April 25, 2024, 3:18 pm

Biển chiều. Truyện ngắn của Trường An

Thuộc thế hệ 8x, Trường An dường như già hơn tuổi bởi những trang viết dày dặn trải nghiệm về những nhân vật lịch sử. Người An rất mỏng, ngỡ như chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ thổi bay cô nhưng tác phẩm thì vững chãi, trĩu nặng. Cô gái mỏng và nhẹ như làn khói ấy đã chất cao hơn đầu cô những tiểu thuyết mình viết ra: Vũ tịch, Ngoài bờ đông là mặt trời, Hồ Dương (hai tập, 1440 trang), Thiên nhạc, Tống thị,  Thiên hạ chi vương, Nam phương biên thảo... Tôi không quá lời khi gọi nàng là nữ hoàng tiểu thuyết ngôn tình triều Nguyễn. Dựng nên những nhân vật phức tạp và biến ảo ngoài sự thấu cảm, tình yêu mãnh liệt còn phải có tài năng. Bình thản trước khen chê, Trường An chừng mực và sòng phẳng với chính mình: «Là người luôn muốn giữ tình yêu đơn thuần với tri thức và lịch sử. Tin rằng tìm hiểu lịch sử cũng là cách để nhìn nhận chân xác bản thân và cuộc sống; và viết là cách để đối thoại, phản biện, hiểu sâu sắc hơn các vấn đề».

Biển chiều chỉ là một gợn sóng nhỏ trong biển tác phẩm của An nhưng muối mặn nước mắt “nàng” sao ngấm sâu vào lòng ta đến thế...

(Trầm Hương)

Sau này, khi nhớ về nàng, ông lại nghĩ đến biển. Biển và những con sóng trắng cuồn cuộn xô vào đá. Những con thuyền nhỏ trôi như chiếc lá giữa khoảng không bao la của hư vô. Trôi đến từ phía chân trời.

Nàng đến từ chân trời, ít ra, đó là điều ông đã nghĩ. Trên bến cảng ngày hôm ấy, nàng đứng trên mạn chiếc tàu đến từ chân trời, nắng sáng trên mái tóc và làn da nhạt. Nàng cười với người cha bên cạnh, hầu như không để tâm đến những ánh mắt nhìn. Nàng chưa đến tuổi để tâm đến điều đó. Nhưng rất sớm, rất sớm thôi, ông nghĩ. Nàng như mặt biển lúc bình minh còn mờ sương nhạt và ánh sáng luân chuyển từ xanh sang tím trước khi thành sắc trắng có thể làm bất cứ ai lóa mắt. Ông, cũng như bất cứ ai nhìn thấy nàng trên cảng biển Quy Nhơn lúc ấy, đều có thể cảm thấy điều đó.

Và kẻ biết rõ thời điểm để nắm lấy cơ hội nhanh nhất không ai khác ngoài Văn Bình. Một ngày, cậu em trai vừa đến tuổi trưởng thành tìm ông, nói rất nhanh nhưng rõ ràng, «Anh hai, em muốn lấy vợ». Người mà cậu ta chọn không ai khác hơn ngoài nàng. Khi nàng đến làm lễ ra mắt với ông - người anh cả thay thế vị trí phụ thân đã qua đời, ông đã cảm thấy như bị một cái đánh mạnh vào gáy. Nàng đã trở thành ánh sáng ban mai rực rỡ trên mặt biển khơi, sắc hồng tươi trên gò má và đôi môi bừng màu hoa đào thắm đượm. Nhan sắc ấy làm ông choáng váng. Và buồn. Và buồn. Ông nhớ đến một ngày đã trở thành xa xôi nọ, thấy nàng lần đầu tiên đến nơi đây từ phía chân trời. Cô gái nhỏ với lọn tóc còn vắt qua một bên lòa xòa trên má thoáng chốc đã trở thành một cánh bướm lộng lẫy, bay vụt khỏi cuộc đời.

