March 29, 2024, 6:22 pm

“Bay” cùng những mong manh, nhọc nhằn

 

Trần Quang Đạo đã ấn hành 7 tập thơ, 3 tập tiểu thuyết, 1 tập chuyên luận. Và đến bây giờ là Bay trong mơ, tập thơ thứ 8 với một giọng thơ đã chín của chiêm nghiệm.

Bay trong mơ, Trần Quang Đạo đã ngân vang đến người thưởng thức một bát âm của riêng mình. Anh đặt tên cho nó là: Đường nắng, Ngược sáng, Cất cánh, Cháy, Khúc ru, Khúc vong, Gọi giữa thinh không và Nhặt. Trong bát âm của riêng Đạo, ta nghe rất nhiều ngân vang của bát âm Việt (không phải bát âm Trung Quốc bao gồm 8 nhạc khí chế tạo từ những chất liệu khác nhau: gỗ, đá, đất, da, tre, tơ, sắt, quả bầu) là bát âm nghe thấy trong thiên nhiên Việt. Đó là: Tiếng gió thoảng, tiếng gào thét của thú rừng, tiếng ong, tiếng thác đổ, tiếng búa chặt cây rừng cùng tiếng pháo lệnh. Tất cả những ngân vang ấy đều được hồn nhiên tràn ra từ cảm xúc.

Đọc phần Đường nắng, thấy da diết tiếng gió thoảng của quá khứ ở miền quê Phú Hòa, Quảng Bình đầy nắng gió. Lúc thì là tiếng thóc reo vui dưới chân người rẽ thóc trên sân phơi. Lúc thì là mùi thơm trong Cơm mới. Lúc thì thào tiếng mẹ, cha gọi con trong Gọi tên. Một quá khứ làm nên thân phận riêng của nhà thơ: Mẹ chịu cơn đau trở dạ/ tôi đứa con so cất tiếng xé màn trưa/ một ngày tháng giêng/ năm Gà lép trứng.

Một quá khứ như “tiếng dế năm nào” để biết thanh lọc, biết suy ngẫm, biết nhận ra nhân bản của loài người trong Quả bom câm. Tiếng gió thoảng chợt phần phật trong Chói: “Gió cần lao hất ngược mặt trời” ở đầu phần Ngược sáng. Có ở đấy tiếng gào thét của lương tri qua Hắn, Ma chơi, Mắc lưới, Ngồi chống cằm, Nôn, Trước nỗi đau:

Biết làm gì trước nỗi đau hiện có?/biết làm gì trước nỗi đau rình rập?/ nếu đối xử với nỗi đau như một kẻ thù?

Đọc phần Cất cánh thấy rầm rập tiếng vó ngựa phi qua 1.74, Cất cánh, Già rồi, Trên đồng, Gối vụ, Gọt cánh. Có cả sự rớm máu của gót chân ngựa phi:

Tôi gọt cánh/ bay theo đàn/ đau từng nhịp máu.

Đọc phần Cháy thấy tiếng sét ái tình trong Cháy, Đêm champagne, Không lúc nào, Ước, Vũng Tàu một mình. Chợt bâng khuâng tiếng gió thoảng qua Ngọn gió để thấy tiếng sét ái tình đã giáng xuống đầu thi sĩ thế nào: Không lúc nào anh không nhớ về em/ nỗi nhớ cháy sục sôi ngàn độ lửa/ trong vỏ núi chưa bật lên tiếng nổ/ anh mang theo không dám chạm vào đâu/ vì sợ cháy làm mọi người hoảng sợ.

Đọc phần Khúc ru thấy tiếng ong thì thầm trong các khúc ru lục bát từ Ru con, Ru khói, Ru Kiều đến Ru mẹ, Ru sen: À ơi đất nước mình còn/ Phận sen mãi mọc lá tròn đung đưa/ Dưới bùn từ thuở xa xưa/ Thấm bao xương máu bây giờ nuôi sen.

