April 24, 2024, 12:01 pm

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở trường phổ thông

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số có nhiều bất cập. Đa số học sinh không hiểu hết giá trị của văn hóa các dân tộc thiểu số, mà có xu hướng ưa chuộng những hình thức nghệ thuật mới, hiện đại, ít quan tâm tìm hiểu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy được các giá trị của văn hóa nói chung và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng trong các nhà trường có vai trò hết sức quan trọng.

 

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa về trò chơi dân gian của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Na Hang

 

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong đó, ngoài dân tộc Kinh, có đến hơn 50 dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số có dân số trên 11 triệu người chiếm 13% dân số cả nước. Các dân tộc sống đoàn kết, thân ái, tương trợ lẫn nhau, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết và bản sắc đa dạng, phong phú về văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Các thành phần dân tộc thiểu số cư trú phân tán, cư trú xen kẽ ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, thậm chí, trong một đơn vị hành chính có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú là vùng miền núi, biên giới, với diện tích tự nhiên chiếm 2/3 diện tích cả nước và có trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế không đồng đều. Đây là vùng có vị trí địa lý, kinh tế và quốc phòng an ninh quan trọng, là địa bàn phiên dậu quốc gia.

Các dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng Nam bộ với địa hình đất đai khá màu mỡ, khí hậu thời tiết ổn định, canh tác thuận lợi, đời sống kinh tế - xã hội phát triển, ổn định hơn các vùng khác. Vùng Tây bắc với địa hình chia cắt, phức tạp, đất đai khô cằn, nhiều đồi dốc, núi đá, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, canh tác rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế chậm phát triển. Các dân tộc thiểu số có những sinh hoạt, di sản văn hóa đa dạng, bản sắc riêng do lịch sử di cư, sự phân bố, địa bàn cư trú, điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán của các dân tộc...

Văn hóa dân tộc thiểu số là những giá trị vật chất và tinh thần được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển của dân tộc, là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hoá khác nhau xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng, tác động mạnh đến văn hoá truyền thống các dân tộc đó. Bên cạnh đó, nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình văn hóa phi vật thể và sự xuống cấp của các di tích lịch sử vẫn còn ở mức báo động. Việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng, các làng nghề truyền thống còn nhiều hạn chế đã dẫn đến nguy cơ phai mờ, biến dạng bản sắc dân tộc.

Trong thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số có ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải tiếp tục thực hiện thường xuyên và lâu dài.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là việc làm nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp vốn có của các dân tộc để phát triển những giá trị tốt đẹp. Trong đó cần lưu ý đến những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, như các danh lam thắng cảnh, các phong tục, tập quán, ngôn ngữ gồm cả tiếng nói và chữ viết; các lễ hội cổ truyền, tín ngưỡng văn hóa, dân ca, nghề thủ công truyền thống... của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ.

Trước tình hình hiểu biết của học sinh về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của địa phương còn hạn chế, thì việc giáo dục văn hóa các dân tộc thiểu số cho học sinh là cần thiết, nhằm góp phần củng cố lòng tin và niềm tự hào của thế hệ trẻ vào các giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống; qua đó, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc trên cơ sở nhận thức sự thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam, giúp các em tự tin hội nhập, góp phần xây dựng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Để làm tốt công việc này, ngành giáo dục, thông qua nhà trường, có vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức cho học sinh về việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng. Cụ thể, trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, đó là:

Thứ nhất: Cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của giáo dục bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số cho học sinh. Các hoạt động giáo dục bảo tồn văn hóa cần phù hợp với tâm lý lứa tuổi các em học sinh, khích thích ham muốn tìm tòi, khám phá, trải nghiệm; giảm thiểu sự hàn lâm hóa kiến thức trong dạy học. Chính việc giáo dục bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số sẽ làm tăng thêm vốn hiểu biết của học sinh về văn hóa, xã hội, bồi đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về truyền thống của dân tộc. Cũng thông qua giáo dục truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số sẽ huy động mọi lực lượng trong xã hội cùng tham gia vào bảo vệ và phát huy giá trị các văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Việc tuyên truyền có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, như thông qua các bài diễn văn, bài phát biểu tại các lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, bài nói chuyện của các nhân chứng lịch sử, các nghệ nhân của địa phương. Có thể sử dụng phòng truyền thống, phòng Đoàn, Đội, thư viện... để trưng bày báo tường, báo ảnh, hiện vật, tranh ảnh theo các chủ đề hoặc thiết kế tờ gấp có nội dung tuyên truyền.

Thứ hai: Tích hợp các nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc thiểu số vào giờ dạy chính khóa. Trong nhà trường có thể tích hợp nội dung giáo dục này vào tất cả các môn học, tuy nhiên một số môn có khả năng tích hợp nhiều hơn như: Ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc,...

