng hạn như truyện miêu tả đời riêng của Lênin và Trôtxki. Hằn học thì nhiều, nhưng chỉ có điều lạ không giống thôi ngài công dân quý hóa Avécsenkô ạ!… Và những ấn tượng, những tâm trạng của kẻ đại diện cho nước Nga cũ của bọn địa chủ, bọn chủ xưởng giàu có, phì nộn và nô lệ đã được miêu tả với một tài năng kì lạ… Tuy nhiên, tác giả chỉ đạt đến cảm hứng thực sự khi nói về việc ăn uống… tác giả tả những cái đó với một khoái cảm trực tiếp…” (Sdd, tr.476)

Và cuối cùng, đối với tập có mười hai truyện này, Lênin chỉ nói “một vài truyện đáng in lại”. Như thế có nghĩa là, về cơ bản, tuyệt đại bộ phận Mười hai lưỡi dao đâm vào sau lưng cách mạng sẽ “có lợi cho ai” đã rõ.

Vấn đề chỉ còn lại ở “một vài truyện đáng in lại” mà liên hệ với ý của Lênin đang ở đoạn mở đầu thì chắc là “đặc biệt hay” này. Nhưng có phải vì chỗ khả thủ của Avécsenkô là do nghệ thuật điêu luyện của y? Có một phần, nhưng không phải là căn bản. Đúng là Lênin có dùng những từ và câu: “Cuốn sách tài hoa”, “được miêu tả với một tài năng kỳ lạ”, “có những truyện thực là tuyệt diệu”, “phải khuyến khích tài năng” v.v… Nhưng đây chỉ là ngọn, chỉ là kết quả, còn cái gốc tài năng của Avécsenkô, theo Lênin là ở chỗ khác, ở sự hiểu biết và nhiệt tình do xúc cảm mãnh liệt đưa lại. Lênin viết: “Lòng sôi sục căm thù đã tạo ra cả những đoạn đặc biệt hay… Khi tác giả viết những truyện ngắn của mình về đề tài mà y không hiểu biết thì nghệ thuật tồi… Tôi xin đảm bảo với ngài (chỉ Avécsenkô-P.L.) rằng, trong mọi việc, nghĩa là kể cả trong đời tư, Lênin và Trôtxki đều có nhiều khuyết điểm. Chỉ có điều là muốn miêu tả họ cho tài tình phải hiểu biết họ. Mà anh thì lại không hiểu biết họ… Điều y hiểu biết, đó chính là điều y đã trải qua, đã cảm xúc, ở đó y đã không phạm sai lầm. Sự hiểu biết công việc và sự chân thành quả là dặc biệt”. (Sdd, tr.476,477)

Đến đây chúng ta có thể rút ra kết luận sơ bộ hoàn toàn phù hợp với nguyên lý mỹ học mác-xít. Trong việc sáng tạo nghệ thuật, lập trường chính trị là quan trọng nhất, nhưng không phải là duy nhất, ở đây còn có vốn sống, tài năng nghệ thuật, và bao trùm lên cả là nhiệt tình và hiểu biết còn có tác dụng và ý nghĩa độc lập tương đối của nó. Phủ nhận mặt này sẽ dễ đồng nhất nghệ thuật với chính trị. Thổi phồng mặt này, nâng nó lên thành tác dụng và ý nghĩa độc lập tuyệt đối như thế là phi chính trị. Lập trường chính trị của Avécsenkô là phản động do đó tuyệt đại bộ phận Mười hai lưỡi dao đâm vào sau lưng cách mạng cũng phản động. Nhưng ở một số khía cạnh cụ thể, do Avécsenkô có nhiệt tình và hiểu biết dồi dào mãnh liệt, cho nên còn có chỗ khả thủ nhất định nào đó. Điều này có thể tin được ít ra là qua sự so sánh sau đây: Nếu một Avecsenkô phản động mà lại ngu xuẩn, vô văn hoá chỉ viết ra toàn những thứ hằn học, chửi đổng, thì thế tất phải vứt đi sạch. Nhưng cũng không phải bất cứ sự hiểu biết nào, nhất là không phải bất cứ nhiệt tình và sự chân thành nào do cảm xúc mãnh liệt của hắn đưa lại cũng có nhân tố khả thủ cả. Tùy theo loại đề tài. Cứ xem những thí dụ mà Lênin nêu ra thì đó đều là những đề tài ít trực tiếp chĩa mũi dùi vào cách mạng mà chủ yếu là nói đến những sự việc ít nhiều khách quan bên lề của cách mạng, hoặc nói về thân phận của giai cấp hắn với âm điệu ngậm ngùi than vãn…

