April 20, 2024, 6:47 pm

Bắt đầu từ một người lính

Ngày nay, khi nói đến người lính chiến tôi luyện sinh tử trong chiến tranh thực sự, trở về làm kinh tế giỏi, thành công, hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp.

Khuôn mặt vuông chữ điền, ánh nhìn cương nghị, nụ cười thấu hiểu hồn hậu, mỗi quyết định ông đưa ra giờ đây có ảnh hường đến bao số phận con người, bao gia đình. Trách nhiệm nặng nề là vậy nhưng hiếm khi người ta thấy nụ cười tắt trên môi ông. Người ta thấy ông ở công ty, ở công trường đang thi công, ở nơi làm tự thiện, ở quê hương Nghi Lộc, Nghệ An, lúc khác lại ở những công trình mà ông từng một thời gắn bó như Môn Sơn, Tân Thành, Quỳnh Tam, Ngàn Trươi, Khe Bố, Bản Vẽ, Nậm Mô, Cồn Lều…, rồi rong ruổi nơi đường Trường Sơn, vào thắp hương ở đài tưởng niệm 21 nơi Gio Linh – Quảng Trị, sang đất bạn Lào, xa hơn nữa là sang các nước châu Âu.

Anh hùng Lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp

Nhiều người tự hỏi ý chí, sức lực ở đâu mà ông có thể làm nhiều việc cùng lúc vậy, mà việc nào cũng đến đầu đến đũa, chẳng bỏ dở, chán nản quay đầu bao giờ. Bạn bè vui đùa bảo ông Giáp biết nhân bản vô tính mình ra thành nhiều ông Giáp để làm nhiều việc, ở nhiều nơi cùng lúc. Đám trẻ mới vào công ty bảo ông biết cách quản lý thời gian tỉ mỉ, chi tiết như máy tính điện tử, tức là đến ăn ngủ cũng bị chi phối từng tí bởi lí tính. Chỉ riêng ông hiểu, mình làm được nhiều việc như thế vì ông từng là người lính chiến, lại là lính lái xe Trường Sơn… Khi mà người lính lái xe không phải là đối đầu trực diện với địch, mà nhiệm vụ của họ là vượt qua; vượt qua vô vàn các khúc cua tay áo mà chỉ lỏng tay lái chân phanh, nhãng ra xử lí thiếu quyết đoán (kèm đôi chút may mắn) là người xe tan xác dưới vực; vượt qua các trọng điểm như Đồng Tiền, Ka Tốc, Cốc Mạc, Văng Mu, Lùm Bùm…, các hầm ngầm, đèo dốc với máy bay địch trên đầu ngày đêm điên cuồng bắn phá hòng chặt đứt đường tiếp tế Bắc – Nam; vượt qua chính nỗi sợ bản thân, sẵn sàng đối diện với các tình huống hiểm nghèo chẳng lần nào giống lần nào; vượt qua cả nỗi sợ chất độc da cam dioxin mà giặc Mỹ rải bạt ngàn xuống rừng, xuống suối để ăn, để tắm mà sinh tồn đánh giặc.

*

Trái tim của chàng lính trẻ Nguyễn Đăng Giáp những ngày xẻ dọc Trường Sơn cứu nước đã đập những nhịp vô tư, hồn nhiên, mạnh mẽ trẻ trung nhất. Với mỗi lần làm nhiệm vụ là một lần đi vào cửa tử, mỗi lần làm nhiệm vụ là như một lần làm lễ truy điệu sớm, nhưng có hề gì, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, chàng lính trẻ ấy trong mỗi chuyến đi không lo lắng gì cho mình, mà anh lo hậu phương không biết bố mẹ các em sống sao những ngày giặc Mĩ mở rộng đánh phá ra miền Bắc hòng đạt những thỏa thuận có lợi trên bàn đàm phán ở Paris xa xôi, lo cho người bạn cùng tiểu đội bị thương nằm trạm phẫu không biết đã lành, lo sợ thay cho những cô gái thanh niên xung phong ở những hầm ngầm sau mỗi đợt rà phá bom mìn thông cho xe qua.