Thứ ba: Tổ chức tốt chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Với cấp THCS, các nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc có thể tổ chức vào các tháng có chủ đề phù hợp. Thông qua các buổi học này, học sinh các dân tộc thiểu số sẽ rất phấn khởi khi được biểu diễn các làn điệu dân gian của dân tộc mình trong các hoạt động cộng đồng của nhà trường và địa phương. Để có được buổi biểu diễn trên, các em đã phải mất nhiều công sức tìm hiểu về các làn điệu, tự dàn dựng khá công phu. Điều này tạo nên sự thích thú, say mê tìm tòi của học sinh, thoát khỏi sự gò bó theo các giờ giảng trên lớp trước đây. Qua đó, những câu hát, điệu múa và các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được lưu truyền từ trong nhà trường, thông qua thế hệ trẻ.

Thứ tư: Lồng ghép hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc thông qua các hoạt động sinh hoạt và hoạt động ngoại khóa. Đối với các trường có học sinh ở nội trú, bán trú, có thể thông qua các hoạt động tập thể, sinh hoạt nội trú, giúp học sinh hiểu hơn về ngôn ngữ, truyền thống, phong tục, thói quen... của các dân tộc khác, qua đó tăng cường sự hiểu biết, quan tâm chia sẻ và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc. Các trường ở vùng cư trú của các dân tộc thiểu số có thể tổ chức cho học sinh đi thăm quan làng bản, đến các gia đình để các em được giao tiếp với người dân, tìm hiểu về kiến trúc nhà ở, các món ăn truyền thống, các dụng cụ lao động tự làm, nhạc cụ truyền thống, phong tục tập quán,...

 Tổ chức các buổi ngoại khóa với những hoạt động gắn với lễ hội truyền thống, tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc sẽ giúp học sinh hiểu thêm về văn hóa dân tộc mình. Hoạt động này còn nhằm trang bị kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em tăng cường cơ hội giao lưu, học hỏi và từ đó có thái độ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 Thứ năm: Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên, Đội TNTP trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc thiểu số cho học sinh, như Hội trại truyền thống, Lễ kết nạp đoàn viên (đội viên), chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ của địa phương, chăm sóc gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, tổ chức nói chuyện chuyên đề... Tùy theo khả năng và điều kiện từng trường, có thể lựa chọn các hoạt động như: Trình diễn thời trang, biểu diễn văn nghệ, tổ chức trò chơi dân gian; Xuất bản chuyên khảo, lập trang tin, in tờ rơi, xây dựng góc văn hóa, tổ chức các câu lạc bộ...

Thứ sáu: Tổ chức sưu tầm, trưng bày các sản phẩm là hiện vật, tài liệu, tư liệu lịch sử. Đoàn trường, Liên Đội có thể xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động sưu tầm, trưng bày các sản phẩm là hiện vật, tài liệu, tư liệu liên quan đến lịch sử địa phương nhằm giáo dục cho học sinh truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Thứ bảy: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc thiểu số của địa phương. Đoàn trường, Liên đội có thể tổ chức các cuộc thi bằng hình thức bài viết, Rung chuông vàng, Chiếc nón kỳ diệu, Em làm hướng dẫn viên du lịch... với chủ đề tìm hiểu về một di tích lịch sử, về kiến trúc nhà ở, một lễ hội truyền thống, một món ăn đặc sắc của các dân tộc ở của địa phương.

Thứ tám: Tổ chức trình diễn, thuyết trình, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc thiểu số của địa phương. Có thể tổ chức các hoạt động như: Ngày hội văn hóa các dân tộc, trong đó có trình diễn thời trang, biểu diễn múa hát, sử dụng nhạc cụ dân tộc, làm món ăn dân tộc, tổ chức trò chơi dân gian, các lễ hội truyền thống của dân tộc. Các trường học có điều kiện về kinh phí có thể tổ chức chương trình Về nguồn thăm các khu di tích, bảo tàng; huy động sự giúp đỡ của cha mẹ, ông bà, người thân của học sinh am hiểu về truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, ngôn ngữ, lễ hội của địa phương tham gia tuyên truyền, giới thiệu văn hóa các dân tộc thiểu số cho học sinh.

Trên tinh thần coi văn hóa của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, nhà trường cần có kế hoạch tổ chức khẩn trương, dứt điểm trong việc đầu tư kinh phí, nhân lực có chuyên môn để khảo sát, thống kê, phân loại, nghiên cứu đồng bộ lịch sử, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em. Cần làm tốt việc dạy song ngữ ở các trường dân tộc thiểu số (tiếng Việt và tiếng dân tộc bản địa). Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp thiết để phát triển bền vững đất nước.

Nguồn Văn nghệ số 10/2020


Có thể bạn quan tâm