April 19, 2024, 4:04 pm

“Bảy ngày sống bên Bác”

(Ghi theo hồi ức của Họa sĩ Phong Ba)

…Một ngày đầu năm 1971, vừa nén lòng với nỗi buồn day dứt vì Bác Hồ không còn nữa. Cuộc kháng chiến đang sôi bỏng, những người dân quê hương, bạn bè, đồng chí đang chấp nhận hy sinh. Tôi xúc động đến bật khóc khi được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và Thị xã ủy phân công vẽ chân dung Bác Hồ cho đền thờ Bác ở xã Long Đức mới được xây dựng. Tôi nguyện với lòng: “Mình phải vẽ chân dung Bác cho thật đẹp để Người sống mãi với ngôi đền, sống mãi với nhân dân Long Đức!”.

Họa sỹ Phong Ba bên bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chân dung Bác phải vẽ bằng sơn dầu mới đủ độ bền cùng năm tháng nhưng trong tay tôi chỉ có mực tàu, cọ nho và màu nước. Mật độ chiến tranh ác liệt, quân sự chính trị đã gay gắt, địch còn phong tỏa kinh tế để tát dân, bình định, tiêu diệt cách mạng. Viết bic, giấy mực học trò thôi khi vào vùng giải phóng địch mà phát hiện đã đủ để ngồi tù, huống gì sơn dầu được coi như hàng quốc cấm. Vả lại, người dân nông thôn thời ấy chưa mấy ai từng thấy mặt hàng này để mà mua giúp. May thay, tôi lần ra được người bạn học cũ, bây giờ đang là “lính kiểng” nhưng lại là cơ sở của anh Mười Nghĩa – Phó Ban binh vận tỉnh. Anh Mười đắn đo mãi, đến khi biết yêu cầu vẽ chân dung Bác Hồ, mới chịu chuyển thư, lo sơn, cọ cho tôi.

Trong khi chờ đợi nguyên vật liệu, tôi đi sưu tầm chọn ảnh chân dung Bác. Các cơ quan mà tôi đến tìm cũng có khá nhiều nhưng cũng giống như cái mà tôi đang có: toàn là ảnh Bác chụp sau năm 1960 trong điều kiện hòa bình nên có vẻ nhân từ, đôn hậu mà thiếu thần sắc chiến đấu.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, hình ảnh Bác đi đôi với bài ca Ai yêu Bác Hồ Chí Minh…, bài ca mà lớp thiếu sinh quân của chúng tôi vẫn thường hát mừng bộ đội 307, 308, 310… trong các buổi lễ khao quân mừng chiến thắng hồi kháng chiến chống Pháp. Bác Hồ đứng uy nghiêm trên lễ đài, cặp mắt sáng quắc, râu tóc đen, đầy khí phách chiến đấu.

Hình ảnh thứ hai trong ký ức tôi. Vẫn là Bác Hồ với đôi mắt rực sáng ấy, da dẻ hồng hào, râu tóc hoa râm đầy kiên nghị mà phúc hậu. Bức ảnh màu này tôi nhận được ở một hiệu sách Việt Nam giữa thủ đô Phnompênh, lúc theo thầy học vẽ. Năm 1957, khi trở về nước, tôi giấu kín, trao cho người anh ruột (bác sĩ quân y Ba Tụy) và qua anh chuyền tay cho anh em kháng chiến Trà Vinh cùng giữ vững niềm tin bên Bác.

Biết tôi băn khoăn, anh Tư Kol (Uỷ viên Ban Tuyên huấn tỉnh) mang đến cho tôi bức ảnh chân dung Bác mà anh vẫn cất kỹ từ ngày đầu tập kết ra Bắc, lúc anh bước chân vào trường Văn hóa dân tộc Hà Nội. Nhìn bức ảnh, tôi ôm chặt anh vào lòng mà vô cùng biết ơn. Đúng là hình ảnh Bác Hồ mà tôi cần tìm!

Tôi xuống xã Long Đức. Anh Sáu Súng (Ủy viên Ban Tuyên huấn thị xã) hướng dẫn tôi đến gặp các anh ở Xã ủy là đồng chí Tám Nhỏ – Phó Bí thư thường trực và Sáu Tím – Bí thư Xã đoàn. Căn cứ xã nằm ở ấp Kinh Lớn ven sông Láng Thé, cách ấp Vĩnh Hội, địa điểm xây dựng đền thờ Bác, một cánh đồng nhỏ. Hai đồng chí Xã ủy niềm nỡ cất cho tôi một căn chòi lá tách rời, khá yên tĩnh. Anh chị còn chu đáo dẫn đến tận nơi hướng dẫn hầm bí mật, hầm cất giấu tài liệu, hầm tránh pháo, gạo, muối…

Giữa chúng tôi lúc ấy, xảy ra một chuyện lý thú, giờ nhớ lại vẫn còn xúc động: Nếu giặc đánh vào đây, không biết mình phải cất giấu chân dung Bác như thế nào, cất ở đâu cho vừa nghiêm túc, vừa an toàn. Tuyệt nhiên không thể đưa chân dung Bác xuống hầm bí mật được. Giấu đâu để khi rủi ro tôi hy sinh thì các đồng chí còn tìm được mà rước chân dung Bác về thờ. Thế là tôi chọn một ngọn bần trong lùm bần giữa doi đất cheo leo ngoài bờ sông Láng Thé, nửa kín nửa hở, rất lý tưởng.

Ngày hôm sau, tôi bắt tay vào việc. Các đồng chí ở xã ủy Long Đức cùng văn phòng xã lưu động theo các mũi tấn công địch và chỉ đạo xây dựng đền thờ nên tôi phải tự lo liệu việc ăn ở và làm việc của mình.

