March 28, 2024, 8:39 pm

Biển dậy sóng trong thơ

 

Trong suốt hơn 45 năm qua (1974-2019), những sự kiện liên quan đến biển Đông, đến Hoàng Sa và Trường Sa đã luôn luôn có mặt trong thi ca Việt Nam đương đại và có thể nói rằng, các nhà thơ chính là những người đầu tiên ghi lại bằng cảm xúc văn học những nỗi đau và khát vọng hoà bình của dân tộc ta về biển đảo của Tổ quốc.

Biển Đông qua tranh vẽ của thiếu nhi Việt Nam,. Ảnh Inernet

Từ xưa đến nay tình yêu Tổ quốc, tình yêu đất nước luôn là nguồn cảm hứng lớn trong thi ca của những nhà thơ Việt Nam yêu nước. Điều cốt lõi khiến những bài thơ về Tổ quốc, đất nước có thể đi vào lòng người là nhà thơ phải có được cảm xúc thật sự đối với tình yêu lớn lao đó, điều ấy không chỉ nằm ở khía cạnh ngợi ca mà còn phải nhìn nhận sâu sắc hơn ở góc độ tự sự và chiêm nghiệm của một nhà thơ. Viết về biển đảo của Tổ quốc, chúng ta không thể vay mượn cảm xúc của những rung động khác, của những trải nghiệm khác để đưa vào thơ mình. Điều quan trọng, nhà thơ phải phát hiện được những tứ thơ có tính sử thi, có tính tráng ca bi hùng khi viết về đề tài Tổ quốc.  

Một trong những trường ca đầu tiên viết về biển và Trường Sa là Trường ca Biển của nhà thơ Hữu Thỉnh. Những câu thơ đầy ắp những cảm xúc trải nghiệm của ông được biểu đạt dưới các chiều kích của suy tưởng. Thơ viết về biển của nhà thơ Hữu Thỉnh như từng trang cát, lật lên thấy dưới đó từng đợt sóng mặn mòi vì thấm máu bao người lính đã hy sinh để giữ gìn biển đảo quê hương:

Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình

Đảo có lính cát non thành Tổ quốc

Đảo nhỏ quá nói một câu là hết

Có gì đâu chỉ cát với chim thôi

Cát và chim và thêm nữa chúng tôi

Chúng tôi lên với áo quần ướt át

Với nắng nôi muối xát thân tàu

Đảo hiện ra thử thách bạc màu

Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc

Gần ba chục năm sau, vẫn chủ đề về biển Đông, bài thơ Cát thờ của ông lại thêm lần nữa rung động những trái tim yêu nước với hình ảnh những người dân chài xứ Quảng trải bao hiểm nguy vượt biển ra Hoàng Sa khẳng định chủ quyền đất nước:

Bạn xông nhà cho quà bằng cát

cát Hoàng Sa vằng vặc mây xưa

Tôi đặt lên bàn thờ

vời vợi cát trùng dương vời vợi biển

 

Tôi thờ thuở hồng hoang đất nước

đảo bàng hoàng đội biển nhô lên

đảo non bấy sinh ra từ mẹ biển

Trời đặt tên

Đất Việt

Chủ quyền

*

Có lẽ đến nay, Trần Đăng Khoa là một trong số ít nhà thơ viết thành công về Trường Sa - quần đảo bão tố, nơi những người lính đang phải ngày đêm đối mặt với hiểm nguy, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo về từng tấc đất, từng thước biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay trong bài thơ đầu tiên viết về Trường Sa đầu những năm 80 của thế kỷ trước-bài Thơ tình người lính biển có thể nói với cái nhìn tiên tri của nhà thơ, Trần Đăng Khoa trên quần đảo này đã thấy trước cuộc chiến bảo vệ Trường Sa sẽ rất khốc liệt ngay trong thời điểm:

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng

Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng

Biển một bên và em một bên

 

Vòm trời kia có thể sẽ không em

Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ

Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên...

Trong bài thơ tình da diết nói trên, chợt bất thần xuất hiện hai câu thơ găm vào trái tim người đọc như một tỉnh thức, như một dự báo về một cảnh giới của chiến tranh làm chúng ta nhói đau và không thể nguôi yên: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng”.

*

Năm 1988, sau trận hải chiến tại đảo đá Gạc Ma với quân Trung Quốc khiến 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, bài thơ Gửi quần đảo Trường Sa của nhà thơ Đỗ Nam Cao đã như khắc tạc “Dáng đứng Trường Sa” vào nỗi đau bi tráng trong tâm hồn người đọc qua hình ảnh người chiến sĩ hải quân đã phất cao lá cờ Tổ quốc dưới mưa đạn quân thù:

Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn

Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô

Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực

Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra

 

Các anh chết làm gì có mộ

Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn

Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng

Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc giữa trùng dương

*

Còn với tôi, một kỷ niệm vô cùng xúc động không thể nào quên trong chuyến đi công tác Trường Sa năm 2016 theo lời mời của Quân chủng Hải quân, tôi đã cùng với các chiến sĩ “đầu đội trời, chân đạp sóng” hát vang bài ca Tổ quốc nhìn từ biển phổ thơ của tôi trên quần đảo bão tố:

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

 

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Trong bài thơ trên có đoạn thơ sau: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không”. Tôi nghĩ rằng, trong tâm hồn mỗi nhà thơ chúng ta hôm nay, nếu không trào dâng lên ngọn sóng thi ca yêu nước ấy thì làm sao thơ của chúng ta có được sự cộng hưởng tri âm từ hàng triệu người đọc.

*

Điểm qua những bài thơ viết về Hoàng Sa, Trường Sa trong mấy chục năm qua để thấy rằng, trong những bài thơ như thế, phẩm chất thi sĩ và tài năng của người viết phải được huy động tối đa để dồn mọi trí lực cho sự sáng tạo. Hiện nay, văn học về đề tài biển đảo của chúng ta đang có nhiều chuyển động vào giai đoạn cao trào với nhiều sáng tác khá ấn tượng về Hoàng Sa, Trường Sa. Và tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, đề tài về biển đảo sẽ còn khơi gợi những cảm hứng bất tận cho người cầm bút bởi sứ mệnh lớn lao của một nhà thơ yêu nước là phải có các tác phẩm đến được với trái tim nhiều triệu người, để nói lên tiếng nói của thi ca yêu nước và khát vọng hoà bình - độc lập- tự do của dân tộc Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 37/2019

 


Có thể bạn quan tâm