Quyền huynh thế phụ, ông tổ chức lễ hỏi cho em trai và nàng. Ông tổ chức lễ cưới. Ông tổ chức lễ thôi nôi cho Khang, cho Tuyên, hai đứa con trai mà nàng lần lượt cho ra đời. Ông tổ chức lễ cưới Phạm phu nhân cho chồng nàng. Ông tổ chức lễ mừng vài người thiếp nữa. Ông tổ chức lễ tiễn đưa và đón chào mỗi khi Văn Bình đi đánh trận và trở về. Năm tháng qua, tổ chức Tây Sơn nho nhỏ mà ông xây dựng đã lớn mạnh khắp miền Nam Đại Việt. Ông đã trở thành Thái Đức vương của vương triều Quy Nhơn hoành cứ một vùng. Đó là công lao của Văn Bình, là kết qủa của những cuộc đánh Đông dẹp Bắc không ngơi nghỉ, phá tan, đập nát lực lượng của Trịnh, của Nguyễn ở miền Nam. Từ cậu thanh niên hăng hái, hoàng đệ của ông đã trở thành một tướng quân bừng bừng hoài bão, một người có thể khiến bất cứ kẻ nào nghe danh cũng đều khiếp sợ. Cậu ta là một ngọn lửa. Là ánh sáng của mặt trời trên đỉnh Tây Sơn. Là màu đỏ của ngọn cờ nhuộm bằng máu.

Nhưng ánh sáng ấy không soi rọi tới được nàng. Ông ít nhìn thấy nàng, và mỗi lần gặp mặt, ông lại thấy vẻ hồng hào xưa kia trên gò má nàng nhạt dần như nắng tắt trên mặt biển. Chồng nàng đi đánh trận khắp miền Nam Bắc, để lại nàng ở Quy Nhơn. Đó là nhiệm vụ của nàng, người vợ cả phải trông nom gia đình, sản nghiệp. Những đứa con của Phạm phu nhân được sinh ra sau đó dập tắt nốt ánh sáng còn lại trong mắt nàng. Văn Bình sẽ chọn ai kế nghiệp, có lần Tư Lữ đã hỏi ông khi uống trà bàn chuyện. Phạm phu nhân là dòng dõi nhà họ Bùi có ảnh hưởng rất lớn, ơn nghĩa rất nhiều với Tây Sơn, so với con gái của một thương nhân nho nhỏ chẳng phải là quá khác biệt? Con cháu của một thương nhân nho nhỏ, làm sao đủ uy danh để kế nghiệp Long Nhương tướng quân?

Ông nghe, và im lặng.

Cung điện Quy Nhơn được xây, ông mời gia đình Văn Bình vào ở cùng. Cung của họ ở phía đông, và ông thường thấy nàng mỗi buổi sáng, đứng nhìn ra mặt biển. Ánh mơ hồ rực rỡ của sáng ngày bao phủ nàng. Đều đặn, mỗi sáng sớm, đông cũng như hạ, nắng cũng như mưa, nàng đứng nhìn ra biển qua cánh cửa tròn phía Đông. Mặt trời hắt bóng qua nàng, như muốn nuốt trọn nàng trong luồng sáng. Nàng sẽ tan vào khung cửa tròn, và sẽ bay đi, vào bầu trời.

Ánh sáng, sẽ đốt cháy nàng.

Em nên ở đây lo cho Đàng Trong đã, ông nói khi Văn Bình cho ông biết ý định đánh quân Trịnh phía Bắc. Họ không ủng hộ chúng ta, ông nói. Chúng ta không có hy vọng thay thế họ Trịnh, không đâu. Đất đai đã chia, lòng người cũng khác, phương Bắc không phải nơi ta có thể dung thân. Em nên chú tâm vào Đàng Trong, dẹp xong mối loạn của dư đảng họ Nguyễn. Càng vươn xa, càng lan rộng thì lòng oán sẽ càng nhiều, càng khó kiểm soát, càng khó ổn định. Tây Sơn mới được hơn mười năm, lực lượng chưa đủ, lòng người chưa vững, Nam Hà này đã bị chiến tranh tàn phá chưa gượng dậy được. Như cái nhà xây mà nền không chắc, càng cao thì càng dễ đổ sập, nhất là trong gió bão chưa dẹp yên. Ta đã liên lạc với thương gia Anh Cát Lợi, tiếc là việc không thành. Muốn vươn xa, chúng ta phải có đủ lực đã.

