April 20, 2024, 1:58 am

Bên những dòng sông

 

Quê nội, ngoại tôi đều tận Hương Sơn, cách nơi chôn rau cắt rốn tôi hơn trăm cây số. Cái làng Xa Lang nằm dọc sông Ngàn Phố. Ba mùa Xuân Hạ Đông, nước trong veo như mắt con gái tròn trăng. Dòng nước lượn mềm mại như mái tóc thiếu nữ mười bảy. Bên kia sông dãy núi Thiên Nhẫn hùng vĩ nghiêng mình soi bóng, cũng là nơi tổ tiên trong làng gửi xác và hồn khi về thế giới vĩnh hằng. Mùa Thu, lũ lụt hoành hành, các gia đình lên tận nóc nhà. Gặp năm lũ to, cả nhà suốt tuần sống trên thuyền, đợi nước rút mới về. Nhiều gia đình phải chạy lên Thiên Nhẫn tạm trú. Giận trời đất Thiên Nhẫn cũng chau mày. Bù lại, phù sa trả cho đất mỡ màu với nhiều đặc sản quí: cam, chanh, bưởi, lạc… Nhưng ấn tượng nhất là chè. Om xong một nồi chè ngon, ới cả làng đến uống. Chát đến tận bây giờ.

Một thời do chiến tranh, giao thông khó khăn, cha mẹ tôi hầu như không về quê nên da diết nhớ. Bao nỗi nhớ ấy dồn cả vào trái tim non trẻ của tôi. Đến nỗi gặp ai quê ở Hương Sơn đều thấy thân thương như ruột thịt. Năm mười sáu, gặp cô gái mười ba theo cha vào Kỳ Anh dạy học. Mới thoảng nghe em người Hương Sơn đã thầm yêu trộm nhớ. Nhìn mắt em tưởng nước Ngàn Phố lúc Xuân sang. Thấy tóc em bay ngỡ dòng Ngàn Phố đang chảy. Nhưng chỉ từ xa xa ngắm nhìn, nào dám làm quen sợ con chim thiêng bay mất.

Hai mươi tuổi, vào học lớp Sư phạm ngắn hạn ở Hương Sơn. Lần đầu trở về quê cha đất tổ, gặp Ngàn Phố liền nhảy ào xuống sông: "tôi đưa tay ôm nước vào lòng, sông mở nước ôm tôi vào dạ". Chúng tôi quấn quýt ôm lấy nhau như đôi tình nhân lâu ngày cách mặt, như đứa con xa mẹ lâu ngày gặp lại. Rồi suốt năm, chiều chiều ra bờ sông thì thầm đọc cho sông nghe những bài thơ về quê hương vừa sáng tác. Hứng lên viết vào một tờ giấy xếp thành thuyền thả xuống dòng sông gửi về biển cả yêu thương. Rồi thầm yêu một người con gái Hương Sơn thứ hai, nhưng vì một ngăn cách đặc biệt không thể đến được với nhau. Gần nửa thế kỷ trôi qua, ngoảnh nhìn quá khứ, mới ngộ ra rằng những mối tình đó không bao giờ trở thành hiện thực, bởi mình đâu phải yêu con người cụ thể mà chỉ yêu cái chất Hương Sơn toát ra từ ánh mắt nụ cười.

Tôi sinh ra bên dòng sông Trí, con sông mảnh mai như sợi chỉ, nói theo ngôn ngữ dân quê: ngụp một hơi là từ bờ này đã sang bờ kia. Dù nhỏ thế, nó cũng đủ tạo nên một vùng đất Kỳ Anh trù phú phì nhiêu. Trải dài chưa đầy cây số đã có ba chợ lớn: chợ Phố, chợ Huyện, chợ Cầu. Mở rộng bán kính thêm vài cây số, phía bắc có chợ Quan chợ Điếm, phía nam có chợ Trâu chợ Củi, phía đông có chợ Ngâm chợ Quèn. Xa thêm nữa có chợ Voi, chợ Mới, chợ Gia: "Chợ Voi vang tiếng ni lâu/ Ngó vô trong nớ chợ Cầu to hơn…"

