April 25, 2024, 6:16 pm

Bão thời cuộc không quật đổ nổi người công chính

 

Càng ngày tôi càng nhận ra, trong giới nhà văn đông đảo, ồn ào và lắm chuyện này, cứ hễ ai nổi lên, ghi được tên mình vào lòng bạn đọc thì số phận anh/ chị ta ắt có nhiều khác biệt, nhiều khi khác đến lạ lùng. Và hấp dẫn nữa. Như Trần Đức Trí đây, là cậu bé học giỏi môn văn nhưng lại đi bộ đội chiến đấu, giấy gọi đại học hai lần bị ỉm đi, lại còn bảo “chuyên” trốn nghĩa vụ quân sự; đến khi vào được đại học thì trên lại cử đi học kỹ thuật tàu biển ở Liên Xô cũ.

Nhận bằng Tiến sỹ ở Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, Trưởng Đại diện của Bộ GTVT tại Hội Đồng Tương trợ Kinh tế cho đến khi Liên Xô sụp đổ. Về nước, làm đến Tổng giám đốc một công ty thành viên của một tập đoàn đầy tai tiếng.“Trên” đã tính rót cho công ty ông dăm chục triệu USD với điều kiện thối lại “hoả hồng” vài triệu không chứng từ. Ông nghĩ, ăn gì ăn lắm thế. Đã ăn đầu này, lại còn chặn đầu kia  nữa thì còn đâu lãi mà nuôi quân? Vậy rồi ông từ chối, loanh quanh vâng dạ một hồi cho khỏi bị quấy rầy mà thoát nạn trong cái cơ chế đầy cạm bẫy tai nạn tứ bề vây bủa.

Đấy là nhờ phúc ấm tổ tiên.

Nhưng cũng còn nhờ ở năng khiếu văn chương bấy lâu bị kìm nén nữa, bởi cái lò xo số phận. Cho đến khi số phận gặp vấn đề của mình, buộc nó phải loay hoay tháo gỡ. Sức ép giảm đi là cơ hội để lò xo bật lên hất văng Trần Đức Trí ra khỏi vòng xoáy trước đó. Rẽ hẳn sang văn chương.

Tôi không biết rõ năng khiếu văn chương là thế nào, nhưng biết chắc nó gồm phần lớn tố chất tình yêu. Khi bị phụ, tình yêu co lại, như hạt mầm cuộn lại dưới tảng đá trắng nhợt vì thiếu quang hợp. Khi được vồn vã, lại được tưới tắm bằng thán khí bi phẫn của số phận, hạt mầm vươn lên xanh biếc. Đó cũng là quy luật tái sinh của phượng hoàng. Với Trí, mầm thơ không vươn lên từ đống tro tàn, nó vươn lên từ tự do. Nhưng nó cũng để lại dấu vết một thời bị kiềm tỏa, như mầm bị thắt ngẫng hay co cuộn. Thơ ông dừng lại ở cảm xúc, sự kiện; ở mặt bằng “thi ngôn chí”.

Văn xuôi Trần Đức Trí thì khác.

Đây là cuốn sách về những trải nghiệm 20 năm đầu đời của cậu bé Đức, nhân vật trung tâm: Ở tuổi trẻ con với bố mẹ ông bà, những đám giỗ họ, cái chết của ông bà nội, những đêm ma quỷ thần thánh. Ở tuổi học đường nhà quê, tuổi khao khát học vấn với những tình cảm giới tính mơ hồ thấp thoáng; các kỷ niệm với bạn bè chơi khăng đánh đáo, với các thầy cô giáo càng lớn càng ấn tượng. Ở tuổi trai tráng lên đường gánh vác chiến tranh. Dường như, tất cả những kỷ niệm, kí ức của Trần Đức Trí đều được trân trọng giữ gìn, lâu lâu lại được hồi nhớ để tưới tắm thêm cảm xúc nên khi tác giả kể lại qua nhân vật Trần Đức, nó tươi ròng, nó sống động náo hoạt và hấp dẫn khiến người đọc như được cùng Đức “sống lại” tuổi thơ, sống lại thời trai tráng của chính mình.

Đọc “Trong bão” xong, tôi mới chắc chắn rằng Trần Đức Trí bỏ bả giàu sang ồn ào phố chợ về với thơ như một tất yếu. Con người ông đủ cương ngạnh để sống cạnh tranh lành mạnh. Nhưng cái phần thiên lương, cái khát vọng sống đẹp và yêu thương ngày càng lấn át lẽ hơn thua được mất. Cho đến khi đã sáu mươi ngoài, ông còn bỏ Hải Phòng nhà cao cửa rộng về làng quê ăn canh cua rau mùng tơi, cá đồng kho ủ trấu mà chăm sóc mẹ già ngót trăm tuổi - người mẹ đã nhớ nhớ quên quên, con trai đã lên xe rồi vẫn tập tễnh bước theo đưa cái nón lá “đội lên đầu che nắng, che mưa”. Ông nâng niu níu giữ mẹ già như níu giữ tuổi thơ, tình sâu nghĩa nặng - người mẹ già như chính cái làng quê đã nuôi dưỡng ông thành người, nuôi dưỡng tâm hồn ông đủ để làm người có đạo.