Đúng vậy, Văn Bình ngắt lời ông, Tây Sơn chưa đủ lực. Gia sản của anh dùng để chiêu binh thuở trước không thể nuôi chúng ta thêm nữa. Gia sản của họ Nguyễn ở Phú Xuân đã bị quân Trịnh cướp phá sạch sanh. Chúng ta không thể sống, không thể phát triển chỉ dựa vào vùng đất này. Chúng ta phải mở rộng - Gia Định, Bắc Hà. Họ Trịnh cả trăm năm hùng cứ miền Bắc giàu có, kho tàng không biết đâu mà kể. Trịnh, Lê thảy đều đã suy vong, sao ta lại không thử một lần - như với nhà Nguyễn ở Phú Xuân - Kẻ mạnh thì chiếm ngôi vương?

Không thể! Ông lắc đầu. Vua Lê không phải là chúa Nguyễn, Bắc Hà không phải là Gia Định. Danh bất chính thì làm gì cũng hỏng. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, đó mới là kế lâu dài. Tranh đoạt cướp bóc chỉ giữ được trong một thoáng chốc. Nước không mạnh thì không thể đứng vững, nhà không yên thì không bảo được người, thân không chính thì không an được tâm. Chỉ đem sức mạnh để phân tán, dàn trải mà không đủ sức ổn định, đó sẽ là mầm họa để thành lửa thiêu chúng ta sau này.

Ta không cho phép! Ông gằn giọng. Cậu nôn nóng cái gì? Đất ấy, người đây, có mất đi đâu bao giờ?

Ông cho rằng, như ngày xưa, Văn Bình sẽ nể quyền huynh trưởng của ông mà an định ở Phú Xuân. Nhưng ông đã lầm. Qua năm tháng, quân đội Tây Sơn dưới tay Long Nhương tướng quân đã trở thành lực lượng riêng biệt, hoàn toàn trung thành với người hoàng đệ này. Lực lượng ấy đủ để Văn Bình kéo quân ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh. Không cần báo cáo. Không cần ý kiến của ông. Không cần đếm xỉa đến ông.

Lực lượng ấy đủ khiến vua Lê nể sợ, gả cả nàng công chúa cành vàng lá ngọc cho Văn Bình - giờ đây là Uy Quốc công. Nghe tin ấy, nàng im lặng. Hàng mi dài chớp khẽ trước khi mắt nàng nhắm lại, nhưng không giọt lệ nào rơi. Tay nàng run run nắm lấy bàn tay nhỏ của Hữu Khang, rồi nàng gượng gạo mỉm cười. Uy Quốc công, cha con đã là vương của nhà Lê, từ một bố y, cha con đã trở thành thân tộc nhà Lê, nàng nói với con trai, xoa đầu nó. Nỗi buồn tê tái trong mắt nàng.

Công chúa nhà Lê, cành vàng lá ngọc của vương triều, giai nhân nổi danh của kinh thành hoa lệ. Người thanh niên ngày xưa đến hỏi cưới nàng đã trở thành một đại anh hùng. Đã từng bước tiến đến giấc mộng hùng vĩ của mình. Chỉ có nàng ở lại.

Chỉ có nàng ở lại Quy Nhơn.

Ông đến Nghệ An với ý định kéo Văn Bình trở về. Trở về - với ông, với Tây Sơn, với nàng. Ông có thể bỏ qua tất cả, việc không tuân mệnh này, việc tự tiện điều động quân này, sự xúc phạm nặng nề mà em trai vô tình hay cố ý đã giáng thẳng vào ông. Tất cả, chỉ cần cậu ta trở về.