Sự lo lắng này sau giải phóng miền Nam chuyển thành nỗi lo lắng vì cuộc sống mưu sinh với ngồn ngộn trở ngại mới bày ra trước mắt. Là người lính vận tải, sau giải phóng theo sự phân công của cấp trên Nguyễn Đăng Giáp tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Lào. Cụ thể thuộc Đại đội vận tải 35, Trung đoàn 576 trực thuộc Cục Xây dựng kinh tế. Với nhiệm vụ giúp nước bạn xây dựng Tổng kho Mường Phìn, cất chứa vũ khí, trang bị kĩ thuật do Liên Xô viện trợ. Nước bạn Lào thời kì này cũng đang vào thời kì khắc phục hậu quả sau chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Còn kinh tế trong nước thì khó khăn nối dài khó khăn, cái nghèo vẫn đeo đẳng bám đuổi từng hộ gia đình, từng người lính vừa hoàn thành nhiệm vụ đánh giặc trở về.

Những chuyến hàng từ Việt Nam sang Lào thời kì này tưởng chừng không còn khó khăn mà lại khó khăn không tưởng. Phỉ vẫn phục kích những chuyến xe hàng của bộ đội ta, lợi dụng địa hình hiểm yếu phức tạp đánh nhanh, rút nhanh, không quy luật cụ thể. Máu người lính Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn vẫn đổ… Cái sợ lúc này là cái sợ không làm tròn lời thề thứ hai của người lính bộ đội cụ Hồ: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực, thi hành nhanh chóng và chính xác”. Người lính trẻ Nguyễn Đăng Giáp tự nhủ phải cứu mình trước khi trời cứu, tránh né không phải là phẩm chất của người lính lái xe quê hương Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, anh đề xuất chỉ huy đại đội xin thêm lính bộ binh ngồi trên thùng xe cần là cơ động chiến đấu ngay cùng lái phụ xe phía trước. Nhờ thế mỗi lần đụng độ phỉ, ta từ thế bị động hoàn toàn chuyển sang chủ động, mỗi chuyến xe an toàn hơn, đi đến nơi về đến chốn. Chính thời gian này Giáp dần nhận ra phải biến thách thức thành cơ hội. Chỉ có trong khó khăn, thách thức mình hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao thì mới chứng tỏ được giá trị bản thân. Khó khăn càng cao, áp lực càng tăng, nếu làm được thì giá trị bản thân càng lớn.

Cũng chính thời gian này người lính Nguyễn Đăng Giáp được tiếp cận với cơ chế sản xuất hàng hóa mới, là thị trường cung cầu chứ không phải bao cấp. Sự vượt qua của người lính lái xe trong thời gian này là chống lại cám dỗ vật chất (nhiều khi chính đáng) để không bị kỉ luật. Và trái tim đã bắt đầu có nốt loạn, có rạn vỡ, sự trong trẻo thuở ban đầu bước chân vào đời lính phai dần, thay vào đó là các câu hỏi, thắc mắc, tỉ như cái mong mỏi cho mình, cho bố mẹ các em ở quê có cuộc sống khấm khá lên đôi chút có gì không phải, anh em cùng đơn vị muốn vợ con họ có mái nhà không dột, tấm áo quần mới, bữa có miếng thịt con cá có gì là sai trái. Cái việc phạm pháp bị cấm nhiều khi chỉ là việc ngăn sông cấm chợ, hàng hóa ở nơi thừa thì vẫn thừa, thiếu thì vẫn thiếu, các anh thuế vụ sục sạo chốt giữ mọi ngả đường, cân từng cân chè, đếm từng củ hành, quá cân là thu. Ở quê đến thịt con lợn nhà vất vả nuôi cả mấy năm cũng phải làm đơn xin phép, có dấu của xã mới được mổ, nếu mổ chui bị phát hiện sẽ tịch thu cả, còn phạt hành chính thêm.

