March 29, 2024, 2:28 pm

Bí mật của sự hài hước

Với cùng một khả năng và cùng một cống hiến lớn như nhau, người không hài hước sẽ trở thành kiệt xuất, nhưng người hài hước thì có cơ trở thành vĩ đại! Có một câu nói khá thú vị như thế.

Vậy hài hước là một tố chất hay phải rèn luyện? Thử lên mạng tìm kiếm với từ khóa “hài hước”, thấy có tới gần 37 triệu kết quả. Vậy có “bí quyết” để hài hước không? Ồ, hóa ra trên mạng có khá nhiều người viết bài để hướng dẫn người khác hài hước. Nhưng nói thật là đọc xong vài bài, tôi không khỏi hoang mang vì cảm nhận chính những người viết bài khá nhạt. Thì với từ khóa “vô duyên”, kết quả cũng có tới 34 triệu cơ mà.

Có vẻ như hài hước là điều khó học. Hình như có những dân tộc được cho là có khiếu hài hước hơn cả. Nhưng kiểu hài hước của dân tộc hay vùng miền này lại khó hiểu, thậm chí bị coi là bậy bạ, rẻ tiền với dân tộc và vùng miền khác. Và coi chừng, giữa những nghệ sỹ tấu hài có hẳn cả một nhóm vô duyên ẩn bên trong.

Tôi vẫn nhớ câu chuyện của một người bạn học cùng thuở nhỏ. Khi gặp lại ở hội lớp, cô ấy kể chuyện về chồng mình như sau: Chồng tớ rất hay kể chuyện tiếu lâm. Tớ luôn cười nhưng thực ra chẳng thấy buồn cười tẹo nào.

Câu chuyện khiến chúng tôi, mấy thằng con trai cười. Cười sảng khoái. Cười ngặt cười nghẽo. Nhưng rồi chúng tôi nhìn cô bạn, cô ấy mỉm cười chỉ vì cái sự cười của chúng tôi, nhưng mắt cô ấy không cười. Những tiếng cười của chúng tôi tắt dần.

Khá là khó khi tìm mối liên hệ giữa sự hài hước với những điều nổi bật khác ở con người. Lạc quan thì hài hước chăng? Không phải. Thực tế hoàn toàn khác, rất nhiều người bản tính lạc quan nhưng không hề hài hước. Ngược lại, nhiều người hay bi quan lại rất hài hước. Người giàu có, đầy đủ về vật chất thì (dễ) hài hước chăng? Cũng không phải! Người có chức có quyền thì sao? Ngoài một số người tự cho mình cái quyền nói cười, kể chuyện tục ra (hơi khó cười), số lượng người hài hước trong nhóm này rõ ràng là không vượt trội so với nhóm ngược lại – tức là nhóm “dân đen”.

Cả hai người nổi tiếng thế giới, diễn viên hài danh tiếng Charlie Chaplin và lãnh tụ phát xít Adolf Hitler đều để lại những bức ảnh, trên đó có bộ ria khét tiếng mang hình con sâu róm ngắn. Họ đều sinh vào tháng 4/1889. Nhiều người nghĩ rằng Charlie Chaplin “nhái” hình ảnh của Hitler nhằm chế giễu. Có vẻ điều này đúng khi chỉ xem bộ phim Kẻ độc tài (The Great Dictator) của “vua hề”. Phim được làm năm 1939 và ra rạp tại Anh và Mỹ năm 1940, khi Thế chiến II đã bắt đầu được một năm.

Tuy nhiên, nhân vật của Chaplin trong phim Kẻ lang thang (The Tramp) đã mang bộ râu để đời này rồi. Nhân vật ra mắt lần đầu vào năm 1914 trong bộ phim câm ngắn chỉ 5 phút. Lúc này thì Adolf Hitler đang là một kẻ gần như không ai biết đến (cố gán ghép hình ảnh “kẻ lang thang” chỉ vì ghét ông ta thì tùy, nhưng sẽ là hơi quá). Năm 1919, ông ta mới gia nhập Đảng Công nhân Đức, tiền thân của Đảng Quốc Xã rồi trở thành lãnh đạo đảng này vào hai năm sau.

Xuất hiện một câu hỏi thú vị: Như vậy, Hitler thấy thích thú với nhân vật The Tramp? Thích vẻ hài hước của nhân vật này và quyết định “hóa thân”? Nếu khả năng này là đúng thì hội chơi Cosplay (hóa thân thành nhân vật nổi tiếng) nên ghi nhận trường hợp Hitler!

Tuy nhiên ở đây bắt đầu xuất hiện những câu hỏi. Vì sao một người đầy tham vọng, rõ ràng định tiến thân bằng con đường chính trị, lại quyết định mang một bộ râu hài kịch như vậy – không chỉ trong những bước đường đầu tiên của sự nghiệp, mà trong cả cuộc đời của y?

Hay y có khả năng hài hước cao? Đến độ có thể tự trào bản thân trước cả khi người ta chế giễu mình? (Ê, Chaplin! Không ăn thua gì đâu nhé, cậu!). Giả định này quả thực là điều hơi khó hình dung.

Thế nhưng Hitler từng được thư ký báo chí - Tiến sĩ Sedgwick đề nghị bỏ bộ ria mép giống Vua hề Chaplin vào năm 1923. Tuy nhiên, nhà độc tài Đức quốc xã từ chối và nói rằng: “Nếu bây giờ đó chưa phải là mốt thì sau này sẽ là mốt vì tôi để ria như vậy!”. Lịch sử chứng minh rằng nhận định đó sai bét. Không hề có mốt như vậy. Cuối cùng thì bộ ria nổi tiếng ấy chỉ gắn với hai con người mà thôi. Liệu điều này có đáng cười không?

“Số phận của họ là hai cực trái ngược nhau. Một người làm cả thế giới khóc, một người làm cả thế giới cười”. Con trai của vua hề Charlie Chaplin từng viết như thế về mối quan hệ giữa cha mình với kẻ độc tài lớn nhất thế kỉ 20: Adolf Hitler.

Nhiều khi tôi băn khoăn, liệu có phải những câu chuyện tiếu lâm nhằm chế nhạo những kẻ trọc phú và những kẻ quyền thế hống hách lố bịch là “vũ khí của kẻ bị trị” hay không? Nếu là một thứ vũ khí, nó có thể sản xuất được. Tóm lại nó là một sản phẩm của trí thông minh. Nhưng, rõ ràng không phải thông minh là hài hước. Mặc dù người hài hước thì rõ phải là thông minh.

Trở lại câu chuyện của người bạn gái cùng lớp. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mấy thằng con trai chúng tôi thật vô duyên vì lúc đó không hiểu tình cảnh thực sự của người bạn gái. Nhưng thành thật mà nói, ẩn sâu trong câu chuyện của bạn là điều đáng cười. Hình như nó được gọi là “hài hước đen”.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm