April 20, 2024, 5:14 am

Bao giờ nước rửa cho trong nỗi buồn?

 

Trong bài Tôi không cần mộ chí viết vào năm 1933 của thế kỷ trước, B.Brecht - người được mệnh danh là “con sư tử thi ca” của Đức và thế giới đã viết: “Tôi không cần mộ chí/ Nhưng nếu các bạn cần bia mộ cho tôi/ Tôi mong trên đó viết những lời/ Anh ta đã đưa ra kiến nghị/ Chúng tôi đã nhận lời...”

Và “chỉ bấy nhiêu chữ thôi/ Chúng ta cùng vinh dự”. Rõ ràng, B.Brecht đã chọn cho mình một tấm bia mộ khác biệt, có một không hai, mà nội dung chỉ là “anh ta” (cuộc sống, thời đang sống) “đưa ra kiến nghị”, còn “chúng tôi” (trong đó có B.Brecht) “đã nhận lời” để “chúng ta cùng vinh dự”. Nêu thế để rút ra: Người viết phải có trách nhiệm gắn bó với thời đang sống, không thể tách thời đang sống. Chỉ có như thế, thi ca mới trả lời được câu hỏi: Thời anh đang sống là thời đại nào?

Tất nhiên, quan niệm về mối quan hệ hữu cơ mang tính qua lại giữa nghệ thuật và cuộc sống, cùng những đòi hỏi của cuộc sống đối với nghệ thuật như đã nêu ở trên, không chỉ có ở B.Brecht. Cái hơn và cái hay của B. Brecht là ở chỗ: Ông là người chỉ ra thật đích đáng vấn đề này bằng thơ.

Với Ở đây, lúc này, “kiến nghị” không phải do “anh ta”, mà do Nguyễn Đình Minh đưa ra là: Phải tập trung tạo hình tượng về “cơn bão covid”, “cơn bão máu chiến tranh” và “những cơn bão trong lòng người”. Đấy là đòi hỏi những tự thân của người viết. Rồi tất cả đều phải thoả mãn và đáp ứng cái tinh thần “Ở đây, lúc này” theo chánh niệm nhà Phật.

Ở đây, lúc này có ý đồ nghệ thuật rõ ràng, có bố cục chặt chẽ và được chia thành ba phần, gồm: Trong mắt bão, Chiến tranh, tại sao?, Nhà thương trái tim.

Covid-19 và cơn bão Covid-19 là một điểm nhấn quan trọng của Trong mắt bãoỞ đây, lúc này.  Nó khiến cho “Trời loang mây hoang mang/ Mặt đất thì nín thở/ Bước chân Corona...” (Ngày vỡ vụn); “Trăm sắc quốc kỳ bợt bạt, ngừng bay/ Mỗi mái nhà thành một tâm địa chấn.../ Mỗi mảnh thời gian đều thấm nỗi đau thương” (Nghĩ trong đêm đại dịch). Rồi nó để lại hậu quả ngay tức khắc: “Giam mình giữa nhà tù không có chấn song” (Song sắt vô hình); “Khói phủ đen trên nóc nhà thiêu xác/ Tiếng chuông nức nở gửi trời xanh” (Viên đạn buồn thứ nhất); “Tình yêu cũng rời ghế đá/ Nụ hôn bây giờ thành vũ khí sát thương”(Trong gió tử thần); “Những nghĩa địa chập chùng thánh giá/ Như cánh rừng huân chương của một chủng vi trùng” (Trong gió tử thần)... Và sự ngăn cách, chia tách, phân ly  ấy xuất hiện ngoài trí tưởng tượng của con người đến xót xa, nao lòng: Đêm nay con lại gác đầu làng/ Chiếc barie như một dấu trừ/ Xuyên qua con đường quê vốn ồn ào tấp nập/Vầng trăng khuyết hình con mắt/ Treo lưng trời buồn tênh...

Khẩu trang, màu trắng và đặc biệt là màu trắng của khẩu trang như ôm trùm và choán lên tất cả. Đó là “Chôn nụ cười trong những chiếc khẩu trang” (Viên đạn buồn thứ nhất); “Có một nỗi đau giấu sau mặt khẩu trang” (Mặt trời vẫn thức gọi Sài Gòn); “Thương Thăng Long trắng khẩu trang” (Tháng giêng, ngày 16)...

Không dừng ở hiện tượng, Nguyễn Đình Minh xộc thẳng vào bản chất của vấn đề. Trước hết, tác giả truy tìm nguyên nhân bằng cách đặt ra câu hỏi: “Lỗi tại con người hay lỗi tại thiên nhiên?” (Ngày vụn vỡ) và cho rằng: Cũng có thể “con người chối bỏ mẹ thiên nhiên” (Nghĩ trong đêm đại dịch), sống quá lý trí mà không biết “đặt hồn mình lên tay mẹ thiên nhiên” (Loài vi trùng bất tử), lãng quên “quyền năng thiên nhiên” nên “đã bắn vào sự ngạo cuồng của mình” (Viên đạn buồn thứ nhất)... Rồi Nguyễn Đình Minh lại đặt một câu hỏi nữa như một lời nhắc nhở, cảnh báo: Hình như lần đầu tiên/ Con người mới nhớ ra mình bé nhỏ?