Lênin bảo “một vài truyện đáng in lại”, có lẽ là hai truyện mà Người có hứng thú nêu ra làm thí dụ này. Dĩ nhiên ở những truyện này, không phải Avécsenkô có chút gì đồng tình và thiện cảm với cách mạng. Duy chỉ có điều chỉ vì nỗi căm hờn của y ở đây không được mài sắc và không chĩa mũi dùi trực tiếp, cho nên vẫn giữ được tính chân thực của nó. Và một khi có ít nhiều tính chân thực thì có thể trở thành tiền đề cho sự ghi nhận theo cách nhìn và quan điểm của chúng ta. Về điểm này Lênin cũng đã có phân tích: “Những ấn tượng, những tâm trạng của kẻ đại diện cho nước Nga cũ của bọn địa chủ, bọn chủ xưởng giàu có, phì nộn và no nê, đã được miêu tả với một tài năng kỳ lạ. Cách mạng là như vậy, chính là phải hiện ra như vậy đối với bọn đại diện của các giai cấp thống trị (nhấn mạnh – P.L)” (Sdd, tr.476)

Nghĩa là không ai nói thay được một cách thấm thía và sát thực sự thật như thể bằng chính bọn thống trị đã bị lật đổ. Dĩ nhiên đó là điều mà Avécsenkô và bè lũ không ngờ đến nhưng lại “có lợi” cho chúng ta, nếu biết nhìn đúng đắn…

Những vấn đề chính trị gay gắt còn như vậy, huống chi những vấn đề khía cạnh trong văn học như sáng tác của Avécsenkô là điều không phải không quan niệm được… Dĩ nhiên, xin được nhắc lại, không nên tuyệt đối hóa tác dụng và ý nghĩa tương đối độc lập của nhiệt tình và hiểu biết trong tác phẩm của Avécsenkô để đi đến chỗ phủ nhận tác dụng của thế giới quan trong sáng tác, bởi vì như đã phân tích, nội dung cuốn sách của Avécsenkô, theo ý kiến của Lênin, là phản động về cơ bản. Ngay một vài chỗ khả thủ là có điều kiện và rất hạn chế.

Ngược lại, cũng không nên né tránh hoặc cho rằng bài báo Cuốn sách tài hoa của Lênin là ngẫu nhiên, không có ý nghĩa lý luận nào cả. Nên có thái độ trọng thị toàn diện với tất cả các ý kiến của tác giả kinh điển. Lãnh tụ chỉ phát biểu những việc dù nhỏ, nhưng vẫn có ý nghĩa lô-gic khái quát nhất định nào đó.

Kết luận tích cực về bài báo Cuốn sách tài hoa, theo chúng tôi, là phải được rút ra trong một dạng nghịch lý như sau: Tác phẩm của một tên phản động dù được viết ra với một nhiệt tình và sự hiểu biết mãnh liệt và dồi dào thì chỗ khả thủ cũng rất hạn chế. Với quan niệm làm tiền đề và cơ sở như vậy thì lật ngược trở lại là, chính chỗ khả thủ hạn chế đó, từ góc độ của nó, lại góp phần khá mạnh mẽ cho việc xác nhận nguyên lý mỹ học Mác – Lênin về tác dụng và ý nghĩa tương đối độc lập của nhiệt tình và sự hiểu biết trong sáng tạo nghệ thuật.

Kết luận vừa không giản đơn vừa không phi chính trị như vậy, không những sẽ làm cho người sáng tác vẫn phải kiên trì lập trường chính trị đúng đắn của mình đồng thời lại phải ra sức rèn luyện vốn sống và vốn văn hóa, hơn nữa cũng sẽ có ý nghĩa nhất định cho việc nghiên cứu phê bình các tác giả có phần lạc hậu trong quá khứ cũng như cho việc đấu tranh văn hóa với địch hiện nay.

Đối với những tác phẩm lạc hậu hoặc phản động ở quá khứ cũng như hiện tại, nói theo cách phân tích Lênin, phải nhận rằng chúng rất có thể có một sức hấp dẫn nghệ thuật nhất định, nêu tác giả của nó trong một số khía cạnh đề tài hạn chế nào đó, đã miêu tả với một nhiệt tình và hiểu biết mãnh liệt và dồi dào. Cần thiết thừa nhận như vậy, vì trước hết đó là sự thực. Hơn nữa thừa nhận như vậy – dĩ nhiên là không dừng lại ở đây mà phải tiếp tục suy nghĩ them theo quan điểm của chúng ta – cũng sẽ có lợi cho việc cảnh giác đấu tranh cũng như việc gạn đục khơi trong của chúng ta:

Thứ nhất, những chỗ mà các tác phẩm ấy được miêu tả một cách nhiệt tình và hiểu biết dồi dào sẽ giúp chúng ta cảm thấy được cụ thể hơn cuộc đời và tâm trạng của những lớp người lạc hậu và phản động ấy – một điều mà các nhà văn cách mạng chúng ta không phải không thể, nhưng cũng không phải dễ dàng biểu hiện được.

Thứ hai, nhưng ngược lại, đồng thời cũng giúp chúng ta nâng cao cảnh giác với phần phản động cơ bản còn lại của loại tác phẩm ấy, không vì sự hấp dẫn nghệ thuật bộ phận mà buông lỏng với tác hại toàn bộ của nó.

Nguồn Văn nghệ số 21/2020


Có thể bạn quan tâm