April 26, 2024, 5:15 am

Bia Khiêm lăng

Ngọn bạch lạp đã cháy gần sát đến chân đế. Gà gáy điểm canh ba. Trên gian án thất kê sát khung cửa thoảng mùi hương ngọc lan, thầy Lân vẫn trằn trọc không ngủ. Cuộc đàm đạo với quan Tả thị lang tối qua còn để lại trong ông bao trăn trở ngổn ngang. Tiên sinh ơi, người và tôi cùng nòi giống Lạc Hồng, gặp, hiểu và kết thân với nhau bởi khí chất tương đồng sao vẫn khác nhau đến thế? “Lần này, thầy được hoàng thượng vời vào tiếp kiến là một niềm ân sủng, vinh hạnh. Bởi vậy, từng lời ăn tiếng nói thầy phải cân nhắc thật kỹ trước khi định tấu dâng. Chỉ thiếu kìm chế, lời thầy chẳng những điện hạ không nghe mà văn võ bá quan có thể vu luôn thầy tội khi quân, phạm thượng. Lúc đó, mong ước thầy gửi gắm trong các bản điều trần trở nên uổng phí đã đành, bản thân thầy và gia đình còn có khi mang họa”. Từng lời của Tư Giản vẫn vẳng bên tai ông.

Minh họa của NGÔ XUÂN KHÔI

Thưa tiên sinh, tôi muốn gặp thánh thượng có phải để xin bất cứ điều gì cho cá nhân tôi đâu. Trong thời khắc gian nan này, tôi muốn dâng lên người lời khuyên tự đáy lòng, mong nước Nam mình tránh mối nguy vong quốc. Tiên sinh biết không, mỗi ngày qua đi, thời cơ hẹp lại, vận mệnh giang sơn càng mỏng manh thêm. Nhìn rõ điều đó, lòng tôi như có lửa cháy bời bời. Chậm thời khắc nào, con dân nước Nam ta phải giá bằng hành trình có khi cả trăm năm. Bởi vậy, tôi chỉ xin người đứng đầu bách tính hãy một lần lắng nghe những trần tình của một lê dân được chắt ra từ hành trình bôn ba qua bốn bể, năm châu, những mong nước Nam mình tránh được mối họa xâm lăng đang ngày đêm hiển hiện.

 “Ta muốn góp ý để làm sao điều thầy tấu trình được hoàng thượng tiếp nhận. Những năm qua, người luôn chăm lo triều chính, quan tâm kỷ cương, phép tắc và đời sống lê dân. Vận nước nguy nan, hoàng thượng cho vời thầy chứng tỏ triều đình đang rối trí lắm. Tuy vậy, có những điều mặc nhiên cấm kỵ, bất cứ ai cũng không bao giờ được phép chạm tới. Vì thế, các bản điều trần của thầy nên chăng chỉ dừng lại ở những nội dung như ta và các quan yêu nước, thương nòi xưa nay vẫn làm. Nếu tấu trình vậy, chẳng những lời thầy được hoàng thượng ghi nhận mà có khi thầy còn được ban tước, thưởng công”.

Vâng, tôi vẫn luôn ngưỡng mộ tấm lòng vì dân, vì nước của tiên sinh, nhất là bản Phương lược trị thủy nhị Hà được triều đình ngợi khen, cho triển khai, giúp hàng vạn nông dân Bắc Hà thoát nỗi lo mất mùa, vỡ đê năm xưa. Nhưng nay, tàu Phú Lang Sa đã dập dình ngoài kia, đại bác gầm thét phá nát đại đồn Chí Hòa, giặc chiếm ba tỉnh miền Đông, đang lăm le lấy ba tỉnh miền Tây, những tấu trình như thế có thể giúp họa mất nước tan biến được không?

Trải qua mấy ngàn năm tao loạn, dâu bể, nước Nam ta mới có được cơ đồ này. Từ ngày hoàng đế Gia Long thống nhất giang sơn từ ải Nam Quan đến trấn Hà Tiên, tính đến nay mới già nửa thế kỷ. Ngỡ nỗi lo binh đao với dân ta tạm lắng. Vậy mà nay, chiến tàu Phú Lang Sa đã ngoài cửa biển Thuận An. Vận nước nguy nan, kẻ lê dân này chỉ mong thánh thượng và triều đình tỉnh táo, lắng nghe những lời điều trần tôi dâng tấu. Tôi chỉ có một nguyện vọng mong người ngồi tít ngôi cao nhìn ra con đường sáng, không để giang sơn một lần nữa rơi vào cảnh lầm than, nô lệ.

*

 


Có thể bạn quan tâm