April 26, 2024, 2:30 am

Bàn về dạy và dỗ

 

 Từ ngàn xưa, đạo học là trọng thầy, mến bạn, “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Người đời cũng chỉ suy tôn hai người thầy: thầy giáo và thầy thuốc. Không ai bảo ai từ em nhỏ đến cụ già râu tóc bạc phơ, ra đường đều ngả mũ cúi chào trọng vọng. Tại sao lại có được sự tự nguyện đến vậy? Bởi một người bằng tri thức và chữ tâm dạy con người làm người. Một người lại bằng tấm lòng nhân hậu cứu người, cứu đời. Tất cả đều xuất phát từ sự hy sinh vì cuộc sống cộng đồng, vì nền văn hiến nước nhà.

            Lại có sự lưu truyền trong dân gian, “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Câu bóng gió mang nhiều hàm ý. Quỷ và ma cũng chỉ là tưởng tượng, dọa được trẻ con và người yếu bóng vía mà thôi. Cái loại quỷ ma đang hiện hình trong đời sống dân sinh ngày nay mới thực đáng sợ. Chúng trở thành quốc nạn, nếu không kịp thời chặn đứng, còn ảnh hưởng tới sự tồn vong đất nước nữa. “thứ ba học trò”,thực chất những hành vi thuở học trò ngày ấy đều là mải chơi vô tư trong sáng. Không mờ ám, không biến thái, không bạo hành, chẳng có gì gây hại đến quốc gia. Xin lỗi mọi người, có mấy ai qua thời học trò mà không nghịch ngợm, không mải chơi biếng học. Thầy cô trách phạt cũng chỉ là dạy và dỗ là chính, thầy vẫn thương trò và trò luôn trọng thầy. Câu chuyện của nhà bác học Lê Quý Đôn, vì mải chơi bị cha phạt, ông đã làm bài thơ Con rắn tạ lỗi để đời. Sau naỳ ông trở thành nhà bác học uyên bác đáng kính. Nghịch nổi đình đám như Đinh Tiên Hoàng, từ trò phất cờ lau tập trận giả, đến dương cao cờ đại nghĩa lập nên nước Đại Cồ Việt chẳng đáng khả kính đó sao. Viết ra đôi dòng này tôi không có ý bao biện cho những hành vi bạo hành học đường đang xảy ra. Đó cũng chỉ là cá biệt, mà chủ yếu từ con ông cháu cha, mới dám vô lối như vậy. Con dân lành, cha mẹ phải kiếm ăn từng ngày lấy đâu có điều kiện kinh tế để cho con đua đòi. Thật là đáng thương cho con cháu chúng ta, tưởng là sướng mà thực chất đâu có sướng. Chúng như đàn vịt ngơ ngác xô dạt theo nhiều hướng, chạm hướng nào cũng đều lệch chuẩn, đều áp lực. Ỏ nhà là áp lực từ cha me, đến trường là áp lực thi cử, thầy cô bè bạn, ra xã hội thì áp lực của căn bệnh thành tích. Những chú gà tồ nhốt trong lồng kính với bao toan tình của người lớn. Từ đó sinh ra ích kỷ. lười nhác, thích ăn chơi hưởng lạc, xa rời thiên nhiên kỳ thú vốn dành cho chúng. Tất tật những hành vi đó đều do người lớn vạch đường cho hươu chạy, nào chúng có tự vẽ ra được. Khi đã bập vào rồi thì bất chấp mọi hệ lụy, đã lại có người can thiệp. Người đời thường nói trẻ thơ như tờ giấy trắng tinh, vẽ tròn thành mặt trăng, vẽ méo thành mặt quỷ. Việc dạy là phải đi liền với dỗ đâu có dễ ợt như ai kia nghĩ cứ lên bục giảng là thầy và vào được lớp là thành tài. Với cách tư duy lệch chuẩn mực của các bậc cha mẹ ngày nay đang tự đánh mất chiếc roi ân – uy của cha ông để lại. Ngày xưa, cái ngày xưa ấy chỉ một chiếc roi nho nhỏ giắt hiên nhà, một chiếc thước trên bàn thầy cô. Dẫu có phải sử dụng đến cũng không nhiều, chỉ là một đôi lần ở lòng bàn tay, ở mông đều là phần mềm. Ấy vậy mà cảm hóa nhiều cậu học trò khó bảo, ấy vậy mà để lại trong lòng sự biết ơn thầy cô qua nhiều thế hệ. Đó chính là cái ân, cái uy của người được quyền xử dụng roi. Đó là tấm lòng yêu trẻ vô bờ bến của biết bao thầy cô bất chấp khó khăn cõng chữ lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đó là những thầy cô bỏ qua quyền lợi cá nhân cao ngất ngưởng đến với những hoàn cảnh éo le khuyết tật chắp cánh cho con trẻ bay cao bay xa.

