March 28, 2024, 3:30 pm

Biến đổi khí hậu

Chỗ làm việc vốn là cái hội trường, giờ ngăn ra thành các cabin với bàn tủ, máy tính, ghế lăn. Dù nội quy bảo đi nhẹ, nói khẽ, vui không hô hố, bực đừng văng tục, nhưng vẫn giống cái chợ. Cho nên sáng nào ngồi vào “hang” của mình, Ngôn cũng sướng âm ỉ. Được riêng tư hơn đã đành, càng sướng khi cảm giác an ổn bò lại rất chậm, chỉ chục ngày sau khi gã đã “chấp nhận số phận”.

Trung tâm Tư vấn - Giám sát dự án của Ngôn và phòng Tư vấn - Giám sát dự án cùng một viện, tên tuổi suýt soát, nhiệm vụ ghi trên hồ sơ y như đúc, nhưng cáng đáng những chức năng xa nhau thăm thẳm. Phòng khai sinh trước, sếp viện, vì nợ quan hệ trên đường tiến thủ, phải nhận tinh người đâu đó gửi gắm, gọi là “vườn trẻ”. Cái giống được chăm bẵm, không thạc sĩ tâm lý cũng tiến sĩ ngôn ngữ, đâm lợi khẩu mà cớm ròn, dễ gãy.

Thế là trung tâm tòi ra, rặt kỹ sư nhưng miệng nói tay làm chân chạy rất thiện chiến. Từ cấp Nhà nước, bộ đến tổng cục, dự án rơi xuống, tới tấp và đủ loại, phải có người nhòm thầu, theo dõi thi công, tăm tia ra cái gì không can ngăn được thì huýt còi, lập biên bản... Chả đã có ca dao phản động 'bên Bê là chùm khế ngọt, bên A trèo hái suốt đời' là gì, vắng tay đứng giữa cảnh giác cách mạng thì thuế dân vẫy vùng vào túi riêng ngay ấy chứ. Thời buổi toàn dân làm kinh tế, cánh thi công lại quả chủ đầu tư thường “khiêm tốn”, chẳng rượu tây tranh đẹp mà chỉ phong bì “nói ít hiểu nhiều”.

Nhưng cuộc đời đâu chỉ A và Bê. Vô số Xê đứng giữa, chập chờn đánh võng, thoắt ẩn thoắt hiện đúng lúc đúng chỗ. Tư vấn giám sát nằm trong đó, ngày trời đẹp mà họ không “vui” thì đừng nghĩ đến nghiệm thu công trình, tỷ tỷ đã nuốt mắc trong họng hóa ung thư.  Bởi thế hôm ra mắt, sếp lớn bé cỡ nào cũng giao nhiệm vụ “Các đồng chí là tai mắt của lãnh đạo, giúp ngân sách khỏi thất thoát, giữ lòng dân khỏi mất lòng tin”.

 

truyen du thi: bien doi khi hau hinh anh 1

Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú.

Chuyện, bên ta người thực việc thực, còn “vườn trẻ” chỉ lo êm ấm cho hậu phương người chuyên công to việc lớn. Chục mống trẻ đẹp sang trọng ấy nếu lấy thời gian làm lãi, cần cù dưỡng lão đều đều lên lương, mười lăm năm cầm chắc cái chuyên viên. Còn bên này phải tác chiến tận nơi, mắt cú diều soi từ thanh sắt móng đến núi đất đào lên đáng bao khối, mũi đánh hơi ra mùi lạ là hạch hỏi. Bèn được gọi là “trung tâm Vấn Sát”, hỏi trước giết sau hay giết trước hỏi sau rất tùy vào “hoàn cảnh”. Dự án thì trên trời đã định rồi, bao nhiêu gỉ gì gi mới được từng nấy chữ ký thông qua, xuống đến đây khảo đả dã man hay khoan dung nhân đạo, thuộc cấp phải nhìn ra những luồng lạch chả bao giờ có hình thù, để mà khả dĩ tồn tại.

