April 26, 2024, 6:50 am

Báo chí và mạng xã hội cạnh tranh và tương hỗ!

 

Sau khi quy hoạch báo chí in, hiện nay cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (trung ương 68, địa phương 74); trong đó có 112 báo có hoạt động điện tử; 612 tạp chí (trung ương 520, địa phương 92) trong đó có 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử; 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập, bao gồm 9 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử. Hệ thống phát thanh - truyền hình cả nước có 67 đài PT-TH trung ương và địa phương; trong đó có3 đài quốc gia phủ sóng toàn quốc là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC). Cùng đó, cả nước hiện có hơn 40.000 người đang hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực báo chí, trong đó có 21.132 người được Bộ Thông tin và truyền thông cấp Thẻ nhà báo.

Những con số trên đây cho thấy hệ thống báo chí Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh và phát triển không ngừng. Báo chí nước ta đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của tổ chức đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; vừa là diễn đàn của toàn thể nhân dân. Báo chí nước ta đã góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội. Đặc biệt, báo chí cũng đã tham gia tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ quyền quốc gia… Thời gian gần đây báo chí đã tăng cường thời lượng phát sóng các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai… nhất là các chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Bên cạnh việc báo chí nước ta hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm mà nhiều vụ việc đã bị xử lý hành chính hoặc truy cứu hình sự, thì thách thức lớn nhất đối với báo chí hiện nay là sự bùng nổ của mạng xã hội. Với Internet băng thông rộng thế hệ mới, với công nghệ số và đổi mới sáng tạo đã làm bùng nổ cuộc cách mạng phân phối nội dung, mở ra thách thức, phương tiện truyền thông mới làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp nhận thông tin của con người. Một thực tế không thể phủ nhận là mạng xã hội đã phát triển rất mạnh mẽ và là kênh kết nối nhanh nhất hiện nay được tính bằng giây của hàng tỷ thành viên trên toàn cầu. Số lượng người dùng mạng xã hội vẫn tiếp tục tăng trên thế giới. Ước tính đến năm 2045, thế giới sẽ có 4,41 tỷ người dùng mạng xã hội.

Ở Việt Nam, hiện có hơn 68 triệu người dùng Internet, chiếm 70,3% dân số. Việt Nam là một trong 18 nước có số lượng người dùng mạng xã hội đông trên thế giới và hiện vẫn là một thị trường lý tưởng cho việc phát triển mạng xã hội. Ngày 8/4/2020, Ban Bí thư TƯ Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/ TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Chỉ thị nêu rõ “Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối lấn át, gây ra nhiều tác hại”. Bộ Thông tin & Truyền thông cũng nhận định: “Sự thua thiệt của báo chí trên không gian mạng, đồng nghĩa với sự lấn át của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, còn kéo theo những hệ lụy xã hội đáng lo ngại khác, khi những thể loại nội dung khác được các nền tảng xuyên biên giới ưu tiên phát tán (…)

Những nội dung “lệch chuẩn” hiện đang thu hút một lượng lớn người theo dõi trên không gian mạng, lấn át các thông tin quan trọng của đât nước, của đời sống xã hội, làm giảm vai trò ảnh hưởng, định hướng thông tin, dư luận xã hội”… Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin & Truyền thông đã ban hành quy tắc ứng xử nhằm hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn lành mạnh tại Việt Nam. Bộ quy tắc ứng xử trong đó đã nêu rõ: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, tin sai sự thật,… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”. Đồng thời, mạng xã hội đã hình thành nên nền báo chí công dân với nền tảng công nghệ của truyền thông xã hội, đã giúp cho công chúng mở ra một kênh thông tin của cá nhân mình và hoạt động với tư cách tương tự như một nhà báo, bằng cách tự cung cấp, quảng bá, lan truyền những sản phẩm mang tính báo chí của mình ra cộng đồng.

“Báo chí công dân” ở Việt Nam đã cung cấp thông tin đa chiều hơn cho độc giả bên cạnh kênh truyền thông chính thống. Mạng xã hội cũng đã đặt ra cho báo chí chính thống nhiệm vụ nâng cao chất lượng thông tin, hạm lượng thông tin, cần có những bài viết phân tích sâu sắc để lý giải những vấn đề, những sự việc mà dư luận xã hội quan tâm tới. Để đảm bảo thông tin chính xác, một số cơ quan báo chí đã đề ra những quy định như: Phóng viên không được khai thác đưa tin theo mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng qua các cơ quan chức năng và phải tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định về kỷ luật thông tin, trách nhiệm của người làm báo tham gia mạng xã hội. Đồng thời rà soát lại quy trình sản xuất tin, bài cùng với việc nâng cao trình độ nhận thức sử dụng công nghệ thành thạo, tác nghiệp báo chí cho các phóng viên. Trước sự cạnh tranh thông tin của mạng xã hội, báo chí chính thống hiện nay đã đề ra và thực hiện một số giải pháp “đối phó”.