Đọc phần Khúc vọng lại thấy tiếng chim ríu rít trong các bài thơ văn xuôi mà bài Chim sẻ bên nhà như một hợp âm nhấn chủ đề: “Ta đã bay trên đôi cánh của mi/ sẻ nâu ơi. Ta đã hót trên giọng lích nhích của mi/ sẻ nâu ơi!”.

Đọc phần Gọi giữa thinh không thấy ồn ào tiếng đá lở, đá lăn, thác đổ trong từng thi tứ, trong từng suy tưởng. Đấy là “Đầu sông tiếng vọng trập trùng/ Mà nghe đất lở ì ùng trong tim” ở Gọi giữa thinh không. Đấy là: “Tim tôi vỡ một cơn giông cuối mùa” ở Mưa. Nghe cả tiếng gào thét của thú rừng qua Trên núi: “Trên núi cô đơn cả tiếng gà/ Tiếng chó sủa hộ vọng âm vực thẳm”.

Đọc phần Nhặt thì lại thấy tiếng búa chặt cây rừng cùng tiếng pháo lệnh. Đấy là “Một cây héo trong rừng/ Cây xung quanh xòe tán che bóng mát/ Những giọt sương lá nhỏ xuống” trong Cây. Đấy là “Xé bức thư tình cũ/ Không xé được hồn người nhập vào trong chữ” trong . Đấy là “Nhiều khi những dải vai/ bay phần phật tưởng mình là cờ” trong Bay. Đấy là “Đóng chiếc đinh vào tường/ Một con mắt nhìn tôi đau đáu/ Tiếng búa khai sinh một linh hồn” trong Đóng. Cứ thế, bát âm Việt luân chuyển trong bát âm Trần Quang Đạo cho ta thấy rất nhiều cung bậc “đan lóng mốt” vào nhau giữa cổ điển và rock, giữa dịu dàng và chói gắt, khiến ta không nhàm chán, khiến ta cứ tò mò kiếm tìm như tìm một yêu thương.

Để có được những cung bậc mới mẻ đó, Trần Quang Đạo đã rất linh diệu trong việc sử dụng các thi pháp của các trường phái như cổ điển, ấn tượng, tượng trưng, siêu thực, đồng hiện… như các thủ pháp tạo ra giọng thơ mình. Tôi rất thích “cuộc chơi đồng hiện” của Đạo trong Đi bên sân trường: Một đứa trẻ trong tôi bỗng nhảy ra/ chui vào lỗ thủng/ tôi chạy theo định kéo lại vì sợ nó bị lạc/ nhưng bất ngờ đứa bé bị quăng ra đường.

*

một đứa trẻ từ hố bom ký ức bỗng nhảy ra/ một đứa trẻ từ nhà hầm năm xưa nhảy ra/ cả đứa bé ngoan học điểm cao nhất lớp/ nhảy ra. Nhưng khựng lại vì nghe tiếng khóc.

Cũng rất thú vị khi Đạo chơi như bài đồng dao Ông trăng xuống chơi của Phạm Duy, trong Trả. Phạm Duy thì “Ông trăng trả vợ đàn ông/ Trả chồng cô gái/ Trả trái cây cà…” Còn Đạo thì: Xin trả ngày về cho đêm/ Lang thang đã mỏi đường chêm bóng chờ/ Xin trả thực về cho mơ/ Bao nhiêu kỷ niệm mang hơ lửa nồng…

Cứ thế, Bay trong mơ cùng Trần Quang Đạo, ta bỗng nhận ra một chiều kích thứ năm của không gian. Đấy là chiều kích của giấc mơ, của tâm linh với tốc độ nhanh hơn tốc độ ánh sáng, của ý nghĩa. Bay trong mơ chính là một khẳng định cắm mốc của Trần Quang Đạo trong cuộc chạy marathon đến thi ca đích thực vừa mong manh vừa nhọc nhằn: Bay trong mơ/ đôi cánh tôi đã cứng dần lên/ tôi cường tráng dù trước là biển rộng/ tôi không thiên di vẫn thấy mình tự do/ vì bầu trời xanh của riêng tôi/ định vì không ai làm vẩn đục…


Có thể bạn quan tâm