Hơn nữa, là mới được miếng. Trung tâm tự dưng chia đôi trận tuyến, hai phó cầm đầu. Mỗi bên lại tụm lại thành khối trong phòng lớn, gọi “thầm” là “tay phải” “tay trái”. Sếp cả, luôn luôn bay lượn trên cùng, phương hướng chả biết đằng nào mà lần, phân phối những đường chuyền có thể ghi bàn ngoạn mục hoặc bị vặn lưng để “bóng” trôi mất rồi cắn răng nghe chửi. Dự án cỡ nghìn tỷ, kỹ sư giám sát chả cần bặm môi trợn mắt, chỉ “nghía” và đánh rơi những lửng lơ: “Khối lượng san nền lớn quá phải đo đạc cẩn trọng”. “Chúng ta thống nhất nguyên tắc làm việc là nghiêm túc nhá, tình riêng gác lại đừng trách tôi giám sát chi li”. Thế thôi, đủ để “khế ngọt”, thi thoảng cả bên “trèo hái” nữa - khắc “lễ độ”. Khoản lại quả bao giờ cũng bí mật nhưng ăn chia rất có nguyên tắc: Kỹ sư nộp cả cho sếp phó trực tiếp, nhận lại phần mình, còn lại “lên” đến đâu, theo kiểu cách nào thì đừng thắc mắc. Vả, người làm trực tiếp, tại hiện trường đầy gian khổ cũng chả đi đâu mà thiệt. “Bên em rất quý anh, tác phong sâu sát lắm, mời anh chị đi du lịch một chuyến”. Được quá đi chứ, chú, dù là Bê phẩy phẩy, có lòng sao anh phụ được.

Lại không ít xương xẩu, gọi là “hẻo”, đều rơi vào những dự án mang tên sang trọng. Đề tài khoa học “Tính toán tối ưu để mở tuyến giao thông”, hội thảo quốc tế “Về sự khác biệt (thực ra là vênh nhau) giữa quy hoạch và thực tiễn”... bay lượn trên truyền hình rất chi hoành tráng nhưng chỉ vài trăm triệu. Bao giờ cũng là một nhóm giảng viên tiến sĩ làm, miếng đến miệng chả còn là mấy, mà cách lũ trí thức lại quả mới ngạo mạn chứ. Nên chỉ được phân loại “bóng” này, “phải” “trái” phải biết đường lật cánh ngay. Mỗi lần có đợt dự án bổ về là một đại chiến, hai sếp phó chỉ huy nhóm mình mưu mô, chạy đi chạy lại phần phật. Trung tâm như con tàu trong cơn biển động, sếp cả ngồi cabin lái cười hiền hậu.

* * *

Ngôn, chả biết may hay chó cắn áo rách, chả thuộc phe nào. Lớn đầu vào loại nhất trung tâm nhưng kém hẳn đường khôn, gã cứ đơ đơ, “điếc” đặc khi có chiến sự. Sếp thượng đỉnh, cấp trung gian đã đành, các sếp trực tiếp chả mong gì được gã thăm viếng dịp tết nhất, sinh nhật. “Đến nụ cười nó còn tiếc”, có câu mát mẻ vậy. Mà “cơ sở” cũng đến là thính, với gã giám sát chỉ biết có nguyên tắc này đều bỏ qua, chạy phát đến cửa cần thiết. Được cái Ngôn rất biết phận, ra mù với điếc hẳn khi họ “quên” mất mình, có “lễ độ” cũng rất gọi là.

Dầu gì, Ngôn có vai trò của mình. Chuyên môn đủ mạnh để nhìn ra khuất tất, thường hiện lên dưới dạng “non kém”, đặng “người liên quan” biết đường tránh. Gọi ra những khoản chi quá vô lý dễ đưa ai đó vào lao lý, rồi dừng lại không đọc vị. Dù vậy, gã chỉ được chia những dự án đã nát bét ra rồi, kiểu bọn báo chí đánh hơi có mùi, cần thằng tư vấn có bản mặt “tin được”. Khôn sống mống chết, đến giờ gã chưa chết là phải có miếng. Chúa nào cũng thế, ngoài nịnh cũng cần trung chứ, gai mắt nhưng bỏ nó đi thì giang sơn vững bền thế nào. Như vài tên “chẳng trái đéo phải”, Ngôn không được chọn chỗ trong “thuyền”. Cabin gã ngồi khuất nẻo, xa hẳn điều hòa tổng, nóng hay lạnh quá là lãnh đủ. Ban đầu gã căm hờn sự biến đổi khí hậu trên Trái đất, dần lại thích: Yên tĩnh, xa hẳn chiến sự, đỡ thị phi. Chả trách Tôn đại thánh khi bị nhốt vào lò bát quái đã chọn cung Tốn, ngập ngụa khói đỏ cả mắt nhưng đỡ hẳn xì-chét.