Em sẽ giữ Nghệ An, Văn Bình nói sau khi về đến Phú Xuân cùng ông. Sau khi cậu ta đã cùng ông giao ước với vua Lê. Đó là quê tổ của chúng ta, Bắc Bình vương nói. Em sẽ cho xây dựng một kinh đô ở đó, kinh đô của chúng ta, tại quê cha đất tổ.

Chúng ta đã thỏa thuận không xâm phạm đất của nhà Lê. Ông chậm chạp đáp lời.

Nhà Lê? Anh có thấy không, nhà Lê chỉ là một cái vỏ rỗng! Ngay cả việc lập thế tử, lo thừa tự em cũng có thể can thiệp vào, vua Lê còn phải nhờ em trông coi đất nước hộ. Vua Lê không giữ được nước thì ai cũng có thể lấy!

Em vẫn không hiểu đạo làm vua, Văn Bình! Lần này thì ông quát. Đất có thể chiếm, người có thể giết, ngôi có thể đổi, nhưng nhân tâm thì không khuất phục được. Họ đã đánh đuổi Nguyễn Hữu Chỉnh ngay sau lưng em, em có thấy không? Người Nghệ An đã chặn đánh quân của ta ngay khi vừa rút khỏi Bắc Hà, em có thấy không?

Thì sao? Chúng ta chẳng phải cũng lập nghiệp như thế? Ngay tại vùng đất của họ Nguyễn danh giá này? Họ Nguyễn khai phá vùng đất này bằng cách đánh đuổi người bản xứ, tiêu diệt họ? Chỉ cần chúng ta mạnh, chỉ cần chúng ta đủ mạnh để kiểm soát, trấn áp thì đâu sẽ vào đấy.

Điều đó thì khác. Họ Trịnh bị căm ghét, họ Nguyễn không có danh phận chính thống, nhưng nhà Lê là vương đế được tôn thờ. Đánh vào họ, em sẽ mất hết cái chính nghĩa trước đây của Tây Sơn. Đụng đến họ, em sẽ phải đối đầu với cả đất nước này, có thể phải đối đầu với cả nhà Thanh như năm xưa quân Minh dựa vào danh họ Trần mà đánh Hồ. Em có thể thắng, có thể lấy được tất cả, có thể trấn áp được tất cả. Nhưng con cháu em sẽ phải trả giá cho hành động này! Bắc Hà sẽ là mồ chôn Tây Sơn!

Anh quá khinh suất rồi, Thái Đức vương. Anh nghĩ chỉ cần giữ một mảnh đất như thế này là con cháu ta có thể ăn ngon ngủ kỹ sao hả? Nhà Lê chỉ là một cái vỏ rỗng, thế nào cũng xuất hiện một họ Trịnh kế bên. Lúc thịnh lúc suy, ai đảm bảo lực lượng Bắc Hà không tìm cơ tràn xuống tiêu diệt chúng ta? Rồi các nhóm chống đối ở Gia Định ép lên, lưỡng đầu thọ địch thì tốt hơn à? Miền đất này, ngoại trừ một bến cảng Hội An đã tan nát và vài vùng đất xấu thì chẳng có gì cho chúng ta nữa hết! Sau việc ở Hội An, Cù lao Phố thì bọn thương nhân cũng đã chạy trốn cả rồi. Gia Định là đất hoang, rối loạn triền miên không phải chốn chúng ta có thể nhờ cậy. Lần này ta nhờ lực Nguyễn Hữu Chỉnh, nhờ mâu thuẫn trong chính triều họ Trịnh mà đánh Bắc Hà thành công. Nhưng nếu chỉ co cụm vào mảnh đất này, Tây Sơn sẽ tự tiêu diệt chính mình! Phải phát triển ra thì mới tìm được con đường sống. Phải tiêu diệt tất cả thì chúng ta mới có thể tồn tại!

Ta đã bảo, người có thể giết, không giết được miệng đời. Doanh Tần kia diệt lục quốc, rồi con cháu chết vào tay kẻ đòi phục quốc. Hùng bá thiên hạ rồi bị thiên hạ triệt tiêu...

