April 19, 2024, 1:36 pm

Bên cột mốc huyền thoại

KỶ NIỆM 25 NĂM BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ

…Trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải đến Hoa Kỳ năm 2005, phòng tôi ở kề với phòng của Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Vietnamnet. Chuyến đi này có sự kiện chiều tối 21/6/2005 tại Sảnh lớn Khách sạn May Flower ở Washington DC diễn ra một buổi Gala Diner của giới chức và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ chúc mừng chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải. Trên đường đi, Nguyễn Anh Tuấn hỏi tôi, rằng đã gặp Thượng Nghị sĩ John McCain khi nào chưa? John McCain? Thấy tôi lắc và nói lại cái lần gặp hụt ở Hà Nội năm 1996. Lần mà Thượng Nghị sĩ qua Hà Nội gặp lại người từng cứu mình ở hồ Trúc Bạch tháng 10/1967.

Thượng Nghị sĩ J. McCain tại buổi Gala Diner đón tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005.      Ảnh: XUÂN BA

Chuyện là thời điểm ấy có hai ông cư dân Hồ Tây, thuở năm 67 là dân quân tự vệ đã tham gia vào việc cứu thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ John McCain trúng đạn phòng không của tự vệ nhà máy điện Yên Phụ bung vội dù rơi tõm xuống hồ Trúc Bạch. Một ông ra trước cứu là Mai Văn Ổn, người McCain xác nhận chính xác. Còn ông nhảy xuống sau thì cuộc cứu đã sắp hoàn tất. Chuyện ngồ ngộ là mấy tờ báo khi ấy đều đăng bài ảnh của cả hai ông và nói là cả hai đều có công cứu ông McCain khỏi chết đuối ở hồ Trúc Bạch.

Nguyễn Anh Tuấn cho hay tối nay cả hai Thượng Nghị sĩ John McCain và John Kerry là yếu nhân cuộc Gala Diner đều sẽ có mặt. Chợt nhớ cả hai cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam và cả hai vị đều là những cột mốc nhân chứng sống động là các cú hích cực kỳ hiệu quả trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ. Riêng John McCain huyền thoại, vâng chỉ có thể gọi đó là huyền thoại trong cuộc chiến tranh Việt Nam bởi khó có từ nào khác?

*

Huyền thoại không chỉ xuất thân từ một gia tộc danh giá. Cha và ông nội của McCain đều đô đốc của Hải quân Hoa Kỳ là cặp cha con đầu tiên cùng đạt đến cấp bậc đô đốc bốn sao. Ông nội ông, John S.McCain, Sr. là một nhà tiên phong chiến lược hàng không mẫu hạm nắm quyền chỉ huy tất cả các lực lượng hàng không mẫu hạm mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Cha của ông là một tư lệnh tàu ngầm được tặng thưởng Huân chương sao bạc và Huân chương sao đồng.

Năm năm rưỡi phải nằm trong ngục tù Hỏa Lò, được trả tự do đầu năm 1973 sau khi giải nghệ khỏi Hải quân, ông thắng cử hai nhiệm kỳ Hạ viện, từ 1983-1987, và sáu nhiệm kỳ ở Thượng viện Mỹ. Suốt thời gian ấy chả mặc cảm quá khứ, không hề vướng bận hận thù, âm hưởng Việt Nam luôn ám ảnh ông. Thượng Nghị sĩ John McCain từng cùng các cựu binh như cựu thượng nghị sĩ John Kerry, Jim Webb, Chuck Hagel… cầm ngọn cờ đầu trong thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

McCain là nghị sĩ của phe Cộng hòa nhưng trong cả sự nghiệp chính trị của mình đã rất nhiều lần thể hiện những quan điểm trung lập, sẵn sàng đưa ra những quyết định khác với quan điểm của lãnh đạo đảng Cộng hòa khi ông thấy cần. Trong những năm 1990, McCain gánh trên vai trọng trách nặng nề, nỗ lực tìm kiếm thi hài binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh, đồng thời bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Thượng nghị sĩ McCain là tiếng nói quan trọng trong nhiều quyết định mang tính bước ngoặt cho quan hệ Mỹ - Việt. Một trong những dấu mốc ấy là cuộc gặp trực tiếp giữa ông và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch tại Đồi Capitol ngày 17/10/1990 (Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam tới thăm Washington)

… Tôi không rõ nhà báo Nguyễn Anh Tuấn gặp và quen biết vị Thượng Nghị sĩ này tự khi nào? Nhưng khi kéo tôi lại bên Thượng Nghị sĩ giới thiệu với động thái cởi mở thân gần cùng cái xiết tay thân ái đã nói lên tất cả…