Tuần trước, nhân viên mới về, tên Mai, mắt mũi trong veo hồn nhiên như cô tiên, khai mới ra trường xin các anh chị chỉ bảo. “Thế em con ai trên ấy, hay được ông nào giúp?”, thì: “Bố em nông dân trên Thái, nhà còn mấy sào chè các cụ muốn giao nhưng em bảo con chịu thôi”. “Nông dân như em thì đi Mẹc hay Bi (1)?”. “Em Uây-tầu (2) ạ. Trên em có nhà cưỡi E-bờ-lết (3) đi lĩnh tiêu chuẩn hộ nghèo đấy”. Những đối đáp ngộ nghĩnh biến cô gái thành Mai “ngơ”, để phân biệt với Mai “ba sáu”, đặt theo biển số xe tỉnh quê nhà. “Ngơ đáng phải sang “vườn trẻ” chứ”. Lại có người bảo “Khôn dóc tổ, giả chết bắt quạ đấy”. Kinh nhất là câu “Biết đâu vừa tốt nghiệp trường công an đi giám sát bọn giám sát”. Chung cuộc, sếp cả và hai sếp phó nhất trí xếp Mai vào phe lơ lửng con cá vàng, ngồi gần Ngôn. Đơ đơ chung chiến tuyến với non tơ, chả  biết bao lâu và có hợp nhưng tha hồ chơi game và rì rầm “buôn” những giời ơi đất hỡi.

* * *

Sáng nay oi bức, lại thêm độ ẩm cao (đài bảo thế), ai ai đều nhơm nhớp. Điều hòa tổng chạy hết mức mà phòng lớn dễ tới trăm độ. Không khí đầy điện đụng nhẹ có khi tóe lả. Có con cá lớn rơi xuống, dự án khu tái định cư thủy điện ở Miên Du, riêng phần nền móng, đường sá..., gọi là “hạ tầng” đã cả trăm tỷ. “Trái” hay “phải”, phe nào được làm, ngoài phần cúng lễ lên trên, còn lại chia nhau là có thể tổng kết “thầm” thu nhập bằng 200% so cùng kỳ năm ngoái rồi. Chiều thì họp toàn trung tâm để quyết định việc ấy, nên khí hậu càng quay quắt, xộc mùi binh đao.

“Lân ai trực nhật, ấm chén còn bã thế này?”. “Con Mai ạ”. “Đứa nào kho cá đây, không nhận tao vứt toa-lét”. “Mai “ba sáu” hay Mai “ngơ”?”. “Ơ sao lại em. Con kia mới về phải làm chứ”. “Thôi thôi để tôi đem ra chỗ hút thuốc”. “Mai “ngơ” nó ngồi trong góc điếc rồi, mày ra mà bảo”.

Mai “ngơ” giờ mới đến, chả biết đường nhận lỗi còn toe toe “Đường kinh quá, chỗ gì tắc như lùa cả đàn trâu qua”. Lúc sau, cả căn phòng lan tỏa mùi chua thanh thanh, rất nhẹ nhưng đủ để dìu dịu nước dãi. Bàn to ở giữa có bịch nylon lớn hở miệng, “phó” của phó “phải” đến nhòm nhòm ngửi ngửi. “Quả gì đây, của đứa nào?”, truy một lúc thì Mai chạy ra nhận. “Cái gì cơ, quả chay á, tên quái gì tao chưa biết nhỉ”. Đến khi đống quả tãi ra thì cả chục người quây lại. Xanh vàng lốm đốm, có chỗ hồng ưng ửng, mắt mấu lồi lõm bóp nhẹ đã vỡ, ruột phơi ra trong trong nhìn thấy hột, tỏa mùi càng mạnh. “Ô, cả chùm này, có lá nhá, để thắp hương”. “Nhưng biết ăn được không mà mời các cụ”. Rút cục thì các cụ được ăn. Phòng điều hòa khói nghi ngút, “trái” “phải” - hai phó đứng ngang hàng, nghiêm trang khấn như đội vệ binh danh dự. Chắc chắn rồi, bên nào cũng xin được làm, “cá” chỉ mỗi, các cụ xơi khéo hóc hạt chay. Biết vậy mà đố đứa nào dám cười, xong cùng phớ lớ hưởng lộc.