Cách nhà tôi ba trăm mét là thành Dinh Cầu cũ, nơi các danh nho danh tướng thời Trịnh như Bùi Huy Bích, Phạm Bình Trọng… từng đóng quân. Xung quanh thành là cái hồ hình vuông dài chừng cây số, thả rất nhiều sen. Những búp sen thắp lên mặt trời hồng giữa mặt nước trong xanh. Dưới hoa sen là hoa bèo tím ngắt, hoa cỏ lác vàng nhạt dật dờ. Vết tích thành xưa còn hai cửa Tả và Hữu, chiều chiều trèo lên chơi, ngắm cảnh ngắm hoa, vô tư đâu biết gì. Từ nhà tản bộ ra phía bắc trăm mét gặp nhà thờ xứ Đạo, vào phía nam hai trăm mét gặp chùa Dền. Ngày ngày, tiếng chuông nhà thờ chuông chùa xen kẽ rung lên sao mà thanh bình thế

Nhưng cuộc đời nào giản đơn. Nếu tuổi thơ tôi êm đềm như dòng sông khi xuân sang thì tuổi thanh xuân lại dữ dội như mùa lũ lụt tràn về. Rồi bỗng có phép mầu, tất cả đã đổi thay, như Ngàn Phố khi gặp Ngàn Sâu từ Hương Khê-Vụ Quang ngược lên bến Tam Soa mà hóa thành Sông La. Có bao nhiêu cách ví von về dòng sông này, nhưng chính xác nhất, thơ mộng nhất vẫn là "Sông La trong xanh hiền hòa như dải lụa". Nó gắn với cách giải thích vì sao con gái vùng này ai ai cũng tuyệt sắc giai nhân: ngày xưa các thiếu nữ ở đây chủ yếu nuôi tằm dệt lụa, suốt ngày trong khung cửi nên dáng người thong dong, da trắng mịn màng: "Đức Thọ gạo trắng nước trong/ ai về Chợ Hạ thong dong con người". Sau này có người giải thích thêm: Ngã ba sông chính là cỗ máy điều hòa nhiệt độ tự nhiên nhất vĩnh hằng nhất. Mời bạn chọn một hoàng hôn trời quang mây tạnh, đứng trên đê La Giang cách bến Tam Sa chừng năm dặm nhìn xuống Bãi Soi giữa lòng sông, bạn sẽ hiểu vì sao nơi đây sinh ra nhiều anh hùng thi nhân như vậy: nào Đặng Dung, Nguyễn Biểu, La Sơn Phu Tử; nào Phan Đình Phùng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai ; nào Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm… Những cái tên khi được nhắc đến ai ai cũng nghiêng mình.

Quả đất ngỡ vuông lại tròn, ngỡ to hóa nhỏ. Và câu thần chú: "Ước gì quả đất bao la/ bé thành hạt tấm cho ta gặp nàng" linh nghiệm. Hai mươi sáu tuổi, trời ban cho ta "người con gái Sông La, đôi mắt xanh tựa ngọc". Dẫu rằng như những dòng sông kia, luôn "dữ dội và lặng êm", nhưng bao giờ nàng cũng bên cạnh ta, nâng bước chân ta đi qua bao miền đất lạ. Kì diệu thay, kể từ ngày gặp nàng, cuộc đời luôn trời yên biển lặng. Bão tố thôi gầm thét để lòng thanh thản đến bến thi ca.

Thống nhất đất nước, được vào  Đại học Vinh và từ đó đến giờ sống bên Lam Giang mênh mang sông nước. Đôi cánh sáng tạo bé nhỏ bay lên những bầu trời tuổi thơ hằng mơ ước. Bao buồn vui, bao thành bại không sao nhớ hết, chỉ biết rằng sau bốn mươi năm sống trên mảnh đất này đã gắng hoàn thiện một cuộc đời. Giờ đây, khi chiều tà bóng xế, tản bộ ngắm Lam Giang êm đềm xuôi về biển cả, bâng khuâng ngẫm ngợi về mối giao hòa giữa con người, đất trời, vũ trụ. Bồi hồi vọng về bên kia, nơi Giang Đình bến cũ, quê hương của Đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Người một đời nhỏ huyết lệ " khấp thập loại chúng sinh" rồi ân cần nhắn nhủ hậu thế bài học làm người: chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Xa một chút là quê hương Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ, thuở hàn vi thường tâm niệm: làm trai đứng ở trong trời đất/ phải có danh gì với núi sông. Và Người đã làm được nhiều hơn thế. Sao cuối đời than rằng: kiếp sau xin chớ làm người/ làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Bỗng thấy mình nhỏ dần như hạt bụi, không, như một giọt nước tan dần, tan dần vào dòng nước Lam Giang.


Nguồn Văn nghệ số 34/2018

 


Có thể bạn quan tâm