Các quan khách buổi Gala ràn rạt diễu qua nhưng câu chuyện giữa ba chúng tôi không hề gián đoạn. Ánh đèn mờ của gian sảnh rộng lớn vẫn soi tỏ vết sẹo trận mạc hồ Trúc Bạch một bên má của vị Thượng Nghị sĩ. Ông đang nói gì một hồi rồi dứ dứ hai cánh tay ra mà nhà báo Tuấn có vẻ thú vị và bật lên cái câu rõ ông này trời đánh không chết! Khi nghe dịch lại mới hay Thượng Nghị sĩ John McCain không phải lần chết hụt ở hồ Trúc Bạch mà nhiều lần khác nữa. Thương tật không biết nặng cỡ nào mà bao nhiêu năm rồi, hiện tại ông không thể giơ hai cánh tay lên quá đầu.

Cuối năm 1958, máy bay của chàng thiếu úy phi công Hải quân Hoa Kỳ John McCain trục trặc rơi xuống biển nhưng chàng may mắn bung dù thoát được. Rồi ít lâu sau lại suýt mất mạng khi máy bay ông mạo hiểm lượn quá thấp chạm phải đường dây điện ở Tây Ban Nha.

Một cuộc thoát hiểm hy hữu trước lần chết hụt ở hồ Trúc Bạch chỉ hai tháng là tháng 7 năm 1967. Hàng không mẫu hạm Forrestal đậu trên vịnh Bắc bộ hàng ngày liên tục xuất phát những cuộc oanh kích vào miền Bắc Việt Nam. Thiếu tá John McCain đã có 20 cuộc oanh kích vụt về như thế.

Thời điểm đó đang ngồi trên chiếc F.4 Con Ma đợi lệnh xuất phát thì khói lửa và những tiếng nổ đinh tai trùm lên Hàng không mẫu hạm. Trận hỏa hoạn giết chết 132 thủy thủ và phi công làm bị thương 62 người khác, 20 máy bay các loại bị phá hủy. Lại một lần nữa John McCain thoát nạn. Nhưng chuyến bay định mệnh ngày 26/10/1967 trong trận oanh tạc nhà máy điện Yên Phụ, thiếu tá McCain đã bị bắt với thương tích đầy mình.

*

Vào tiệc được khoảng hơn mười phút khi Thủ tướng Phan Văn Khải đang phát biểu thì một sự cố xảy ra. Thời điểm đó và sau này trên các phương tiện truyền thông và cộng đồng mạng đã đề cập đến sự cố ấy. Và có không ít những sự thêm thắt này khác trên vài tờ báo.

Tôi với Nguyễn Anh Tuấn và cánh báo chí có mặt không xa vị trí Thủ tướng đang đứng bên cạnh Thượng Nghị sĩ John McCain. Bất đồ có một tiếng hét to và một gã người da màu nhẩy ra từ phía cửa. Nói thì lâu nhưng làm thì chóng kể cả kẻ phá hoại và lực lượng an ninh. Và gì nữa, cả Thượng Nghị sĩ John McCain nữa chứ?

Kẻ lạ mặt da màu ấy cố hắt ly rượu về phía Thủ tướng Phan Văn Khải nhưng bất đồ cả khuôn người của Thượng Nghị sĩ John McCain hình như là theo phản xạ đã nhao ra. Vậy nên trong tích tắc ly rượu tạt ác ý ấy đã tưới lên người Thượng Nghị sĩ John McCain. Rồi cũng ngay lập tức, an ninh đã điệu kẻ kia ra ngoài.

Để ý chỉ vài giọt vang bắn trên người Thủ tướng. Ngay lập tức Thủ tướng Phan Văn Khải cười rồi bất ngờ bật lên câu thành ngữ bằng tiếng Pháp C’est la Vie - Đời là vậy đấy!  Khi nghe câu nói ấy tất cả mọi người phá lên cười vui vẻ. Sự cố ấy dường như không hề hấn gì đến cuộc vui. Tôi để ý thấy Thượng Nghị sĩ John McCain cũng cười và đưa tay phủi nhẹ mấy giọt rượu ác ý bám trên áo Thủ tướng.

Cựu binh John McCain, chiến binh John McCain trên lộ trình hòa hợp hòa giải bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ trước đó và sau này đã từng hứng biết bao nhiêu sự chỉ trích này khác. Nhưng ông đã bình thản chịu trận như ly rượu bất ngờ ác ý như cái tối Gala Diner ấy?