Đủ rồi, ông anh ạ. Anh đã làm thư lại cả nửa đời người, cái thứ cổ văn rỗng tuếch đã ngấm vào máu anh rồi. Doanh Tần là ai mà ta là ai? Trên đất này có kẻ nào xứng làm Lưu Bang, Hạng Vũ để đối đầu được với ta?

Văn Bình ngắt lời ông. Mắt cậu ta rực sáng như ánh kiếm. Không thể cản cậu ta được nữa, ông biết.

Còn kho tàng của họ Trịnh?

Quân đội em đã lấy được, đó là phần của họ. Văn Bình nói mà không nhìn đến ông. Chúng em cần nó cho những việc sau này.

Chúng em, cậu ta đã nói. Quân đội của cậu ta đã đánh từ Nam ra Bắc mà không cần nhìn đến ông. Giữ lại kho tàng họ Trịnh, cậu ta đã xác lập ý muốn độc lập với Quy Nhơn. Cậu ta kiên quyết ở lại Phú Xuân, không trở về.

Không trở về.

Ngày ông về đến Quy Nhơn, mưa đổ tầm tã xám ngoét mặt biển cuồn cuộn sóng. Nghe tin ông về, nàng vội vã chạy đến cung ông, nhìn ông ngồi lặng im trên chiếc trường kỷ kê cạnh cửa sổ nhìn ra biển. Chậm chạp, ông quay nhìn nàng. Khuôn mặt nàng tái nhợt, ánh mắt thảng thốt. Nàng có thể đoán ra điều ông sắp nói.

Văn Bình không trở về đâu. Từng lời vang khắp căn phòng rộng, chênh chao trong ánh nến. Cậu ta không trở về nữa đâu. Không về nữa. Ông nói, nhắc đi nhắc lại trong sự cuồng nộ ngùn ngụt bốc cháy. Bắc Bình vương không thể quay về lại Quy Nhơn làm kẻ dưới quyền ông. Bắc Bình vương không thể làm người em trai của ông được nữa. Bắc Bình vương cũng không thể cho con gái một thương nhân quèn làm vương hậu. Nàng đừng hy vọng, đừng chờ đợi gì nữa.

Ông đã thấy cô công chúa Bắc Hà. Nàng ta là một thiếu nữ xinh đẹp, cao sang. Nàng ta cũng giống như nàng khi ở độ tuổi ấy, khi ông lần đầu tiên nhìn thấy nàng trên bến cảng. Nhưng giờ đây nàng chỉ là một phụ nữ bước vào tuổi về chiều. Nàng có gì, còn gì để hy vọng, để trông chờ? Nàng có nhìn thấy hình bóng của chính mình? Sầu não, nhợt nhạt đến thảm hại. Nàng là gì, là gì chứ?

Ông nói mà không nhận ra mình đang nói. Thấy mặt nàng tái dần, tái dần, thấy nàng run rẩy rồi sụp đổ. Nàng đổ sụp dưới chân ông, run lên với những tiếng nấc không nước mắt. Nàng không rơi lệ cho một điều đã biết trước, đã đoán được, đã chờ đợi. Chỉ là chút hy vọng mong manh còn lại đã đánh gục nàng. Đánh gục ông.

Cậu ta không trở về nữa đâu. Câu nói ong ong trong đầu khi ông đỡ nàng lên trường kỷ, ôm lấy nàng. Nàng chống lại ông, đẩy ông ra nhưng bàn tay lại nắm chặt lấy áo ông. Đôi mắt vẫn đẹp của một thời xuân sắc chết lặng trên khuôn mặt nàng. Không, nàng thì thào. Ông gỡ tay nàng ra, đẩy nàng nằm xuống.