“Eo ôi nó có lông lại mọc bướu ghê ghê là”. “Nhưng mà ăn được đấy, đây quả này ưng ửng như má em là ngọt lên rồi”. “Ừ chua chua thanh thanh nhưng lại có hột”. “Thế nhè ra đây”... Một đôi câu nhau được dịp đây nũng nịu đấy dỗ dành.

“Chay tê-e-rờ hay xê-hát nhỉ? Mà chả biết cây với hoa thế nào”. Mai “ba sáu”, vốn bên “trái”, thắc mắc, liền được sếp “phải” thân thiện bài thực vật học: “Cây này giờ ít người biết chứ trước đây ối, sau nhà tớ mọc cả đồi. Cao đến 10m, bóng rậm mà to. Hoa ra tháng mấy không nhớ, quả mới đầu xanh rồi sang vàng vàng đo đỏ, nấu canh chua rất mát. Bà tớ hay ngâm nước gạo, phơi khô rồi thái lát  ăn dần. Nhưng cái tác dụng nổi tiếng nhất của chay, khéo đây chỉ có bố này biết”. Sếp “trái” bị chuyền “quả đểu” không chút lúng túng: “Dào, vỏ cây để ăn trầu, trầu cau trầu vỏ ấy. Ngoài chợ thường bán từng khúc rễ chay, không có thì rễ chạch, cả quế nữa, các cụ mua về, thêm miếng cau, tý thuốc lào, vôi tôi, lấy cái lá trầu không gói lại, gọi là têm, ngày đông nhai nóng sực cả người, thế đúng chưa cụ?”. Lạ chưa, hai đầu chiến tuyến trước giờ nổ súng lại tung hứng tưng bừng, khéo hòa hợp hòa giải dân tộc rồi ôm nhau chùn chụt được.

Nhưng “quần chúng” vô tư chả để ý đến sự tình này, dẫn câu chuyện sang những nẻo tít tắp. “Thế môi ăn giầu cắn chỉ là thế nào?”. “Các cụ nhà sang thì có cái ống nhổ đồng, để trong xó vẫn hôi, không thì cứ bạ đâu nhổ đó, quết đỏ hoen hoét như đàn bà có tháng”. Thơ ca cũng được lôi ra “Thản nhiên chị vứt bã trầu, thản nhiên em nhặt bã trầu lên ăn”, cho thấy đời sống tinh thần phong phú nhường nào. Rồi dào dạt hoài niệm về cội nguồn, các cụ sống đơn giản, chân phác thế mới là sống chứ, đâu như ta bị dốt trong nhà bêtông, đi làm hít khói bẩn, đến cơ quan nào được thở không khí tươi.

“Trung tâm mình thương nhớ đồng quê vui ghê. Chả mấy khi. Đi ăn cơm niêu đập nhá, chạch đang mùa béo, kho tiêu” - một giọng nữ vút lên. Hưởng ứng nhất loạt. Người khác bổ sung nhưng mà “căm-pu-chia” hoặc “lệ quyên” đấy, nghĩa là giả tiền đều để khỏi nợ nhau mà còn có những lần sau. Nhất trí cao vòi vọi. Sáng kiến này đáng nhận Nô-ben hòa bình, dù hòa bình giờ cơm trưa thôi. Các cô chạy vội vào toa-lét, lúc ra sột soạt, thơm phức. Phó “trái” và “phải” không nhìn nhau nhưng đều nghiến răng thế này là phù thủy không trị được âm binh rồi.