*

Giai đoạn làm nghĩa vụ quốc tế ở vùng giáp biên đất bạn Lào đã vỡ lòng những bài học đầu kiên về kinh tế cho anh lính trẻ Nguyễn Đăng Giáp. Phải có quyết tâm (cùng linh tính) để vượt qua các khó khăn đặt ra trước mắt như vượt qua các trọng điểm đánh phá. Đã có những thời điểm người giám đốc của Tổng công ty 36 đã phải thuyết phục vợ con, cắm sổ đỏ gia đình của mình lẫn thuộc cấp cho ngân hàng vay tiền để công trình được thi công, hoàn thành đúng kế hoạch đặt ra. Vì ông hiểu, chỉ có uy tín mới là thứ quý giá nhất trong làm ăn kinh tế. Có uy tín là có tất cả. Tại sao người Do Thái làm ăn kinh tế giỏi hơn các dân tộc khác, vì họ giữ uy tín, luôn đặt chữ tín lên đầu, cái lợi thu về là cái lợi lâu dài chứ không phải mánh khóe chụp giật trước mắt.

Chưa hết, có được sự tin tưởng tuyệt đối của cấp trên đã đành, còn phải có sự đồng lòng của người cùng thực hiện nhiệm vụ. Bởi từng là lính chiến chết sống trong tích tắc Nguyễn Đăng Giáp hiểu đồng đội quan trọng đến nhường nào. Chỉ một lời khích lệ của cấp trên, một câu động viên, nhắn nhủ của người bạn cùng tiểu đội trong giờ phút nguy nan sẽ khiến mọi khó khăn trước mắt vụt biến, cái khao khát sống, khao khát thành công trỗi dậy lướt qua tất cả.

Thứ nữa, phải có sự mềm dẻo linh hoạt, nhưng vẫn giữ được cốt cách của người lính lái xe Trường Sơn là cẩn thận, chắc chắn trong bất cứ tình huống nào. Như khi khởi công đổ móng công trình thủy điện Khe Bố, nghi ngờ lòng sông vẫn còn nhiều “túi” than mỡ ngầm, người lính lái xe năm nào đã quyết định dừng lại khảo sát thêm. Để rồi khi phát hiện nhiều túi than mỡ ngầm thật đã quyết định hoãn thi công, đợi gia cố thêm lòng sông, điều này làm phát sinh thêm chi phí nhưng đảm bảo an toàn cho công trình khi hoàn thành, an toàn cho người và tài sản ở hạ lưu đập thủy điện.

Cuối cùng, trên cương vị người lính, không bao giờ được làm trái với nguyên tắc sự thật. Như trong việc thu hồi đất quốc phòng của Công ty 56 ở phường Định Công, quận Hoàng Mai. Thủ đô tấc đất tấc vàng. Từ trên lãnh đạo chỉ huy xuống dưới anh em đều nhận định đây là mảnh đất khó thu hồi. Nhưng với quyết tâm chính trị, bám sát, hành xử theo pháp luật mảnh đất hơn 4000m2 đã được thu hồi. Trong giai đoạn này từng có kẻ đến tận công ty hối lộ anh 5 tỉ để bỏ qua việc đang làm. Giáp nghĩ, bỏ qua dễ thôi vì ngay từ đầu ai cũng biết việc thu hồi đất là khó, nhiều người làm và đã có nhiều người bỏ. Giá có nhận tiền bỏ qua thì cũng chẳng ai biết đấy là đâu. Nhưng vị giám đốc (lính) không làm thế, ông từ chối thẳng thừng: “Anh mang tiền về, không mua nổi tôi đâu. Với tôi, đất quốc phòng thì phải trả về cho đơn vị, cho nhà nước.”

*

Với bao thăng trầm trong đời mình Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp khi tâm sự chuyện đời thường bắt đầu với giai đoạn tham gia chiến trường, sang đến giai đoạn mở cửa làm kinh tế, cuối cùng bao giờ cũng là câu chuyện về thời ấu thơ nơi làng Đông Chử, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An… Dù thành công thế nào người lính, người anh hùng lao động ấy cũng không bao giờ quên gốc rễ làng quê của mình, và không bao giờ quên mình từng là một người lính lái xe ở rừng Trường Sơn. Cho đến giờ này có thể khẳng định Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã sống một cuộc đời đáng sống, đáng ngưỡng mộ, một cuộc đời như chính ông đã chọn…

Tố An

Nguồn Văn nghệ số 21/2023


Có thể bạn quan tâm