March 29, 2024, 12:32 pm

Bi kịch Van Gogh – Gauguin: Thiên đường cần tìm lại

Quen nhau chưa bao lâu, Vincent Van Gogh (1853-1885 người Hà Lan) đã sớm nhận ra ở  Paul Gauguin (1848-1904 người Pháp) một người bạn tri kỷ. Ông viết thư tha thiết mời Gauguin đến Arles, miền nam Cộng hoà Pháp, với ý đồ lớn là cùng nhau xây dựng một xưởng vẽ theo kiểu xã hội chủ nghĩa (làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu), tức là một cộng đồng nghệ sỹ lý tưởng. Sát cánh bên nhau gần hai tháng, những bất đồng lộ dần. Đơn giản, hai người bạn đều tài năng ngoại cỡ, hàng ngày có thể vẽ theo cảm hứng bất tận, nhưng lấy gì độ nhật? Chính Van Gogh quên rằng mình vẫn sống nhờ vào em ruột, Théo Van Gogh. Không có tiền của em gửi cho, ông làm sao muốn vẽ gì thì vẽ… Gauguin chỉ ra điều này, Van Gogh vẫn không tỉnh mộng. Thấy ấp ủ bấy lâu của mình tan thành mây khói, trong một cơn nóng giận, Van Gogh nắm lấy con dao cạo râu, rượt theo, định “sát hại” Gauguin. Tuy nhiên, Van Gogh nhanh chóng nhận ra sai lầm rồ dại của mình. Và đêm hôm ấy, để tự trừng phạt, ông đã tự xẻo một bên tai. Van Gogh và Gauguin vĩnh viễn chia tay, dù vẫn quý trọng và thương nhớ nhau hết mực. Ấy là vào cuối năm 1888.

Cả hai ông đều cực kỳ vất vả trên con đường nghệ thuật, mà bí quyết cho thành công là tự do của nghệ sỹ trên nền một lý tưởng thẩm mỹ dường như quá cao siêu: Van Gogh thì muốn mang lại niềm vui cho mọi người bằng một đạo đức và tấm lòng thánh thiện, nghĩa là làm sao giữ được cho mỗi cá nhân “ánh sáng của Chúa trời”, sự tuyệt mỹ của tâm hồn. Gauguin thì muốn “về nguồn”, muốn con người trở về với đời sống tự nhiên, lành mạnh, trong sạch và lương thiện thuở sơ khai. Cả hai rút cuộc đều cô đơn, cơ cực, chết trong tủi nhục, nhưng đều toại nguyện, vì vững tin vào những gì mình để lại cho đời.


Có thể bạn quan tâm