Trước hết là xây dựng mô hình báo chí đa phương tiện. Đây là xu hướng tất yếu của nền báo chí hiện đại, thời công nghệ 4.0. Để phát triển mô hình báo chí đa phương tiện, một số cơ quan báo chí đã chuyển từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn hội tụ. Đó là việc một tòa soạn phải được sắp xếp lại, tổ chức lại bộ máy nhân lực, quy trình làm báo để trở thành “guồng máy” thống nhất để sản xuất tin, bài cho tất cả các loại hình báo chí. Đồng thời với mô hình tòa soạn hội tụ là mô hình báo chí tương tác. Các báo điện tử ngày càng chiếm ưu thế rõ rệt so với báo in vì khả năng tương tác với độc giả. Một số báo điện tử đã bắt kịp xu hướng này và tương tác hai chiều giữa độc giả và tòa soạn bằng cách tạo ra những mục để độc giả tự viết, độc giả có thể bình luận, trao đổi trực tiếp mọi nội dung của bài báo.

Ngày nay, hình ảnh mỗi người trên tay vừa cầm tờ báo vừa nhâm nhi ly cafe vào các buổi sáng ở các quán cafe ở đô thị lớn đã dần trở nên khan hiếm; cũng khó mà bắt gặp hình ảnh một người lái xe ôm đang chăm chú đọc báo in ở ngã tư đường phố trong lúc nghỉ ngơi. Thay vào đó là chiếc điện thoại thông minh để lướt “sóng”. Truyền thông xã hội đã làm thay đổi mối quan hệ giữa báo chí và độc giả. Nó thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong báo chí. Trước đây, độc giả đón nhận thông tin một chiều, thiếu cơ chế giám sát cũng như phản hồi đối với thông tin báo chí. Giờ đây, hầu hết các báo điện tử đều triển khai mục “Bình luận của bạn đọc” (Comment) và “yêu thích” (like) dưới mỗi bài viết.

Nhờ có sự phản hồi của bạn đọc mà các tờ báo đã khai thác, tìm kiếm các chủ đề hay, có liên quan mật thiết đến thực tế và cuộc sống của độc giả hơn. Một số tờ báo đã tạo ra diễn đàn chung để công chúng cùng thảo luận những vấn đề mà xã hội quan tâm. Các phương tiện truyền thông hiện nay vô cùng phong phú và đa dạng. Do vậy, độc giả cũng đóng góp vào việc sản xuất và phổ biến thông tin. Có thể nói ở chừng mực nào đó, độc giả là người “đồng sáng tạo” một sản phẩm báo chí.

Nhất là sự kiện, sự việc nào đó vừa xảy ra mà nhà báo chưa kịp có mặt. Đó chính là sự kết hợp và tác động qua lại giữa báo điện tử và mạng xã hội. Như vậy, có thể nói mạng xã hội đang tham gia ngày càng tích cực vào hoạt động truyền thông. Với một chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ người dân nào cũng có thể đăng ảnh, quay clip, hoặc viết về một việc gì đó để đưa lên mạng xã hội. Lợi thế của mạng xã hội – “báo chí công dân” là rất to lớn và đông đảo. Nó có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi thời điểm… mà không một tòa soạn báo nào có đủ kinh phí và nhân lực để tác nghiệp. Lợi thế nữa là mạng xã hội thông tin rất kịp thời. Có những sự việc, hiện tượng vừa xảy ra ở đâu đó thì ngay lập tức đã được mạng xã hội phản ánh. Và một “lợi thế” nữa là nội dung của mạng xã hội không bị biên tập, không bị quản lý nên người dùng mạng xã hội cảm thấy “tự do, thoải mái” và đây cũng chính là điểm yếu, điểm bất lợi của mạng xã hội mà cộng đồng mạng cần hết sức cảnh giác.

Một số tờ báo mạng điện tử hiện nay đã trang bị những ứng dụng để tự động cho phép cập nhật những bài báo của mình lên các mạng xã hội. Nhờ vậy, số lượng người truy cập vào các tài khoản của các tờ báo cũng tăng lên đáng kể. Thông tin báo chí là thông tin đã qua kiểm chứng, độ tin cậy cao và được công chúng coi như nguồn để đánh giá kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội. Bên cạnh đó thì mạng xã hội cũng nhanh chóng chia sẻ những bức ảnh đẹp, những bài báo hay được đăng trên báo chí chính thống. Điều đó cho thấy báo chí và mạng xã hội cùng song song tồn tại, tác động qua lại lẫn nhau và cùng phát triển để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin ngày càng cao cho công chúng.

Nguồn Văn nghệ số 24/2022


Có thể bạn quan tâm