Đó là những câu thơ sắc sảo đầy ngẫm ngợi, suy tư... khiến độc giả không thể không ngẫm ngợi, suy tư và chia sẻ cùng. Nói theo cách của nhà thơ Pháp Ê-lu-a thì chúng như từ chân trời một người để đến với chân trời tất cả vậy. Ở một chừng mực đáng kể, những câu thơ trên còn chứng tỏ tri kiến và góp phần cảnh tỉnh con người.

     Ở phần Chiến tranh, tại sao?, Nguyễn Đình Minh có một châu Âu không yên và đổ vỡ: “Châu Âu những ngày này thiếu lửa thừa bom.../ Âm thầm tiếng niềm tin sụp đổ/ Máu ròng ròng/ Trên nhãn mác văn minh” và trong Mriya, Nguyễn Đình Minh tin “lòng tham” và “quyền lực”: “Có thể kéo sập bầu trời/ Và những lỗ đen vẫn ký sinh giữa lòng người/ Hút máu sinh linh như hút rác”...

Nếu như xa xưa, con người hay đặt ra câu hỏi: “Ta từ đâu đến và ta sẽ đi đến đâu?” thì trong “Ở đây, lúc này”, Nguyễn Đình Minh đặt thêm câu hỏi: “Ta là ai và ta còn gì?” (Chiến tranh mềm). Thiết nghĩ, con người ở thời ta sống mới mong manh và nhiều nguy cơ tiềm ẩn làm sao!

Có vẻ như những cơn bão covid, những cơn bão chiến tranh không mạnh bằng những cơn bão lòng người. Bằng chứng là trong phần Nhà thương trái tim, Nguyễn Đình Minh sở hữu những câu thơ đớn đau khiến độc giả phải động tâm, tạo ra hiệu ứng bất ngờ. Có thể thực chứng: “Giả dối vẫn đeo tang cho niềm vui bằng nước mắt/ Và dùng nụ cười  điểm cho mỗi đớn đau” (Xin hãy chọn); “Một cân cá chứa ngàn cân giông bão/ Một con tép nhỏ nhoi/ Có khi đổi mạng người” (Một thoáng vạn chài); “Chiều rách bươm trên lưng lũ dã tràng/ Gió uốn vầng trăng cong hình dấu hỏi/ Đêm vạn chài phấp phỏng mảnh lưới suông” (Thông điệp biển); “Thấy phiên chợ như phai hồn nhạt vía/ Bao nhiêu là thơm thảo đã bay đi/ Và hoá một nốt trầm/ Trong cung đàn ngày mở cửa/ Cánh đồng quê, mầm độc đã đâm chồi” (Mua ngày xưa nơi chợ Tết)...

Trong Ở đây, lúc này, Nguyễn Đình Minh còn sở hữu những câu thơ thật hay, thật đẹp, tựa như ông đang trở về mình, trở về thế giới của riêng mình: “Người nghệ sĩ gieo ước mơ trên cát/ Bằng máu trái tim mình/ Và tưới nó lên xanh bằng nước mắt” (Những thông điệp cát); “Bà nội run run đỡ cả thời viễn cổ/ Gói nghìn năm trong một miếng trầu cay” (Những làng tre về đâu?)...

Có thể nói, ở một mức độ phân thân nào đó, cho dù Nguyễn Đình Minh là “Luôn thuận theo tự nhiên thong thả sống/ Như sóng sau nổi lên/ Bình thản sóng trước chìm” (Nghĩ trong mùa lá rụng), nhưng ông vẫn là người nặng lòng trước cuộc sống và trong cuộc sống. Bài thơ Lời người xa xứ thể hiện thân phận không hẳn chỉ của người tha phương... Phần kết có những câu lục bát đáng nhớ như là sự bừng rộ, lay thức của tâm trạng: Sông quê muôn thuở chảy xuôi/ Lênh đênh ngọn sóng mình tôi ngược dòng/ Đem buồn đục đổ lòng sông/Bao giờ nước rửa cho trong nỗi buồn?

Riêng “Nhà thương nào... cho thơ” là một tứ thơ độc đáo, lạ lẫm, đầy phát hiện. Nguyễn Đình Minh khẳng định: Chỉ có trái tim là nơi trú ngự của thơ và mới là nơi chữa lành cho thơ, đem lại sự yên bình cho thơ. Bài thơ có năm câu cuối rất đáng được đánh dấu khuyên vào đó: Trái đất mênh mông thờ ơ/ Vẫn thiếu một mái nhà trú ngự/ Thơ đành nương vào trái tim thi sĩ/ Trái tim thành nhà thương, thành nơi tri kỷ/ Điều dưỡng những câu thơ.

Và trong khi trả lời câu hỏi: Thời đại anh sống là thời đại nào? Nguyễn Đình Minh đã trả lời được câu hỏi: Anh là ai? Làm được điều ấy trong thơ gần như cùng một  lúc, nhìn chung không phải dễ.

Nguồn Văn nghệ số 42/2022


Có thể bạn quan tâm