Nàng vùng vẫy, vùng vẫy cho đến lúc kiệt sức rồi bật khóc. Từng giọt lệ lớn lăn trên gò má nàng. Tại sao? ông muốn hỏi. Ông đã yêu nàng từ ngày nhìn thấy nàng trên bến cảng. Ông đã luôn dõi theo nàng. Ông đã luôn muốn có nàng. Vì nàng, ông đã phạm vào một tội lỗi khủng khiếp, một sự sỉ nhục khủng khiếp. Ông nói điều đó, chỉ thấy nàng rơi lệ. Ông nói điều đó và làm tình với nàng. Nàng rơi lệ. Nước mắt nàng lăn xuống mái tóc đen dày, thấm ướt khoảng gỗ phía dưới. Nước mắt mặn như biển. Biển ầm ào ngoài khung cửa, dưới vách đá, muôn vạn vách đá. Trong đêm, một tội lỗi không bao giờ được tha thứ đã thành hình. Nàng không kêu gào, chỉ chống cự và chấp nhận trong im lặng. Luôn luôn là im lặng. Chỉ có tiếng sóng đập vào vách đá gầm gào.

Tội lỗi, Tội lỗi luôn là tội lỗi. Nàng tái nhợt như xác chết giam mình trong phòng. Ông cuồng nộ ra lệnh giết những kẻ đã xúi giục Văn Bình rời Quy Nhơn. Chuyện lan ra như lửa, từ hoàng cung cho đến núi đồi. Phạm phu nhân cùng con cái và hầu thiếp được họ Bùi tức tốc hộ tống ra khỏi Quy Nhơn đến Phú Xuân. Cuồng nộ và thù hận lan nhanh như lửa, châm ngòi cho chiến tranh bùng nổ. Văn Bình - Bắc Bình vương, trước nỗi ô nhục không thể nào chấp nhận, đem quân đánh vào Quy Nhơn quê hương, nã đại bác vào thành. Hai đứa trẻ con nàng ngơ ngác câm lặng nghe tiếng súng vang rền. Tại sao cha lại đánh chúng ta? Tuyên hỏi. Khang im lặng.

Một ngày, nàng tìm ông khi chiến tranh đang đến hồi tàn cuộc. Ông đang thua trận và Quy Nhơn sắp bị tiêu diệt. Quy Nhơn sắp bị tiêu diệt. Ông chưa bao giờ tưởng tượng đến một ngày ông lại là nạn nhân, Quy Nhơn lại là nạn nhân của đội quân hung bạo Tây Sơn do chính ông xây dựng. Khi Quy Nhơn sụp đổ, điều gì sẽ xảy ra?

Bao nhiêu người đã chết? Nàng hỏi, vẫn ánh mắt thất thần, nhưng giọng nói điềm tĩnh và nhẹ nhàng.

Trong đội quân của Quy Nhơn là bốn vạn. Ông nói con số ấy với cái nghẹn đắng trong cổ. Nàng nhắm mắt.

Chấm dứt đi. Làm ơn chấm dứt đi. Nàng van vỉ. Ông nhìn nàng.

Bằng cách nào? Ông hỏi mà không cần nghe câu trả lời. Nàng đứng dậy, quay bước về phòng mình.

Ông không giữ nàng lại.

Ngày hôm sau, một lọn tóc đã được gửi cho Bắc Bình vương cùng lá thư vĩnh quyết. Đứng trên thành, ông nhìn tay người em trai run rẩy nắm lấy miếng vải trắng. Chấm dứt đi, nàng nói. Ông để hai đầu gối mình khụy xuống với nước mắt đã tràn ướt mặt tự khi nào.

Chấm dứt đi. Ông van xin Văn Bình. Cậu không cần trở về nữa. Không thể. Chẳng còn gì để trở về nữa. Cửa thành mở, hai đứa trẻ được đưa khỏi Quy Nhơn. Hai cái bóng bé nhỏ bước vào trước đoàn quân cùng giáo mác và đại bác ngút hơi đồng.

Bắc Bình vương ra lệnh lui quân.

