April 17, 2024, 5:11 am

Bên chén rượu vui ngày xuân

Chuyện vui là, ngày ấy, cơ quan báo Văn nghệ ở một tỉnh nọ có mười người là nam, nhưng chỉ được cửa hàng phân phối cho một bộ com-lê. Đã thế, dường như, không ai muốn nhường ai. Để bảo đảm công bằng trong chia chác, lãnh đạo Công đoàn cơ quan phải tổ chức bốc thăm. Lẽ dĩ nhiên, chỉ hai người được mua bộ com-lê ấy. Một ai đó được quần. Và, một ai đó được áo. Từ “sự kiện” này, khi cuộc chia chác vừa xong, nhà thơ Tường Lan lập tức ứng tác bốn câu thơ vui:

Hai người một bộ com-lê

Chàng Kim cái áo, Trọng Khuê cái quần        

Hai năm hội diễn một lần

Trọng Khuê có mỗi chiếc quần đi thi

Trọng Khuê vốn là nhà viết kịch, chuyên đi dàn dựng vở diễn cho các đội văn nghệ tham dự hội diễn sân khấu hàng năm. Nghe Tường Lan xướng lên câu thơ vui, “trào lộng”, Chàng Kim liền hạ tiếp hai câu thơ có ý đùa, “xỏ” nhà viết kịch Trọng Khuê:

Áo quần chuyện ấy hề chi

Ở nhà, ông “Trọng” mấy khi mặc quần.

Nghe câu thơ này, nhà viết kịch Trọng Khuê lên tiếng. Thơ ông cũng hóm hỉnh và hài:

Bình thơ mỗi tháng một lần

Chàng Kim lại phải mượn quần Trọng Khuê.

Vẫn là chuyện nhỏ về manh quần, tấm áo như thế. Cũng dịp ấy, một nhà báo đã nghèo lại bỗng dưng bị kẻ trộm “thuổng” mất cái quần vào giữa trưa khi đang quá giấc say. Vốn dí dỏm, nhà giáo Xuân Đam liền đùa bạn mình bằng mấy câu thơ “nói lái hoặc mất dấu” để cùng cười cho bõ cơn tức giận.

Thơ rằng:

Nghe đồn nhà báo mất “trôm”([1])

Buổi trưa bay mất một hòm quần “ao”

Kẻ thù thật quá là “lao”

Dám vào bẻ khóa nhà “bao” cực kỳ

Quần thì tuột cúc, sờn “chi”

Một năm vài lượt hội “nghi” mới dùng

Bèn mời thầy bói về “cung”

Đoán rằng chỉ bọn quần “chùng” chứ ai

Có điều thật đáng ái “ngai”

Mất quần nhà báo để “dai” ra đường ….

Đúng là, “cơm áo không đùa với khách thơ”. Cái nghèo khổ rơi vào hoàn cảnh nhiều gia đình ngày ấy chẳng khác cảnh “chị Dậu”. Một anh bạn là giáo viên mắc tội nghiện rượu, lại con ốm vợ đau, chiều ba mươi tết vẫn đôn đáo chạy vay tiền vì bị vợ rầy la. Cám cảnh bạn. Cho vay tiền rồi, Xuân Đam, ông “bạn thơ châm” này còn tặng luôn bạn mình bài thơ. Buồn, nhưng nhà giáo nghèo kia “vẫn phải nhe răng cười” mà ruột thì đau thắt.

Thơ viết:

Giữa chiều ba mươi Tết

Vợ mới hỏi tiền đâu?

Chồng lủng bủng lắc đầu

Như chó ăn vụng bột

Mặt vợ phình như thớt

Nhưng không thể nào băm

Hai đứa nhìn đăm đăm

Như hai thằng đấu võ

Pháo quanh làng đã nổ

Như tiếng chửi xuân về

Nước mắt bạn tràn trề

Trong câu thơ tôi viết… 

Xuân Đam là tác giả của nhiều bài thơ trữ tình. Nhưng cuối những năm của thập kỷ bảy mươi, khi đang là “học trò” theo lớp chuyên tu của một trường Cao đẳng ở giáp một huyện biển. Trường nghèo. Sáu người phải ngồi học trên một chiếc ghế băng. Đời sống ăn ở, sinh hoạt gặp trăm bề gian khó. Vậy mà, nhiều người vẫn học giỏi, đạt tiêu chuẩn tiên tiến, xuất sắc. Một buổi họp lớp, bạn bè cử Xuân Đam đại diện phát biểu cảm tưởng. Xuân Đam đứng dậy đọc mấy câu thơ vui làm mọi nguời được trận cười tràn trề nước mắt. Thơ rằng:

Tôi còn biết nói làm sao

Khi mông em cứ cọ vào mông tôi

Ghế băng những sáu người ngồi

Lúc nào mông cũng hơi hơi buồn buồn

Cũng xung quanh chuyện nghèo khó thời ấy, vào năm Dần gì đó, cơ quan báo nọ được ban lãnh đạo một xã đưa vào danh sách, hứa sẽ bán cho con lợn “giá bao cấp”, rẻ để anh em ăn tết. Hẹn hò như đinh đóng cột rồi, nhưng giáp tết, về bắt lợn lại bị “vố” trắng tay. Nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo, vốn khá sành chữ nghĩa, ông liền ra vế đối, thách đối mọi người: “Cuối năm Trâu, được bữa thịt Lừa, mấy chú nhà văn trơ mắt Ếch”. Câu đối thật hay và hóc ở các tên con vật được đưa ra để thách. Nhưng, ngay lúc đó, nhà viết kịch Trọng Khuê vốn con cháu cụ “Tú Xương, Tú Mỡ”, câu đối được đối lại của Trọng Khuê cũng khá chỉnh và hay: “Đầu năm Hổ buông lời hứa Hoẵng, một thằng xã toét lộ tim Hươu”.

Đôi câu đối này đã được đăng trên vài tờ báo xuân một thuở. Và, cũng vì “sướng” đôi câu đối khá hay đấy, năm 1974, Nhà văn Nguyễn Khải đã tìm về cái làng, nơi xảy ra câu chuyện vui này mà viết được một bài bút ký in hai số liền trên báo Lao động.

Nhân ngày tết, trong lúc tề tựu bên nhau cùng nâng chén rượu nồng, câu chuyện vui kể lại để nhớ về một thời đã xa với những gian khổ, khó khăn của xã hội ngày nào mà thêm vui, thêm tự hào ở chặng đường đổi mới của quê hương, đất nước …

Sớm xuân này, bóng dáng một thời xa kia chỉ còn nằm vào khoảng lặng mờ trong những câu chuyện kể.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

 


[1] Những chữ trong ngoặc kép đều bỏ mất dấu


Có thể bạn quan tâm