Ông đã dành nhiều thịnh tình trong chuyến thăm lần đầu của Thủ tướng Phan Văn Khải đến Hoa Kỳ. Tối 22/6/2005, có cuộc gặp mặt Chào mừng Thủ tướng Phan Văn Khải của Thượng Nghị sĩ J.McCain và Thượng Nghị sĩ Jonh Kerry đồng tổ chức.

Nhớ 24/6/2008 trong lần thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có một cuộc điện đàm hơn 30 phút với Thượng Nghị sĩ John McCain khi ấy là ứng cử viên Tổng thống của Đảng cộng hòa.

Rồi trong chuyến thăm của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy Hà Nội đến Mỹ có cuộc thăm thân Thượng Nghị sĩ John McCain tại Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Món quà mà ông Phạm Quang Nghị tặng Thượng Nghị sĩ John McCain là mấy tấm hình trong đó có tấm ảnh ghi lại vị trí chiếc may bay bị bắn hạ và cảnh thiếu tá John McCain bị bắt ở hồ Trúc Bạch.

Trong một cuộc gặp phạm vi hẹp cùng không khí thân mật, mấy nhà báo có trao đổi lại với vị Bí thư Thành ủy một vài ý kiến cho rằng ông Nghị cũng chả nên gợi thêm cho vị Thượng Nghị sĩ một kỷ niệm trận mạc buồn ấy trong khung cảnh một cuộc thăm vui (!?) Nhưng chúng tôi được ông Nghị trao đổi lại rằng, Thượng Nghị sĩ John McCain thời điểm nhận món quà ấy, ông Thượng Nghị sĩ đã bất ngờ xúc động và lấy làm thú vị. Thượng Nghị sĩ còn cẩn thận góp ý với ông Nghị là nên sửa cho chính xác dòng chữ ghi ở cái bia dựng bên hồ Trúc Bạch là phi cơ ông thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ chứ không phải là Không quân Hoa Kỳ!

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ, Thượng Nghị sĩ John McCain như ông nói là xin làm hướng dẫn viên tình nguyện cho Tổng Bí thư thăm Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Có cái cảnh, chủ và khách, Thượng Nghị sĩ John McCain và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui vẻ cùng thưởng lãm mấy tấm ảnh, tặng vật của ông Phạm Quang Nghị ngày ấy đang được trưng ở Trụ sở Quốc Hội!

Thầm nghĩ phải là tầm cao thủ, cỡ đấng bậc thì mới dám bình thản cho hiện diện những hình ảnh bại trận và chứng cớ thất bại trong đời trận mạc của mình ngay tại một nơi vốn coi là trung tâm chính trị quan trên trông xuống người ta trông vào như vậy?

Thượng Nghị sĩ John McCain đã có nhiều chuyến đến với Việt Nam. Có lẽ chuyến thăm ngày 1/6/2017 là chuyến cuối cùng. Ông đã thành thực bộc bạch trước các nhà báo một vấn đề thời sự vấn đề cá da trơn (catfish), tôi đã đấu tranh quyết liệt tại Thượng viện. Tôi thậm chí viết các bài báo lên án. Và tôi thấy đây là vấn đề đáng xấu hổ.

Ít ai biết thời điểm đó ông đang mang trong đầu một khối u ác hiểm và giới y học cho là rất hiếm gặp!

Hiếm? Xứ mình có câu sống mỗi người mỗi nết. Chết mỗi người mỗi tật. Hình như với J. McCain, một đời sống 81 năm dương thế đã quá phong phú khác người nên cái chết cũng tìm đến ông theo cái cách riêng?

Sáng ngày 27/8/2018, trời Hà thành hơi âm u. Tôi đến Tòa nhà Vườn Hồng số 170 Phố Ngọc Khánh. Đến đây thường bận việc làm thủ tục phỏng vấn để đi Hoa Kỳ. Nhưng tôi chả đi đâu cả mà theo mấy anh bạn quen ở Bộ Ngoại giao đến viếng Thượng Nghị sĩ J. McCain. Chả là Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam bắt đầu mở sổ chia buồn tại tòa nhà Vườn Hồng bắt đầu từ 28/7 và lân sang cả mấy ngày sau, từ 19 giờ sáng đến 5 giờ chiều cho những ai mong muốn có lời chia sẻ với gia đình Thượng nghị sĩ John McCain.