* * *

Ngôn không đi. Chả thích cái vui này, không đến nỗi giả tạo quá nhưng không thể hết mình trước cuộc sát phạt. Chiều nay, mở đầu thể nào sếp cả, có thể là cả của cả, sẽ ca nửa tiếng về mục đích ý nghĩa công trình ở Miên Du. Cái tên lãng mạn thế này là hứa hẹn lắm. Là một bước tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa cho nước nhà. Đồng bào các dân tộc ở đây rất tốt, trong chiến tranh đã đùm bọc một chiến khu giờ lại sẵn sàng hy sinh nơi cư trú cho con hồ sắp lên, đóng góp vào dòng điện của tổ quốc. Và thế cho nên..., do đó mà...

Rồi “trái” sẽ bảo “phải” có kinh nghiệm gì về công trình miền núi đâu. Chiều ngược lại: “Thì các anh tính cái thủy điện kia giỏi quá giờ mùa lũ không có nước chạy tua-bin”. Nhưng gì thì gì “cầu dao tổng” chưa phát nổ. Sẽ có “diễn biến hòa bình”, hai phe thăm hỏi sức khỏe các cấp tại nhà, chạm nhau chưa biết chừng. Dân xứ ta ham công tiếc việc là thường, nhưng điều này chả thấy ghi trong truyền thống bao giờ: Cứ phải xin việc trong âm thầm, lấy bí mật làm chìa khóa thành công.

Đi lấy nước sạch chỗ máy lọc cuối phòng, Ngôn thấy còn người nữa. “Ơ Mai không đi à. Ăn chung vui thế kìa...”. Cô gái hết sức lúng túng, miếng nhai như nghẹn lại, một lúc mới “Em chả có tiền. “Cam-pu-chia” nhỡ ra có ai gọi bia hay thêm món”.

- Tưởng gì. Lệ là ai gọi thêm nấy giả. Mà không có túi chay của em thì lấy đâu ra cuộc vui này.

- Thực ra..., mới lại..., em ngại thế nào. Em biết đùa đâu, nhỡ đang ăn lại bị tương “Mai “ngơ”. Không phải chỗ của mình.

Ngôn sững lại. Chả “ngơ” tý nào. Nhạy cảm là đằng khác. Ơ hay tự nhiên chảy nước mắt là sao, cô này...

“Nhà em chính ở Miên Du, đúng vùng di dời thủy điện. Chả ai muốn đi đâu nhưng tỉnh, huyện, xã rồi đủ mọi đoàn thể xúm vào. Cái khu tái định cư, nơi trung tâm mình sắp làm tư vấn ấy, chả biết sẽ đẹp đẽ thế nào, nhưng làm gì có nước. Đồi trọc lóc cây bụi không lên nổi mà họ bảo trồng cây lúa thì tuyệt vời. Bố em đi tiền trạm phát biểu các anh xây thử cái bể trên đầu thôn mới nếu có nước thì tôi làm con chó ăn cứt, xong mất luôn đảng viên với trưởng thôn”.

“Làng giờ như tổ kiến bị dội nước. Có tiền đền bù, xây nhà mua xe đấy nhưng hút hít với xuống phố làm cave nhiều lắm. Vẫn phải giữ ruộng chỗ cũ, về chỗ mới làm gì ra cái ăn. Cây chay này lớn lắm, em đi về từ xa đã nhìn thấy, bố bảo mộ ông bà còn phải bỏ, thì tiếc mà làm gì, nhưng mang ít quả đi cho các anh chị trong phòng nếm chơi chơi”.

“Ối ối em nói gì thế này. Anh bỏ qua đừng phô ai kẻo em thành con phá hoại rồi mất việc em gái em phải xuống phố trăm lậy, nghìn lậy anh”. Đoạn cuối bỗng diễn ra như phim sến khiến Ngôn bỏ đi. Vẫn phải quay lại: “Em cứ yên tâm, anh nói ra nó cũng thành chuyện bịa. Chuyện người ta sắp bịa ra mới là thực kìa”. Đằng sau gã, Mai rũ ra như con chim ướt cánh, sinh mệnh thế mà lại có thể mỏng manh nhỉ. Đằng sau nữa rộn ràng cười nói. “Ăn trưa đại đoàn kết” đã thành công. Chiều giương cung bạt kiếm, Ngôn sẽ im phắc ra điều nhất trí cao như mọi cuộc, hay là làm gì hay là chẳng làm gì?

Nguồn Danviet


Có thể bạn quan tâm