Tôi định bụng, đêm đốt đèn dầu nghiền ngẫm chân dung Bác và đọc thật kỹ về cuộc đời hoạt động của Bác để hiểu rõ về Bác hơn. Ngày thức dậy từ 4 giờ sáng nấu ăn và chuẩn bị mọi thứ để khi trời vừa rõ mặt là bắt tay vào vẽ. Trưa ăn cơm nguội, tiếp tục làm việc đến 5 giờ chiều, tranh thủ trước khi trời tối, xuống sông bắt cá về nấu bữa cơm tối.

Tôi thực hiện đúng thời dụng biểu ấy, trừ những khi giặc đánh gần, bị pháo kích hay những giờ chờ lớp sơn khô. Lại lấy tài liệu ra đọc. Song, lần nào cũng vậy, tôi cứ dừng lại ở bài Điếu văn của đồng chí Lê Duẩn… Bức chân dung còn dang dở trước mặt. Trong không khí tĩnh lặng, Bác nhìn tôi, tôi nhìn Bác mà nghe trong lòng dâng lên nỗi niềm kỳ lạ. Từng tiếng nói của Bác, từ đâu đó vang lên trong lòng, những hình ảnh, những lời thơ của Bác lại hiện ra… Tôi thầm hứa với Bác đủ điều, hai mắt cay xè, nước mắt tự nhiên ứa ra. Có lẽ vì vậy mà trong những ngày làm việc kế tiếp, lòng tôi thanh thản. Một sức mạnh ở đâu khiến tay cọ tôi vững vàng, đường nét thật trơn bén, sắc màu chính chắn…

Chiều ngày thứ hai, anh Út Bé – cán bộ Giáo dục xã, người chủ khu vườn tranh thủ tạt về, ghé thăm tôi. Anh kéo tôi ra chòi ngoài đồng ăn cơm với anh chị và gia đình. Bà con kéo đến nhà thật đông vui, kể cho tôi nghe chuyện xây đền, chuyện đánh giặc giữ đền… Nghe nói có anh họa sĩ trên tỉnh về vẽ chân dung Bác để thờ tại ngôi đền, bà con rất mừng, ai cũng nhắn lời thăm, dù nhiều người chưa hề biết mặt mũi tôi ra sao. Họ nói: “có vậy mới được chớ. Mình thi đua với chú họa sĩ trong đó đi bà con ơi! Xây xong, rước Bác về thờ liền, sướng thật!”. Nghe chuyện mà tôi xúc động đến ứa nước mắt. Tuy chung cánh đồng, cùng đồng cam cộng khổ, cùng đội pháo chống càn nhưng xem ra mình ở căn cứ an toàn gấp trăm lần hơn, còn ngoài kia hàng trăm con người đang bất chấp máu đổ, xương rơi trong từng phút, từng giây để xây dựng đền thờ Bác.

Ngày thứ ba, tôi nhận được bức thư ngắn của anh Tư Tranh – Bí thư Thị xã ủy. Anh báo tin mừng: Đồng bào vùng giải phóng cũng như trong ấp chiến lược, được bộ đội C 67 và du kích yểm trợ, đã chuyển toàn bộ tole lợp ra Vĩnh Hội an toàn. Ngôi đền sẽ hoàn thành trước thời gian hoạch định. Anh còn căn dặn tôi: “Chú cố gắng vẽ chân dung Bác thật đẹp, thật có thần để nhân dân rước Bác về Long Đức, về thị xã, về đền…!”.

Ngày thứ tư, thứ năm trở đi, có lẽ các anh bàn sao đó, rồi cử một đồng chí nữ đoàn viên về căn cứ lo việc nấu nướng và những công việc vặt vãnh giúp tôi. Sáng, chiều cô len lỏi ra đồng xách về đủ thứ thức ăn, trà bánh và cả trái cây nữa. Cô khoe: “Của bà con tặng anh đó! Bà con nhắn để chú họa sĩ họa ảnh Bác thật giống. Cứ lo họa đi, đừng đi mò cua bắt cá nữa… !”.

Đến ngày thứ bảy, tôi hoàn tất nhiệm vụ mà Ban Tuyên huấn tỉnh và Thị xã ủy giao cho. Trước mặt tôi, bức chân dung Bác thật uy nghiêm, thật cương nghị nhưng cũng vô cùng đôn hậu hiện ra như cùng cháu con sẵn sàng vào trận đánh cuối cùng, giành lại nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Có thể nói, tôi và cô nữ đoàn viên ngày ấy là người đầu tiên vui mừng trước kết quả của mình. Sau đó, niềm vui được chuyển đến với mọi người dân Long Đức.

Quên làm sao được tấm lòng của nhân dân, cán bộ chiến sĩ Long Đức đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để hoàn thành tác phẩm ưng ý nhất trong cuộc đời sáng tác của mình.

-----------------------

Họa sĩ Phong Ba tên thật Liêu Tử Phong,  sinh năm 1940, dân tộc Hoa, nguyên Trưởng Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Trà Vinh (trước 1975), nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Cửu Long, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Họa sĩ Phong Ba từ trần ngày 24/02/2022, hưởng thọ 83 tuổi.

Ông là một họa sĩ lão thành có nhiều cống hiến cho mỹ thuật và VHNT Trà Vinh cũng như cả nước. Ở ĐBSCL, ông được nhiều người biết đến với bức họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được thờ tại Đền thờ Bác Hồ (xã Long Đức, Tp Trà Vinh). Để vẽ được bức chân dung này, họa sỹ Phong Ba đã có những ngày sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ, và dưới đây là câu chuyện của ông.

Nguồn Văn nghệ số 12/2022


Có thể bạn quan tâm