Dòng người xếp hàng dài dặc. Thoáng qua, tôi bắt gặp những gương mặt có quen và hơi quen quen. Chính khách, đại diện nhiều Bộ ngành. Doanh nhân. Cả giới văn bút, nghệ sĩ… Mạo muội nghĩ, trong dòng người đang kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt kia rất nhiều người chưa từng biết mặt Thượng Nghị sĩ J. McCain bằng xương bằng thịt chứ đừng nói chi đến quen biết! Nhưng họ đã đến đây. Người thì ghi sổ cảm tưởng. Người thì lặng lẽ cúi đầu trước chân dung J. McCain với cái cười làm khuôn mặt bừng sáng! Bức chân dung đó được lồng trong tấm khung gỗ màu ấm mộc mạc đặt chếch một chút dưới vuông cờ Sao & Vạch và một khóm hoa tươi. Dung dị đơn sơ chỉ có vậy.

Cách bài trí dung dị và những gương mặt buồn như đang xui nguyên giục bị như đang khơi nguồn cơn cớ để liên tưởng đến những đêm ngày khó khăn của hơn năm năm trời mà J.McCai từng chài chãi trong nhà ngục Hỏa Lò bắt đầu từ năm 1967.

Tòa nhà Vườn Hồng Ngọc Khánh những năm xa ấy đương là những thửa cấy lúa và ruộng rau muống. Trực chỉ theo đường chim bay đến nhà tù Hỏa Lò chỉ hơn cây số.

Và bao nhiêu là những nóng vội kiên nhẫn lẫn háo hức thời điểm ngóng để tiếp cận từng trang hồi ký ít ỏi của J.McCain. Ấy là với tôi. Bởi nỗi dốt không đọc được nguyên bản. Bởi phải ngóng chỗ một người quen dịch nhỏ giọt từng đoạn. Đoạn nhà văn Nguyễn Tuân vào Hỏa Lò thăm một giặc lái là ông con Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương và chuyện trò về Hemingway. Nào là khúc tướng Giáp bí mật đến Hỏa Lò… Vô ngôn là không có đối thoại chuyện trò gì giữa vị Tổng Tư lệnh và một phi công tù binh. Nhưng tùy từng đối tượng người đọc mà lĩnh hội ra bao nhiêu là thông điệp? Hóa ra người tù phi công ấy, tự những ngày tù binh và hoàn cảnh ngục tù ấy đã nắm đã sử dụng cực kỳ nhuần nhuyễn phương pháp bất biến của thể loại hồi ký: Sự thật. Chỉ có sự thật trần trụi!

Một sự thật xót xa. Một sự thật kiêu hãnh. Danh dự nhà binh và con dòng cháu dõi. Nhưng cái đoạn đời sau này của Thượng Nghị sĩ J.McCain không hiện diện trong hồi ký lại cứ như phần chót của cuốn hồi ký vậy? Một John McCain không ôm hận, không trả thù. Một McCain không tính sổ. Không thanh toán. Như một dạng minh triết phương Đông, minh triết nhân loại, J.McCain đã không lấy oán báo oán. Mà lấy ân cởi oán…

Trong cuốn sổ tang dày nặng ở Sứ quán Mỹ, tôi  đọc được những dòng thế này. Ông Phạm Gia Minh, một doanh nhân viết  “Như một nhân duyên, tôi được đối tác kinh doanh mời sang Mỹ từ khi Mỹ và Việt Nam chưa đặt quan hệ chính thức. Lúc đó, chính Thượng nghị sĩ John McCain đã giúp lấy visa cho trường hợp của tôi với tinh thần phải cùng chung tay xây dựng Việt Nam đổi mới - hùng mạnh. Tôi vô cùng cảm kích và biết ơn sâu sắc Thượng nghị sĩ John McCain, một tượng đài của lòng quả cảm, nhân ái và tình hữu nghị Việt - Mỹ”

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, ở phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm viết: “Trong lịch sử cuộc chiến giữa Việt Nam và Mỹ, có những lúc 2 nước đã chưa thực sự hiểu nhau, thật sự tiếc vì có lúc chúng ta đối đầu với nhau trên chiến trường nhưng có lẽ vì vậy mà chúng ta đã có mối lương duyên để tìm hiểu về nhau nhiều hơn sau chiến tranh và ông là người góp công lớn trong việc xây dựng mối liên kết ấy. Chúng tôi may mắn vì có người bạn lớn là ông. Nước Mỹ may mắn vì có công dân tân tuỵ như ông để hàn gắn chúng ta trong hoà bình.

Chúng tôi vô cùng cảm ơn ông vì mọi điều ông đã làm cho đất nước của chúng tôi.

Vô cùng thương tiếc ông trong niềm đau, xúc động vô bờ. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình ông.

Tên ông mãi sáng trong lịch sử phát triển Việt Nam gửi tới ông tình yêu và sự biết ơn. Mong ông an nghỉ bình an trong cõi vĩnh hằng”.

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Có thể bạn quan tâm