            Trở lại câu chuyện học và hành, dạy và dỗ, nỗi buồn này đâu còn là của riêng ai. Đã và đang nóng lên trên cả nghị trường, đủ thấy xã hội đã vào cuộc, một tín hiệu đáng mừng cho ngành giáo dục. Đảng và nhà nước đã đặt việc chấn hưng giáo dục vào đúng vị trí tiên phong của chấn hưng đất nước. Tuy nhiên, gở được trận đồ bát quái này phải vào đúng cửa và ra đúng hướng. Người treo chuông phải là ngừơi gỡ chuông, vậy ai là người treo chuông? Chắc hẳn không phài từ trẻ thơ vắt mũi chưa sạch, mà từ “Người lớn”. Chỉ có những đấng bậc “người lớn” có quyền, có tiền, có nhãn quan nhìn xa trông rộng. Mới có khả năng vẽ ra vòng tròn kín đáo cho con cái vận hành trơn tru nhường kia. Tuy nhiên khi thực thi quy trình lại quên mất luật nhân quả cũng không kém phần quan trọng. Mà đỉnh cao hệ lụỵ chính là sai phạm trong thi cử xảy ra ở nhiều địa phương đã bị phanh phui chưa có lời kết thỏa đáng. Ấy là mới chỉ kiểm tra theo dư luận, nếu tổng kiểm tra chắc còn nhiều vấn đề đáng bàn nữa. Cũng chỉ tại căn bệnh thành tích đã ăn vào máu khó điều trị, và hình như người ta cũng không có ý thức điều trị. Thế nên mới có lớp học 43 học sinh có tới 42 em là giỏi, còn một suýt giỏi. Viết ra điều này, một nỗi buồn chua xót ùa về khôn tả giữa cái xấu đang hiện hình và biết bao tấm lòng nhân hậu bao dung. Xã hội đang đặt trên vai các cháu gánh nặng nhân phẩm đạo đức quá sớm, mài mòn, thui chột trí thông minh chập chững hình thành.Ước mơ tương lai tươi đẹp giành cho con cháu là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên chỉ biết khôn hơn người lợi cho riêng mình như ai kia, còn thì sống chết mặc bay. Liệu còn chỗ đứng trong xã hội văn minh nữa hay tự đào thải. Câu hỏi này xin nhường lại cho các bậc sinh thành đã và đang tự tước bỏ chiếc roi ân - uy vô lối gây bất ổn nơi học đường tôn kính. Đã đến lúc gia đình, nhà trường, xã hội cần chung tay tháo chiếc chuông đã tự buộc. Trả lại môi trường trong sáng cho con em “Tiên học lễ hậu học văn” đã tồn tại bao đời.          

 

Xin mạnh dạn bày tỏ đôi điều góp vào công cuộc trồng người, cho tương lai đất nước.

- Với gia đình: việc nuôi dạy con cái là của chính mình, không nên giao khoán nhiệm vụ này cho xã hội. Con ngoan hiền nhận về mình, con hư đổ hết cho thầy cô là không thể chấp nhận. Ngược lại phụ huynh quá quan tâm con cái thông qua tiền, quyền làm ô uế chốn tôn vinh càng không cho phép.

- Với nhà trương: Cần có một tư lệnh ngành đủ tâm đủ tầm, tháo gờ mối bùng nhùng nhiều năm tồn đọng. Thầy phải đủ kiến thức và tư cách, mô phạm trước học trò. Thời đại đã cất cánh mà thầy mãi thấp lùn thì dạy cái gì và dạy ai? Nên được bắt đầu từ khâu tuyển chọn đội ngũ giáo viên. Có trường đẹp, có sách hay mà thầy không đủ tài năng thì không thể có trò giỏi ngoan hiền. Phải triệt để xóa bỏ bệnh thành tích, tệ nạn quyền, tiền can thiệp vào môi trường trong sáng của trẻ thơ. Trách nhiệm của nhà trường là trách nhiệm trước vận mệnh nền văn hiến nước nhà. Mỗi một sự lệch chuẩn nhỏ đều ảnh hưởng tới hưng vong của dân tộc. Bởi vậy chấn hưng giáo dục cần được cân nhắc kỹ càng và đã làm là quyết liệt không chần chừ. Cứ loay hoay hết sách giáo khoa, lại thi cử, càng làm càng sai, thầy cô càng ngày càng sập sệ. Vậy là phải có sách lược lâu dài và chiến lược cho trước mắt.

- Với xã hội: sự tác động của môi trường xã hội trong những năm vừa qua là không nhỏ. Đây là môi trường phức tạp, dàn trải, quá nhiều tệ nạn, khó khống chế. Tiếp xúc với môi trường này, trẻ thơ rất dễ bị lôi kéo vì tò mò, vì hấp dẫn khi nhận thức các em chưa có. Trong khi sự phát triển công nghệ thông tin lại rộng mở con đường tiếp cận với trẻ thơ. Cùng với lối tư duy kim tiền, sống buông thả, thiếu trách nhiệm các bậc cha me. Càng đẩy các cháu đến với cái xấu nhiều hơn đã và đang trở thành vấn nạn cần phải chặn đứng.  

Nói thì dễ, nhưng làm được là điều thật khó, cần có sự vào cuộc đồng loạt của cả ba chân kiềng cùng dốc sức. Đây là sức mạnh thế trận lòng dân. Sự nghiệp trồng người, sao có thể coi nhẹ, cần được khơi dậy lòng tự tôn tộc, nghèo mà không hèn. Hạnh phúc lắm thay khi hình bóng chiếc roi Ân – Uy trở lại như xưa. Trẻ thơ được thả sức vui sống trong môi trường khỏe mạnh về kinh tế, đủ đầy văn minh chân, thiện, mỹ…

Nguồn Văn nghệ số 44/2019


Có thể bạn quan tâm