April 20, 2024, 8:39 pm

Bảo vệ cán bộ

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Trước hết, cán bộ

phải biết tự bảo vệ mình

Một trong những vấn đề được dư luận gần đây hết sức quan tâm, đó là công tác bảo vệ cán bộ. Mỗi một vụ thi hành kỉ luật cán bộ, bất cứ cấp nào, đều để lại nhiều mất mát.

Thứ nhất, mất mát tài sản của dân, của nước. Thứ hai, mất niềm tin vào đội ngũ công quyền. Thứ ba, mất đi một cán bộ đã được đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và thứ tư, đó là nỗi đau xót vì xét về tình cảm, những người đó từng là đồng chí, đồng đội, đồng bào của mình. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”!

Vậy thế nào là bảo vệ cán bộ và làm cách nào để bảo vệ cán bộ?

Theo tôi, thứ nhất, cán bộ phải biết tự rèn luyện tu dưỡng bản thân. Đồng tiền như một con quỉ đầy ma lực luôn rình rập trong mỗi con người. Ai đủ thiện lương, bản lĩnh thì chế ngự được nó và ngược lại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Ai chả thích của, thích tiền nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, chết cũng không mang tiền theo được”.

Một khi biết trọng danh dự, trọng liêm sỉ, trọng sự chính trực sẽ có thể vượt qua ma lực của tiền.

Lịch sử và hiện tại, đã có nhiều tấm gương trọng liêm sỉ hơn tiền bạc, song cũng không ít bị đồng tiền làm cho “khốc hại”. Đã từng có những cán bộ ra sống vào chết, lăn lộn phấn đấu để có những vị trí cao, thậm chí rất cao nhưng rồi cuối cùng, chỉ vì đồng tiền “làm cho khốc hại”, gia đình tan nát, bản thân tù tội, họ hàng, làng xóm từng tự hào thì giờ đây xa lánh, hổ thẹn.

Muốn bảo vệ chính mình, mỗi cán bộ cần hiểu rõ, hiểu sâu về pháp luật cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Muốn bảo vệ chính mình, phải biết xác định tâm thế cho cả vợ (chồng), con cái và người thân. Câu ngạn ngữ “Đằng sau sự thành công của một người đàn ông đều có bóng dáng của người phụ nữ” có lẽ cũng nên được hiểu “Đằng sau sự thất bại của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”.

Hãy xác định cho bản thân chức tước chỉ là nhiệm vụ, là trách nhiệm chứ không phải là “bổng lộc” và luôn nhớ “chức tước chỉ là chiếc áo khoác hờ trên thành ghế”.

Hãy luôn nhớ rằng, khoảng cách từ vinh quang đến tù tội chỉ là gang tấc. Một phút, một giây sa ngã thôi, cả sự nghiệp gây dựng bao năm tan thành mây khói.

Nhìn lại lịch sử và cả hiện tại, đã có không ít trường hợp thân bại, danh liệt chỉ vì một phút mềm lòng, chỉ vì những đòi hỏi vô lý của vợ (chồng), con cháu, người thân.

Để đảm bảo an toàn, đã có không ít người chọn cách cực đoan nhưng cũng khá hiệu quả, đó là không để vợ (chồng), con cái tham gia vào công việc của mình.

Nói thì dễ nhưng làm được điều này không dễ với phong tục, truyền thống văn hóa “Một kẻ làm quan cả họ được nhờ”. Đặc biệt với người Việt, một dân tộc sống nghĩa tình và nhiều khi bị cảm tính chi phối.

Song, muốn bảo vệ mình, không còn cách nào khác, đó là hãy để cho vợ (chồng), con cái và người thân tự thân vận động.

Muốn bảo vệ chính mình còn phải có một tinh thần cảnh giác trước những cạm bẫy luôn luôn rình rập bằng “nghệ thuật siêu đẳng” không dễ nhận biết. Nó tinh vi, biến ảo đến mức rất khó nhận ra hoặc khi nhận ra thì đã quá muộn.

Tóm lại, muốn bảo vệ cán bộ, trước hết mỗi cán bộ phải biết tự bảo vệ chính mình bằng đạo đức, tác phong, biết trọng danh dự và cả sự cảnh giác cần thiết.

Làm tốt công tác

cán bộ chính là bảo vệ cán bộ

Trong công tác cán bộ, ba điều rất quan trọng là phát hiện – đào tạo, đề bạt – cất nhắc và quản lý – giám sát Một loạt cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng thời gian qua cho thấy cần phải rà soát lại ở cả ba khâu này.