Mộ nàng nằm trên một mỏm đất hiu quạnh nhìn ra biển. Biển của mỗi chiều tà đỏ quạch như máu tràn khắp thế gian và tiếng rì rầm như than khóc muôn đời. Không một ai trở lại, chỉ có ông thỉnh thoảng ghé về trong những năm tháng cuối đời. Không một ai trở lại, ông nghĩ khi gió chiều hun hút trên bãi cỏ xác xơ. Họ đã bung đôi cánh của mình ra khỏi Quy Nhơn, và không trở lại. Nàng đã đến từ phía chân trời, rồi ra đi về phía chân trời.

Ông vẫn dõi theo Văn Bình. Em trai ông trở thành vua Bắc Hà, được vua Thanh phong làm An Nam quốc vương. Một ngày, thư mời con trai ông đến Phú Xuân nhận sắc phong được gửi về Quy Nhơn. Họ của nhà ông từ nay sẽ là Nguyễn Quang. Con cháu trong họ sẽ được đặt cho cái tên mới.

Trác được đặt tên là Quang Toản. Hiến - con trai cả của ông, vừa đọc thư vừa nói. Toản nghĩa là «tiếp nối», hẳn chú Bảy đã nhắm cậu ta làm thế tử.

Còn Khang?

Tên là Thùy, «đi theo, bên cạnh». Chỉ là kẻ đi bên cạnh vương triều. Câu ấy Hiến không nói ra, nhưng cũng như ông, ai cũng hiểu.

Văn Bình không bao giờ tha thứ. Ông đã thấy điều nhận biết ấy trong ánh mắt nàng. Trong cái đêm chuẩn bị cho hai đứa trẻ về với cha chúng, nàng đã gọi Khang đến bên. Cha con là một đại anh hùng, nàng nói với đứa trẻ. Tất cả tội lỗi là của mẹ, đừng trách cha con. Hãy giúp cha con. Tây Sơn đến nông nỗi này là lỗi của mẹ.

Nàng đừng nói thế, ông bảo nàng. Đây là một việc tất nhiên, không thể nào khác được. Nếu cần, cứ đổ tất cả lầm lỗi cho ta. Nói với trẻ con như thế khác nào bắt nó gánh lấy tất cả tội lỗi của người lớn. Nó sẽ phải mang gánh nặng ấy suốt cuộc đời.

Có cách nào khác sao? Nàng hỏi, đau buồn lại ngập tràn trong mắt. Nó phải gánh lấy tội lỗi này, không cách nào khác được. Điều tôi có thể làm là biến nó thành một anh hùng, như cha nó. Gánh lấy tất cả, sống và chết, không oán thán, không trách cứ, oán hận. Điều tôi có thể làm chỉ là như thế. Để anh em chúng không giống như cha chú, không giống như chúng ta.

Không giống như ông. Đó là điều cuối cùng nàng nói trước khi uống cạn chén thuốc độc. Không giống như ông, niềm khát khao tuyệt vọng và thất bại chua cay. Không giống như ông, ngay từ đầu chỉ nên là kẻ đứng bên cạnh vương triều, đứng bên cạnh tất cả hào quang và danh vọng. Không tranh đoạt, không chiếm giữ, không có gì và không được gì.

Nàng nhận ra được điều đó, địa vị muôn đời của đứa trẻ. Và ngay lúc này, nàng đã quyết tiêu diệt tất cả khát khao, mơ ước của nó. Không cho phép nó được sống. Những khát khao tuyệt vọng chỉ là hủy hoại. Hủy hoại tất cả. Giống như ông.

Rồi chúng ta, ngay cả chúng ta nữa, cũng sẽ bị hủy hoại. Ông nghĩ điều đó khi một mình đứng trước biển hoàng hôn đỏ như máu cuộn. Ông đã níu giữ, cố gắng níu giữ. Nàng, Quy Nhơn, vương triều. Để rồi tất cả sẽ bị hủy hoại. Ông đọc thấy điều đó trong sóng bể. Trong ánh mắt nàng đêm mưa gió ấy.

Những khát khao tuyệt vọng chỉ là cơn mơ phải bị tiêu diệt trước lúc thành hình.

Nguồn Văn nghệ số 23/2022


Có thể bạn quan tâm