Ở trên tôi đã nói qua về phúc ấm tổ tiên của Trần Đức Trí. Ông có ông nội, bố đẻ là những người công chính. Bố đánh đòn vì tội nói leo, không dám khóc, khi lên giường ngủ, ông nội còn ôm cháu vào lòng mà dặn thêm “Nhớ nhé cu, chớ nói dại!” để cháu đừng mắc lỗi nữa. Bố ông cõng con đi học bằng đôi chân phong thấp khoét rỗng gót như bị mọt, ngày mưa còn cõng đi rồi đón về. Nhưng khi con theo bạn bè đi trộm nhãn đình, ông đánh đòn rồi bắt “vác roi” đến nhà  xin lỗi cụ Cai Vòi. Ông còn phê bình góp ý để con chữa thơ “biếu” thầy, cũng tức là để tâm hồn thơ của con tròn đầy hơn. Tôi có câu “Nghiêm phụ sinh hiếu tử, chí nhân dịch thế” (Người cha nghiêm cẩn, sẽ có người con hiếu thảo; khi đã hiếu thảo thì ấy là con người viết hoa và thời nào cũng có, không dứt) câu này vận vào gia thế Trần Đức Trí cứ như là khởi sinh từ đấy.

Bao bọc cái gia thế ấy là một xóm thôn thanh bình, yên ả với đặc sản là tình nghĩa tối lửa tắt đèn. Cái tình nghĩa và chất phác bị xáo trộn trong cải cách ruộng đất, như thể cái ác cái gian dối bị kích hoạt mà gây nên những chuyện cười ra nước mắt. Nó, cùng với lối làm ăn hợp tác cha chung không ai khóc, khiến dân làng đói khát, có người chết vì ngộ độc sắn… những dấu ấn rồi ra sẽ trở thành sẹo trong lòng người, trong lịch sử. Đọc“Trong bão”, tôi thấm thía hơn cái điều không còn là mới: Làng quê Việt Nam trọng tình hơn lý, thương nhau cùng nghèo mà ghen ghét kẻ giàu có và thông sáng hơn người để rồi xảy ra bao nhiêu là hệ lụy: Ông nội bị đau dạ dày, nhưng chết ngay trong đêm vì bệnh viện quá “nghèo”, không có thuốc. Còn bố, một người sáng láng giỏi giang thì làng bỏ đấy không dùng. Hệ quả là làng quê nghèo đói, tối tăm; cái ách như trò đùa ở ngoài đàng lại có thể quàng lên vai mình những nghiệt ngã ghê gớm. Cái dấu vết “trọng tình hơn lý” của làng quê rồi sẽ theo cậu Đức đến tận Sài Gòn, khi Đức, Chi và anh lính Việt Nam cộng hòa Hai Thọ, cả ba cùng đứng cạnh loa nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trưa 30/4. Sau đó, Hai Thọ lại xin đi cùng để chỉ đường cho quân Giải phóng vào đánh Sài Gòn; Hai Thọ cùng vợ tìm đến doanh trại thăm Đức - để cảm tạ việc đã tha mạng cho Hai Thọ, lại còn giục Hai Thọ về nhà mặc đồ dân sự,“chứ cứ quần đùi, cởi trần thế này, ai chả biết cậu là lính nguỵ, về đi, về với vợ con.” Còn dấu vết “thương nhau cùng nghèo mà ghen ghét kẻ giàu có sáng láng hơn người” rồi sẽ được xóa dần khi nhiều người như Đức được tiếp xúc với thị trường Sài Gòn, nơi “cửa hiệu thuốc tư nhân còn lớn và nhiều thuốc hơn cả Hiệu thuốc quốc doanh phố huyện”; với sản xuất kinh doanh lớn bên trời Âu bể Á để trở thành một doanh nhân, có thể mang tiền của thiên hạ về cưu mang cung tiến công việc ở trong họ ngoài làng.

Nhiều cảm nhận nghĩ suy của Trần Đức Trí mang tầm triết luận về nước Việt, người Việt nhưng lại được viết nhẹ nhõm như không. Các lớp truyện, cả vui lẫn buồn tủi đều được phủ bàng bạc một chất thơ mờ ảo chiết từ ân tình làng quê đã thấm vào Trí khi còn bé dại. Chính chất thơ ấy đã khiến tôi hăm hở đọc cuốn sách liền một mạch.

Nguồn Văn nghệ số 45/2022


Có thể bạn quan tâm