Về phát hiện – đào tạo, việc một số cán bộ đã có biểu hiện tiêu cực ngay từ khi chưa có chức tước hoặc ở cấp quản lý thấp nhất vẫn được cho vào diện qui hoạch để đào tạo cho thấy đây là lỗ hổng không nhỏ. “Ngựa quen đường cũ”, “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, một khi tư tưởng vụ lợi, dối trá, tiêu cực đã “ngấm vào máu” thì chắc chắn, nó sẽ bộc lộ; vấn đề là bao giờ và ở đâu thôi.

Nếu chọn đúng những người có phẩm chất đạo đức, độ an toàn sẽ cao hơn và ngược lại. Đây là bước khởi đầu và cũng là gốc của vấn đề.

Về đề bạt – cất nhắc, vẫn còn tình trạng không ít cán bộ vi phạm pháp luật nhưng được đề bạt trong các cuộc “thăng tiến thần tốc”, “5C (con cháu các cụ cả), 4 Ệ (hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ). Những trường hợp vừa được đề bạt đã bị kỉ luật, thậm chí khởi tố hình sự vì những vi phạm cũ đã từng xảy ra trong một thời gian dài và không phải một lần cho thấy đây cũng là một trong những kẽ hở không nhỏ.

Về quản lý giám sát, việc một số cán bộ cao cấp vi phạm không phải một mà nhiều lần, thậm chí đối mặt với nhiều vụ án trong một thời gian dài cho thấy khâu quản lý – giám sát chưa được như mong đợi dù chúng ta có rất nhiều cơ quan, đoàn thể làm nhiệm vụ này.

Nếu quản lý, giám sát tốt, chắc chắn không có việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh sau rất nhiều sai phạm.

Nếu quản lý, giám sát tốt, chắc chắn không có 12 dự án thua lỗ với trị giá khổng lồ.

Nếu quản lý, giám sát tốt, sẽ hạn chế rất nhiều những hành vi tha hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.

Tóm lại, muốn bảo vệ cán bộ, cần phải làm tốt ở cả ba khâu “phát hiện – đào tạo”, “đề bạt – cất nhắc” và “quản lý – giám sát”.

Nếu chỉ một trong ba khâu trên có lỗ hổng đã vô cùng nguy hiểm.

Bảo vệ cán bộ bằng một

hành lang pháp lý hoàn chỉnh

 Một trong những điều mà không ít cán bộ lo lắng, băn khoăn, lưỡng lự, thực hiện phương châm “an toàn trên hết”, không dám hành động, không dám đổi mới… là do chúng ta chưa có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh. Thậm chí nhiều khi còn chồng chéo, mơ hồ “muốn hiểu thế nào cũng được” và “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”.

Trả lời báo chí, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương từng nêu dẫn chứng Đà Nẵng hơn 10 năm trước vụt “đứng dậy”, thay da đổi thịt, thành một “thành phố đáng sống” từ việc áp dụng phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh.

Trước Đà Nẵng, phương thức huy động đầu tư này được thực hiện đầu tiên ở Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng nhiều cán bộ địa phương khi đó đã bị kỷ luật. Sau, việc đổi đất lấy công trình được thừa nhận như một sáng kiến. Trung ương cũng nhận định, đây là chủ trương đúng, mang lại hiệu quả, có hướng dẫn thực hiện. Thế nhưng gần đây nhất, lại một loạt lãnh đạo Quảng Nam, Đà Nẵng một thời bị truy tố, xét xử chính vì quá trình thực hiện việc “đổi đất” này.

Tiếc rằng, những vụ việc như trên không phải hiếm.

Do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, ít khả thi, công khai, minh bạch… dẫn đến hậu quả là cán bộ do dự, không biết làm thế này là đúng hay sai? Lỡ hôm nay đúng, ngày mai sai thì sao? Thậm chí, nếu bị xử lý kỉ luật, đối tượng cũng không “tâm phục, khẩu phục” và ngược lại, hoàn toàn có thể có những trường hợp lợi dụng sự thiếu đồng bộ, thống nhất của luật pháp để vụ lợi nhưng lại bị sót người, lọt tội.

Vì vậy, bảo vệ cán bộ cần có hành lang pháp lý để dù có muốn cũng không thể tham nhũng. Bảo vệ cán bộ, cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với công sức để họ không cần tham nhũng. Bảo vệ cán bộ, cần đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm… đủ sức răn đe để không dám tham nhũng.

Khi đó, mới xử lý chính xác những sai phạm đồng thời bảo vệ được cán bộ, tránh oan sai không đáng có.

Trong kết luận của Bộ Chính trị nói trên cũng nêu rõ: Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Mặt khác, Kết luận cũng yêu cầu: “Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Bảo vệ cán bộ, cần một tinh thần như thời Đổi mới!

Nguồn Văn nghệ số 41/2021


Có thể bạn quan tâm